Tin tức

U phổi lành tính: nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị

Ngày 17/12/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
U phổi lành tính là một bệnh lý không phải hiếm gặp nhưng lại khiến bệnh nhân cảm thấy lo lắng vì lo sợ nó sẽ trở thành khối u ác tính trong tương lai gần. Vậy loại u phổi này có đặc điểm gì? Nguyên nhân hình thành là do đâu và làm thế nào để khắc phục? Hãy cùng theo dõi qua bài viết sau đây để hiểu rõ hơn về u phổi lành tính bạn nhé!

1. Khái niệm và phân loại u phổi lành tính  

1.1. U phổi lành tính là gì?

U phổi lành tính là khi có một khối u hình thành ngay tại phổi hoặc xuất hiện trong đường hô hấp đi tới phổi. Khối u này khác với dạng u ác đó là nó tăng trưởng chậm, không có khả năng phân chia và di căn sang những cơ quan khác. Đặc biệt u phổi lành tính thường không đe dọa đến tính mạng người bệnh. 

Cần phân biệt giữa u phổi lành tính và nốt phổi. Nốt phổi có thể dễ dàng phát hiện trên hình ảnh chụp X-quang hoặc chụp CT, chúng thường đứng đơn độc hoặc nhiều nốt phổi tập trung sát với nhau. Chỉ khi những nốt phổi lớn trên 3cm thì mới được coi là u phổi. Nếu những tế bào trong cấu tạo nên các u phổi có tính chất bình thường, không chèn áp hay xâm lấn sang các mô khác thì được coi là u lành tính. 

Ngoài ra người bệnh cũng cần nhận biết sự khác biệt giữa u phổi lành tính và u phổi ác tính dựa trên những tiêu chí như sau:

  • Tốc độ phát triển: u lành ở phổi có tốc độ phát triển chậm. Trong khi đó khối u ác gia tăng rất nhanh về kích thước, có thể nhân đôi trong vòng 4 tháng;

  • Khả năng xâm lấn: ngược lại với u phổi lành tính, u ác thường có xu hướng xâm lấn, chèn ép sang những tổ chức xung quanh nó, thậm chí là di căn đến các cơ quan ở xa;

  • Nguy cơ tái phát: cả hai loại u đều có thể xuất hiện lại sau khi đã được loại bỏ. Tuy nhiên u phổi lành tính thường sẽ mọc lại ở vị trí cũ, còn u ác thì có thể tái phát ở vị trí cũ hoặc ở nơi khác;

  • Tuổi tác khởi phát bệnh: bất kỳ ai ở độ tuổi nào cũng có thể bị u phổi lành tính. Còn u phổi ác tính thường xuất hiện nhiều hơn ở người lớn tuổi;

  • Ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe: u lành ở phổi có thể kiểm soát và điều trị được, chỉ thực sự gây nguy hiểm nếu mọc ở các mạch máu lớn trong ngực. Ngược lại u phổi ác tính hay ung thư phổi có nguy cơ gây tử vong rất lớn.

U phổi lành tính là khi có một khối u xuất hiện tại phổi hoặc trong đường hô hấp đi tới phổi

U phổi lành tính là khi có một khối u xuất hiện tại phổi hoặc trong đường hô hấp đi tới phổi

1.2. Phân loại u phổi lành tính 

Dưới đây là các loại u lành hay gặp ở phổi:

  • Hamartomas: là loại phổ biến nhất, xuất hiện nhiều ở bệnh nhân từ 50 - 70 tuổi. Phần lớn chúng thường phát triển ở phần ngoài của mô liên kết của phổi, phần còn lại thì hình thành trong lòng các ống phế quản. Hamartomas do một số lượng lớn bất thường của các mô liên kết, mô sụn, cơ và chất béo tạo thành. Đường kính của Hamartomas thường nhỏ hơn 4cm, có thể nhìn thấy trên phim chụp X-quang với hình dạng tương tự bỏng ngô, lông cừu hoặc đồng xu. Loại u này đa phần chỉ phát triển giới hạn trong một khu vực chứ không xâm lấn sang các mô xung quanh;

  • Papillomas: là một dạng u nhú ít phổ biến hơn, phần lớn là xuất hiện trong các ống phế quản và được phân thành 3 loại chính đó là:

  • U nhú dạng vảy: chính là hệ quả của việc nhiễm phải virus gây u nhú ở người, phát triển ở cả người lớn và trẻ em. Đôi khi có trường hợp u nhú dạng vảy tiến triển thành dạng ác tính;

  • U nhú tuyến: thường bắt gặp ở người lớn và ít phổ biến hơn dạng vảy. Hầy như u nhú tuyến đều phát triển dưới dạng nốt, nằm giữa phổi;

  • U nhú hỗn hợp: là các u có đặc điểm chứa những mô u nhú của cả hai dạng trên.

  • U tuyến phế quản: đây cũng là một dạng nốt phổi lành tính, thường hình thành trong tuyến nhầy và ống phế quản;

  • Các dạng u lành ở phổi khác: u lipomas, fibromas, chondromas và neurofibromas. Cấu thành nên các u này là mô mỡ và các mô liên kết.

2. Nguyên nhân hình thành và triệu chứng u phổi lành tính 

2.1. Nguyên nhân hình thành các u lành ở phổi

Cho đến hiện tại vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác hình thành nên các u phổi lành tính. Chúng có thể là hệ quả của những yếu tố sau:

  • Nghiện thuốc lá lâu năm;

  • Áp xe phổi: là tình trạng nhiễm trùng có mủ do vi khuẩn;

  • Mắc bệnh u hạt: do nhiễm phải nấm hoặc vi khuẩn lao;

  • Nhiễm phải virus HPV gây u nhú ở người;

  • Viêm do u hạt Wegener, Sarcoidosis, viêm khớp dạng thấp;

  • Dị tật bẩm sinh như sẹo, u nang phổi hoặc dị dạng phổi.

2.2. Triệu chứng của bệnh

Những u lành ở phổi thường ít khi bộc lộ triệu chứng rõ ràng, vì vậy chúng chỉ được phát hiện khi bệnh nhân thực hiện chụp X-Quang hay chụp CT khi khám sức khỏe định  kỳ hay khám vì bệnh lý  khác. Nếu có thì cũng là những biểu hiện không đặc hiệu như sau:

  • Ho kéo dài, trong một vài trường hợp có thể bị ho ra máu;

  • Khó thở, thở khò khè, khản tiếng;

  • Sút cân, thể trạng mệt mỏi;

  • Sốt, đôi khi  kèm theo cả viêm phổi.

Khi có các triệu chứng nêu trên, tốt nhất là bệnh nhân nên đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và có hướng xử trí đúng cách.

U phổi lành tính có thể khiến người bệnh có biểu hiện ho kéo dài, đôi khi là ho ra máu

U phổi lành tính có thể khiến người bệnh có biểu hiện ho kéo dài, đôi khi là ho ra máu

3. U phổi lành tính thường được chẩn đoán bằng phương pháp gì? 

Trước tiên bác sĩ cần được bệnh nhân cung cấp chi tiết các thông tin về bệnh sử, triệu chứng lâm sàng mà người bệnh gặp phải, đồng thời khám tổng quát nghe tim phổi cho bệnh nhân. Sau đó bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân thực hiện chụp X-quang qua những lần khác nhau để theo dõi. Nốt phổi được xem là lành tính nếu duy trì kích thước cũ dưới  3cm trong vòng ít nhất là 2 năm. Tuy nhiên mỗi năm bạn vẫn phải kiểm tra định kỳ 1 lần, liên tục làm điều này trong 5 năm tiếp theo để đảm bảo rằng u này không tiến triển thành u ác tính.

Nếu có sự thay đổi về kích thước và hình dáng của u phổi, bệnh nhân cần phải tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới những biến đổi này và loại trừ nguy cơ ung thư bằng cách thực hiện các xét nghiệm dưới đây:

  • Xét nghiệm máu, lao trên da giúp kiểm tra nguy cơ bị lao;

  • Chẩn đoán hình ảnh: chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp CT phát xạ ảnh đơn (SPECT), chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET);

  • Nội soi phế quản để kiểm tra đường thở;

  • Sinh thiết mô soi dưới kính hiển vi giúp phân biệt xem đó là u lành hay u ác.

4. Điều trị u phổi lành tính như thế nào? 

Khi khối u được xác định là lành tính thì bệnh nhân sẽ được cho dùng thuốc để hạn chế sự phát triển về kích thước. Ngoài ra bệnh nhân cần tái khám định kỳ theo lịch hẹn  ít nhất 2 lần/năm để theo dõi về sự thay đổi của khối u.

Nếu gặp phải những trường hợp dưới đây bệnh nhân có thể phải tiến hành phẫu thuật:

  • Nguy cơ ung thư phổi cao và đã hút thuốc lâu năm;

  • Kết quả xét nghiệm chỉ ra rằng nguy cơ khối u có thể tiến triển thành ác tính là rất cao;

  • Người bệnh thường xuyên bị khó thở kèm theo các biểu hiện khó chịu khác tại đường hô hấp;

  • Khối u liên tục to lên, thay đổi về hình dáng, cấu trúc  và không có dấu hiệu dừng lại.

Phụ thuộc vào loại u và vị trí xuất hiện của khối u, bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp phẫu thuật phù hợp và có khả năng đem lại hiệu quả cao nhất. 

Bệnh nhân bị u phổi lành tính vẫn cần phải tái khám định kỳ hàng năm

Bệnh nhân bị u phổi lành tính vẫn cần phải tái khám định kỳ hàng năm

Hy vọng rằng những thông tin về u phổi lành tính trên đây có ích đối với bạn. Nếu cơ thể bạn đang xuất hiện các triệu chứng bất thường nghi ngờ bị u phổi hoặc các bệnh về đường hô hấp, vậy thì hãy đi khám trong thời gian sớm nhất có thể. Bởi vì nếu để muộn sẽ làm tăng nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm trong tương lai, cho dù đó là u phổi lành tính cũng có thể phát triển sang thể ác tính. 

Chuyên khoa Hô hấp -  Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là địa chỉ đáng tin cậy, quy tụ nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn. Bệnh viện còn được trang bị máy móc hiện đại (máy chụp X-quang, chụp CT, MRI,...), hệ thống Trung tâm Xét nghiệm đạt chứng nhận quốc tế ISO 15189:2012 và CAP giúp khách hàng nhanh chóng nhận được kết quả với độ chính xác cao.

Để đặt lịch khám với các bác sĩ tại Chuyên khoa Hô hấp của MEDLATEC, bạn vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56, tổng đài viên sẽ tư vấn và đăng ký khám trực tiếp cho bạn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.