Tin tức
Ung thư trực tràng có chữa được không, hướng chẩn đoán và điều trị
- 07/04/2025 | Hội thảo trực tuyến số 10: Cập nhật chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng
- 09/04/2025 | Giải quyết triệt để ung thư sớm đại trực tràng bằng kỹ thuật ESD tại Trung tâm Tiêu hóa MEDL...
- 18/04/2025 | Hội thảo trực tuyến: Giá trị của xét nghiệm bất ổn định vi vệ tinh trong ung thư đại trực tr...
- 25/04/2025 | Xét nghiệm gen di truyền - Bước đột phá trong “cuộc chiến” chống ung thư đại trực tràng
- 12/05/2025 | Nhận diện triệu chứng ung thư trực tràng giai đoạn đầu và cách điều trị
1. Giải đáp thắc mắc: Ung thư trực tràng có chữa được không?
Thực tế, Ung thư trực tràng có chữa được hay không tùy thuộc vào giai đoạn tiến triển, khả năng đáp ứng điều trị của từng người bệnh. Nếu phát hiện ở giai đoạn đầu, tỷ lệ điều trị thành công, cũng như cơ hội kéo dài sự sống cho người bệnh là rất khả quan.
Thống kê của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm ở người mắc ung thư trực tràng dao động từ 18% đến 90%, tùy giai đoạn tiến triển. Cụ thể:
- Giai đoạn I: Khối u còn khu trú trong thành trực tràng hoặc đại tràng, chưa lan ra ngoài. Ở giai đoạn này, tỷ lệ sống sót sau 5 năm khoảng 90%.
- Giai đoạn II - III: Khối u đã xâm lấn ra ngoài thành đại tràng hoặc trực tràng nhưng chưa lan đến hạch bạch huyết hoặc tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa di căn xa. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của người bệnh ở giai đoạn II hoặc III khoảng 73%.
- Giai đoạn IV: Ung thư đã di căn đến các cơ quan ở xa như gan, phổi, hoặc các hạch bạch huyết xa. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của người bệnh chỉ khoảng 13%.
Bệnh ung thư trực tràng có chữa được không phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Lưu ý, dữ liệu về tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở bệnh nhân Ung thư trực tràng đề cập trong bài viết này dựa trên số ca được chẩn đoán mắc bệnh tại Hoa Kỳ, từ năm 2014 đến năm 2020.
2. Yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị
Giai đoạn tiến triển, chế độ dinh dưỡng áp dụng, tuổi tác,... là một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị ung thư trực tràng.
2.1. Giai đoạn bệnh
Dễ thấy rằng nếu phát hiện càng sớm, khả năng điều trị thành công lại càng cao. Theo đó, nếu kịp thời phát hiện khi bệnh mới tiến triển ở giai đoạn đầu, áp dụng phương pháp điều trị phù hợp, người bệnh hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh trong nhiều năm. Ngược lại nếu phát hiện và điều trị trong giai đoạn muộn, hiệu quả chữa trị thường không cao như giai đoạn đầu.
Nếu phát hiện trong giai đoạn đầu, khả năng điều trị thành công sẽ cao
2.2. Chế độ dinh dưỡng
Hiệu quả điều trị ung thư phụ thuộc khá lớn vào chế độ bổ sung dinh dưỡng. Cụ thể, khi được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng phù hợp, bệnh nhân sẽ vượt qua các đợt hóa trị hoặc xạ trị dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng cân đối, đủ chất còn hỗ trợ khả năng đề kháng, kìm hãm sự phát triển của tế bào gây bệnh, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn, phòng ngừa phần nào biến chứng.
2.3. Tuổi tác
Sức khỏe của phần lớn mọi người đều có xu hướng suy giảm theo tuổi tác. Trong đó, bệnh nhân còn trẻ thường phục hồi nhanh hơn bệnh nhân lớn tuổi. Bởi sức khỏe của nhóm người trẻ chưa suy giảm nghiêm trọng, khả năng chịu đựng, đáp ứng điều trị tốt hơn nhóm người lớn tuổi.
2.4. Một số yếu tố khác
Ngoài giai đoạn tiến triển, tuổi tác hay chế độ dinh dưỡng, chất lượng điều trị và chế độ luyện tập cũng là yếu tố tác động đến hiệu quả chữa trị ung thư trực tràng. Vì vậy, trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý tìm đến các bài thuốc nam không có cơ sở khoa học.
3. Các phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán ung thư trực tràng, trước tiên bác sĩ thường dựa vào triệu chứng, tiền sử bệnh lý của bệnh nhân và gia đình. Dựa vào kết quả thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng như nội soi trực tràng, siêu âm, sinh thiết, chụp CT, chụp cộng hưởng từ MRI hoặc các xét nghiệm chuyên sâu khác.
Nội soi trực tràng giúp phát hiện dấu hiệu bất thường như polyp
4. Một số phương pháp điều trị có thể được chỉ định
Dưới đây là những phương pháp điều trị ung thư trực tràng phổ biến.
4.1. Phẫu thuật
Tùy thuộc vị trí, kích thước khối u cần loại bỏ, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp. Trong đó, các phương pháp phẫu thuật phổ biến phải kể đến là:
- Phẫu thuật loại bỏ khối u tại chỗ.
- Phẫu thuật cắt bỏ đoạn trực tràng xuất hiện khối u.
- Phẫu thuật cắt bỏ đoạn trực tràng xuất hiện khối u, đồng thời đưa đại tràng ra ngoài thành bụng để làm hậu môn nhân tạo.
- Phẫu thuật mở đại tràng làm ra hậu môn nhưng không loại bỏ khối u. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có tác dụng điều trị giảm nhẹ.
Phương pháp phẫu thuật áp dụng cho từng bệnh nhân không phải lúc nào cũng giống nhau
Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể tiếp tục phải trải qua hóa trị, xạ trị hoặc một số phương pháp điều trị khác, tùy giai đoạn, mức độ xâm lấn.
4.2. Hóa trị
Thuốc, hóa chất được đưa vào cơ thể theo đường tĩnh mạch nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên, tế bào khỏe mạnh cũng dễ bị ảnh hưởng trong quá trình điều trị.
4.3. Xạ trị
Dưới tác động của tia X mang năng lượng cao, tế bào ung thư sẽ dần bị tiêu diệt. Xạ trị có thể được chỉ định trước hoặc sau phẫu thuật. Trong một số trường hợp, xạ trị cần kết hợp cùng hóa trị.
4.4. Điều trị trúng đích
Đây là phương pháp điều trị nhắm trúng mục tiêu là tế bào ung thư, không tiêu diệt nhầm tế bào khỏe mạnh như hóa trị thông thường. Theo đó, một số loại thuốc sử dụng trong điều trị trúng đích sẽ động đến các thành phần bên trong hoặc tác động lên bề mặt tế bào, làm gián đoạn quá trình nhân lên của chúng.
4.5. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch được đánh giá là tương đối tiềm năng trong điều trị ung thư trực tràng. Dưới đây là ba cơ chế tác động của liệu pháp điều trị này:
- Vắc xin ung thư: Giúp hệ miễn dịch nhận diện và chống lại tế bào gây ung thư.
- Thuốc ức chế các điểm kiểm soát miễn dịch: Đây là những loại thuốc có khả năng ngăn chặn mạng lưới điểm kiểm soát của tế bào ung thư cũng như tế bào miễn dịch. Từ đó, thúc đẩy hệ miễn dịch nhận diện và chống lại tế bào gây ung thư.
4.6. Cắt dưới niêm mạc qua nội soi - ESD
Nội soi cắt dưới niêm mạc ESD là kỹ thuật điều trị tiên tiến, giúp loại bỏ triệt để tổn thương, polyp có khả năng tiến triển thành ung thư. Phương pháp điều trị này thường chỉ định cho những trường hợp được chẩn đoán ung thư trực tràng giai đoạn sớm. Cụ thể hơn, nội soi cắt dưới niêm mạc (ESD) được chỉ định trong điều trị các tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn sớm (Tis, T1a) chưa xâm lấn qua lớp cơ.
Ưu điểm của kỹ thuật ESD là ít gây xâm lấn, hạn chế biến chứng chảy máu, bệnh nhân có thể phục hồi nhanh sau 2 đến 3 ngày. Đây được xem như “chìa khóa” quan trọng, mở ra cơ hội mới cho bệnh nhân ung thư trực tràng giai đoạn đầu.
Nội soi cắt dưới niêm mạc ESD thích hợp áp dụng trong giai đoạn đầu của ung thư tiêu hóa
Trung tâm Tiêu hóa của Hệ thống Y tế MEDLATEC là một trong những đơn vị tiên phong triển khai ứng dụng kỹ thuật ESD trong điều trị ung thư sớm đường tiêu hóa. Bên cạnh đội ngũ y bác sĩ, chuyên gia tiêu hóa đầu ngành, MEDLATEC còn được đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại như máy nội soi phóng đại Olympus X1 CV 1500 của Nhật Bản, giúp việc chẩn đoán hiệu quả hơn.
Như vậy, thông qua tổng hợp trong bài viết này, bạn đã có lời giải đáp cho thắc mắc ung thư trực tràng có chữa được không. Nói chung, khả năng điều trị thành công trong giai đoạn đầu của ung thư trực tràng là rất cao. Điều quan trọng là bạn cần duy trì khám tầm soát định kỳ, tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Nếu cần đặt lịch khám tại MEDLATEC, Quý khách vui lòng liên hệ theo tổng đài tư vấn 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
