Tin tức
Trẻ sụp mi đi khám phát hiện mắc hội chứng hiếm gặp ở mắt
- 14/05/2022 | Các phương pháp điều trị sụp mi và địa chỉ thực hiện uy tín
- 19/05/2023 | Khám mắt cho trẻ sơ sinh và những điều cần lưu ý
- 30/11/2023 | Dịch vụ bác sĩ khám mắt tại nhà: lựa chọn chủ động và an tâm cho đôi mắt của bạn
Trẻ sụp mi, đi khám phát hiện nguyên nhân do hội chứng Marcus Gunn
Trẻ N.L.P (6 tuổi, Hà Nội) đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC khám do sụp mi.
Bố mẹ cho biết: trẻ xuất hiện mắt trái sụp mi từ nhỏ, mức độ sụp mi không thay đổi trong ngày và theo thời gian, không có yếu tố chấn thương hay phẫu thuật. Khi trẻ nhai hoặc há to miệng thì mi mắt sụp sẽ cử động và sụp mi có vẻ được cải thiện hơn.
Lo lắng trước dấu hiệu con bị sụp mi nên gia đình quyết định đưa con đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC thăm khám.
Khám toàn thân chưa phát hiện trẻ có bất thường. Khám mắt, thị lực mắt phải 8/10, mắt trái 10/10.
Khám các thông số mi mắt cho thấy mắt trái của trẻ sụp mi 2mm, khi há miệng mi mắt trái nâng cao hơn 1.5-2mm. Kết giác mạc bình thường. Đồng tử phản xạ ánh sáng tốt, RAPD (-). Không có lác và rối loạn vận nhãn. Bán phần sau không phát hiện tổn thương.
Dựa vào kết quả thăm khám, bác sĩ chẩn đoán xác định, trẻ có Mắt trái: Hội chứng Marcus Gunn, mắt phải: Theo dõi tật khúc xạ và được bác sĩ tư vấn hướng điều trị.
Thông tin đầy đủ về hội chứng Marcus Gunn
Bác sĩ Phạm Quỳnh Trang - Chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết, hội chứng Marcus Gunn chiếm khoảng 5% số trường hợp sụp mi bẩm sinh. Hầu hết là bẩm sinh, có một số trường hợp mắc phải đã được báo cáo (rất hiếm) xảy ra do các biến chứng của phẫu thuật hoặc chấn thương.
Hội chứng Marcus Gunn phần lớn gặp ở mắt trái. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Hầu hết bị một mắt (phần lớn gặp ở mắt trái). Nguyên nhân chính xác chưa rõ ràng. Có nhiều giả thuyết khác nhau, nhưng giả thuyết được chấp nhận nhất là có sự kết nối bất thường, vị trí kết nối bất thường này có thể khác nhau như sau:
- Kết nối vỏ não hoặc dưới vỏ não;
- Kết nối gian nhân hoặc sự phân bố bất thường trong bó dọc sau;
- Kết nối sai lệch giữa dây thần kinh sinh ba (nhánh V3) và dây vận nhãn (dây III);
- Một số nhánh của dây V3 có thể đi nhầm đến cơ nâng mi trên.
Trẻ mắc hội chứng Marcus Gunn thường có một trong các dấu hiệu sau:
- Co rút mi sụp kèm theo kích thích cơ chân bướm cùng bên do nhai, mút, há miệng hay vận động hàm sang bên đối diện;
- Các kích thích ít làm gây nháy mắt bao gồm: đưa hàm ra trước, cười, nuốt, nghiến răng;
- Hiện tượng này không cải thiện theo tuổi.
Chẩn đoán phân biệt hội chứng Marcus Gunn với hội chứng khác
Bên cạnh đặc điểm giống nhau là đều có rối loạn vận động đồng vận giữa cơ hàm và cơ vùng mi/mặt, hay có hiện tượng cử động mi bất thường khi thực hiện vận động hàm (như nhai, há miệng)… Để chẩn đoán phân biệt hội chứng Marcus gunn với các rối loạn vận động đồng vận bất thường khác như hội chứng Marcus Gunn đảo ngược, hội chứng Marin-Amat, cần dựa vào những đặc điểm sau:
- Hội chứng Marcus gunn: Khi há miệng, mi bị sụp sẽ nâng lên bất thường.
- Hội chứng Marcus gunn đảo ngược: Khi há miệng, mi mắt càng sụp hơn.
- Hội chứng Marin - Amat: Hai mắt nhắm lại chốc lát khi há miệng (giống như co thắt mi).
Hội chứng Marcus Gunn cần được can thiệp và điều trị thế nào?
Bác sĩ Trang cho biết, bất kỳ can thiệp phẫu thuật nào chỉ nhằm sửa chữa tình trạng sụp mi mà không đồng thời xử lý sự đồng vận bất thường của mí mắt thì có thể làm trầm trọng thêm chuyển động mi mắt bất thường, gây mất thẩm mỹ cho bệnh nhân.
Trường hợp trẻ N.L.P thuộc sụp mi nhẹ, biên độ nháy mi nhỏ. Hiện tượng nháy mi khi nhai được xem là có ý nghĩa về mặt thẩm mỹ nếu biên độ từ 2mm trở lên. Nếu mức độ nháy mi không ảnh hưởng thẩm mỹ đáng kể hoặc nếu sụp mi nhẹ, thì có thể không cần phẫu thuật.
Khi mắc hội chứng Marcus Gunn sẽ có cân nhắc phẫu thuật nếu hiện tượng đồng vận mắt - hàm hay sụp mi gây vấn đề về chức năng hay thẩm mỹ, cụ thể như sau:
- Các trường hợp nhẹ với chức năng cơ nâng mi >5mm, cử động đồng vận ít có thể điều trị sụp mi bằng: cắt cơ Muller, cắt ngắn cơ nâng mi trên…
- Các trường hợp trung bình, nặng: Cắt buông cơ nâng mi (giải quyết yếu tố đồng vận bất thường), cùng với treo cơ trán cùng bên để nâng mi chỉ nhờ cơ trán.
- Phẫu thuật hai mắt: Cắt buông cơ nâng mi bên mắt sụp và kết hợp treo cơ trán hai bên để đảm bảo sự cân đối hai mắt. Phương pháp này giữ nguyên cơ nâng mi bên lành để nâng mí mắt ở tư thế nhìn thẳng, nhưng có thể gây chậm hạ mí khi nhìn xuống.
Khi mắc hội chứng Marcus-Gunn sẽ có cân nhắc phẫu thuật trên từng ca bệnh. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Hội chứng Marcus Gunn không nguy hiểm nhưng có thể gây ảnh hưởng thẩm mỹ và thị lực nếu không được phát hiện, theo dõi và điều trị phù hợp.
Bác sĩ Trang lưu ý, trẻ bị sụp mi bẩm sinh cần khám sớm để kiểm soát nhược thị do mi mắt che lấp trục thị giác, phát hiện tình trạng lác, lệch khúc xạ hai mắt, tư thế đầu bất thường hoặc các bệnh lý toàn thân bẩm sinh phối hợp.
Sụp mi bẩm sinh kèm vận động bất thường mi mắt khiến việc điều trị trở nên phức tạp hơn trường hợp sụp mi thông thường và có thể không khắc phục được hoàn toàn. Vì vậy, tùy theo bệnh cảnh cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp sớm hoặc chỉ theo dõi định kỳ cho bệnh nhân.
Chuyên khoa Mắt, Hệ thống Y tế MEDLATEC ghi điểm hài lòng của khách hàng với những ưu điểm vượt trội
Với gần 30 năm kinh nghiệm và đồng hành chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Hệ thống Y tế MEDLATEC tự hào là địa chỉ tin cậy được hàng triệu người dân lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh đa chuyên khoa. Trong đó, chuyên khoa Mắt ghi điểm với đông đảo khách hàng, bởi những ưu điểm vượt trội như quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa đầu ngành, giàu kinh nghiệm và được trang bị đồng bộ hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại. Hiện tại, chuyên khoa Mắt hiện đáp ứng đầy đủ các dịch vụ về khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt như cận, loạn, đục thủy tinh thể, glaucoma...
Để tìm hiểu thông tin về dịch vụ khám chữa bệnh tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, người dân vui lòng liên hệ tổng đài toàn quốc duy nhất: 1900 56 56 56 (hoạt động 24/24h).
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
