Tin tức
Triệu chứng điển hình của 5 giai đoạn của bệnh suy thận mạn tính
- 11/05/2021 | Tại sao suy thận mạn lại thiếu máu và cách phòng ngừa hiệu quả
- 23/04/2021 | Bác sĩ chỉ ra triệu chứng thiếu máu ở bệnh nhân suy thận
- 17/04/2021 | Tư vấn: Suy thận cấp có nguy hiểm không?
1. Các giai đoạn của bệnh suy thận mạn tính và triệu chứng
Dựa trên mức độ tổn thương thận, cụ thể là chỉ số đánh giá mức lọc cầu thận, y học chia bệnh suy thận mạn tính thành 5 giai đoạn. Càng ở giai đoạn cuối, chức năng thận càng bị suy giảm nghiêm trọng, việc điều trị trở nên khó khăn và biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Suy thận mạn tính là bệnh lý nguy hiểm và tiến triển âm thầm
Triệu chứng của các giai đoạn bệnh khác nhau như sau:
1.1. Suy thận mạn tính giai đoạn 1 và 2
Đây là những giai đoạn đầu tiên của bệnh, khi tổn thương thận chưa nghiêm trọng, mức độ suy giảm lọc cầu thấp rơi vào khoảng >90 ml/phút/1.73 m3 với giai đoạn 1 và 60 đến 89 ml/phút/1.73 m3 với giai đoạn 2).
Đặc điểm chung của hai giai đoạn suy thận mạn tính này là triệu chứng bệnh không rõ ràng, thường chỉ khởi phát theo đợt nên bệnh nhân rất khó phát hiện ra bệnh. Ở những đợt khởi phát cấp tính của suy thận mạn tính, người bệnh có thể thấy chán ăn, thiếu máu nhẹ, tiểu đêm nhiều lần, cảm giác mệt mỏi, đau tức ở hai bên thắt lưng.
Đa phần bệnh nhân không tự phát hiện bản thân mình mắc suy thận mạn tính giai đoạn 1 và 2, chỉ tình cờ phát hiện khi kiểm tra sức khỏe hoặc thăm khám bệnh lý khác. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn này, điều trị với phương pháp đúng và chế độ ăn uống hợp lý, người bệnh có thể kiểm soát tốt bệnh cũng như ngăn ngừa triệu chứng xảy ra.
Suy thận mạn tính giai đoạn đầu thường không có triệu chứng
1.2. Suy thận mạn tính giai đoạn 3
Ở giai đoạn này, chức năng của thận đã không còn tốt, mức lọc cầu thận đã giảm ở mức trung bình: từ 30 - 59 ml/phút/1.73 m3). Triệu chứng ở giai đoạn này cũng chưa rõ ràng, có những bệnh nhân vẫn không xuất hiện dấu hiệu bất thường nào. Ở một số người trong đợt khởi phát cấp tính có thể có những biểu hiện như: đau lưng, phù mi mắt, nặng mặt, sưng ở tay và chân, đi tiểu với lượng nhiều hoặc ít hơn bình thường.
1.3. Suy thận mạn tính giai đoạn 4
Mức lọc cầu thận giai đoạn bệnh này giảm chỉ còn 15 - 29 ml/phút/1.73 m3, đồng thời biểu hiện hiện lâm sàng cũng xuất hiện rõ ràng. Người bệnh có thể gặp một vài hoặc tất cả các triệu chứng do suy giảm chức năng lọc máu của thận như: da xanh xao, tăng huyết áp, xuất huyết đường tiêu hóa, chán ăn, tiểu đêm nhiều lần, buồn nôn, phù nề và ngứa toàn thân, đau nhức đầu thường xuyên,…
Chất độc tích tụ trong máu càng nhiều do chức năng lọc máu của thận giảm thì triệu chứng bệnh càng rõ ràng, đặc biệt là triệu chứng nhiễm độc. Để cải thiện triệu chứng và giảm nguy cơ tổn thương nội tạng nghiêm trọng, người bệnh cần chạy thận thường xuyên để lọc máu nhân tạo.
1.4. Suy thận mạn tính giai đoạn 5
Đây là giai đoạn bệnh nghiêm trọng nhất, khi thận đã bị hư tổn nghiêm trọng với mức lọc cầu thận giảm thấp chỉ còn dưới 15 ml/phút. Bệnh nhân đồng thời xuất hiện nhiều triệu chứng lâm sàng do các cơ quan bị nhiễm độc, đặc biệt là tim mạch, tiêu hóa, thần kinh, da và máu.
Suy thận mạn tính gây nhiễm độc nhiều cơ quan
Bệnh nhân bị suy thận mạn tính giai đoạn 5 bắt buộc phải chạy thận nhân tạo thường xuyên để duy trì sự sống cũng như cải thiện tình trạng bệnh. Tuy nhiên ghép thận mới là phương pháp đem lại hy vọng sống lâu dài cho người bệnh.
2. Các biện pháp phòng ngừa bệnh suy thận mạn tính
Dù phát hiện bệnh suy thận mạn tính ở giai đoạn nào thì hiện nay cũng không có phương pháp phục hồi hoàn toàn chức năng thận. Tuy nhiên điều trị sớm có thể giúp kiểm soát tiến triển của bệnh, cũng như đảm bảo sức khỏe và kéo dài sự sống cho bệnh nhân.
Vì thế phòng ngừa bệnh suy thận mạn tính vẫn luôn được các chuyên gia y tế đánh giá hàng đầu bằng các biện pháp sau:
2.1. Kiểm soát yếu tố nguy cơ gây suy thận.
Suy thận mạn tính thường là biến chứng của các bệnh lý về thận cũng như bệnh lý mạn tính khác, cụ thể:
Bệnh lý ở thận: sỏi thận, viêm cầu thận, viêm bể thận,…
Khi mắc những bệnh lý này, cần điều trị triệt để càng sớm càng tốt để tránh suy giảm chức năng thận từ từ.
Bệnh lý khác
Suy thận thường là biến chứng của các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường,… Vì thế, kiểm soát huyết áp và đường huyết ở các đối tượng này vô cùng quan trọng, thường xuyên tái khám cần đồng thời kiểm tra chức năng của thận.
2.2. Chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng trong sức khỏe con người cũng như hoạt động của thận. Cần lưu ý:
Hạn chế hấp thu đạm
Ăn quá nhiều chất đạm làm tăng gánh nặng cho thận, khiến thận phải hoạt động thải lọc nhiều hơn do hoạt động chuyển hóa tạo ra nhiều chất độc. Bởi vậy, không nên duy trì chế độ ăn chứa quá nhiều đạm mỗi ngày.
Không nên ăn quá nhiều đạm làm tổn thương đến thận
Hạn chế muối
Muối là gia vị quan trọng và giúp món ăn của bạn thơm ngon hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, việc hấp thu quá nhiều muối là nguyên nhân dẫn đến tích nước, từ đó gây tăng huyết áp và tăng nguy cơ dẫn đến bệnh lý thận, tim mạch. Các chuyên gia khuyến cáo mỗi người chỉ nên hấp thu từ 5 - 6 gam muối mỗi ngày.
2.3. Bổ sung đủ nước
Cơ thể người cần 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày, song không ít người hấp thụ lượng nước ít hơn nhu cầu này khiến cho hoạt động thải lọc, điều hòa trong cơ thể bị gián đoạn. Hơn nữa, uống nhiều nước giúp thận bài tiết chất thải độc hại ra khỏi cơ thể dễ dàng hơn, giúp con người khỏe mạnh hơn.
2.4. Thể dục thường xuyên và vừa phải
Hoạt động thể chất hàng ngày là cần thiết để tăng cường sức khỏe, tăng thải lọc chất độc và phòng ngừa bệnh lý. Tuy nhiên nên tránh hoạt động quá mạnh, đồng thời tăng cường lượng nước hấp thu sau khi tập thể dục để tránh mất nước.
2.5. Hạn chế thức uống có cồn và thuốc lá
Người thường xuyên hút thuốc lá không chỉ tàn phá phổi mà còn gây nguy cơ đau tim, đột quỵ và các bệnh lý tim mạch khác. Suy thận là bệnh lý thứ phát nên người nghiện thuốc lá nên bỏ hút càng sớm càng tốt.
Thức uống có cồn không tốt cho thận và sức khỏe chung
Cùng với đó, thức uống có cồn gây hại cho thận cũng cần hạn chế, đặc biệt là những người mắc bệnh gan hay tim mạch.
Sau khi phát hiện bệnh, các bác sĩ cần chẩn đoán giai đoạn của bệnh suy thận mạn tính để tìm phương pháp điều trị thích hợp.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!