Tin tức

Triệu chứng co giật chân tay khi ngủ bắt nguồn từ nguyên nhân nào?

Ngày 17/11/2024
Triệu chứng co giật chân tay khi ngủ là tình trạng khá phổ biến và thường làm giảm chất lượng giấc ngủ của người bệnh. Hiện có nhiều ý kiến về nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Để tìm hiểu rõ lý do chân tay bạn lại bị co giật trong khi ngủ, hãy cùng MEDLATEC theo dõi các thông tin trong bài phân tích dưới đây.

1. Triệu chứng co giật chân tay khi ngủ

Co giật chân tay khi ngủ là khi phần cơ bị co giật và hiện tượng này có thể diễn ra theo trình tự hoặc mang tính ngẫu nhiên. Những cơn co giật thường phát giác theo từng nhóm cơ hoặc thớ cơ riêng lẻ, thậm chí là rung giật toàn thân trong khi ngủ, xảy ra trong giai đoạn cơ thể chuyển tiếp từ trạng thái thức sang ngủ hoặc giai đoạn cuối giấc. Khi vừa mới chìm vào giấc ngủ thì cơ bắp đột nhiên co giật, người bệnh đôi khi trải qua hiện tượng rơi xuống hay hụt chân. 

Thường thì triệu chứng co giật chân tay khi ngủ chỉ xuất hiện ngắn hạn, thoáng qua và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng gì. Tuy nhiên cũng có những trường hợp rung giật cơ mạnh khiến người bệnh bị giật mình và thức giấc khi ngủ. Nếu tình trạng này diễn ra nhiều lần và làm giảm chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân thì rất có thể là do nguyên nhân bệnh lý nào đó. 

Co giật cơ khi ngủ sẽ làm giảm chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân

Co giật cơ khi ngủ sẽ làm giảm chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân

2. Nguyên nhân khiến bạn bị rung giật chân tay khi ngủ

Triệu chứng co giật chân tay khi ngủ được cho rằng đó là do não bộ điều khiển. Vì một lý do nào đó não bộ không được báo hiệu rằng cơ thể đang đi vào giấc ngủ mà hiểu nhầm rằng cơ thể đang bị rơi tự do. Ngay lập tức não bộ sẽ phát đi tín hiệu khẩn để làm co thắt cơ bắp khiến chân tay co giật khi ngủ, cường độ giật mạnh có thể khiến người bệnh tỉnh giấc. Hiện tượng này thường xuất hiện khi cơ thể căng thẳng và mệt mỏi

Một cách giải thích khác cho triệu chứng co giật chân tay khi ngủ: não bộ là cơ quan chịu trách nhiệm điều khiển mọi hoạt động của tay chân. Khi con người đi vào giấc ngủ não bộ sẽ khống chế chân tay trong vô thức, cơ bắp sẽ được thả lỏng để nghỉ ngơi. Tuy nhiên trong quá trình ngủ lưu lượng máu sẽ giảm xuống, dây thần kinh cơ bắp ở chân tay vẫn còn hoạt động sẽ gây phản ứng co giật cơ. Khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi thì chỉ cần một triệu chứng co giật nhỏ cũng dễ phát hiện ra.

Cảm giác rơi tự do khi ngủ là một trải nghiệm nhiều người đã từng gặp phải

Cảm giác rơi tự do khi ngủ là một trải nghiệm nhiều người đã từng gặp phải

Ngoài việc đó là biểu hiện bình thường của cơ thể thì co giật chân tay khi ngủ còn là một dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề về sức khỏe cũng cần phải lưu ý:

2.1. Hội chứng chân không ngưng nghỉ

Đây là một dạng rối loạn thần kinh với những cơn co giật chân điển hình. Bệnh nhân sẽ có cảm giác tê dần dần, đau nhói, khó chịu không yên ở chân buộc người bệnh phải liên tục đi lại, di chuyển. Những biểu hiện này thường diễn ra vào ban đêm khi đi ngủ hoặc khi người bệnh nghỉ ngơi.

Bất kỳ đối tượng ở độ tuổi nào cũng có thể gặp phải hội chứng này và nó sẽ tái diễn suốt cả đêm khi ngủ khiến bệnh nhân tỉnh giấc nhiều lần, khó có được giấc ngủ trọn vẹn. Vì thế nên người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, uể oải và buồn ngủ hơn vào ban ngày, lâu dần gây suy giảm trí nhớ, trầm cảm và sa sút trí tuệ, thể chất.

Một số yếu tố có thể dẫn tới sự hình thành của hội chứng chân không ngưng nghỉ đó là do thiếu máu, thiếu sắt, bệnh lý thần kinh hay suy thận. 

2.2. Rối loạn giấc ngủ

Hệ thần kinh sẽ giảm chức năng khi cơ thể chìm vào giấc ngủ, bao gồm cả chức năng vận động. Lúc này trương lực cơ giảm, vì không còn chịu sự chi phối của hệ thần kinh trung ương nên các cơ sẽ không cử động. 

Lúc này chỉ còn não bộ đảm nhiệm vai trò điều hòa trạng thái thức - ngủ của cơ thể. Nếu bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ do mệt mỏi, stress, suy nhược hay do các bệnh về thần kinh, tim phổi thì sẽ dẫn tới triệu chứng co giật chân tay khi ngủ. 

2.3. Do mắc bệnh động kinh

Bệnh động kinh vẫn có thể xảy ra trong giấc ngủ, cụ thể là các thời điểm như ngủ đêm (1 - 2 giờ đầu tiên), vào sáng sớm hoặc khi ngủ trưa với triệu chứng là co giật tay chân. Người bị động kinh thường không ý thức được các triệu chứng của bệnh trong lúc ngủ, sau đó họ sẽ bị mệt mỏi và giảm khả năng tập trung vào ban ngày.

Ngoài các nguyên nhân nêu trên, triệu chứng co giật chân tay khi ngủ còn có thể là do hệ thần kinh trung ương phản ứng quá mẫn với tiếng ồn, ánh sáng hoặc những sự kiện xảy ra trong giấc mơ. Hay điều này cũng có thể đến từ các bệnh lý thần kinh khác như: đa xơ cứng, bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson,... Đồng thời rung giật cơ khi ngủ cũng có khả năng là hệ quả của thói quen sinh hoạt hàng ngày: tập thể dục quá mức trước giờ đi ngủ, tâm lý căng thẳng và lo âu, thiếu ngủ, sử dụng chất kích thích hoặc một số loại thuốc gây ảnh hưởng tới giấc ngủ.

Rối loạn giấc ngủ là một trong những nguyên nhân dẫn tới triệu chứng co giật chân tay khi ngủ

Rối loạn giấc ngủ là một trong những nguyên nhân dẫn tới triệu chứng co giật chân tay khi ngủ

3. Điều trị triệu chứng co giật chân tay khi ngủ

Đa phần người bệnh bị co giật chân tay khi ngủ không thường xuyên đều không cần thiết phải điều trị. Bệnh nhân chỉ cần giải quyết các yếu tố gây ra triệu chứng này, ví dụ như hạn chế lo âu, căng thẳng, không dùng chất kích thích, caffeine, nghỉ ngơi thư giãn hợp lý trước khi ngủ,...

Đối với những trường hợp bị rung giật cơ khi ngủ do bệnh lý thì cần phải thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Một số loại thuốc thường được áp dụng để điều trị tình trạng này đó là:

  • Clonazepam: công dụng giúp giảm co rút cơ, hỗ trợ làm giãn cơ, an thần và giúp bệnh nhân dễ đi vào giấc ngủ. Người bệnh nên bắt đầu điều trị từ liều thấp nhất và nên phối hợp với những biện pháp không cần dùng thuốc để tăng hiệu quả điều trị;
  • Natri Valproate: dùng riêng lẻ hoặc có thể dùng song song với Clonazepam;
  • Những loại thuốc khác: Phenytoin, Barbiturat hay Primidone được dùng trong điều trị các rối loạn thần kinh có gây triệu chứng co giật chân tay khi ngủ;
  • Đối với từng nguyên nhân gây bệnh (Alzheimer, Parkinson, bệnh động kinh hay đa xơ cứng), bác sĩ sẽ chỉ định từng phác đồ điều trị cụ thể, chuyên biệt.

Nhìn chung khi sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng co giật chân tay khi ngủ cần phải tuân thủ theo đơn kê của bác sĩ, không nên dùng lâu dài vì nguy cơ tác dụng phụ do thuốc gây ra là rất cao. 

Trên đây là những thông tin cơ bản bạn có thể tham khảo về tình trạng rung giật cơ khi ngủ. Nếu bạn đang có các triệu chứng của hiện tượng này thì có thể thử cải thiện tại nhà bằng các cách nêu trong bài viết. Trong trường hợp nghi ngờ đó là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó thì bạn nên đi khám để tìm hiểu nguyên nhân. Nếu cần được tư vấn thêm về chứng co giật tay chân khi ngủ, bạn có thể liên hệ đặt lịch khám cùng các bác sĩ tại Chuyên khoa Thần kinh - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo hotline 1900565656.

Từ khoá: co giật

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ