Tin tức
Ung thư phúc mạc: Triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh
1. Các giai đoạn của bệnh ung
thư phúc mạc
Phúc mạc là một lớp mỏng tế bào biểu mô. Nhiệm vụ của lớp mỏng này chính là lót thành bụng và giống như một lớp bảo vệ các cơ quan bên trong ổ bụng chẳng hạn như dạ dày, đại tràng, bàng quang, gan, tụy,... Bên cạnh đó, lớp phúc mạc này còn có thể tạo ra chất dịch bôi trơn giúp các cơ quan hoạt động và di chuyển một cách dễ dàng trong ổ bụng. Ung thư phúc mạc xảy ra khi xuất hiện những tế bào ác tính tại lớp niêm mạc này.
Phúc mạc là một lớp mỏng tế bào biểu mô, bảo vệ các cơ quan trong ổ bụng
Ung thư phúc mạc chia thành 2 loại và các giai đoạn của từng loại như sau:
- Ung thư phúc mạc nguyên phát: Bao gồm 4 giai đoạn:
+ Giai đoạn 1 và giai đoạn 2: Triệu chứng bệnh không rõ ràng và khó nhận biết.
+ Giai đoạn 3: Nếu không được kiểm soát kịp thời, bệnh có thể tiến triển và lan sang các hạch bạch huyết ở bề mặt hay ngoài phúc mạc, đồng thời kích thước khối u cũng ngày càng tăng lên.
+ Giai đoạn 4: Những tế bào ung thư đã di căn đến phổi và nhiều cơ quan, mô ngoài bụng.
- Ung thư phúc mạc thứ phát: Là những trường hợp mắc các bệnh ung thư khác, nhất là ung thư đường tiêu hóa và đã xảy ra tình trạng di căn ở phúc mạc.
2. Ung thư phúc mạc gây ra những triệu chứng gì?
Ở giai đoạn đầu, người bệnh không xuất hiện nhiều triệu chứng nhưng càng đến những giai đoạn sau thì biểu hiện bệnh càng rõ ràng. Dưới đây là một số triệu chứng bệnh thường gặp:
Đau bụng có thể là một biểu hiện bệnh
- Đau bụng, chướng bụng.
- Vùng bụng hay vùng xương chậu có nhiều áp lực,
- Đầy bụng khó tiêu. Mới ăn đã thấy no.
- Nôn hoặc buồn nôn.
- Ăn không ngon miệng.
- Tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân.
- Cơ thể mệt mỏi.
- Ra dịch âm đạo bất thường.
- Khi những khối u càng phát triển thì biểu hiện bệnh càng rõ ràng, người bệnh thường xuyên bị đau bụng, khó thở. Đến khi ruột bị tắc nghẽn hoàn toàn, bệnh nhân không thể ăn uống và thường xuyên bị nôn,...
3. Ung thư phúc mạc là do những nguyên nhân nào?
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh ung thư phúc mạc. Tuy nhiên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Độ tuổi: Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc ung thư phúc mạc càng cao.
- Di truyền: Nếu trong gia đình từng có người mắc ung thư buồng trứng hay ung thư phúc mạc hoặc bản thân người đó mang gen đột biến BRCA1 và BRCA2 thì nguy cơ ung thư phúc mạc cũng tăng lên.
- Liệu pháp hormone được sử dụng sau mãn kinh cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải căn bệnh ung thư hiếm gặp này.
- Thừa cân hoặc béo phì cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Lạc nội mạc tử cung.
4. Các phương pháp chẩn đoán bệnh ung thư phúc mạc
Ở giai đoạn đầu, triệu chứng bệnh rất mơ hồ nên việc chẩn đoán bệnh tương đối khó. Nhiều ca bệnh được phát hiện khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u ở vị trí khác trong ổ bụng.
Buồn nôn có thể là biểu hiện của ung thư phúc mạc
Trong trường hợp có những biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám triệu chứng và chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cần thiết như:
- Siêu âm ổ bụng, chụp CT, chụp cộng hưởng từ để kiểm tra hình ảnh xương chậu và ổ bụng.
- Sinh thiết tìm kiếm tế bào ung thư tại vùng nghi ngờ bệnh.
- Xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư.
- Nội soi ổ bụng để nhận biến những tổn thương tại phúc mạc, qua đó tiến hành sinh thiết để tìm kiếm tế bào ung thư.
Một số triệu chứng bất thường tại phúc mạc có thể nhận biết thông qua phương pháp nội soi ổ bụng bao gồm tình trạng sung huyết phúc mạc, có nụ sùi ở thành phúc mạc, mạc nối bị xù xì, dày cứng, có mảng thâm nhiễm ở phía trên của phúc mạc thành và phúc mạc tạng.
Bệnh ung thư phúc mạc có những triệu chứng rất giống với ung thư buồng trứng. Vì thế cần thực hiện các phương pháp chẩn đoán phân biệt để có kết quả chẩn đoán chính xác nhất.
5. Điều trị ung thư phúc mạc bằng những phương pháp nào?
Tùy vào giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe của người bệnh và kích thước khối u, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị bệnh phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh phổ biến:
- Phẫu thuật cắt bỏ khối u.
- Hóa trị liệu để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại. Một số trường hợp có khối u kích thước lớn thì có thể cần thực hiện hóa trị trước để làm teo nhỏ khối u. Từ đó, có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật một cách dễ dàng hơn.
Điều trị bệnh bằng phương pháp phẫu thuật
Nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện phương pháp HIPEC là phương pháp tăng nhiệt độ kết hợp đưa hóa chất vào các tế bào ung thư tại phúc mạc trong quá trình phẫu thuật.
- Liệu pháp trúng đích: Các bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các loại thuốc kháng thể đơn dòng, các chất ức chế PARP,... nhằm ngăn chặn sự tiến triển của mạch máu nuôi tế bào ung thư và từ đó tiêu diệt những tế bào này.
- Chăm sóc giảm nhẹ đối với những trường hợp bệnh đã ở giai đoạn nặng thì cần hỗ trợ để giảm triệu chứng ung thư, như thuốc giảm đau, giảm sưng phù,... từ đó cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
Trên đây là một số thông tin về ung thư. Nếu vẫn còn thắc mắc về căn bệnh này hoặc các vấn đề sức khỏe khác hay có những biểu hiện nghi ngờ bệnh và có nhu cầu đặt lịch kiểm tra sức khỏe, mời quý khách liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, đội ngũ tư vấn viên của MEDLATEC luôn sẵn sàng hỗ trợ và hướng dẫn chi tiết cho bạn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!