Tin tức
Triệu chứng hạ đường huyết ở người tiểu đường và phương án xử trí
- 20/05/2023 | Hạ đường huyết nên ăn gì và cần tránh những thực phẩm nào?
- 20/06/2023 | Hạ đường huyết và những thông tin cơ bản cần ghi nhớ
- 30/04/2024 | Nguyên nhân gây hạ đường huyết sau ăn
- 01/04/2024 | Cách hạ đường huyết cho bà bầu
1. Triệu chứng hạ đường huyết ở người tiểu đường
Lượng đường máu giảm quá thấp, dưới mức 70 mg/dL hoặc 3.9 mmol/L được gọi là hạ đường huyết. Bệnh nhân tiểu đường là những trường hợp có nguy cơ cao bị hạ đường huyết. Nếu không xử trí sớm, có thể dẫn đến những hiện tượng như co giật, mất ý thức và thậm chí là tử vong.
Hạ đường huyết là vấn đề dễ gặp ở bệnh nhân bị tiểu đường
Tình trạng hạ đường huyết ở người tiểu đường thường gây ra những triệu chứng như sau:
1.1. Một số triệu chứng sớm
Khi lượng đường trong máu giảm thấp, bệnh nhân thường gặp phải một số triệu chứng sớm như:
- Run rẩy.
- Chóng mặt, đau đầu.
- Cảm thấy đói.
- Vã mồ hôi.
- Tim đập nhanh.
- Khó tập trung.
- Khó chịu, lo lắng quá mức.
1.2 Một số triệu chứng hay xảy ra vào ban đêm
Triệu chứng hạ đường huyết ở người tiểu đường có thể xảy ra vào ban đêm, khi người bệnh đang ngủ. Cụ thể như sau:
- Người bệnh đổ mồ hôi nhiều khi ngủ khiến quần áo và chăn ga bị ẩm ướt.
- Thường xuyên gặp ác mộng.
- Thức dậy với cảm giác mệt mỏi và khó chịu.
1.3 Triệu chứng nghiêm trọng
Tình trạng đường huyết giảm quá thấp mà không được phát hiện và xử trí sớm, người bệnh có thể gặp phải những triệu chứng như:
- Ăn uống khó khăn.
- Khó nói.
- Yếu cơ.
- Nhìn mờ.
- Lú lẫn.
- Co giật, mất ý thức.
- Thậm chí có thể tử vong.
Những triệu chứng hạ đường huyết ở người tiểu đường có thể khác nhau và cũng có những trường hợp không xuất hiện triệu chứng rõ ràng. Vì thế, việc theo dõi đường huyết thường xuyên là vô cùng quan trọng đối với những bệnh nhân tiểu đường để kịp thời nhận biết và xử trí khi đường máu giảm quá thấp. Khi thấy xuất hiện triệu chứng hạ đường huyết, bệnh nhân nên đi khám sức khỏe và có thể thay đổi liều lượng thuốc điều trị (trong trường hợp cần thiết và theo chỉ định của bác sĩ) để kiểm soát bệnh hiệu quả.
2. Hạ đường huyết ở người tiểu đường là do đâu?
Rất nhiều nguyên nhân gây hạ đường huyết ở người tiểu đường và dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:
- Người bệnh dùng quá nhiều insulin và một số loại thuốc điều trị tiểu đường.
- Người bệnh ăn kiêng không hợp lý, chẳng hạn như ăn quá ít, trì hoãn bữa ăn hoặc bỏ bữa.
- Thiếu insulin nội sinh tuyệt đối (ở những trường hợp tiểu đường type 1) hoặc thiếu nặng (ở những trường hợp tiểu đường type 2 lâu năm): Mất cơ chế ngừng bài tiết insulin và kèm theo là mất cơ chế tăng bài tiết glucagon.
- Kiểm soát đường huyết tích cực (HbA1c thấp).
Người bệnh không nên bỏ bữa hoặc ăn kiêng quá mức
- Người bệnh thường xuyên vận động thể chất, tập luyện quá nhiều nhưng không bổ sung dinh dưỡng hợp lý.
- Thường xuyên uống bia rượu.
Ngoài những nguyên nhân nêu trên, người bệnh tiểu đường cũng dễ bị hạ đường huyết nếu:
+ Người bệnh đã cao tuổi hoặc các trường hợp trẻ nhỏ bị tiểu đường.
+ Phụ nữ mang thai mắc tiểu đường type 1 ở 3 tháng đầu.
+ Người bệnh đã bị tiểu đường trong thời gian dài.
+ Trường hợp dao động glucose máu nhiều.
+ Người bị suy tim, nhiễm trùng máu, suy giảm nhận thức - sa sút trí tuệ,...
3. Giải pháp khắc phục hạ đường huyết ở người tiểu đường
Hạ đường huyết ở người tiểu đường là một vấn đề nghiêm trọng và cần được xử trí sớm để phòng ngừa nguy cơ tử vong và kiểm soát bệnh hiệu quả hơn. Dưới đây là hướng dẫn cách xử trí khi người bệnh bị hạ đường huyết:
- Kiểm tra chỉ số đường huyết: Những trường hợp đang dùng thuốc điều trị và xuất hiện những triệu chứng nghi ngờ giảm đường huyết thì cần ngay lập tức kiểm tra chỉ số đường huyết.
- Bổ sung đường: Nếu những triệu chứng không quá nghiêm trọng và kết quả chỉ số đường huyết không quá thấp, bạn có thể khắc phục tình trạng này bằng cách uống một cốc nước đường, uống một cốc sữa hoặc ăn hoa quả và ăn kẹo. Khoảng 15 phút sau, kiểm tra lại đường máu. Nếu chỉ số này vẫn chưa về mức bình thường, bạn có thể ăn thêm một chút đồ ăn.
Ăn một chút bánh ngọt có thể giúp bệnh nhân cải thiện chỉ số đường huyết
- Đưa người bệnh đến cơ sở y tế: Nếu người bệnh bị giảm đường huyết quá thấp với những triệu chứng nghiêm trọng như co giật, hôn mê,... cần nhanh chóng đưa người bệnh đến những cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ cấp cứu kịp thời. Bên cạnh đó, người nhà cần lưu ý không cho bệnh nhân đang bị ngất ăn hay uống để tránh nguy cơ sặc, tắc nghẽn đường thở.
Tại cơ sở y tế, người bệnh thường được các bác sĩ xử trí cấp cứu theo một số bước như sau:
+ Tiêm tĩnh mạch dung dịch đường glucose 20-30% để nhanh chóng cung cấp đường cho người bệnh. Nếu bệnh nhân chưa tỉnh thì cần được tiêm nhắc lại. Sau đó, tiếp tục truyền glucose để duy trì đường huyết > 5,5 mmol/l.
+ Nếu không thể lấy ven cho người bệnh, bác sĩ có thể tiêm bắp 1 ống Glucagon 1mg. Có thể tiêm nhắc lại nếu sau 10 phút vẫn không có kết quả.
+ Những trường hợp bị hạ đường huyết kéo dài cần được truyền glucose tĩnh mạch. Khi người bệnh tỉnh, có thể dùng thuốc qua đường uống.
+ Bệnh nhân cần được theo dõi chỉ số đường huyết liên tục.
4. Phòng ngừa hạ đường huyết ở người tiểu đường
Để phòng tránh nguy cơ bị hạ đường huyết ở người tiểu đường, bệnh nhân cần lưu ý những điều sau:
- Cần uống thuốc hay tiêm thuốc đúng liều lượng và đúng giờ theo những chỉ định cụ thể của bác sĩ.
- Cần áp dụng chế độ ăn khoa học, lành mạnh: Chẳng hạn như ăn đủ các nhóm chất cần thiết, không nên kiêng khem quá mức, ăn đủ bữa và ăn đúng giờ, không bỏ bữa và thời gian giữa các bức ăn không nên cách xa nhau.
- Mỗi người bệnh nên chuẩn bị máy đo đường huyết tại nhà để thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu.
Hạ đường huyết ở người tiểu đường rất nguy và có nguy cơ cao gây tử vong nếu bệnh nhân không được phát hiện và điều trị sớm. Do đó, người bệnh cần trang bị những kiến thức cơ bản để xử trí đúng cách và chủ động phòng ngừa hạ đường huyết trong quá trình điều trị bệnh.
Tết Nguyên đán là dịp gia đình đoàn tụ, cũng là lễ hội lớn nhất trong năm và chắc chắn không thể thiếu những bữa tiệc với các món ăn truyền thống như bánh chưng, thịt mỡ và nhiều loại bánh kẹo. Nếu không áp dụng chế độ ăn nghiêm ngặt, người bệnh rất khó duy trì đường huyết ổn định. Do đó, kiểm tra sức khỏe tổng quát và đặc biệt là kiểm tra chỉ số đường huyết là vấn đề cần thiết đối với bệnh nhân tiểu đường.
Quý khách hàng có thể đặt lịch lấy mẫu xét nghiệm đường huyết tận nơi của MEDLATEC
Mọi thắc mắc cần được giải đáp hoặc có nhu cầu đặt lịch khám, kiểm tra đường huyết tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56, các tổng đài viên sẽ tư vấn cụ thể cho bạn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!