Tin tức

Ung thư vòm họng: nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp điều trị và phòng ngừa

Ngày 01/05/2024
Lương Thanh Thủy
Ung thư vòm họng ảnh hưởng đến phần trên cùng của hầu họng, gây ra các triệu chứng như ngạt mũi, chảy máu cam, đau đầu, ù tai,... Điều đáng nói là những triệu chứng ấy lại dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tai mũi họng nên khó phát hiện ở giai đoạn đầu, khiến cho việc điều trị sau đó gặp nhiều khó khăn. Trong bài viết dưới đây, MEDLATEC sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết các vấn đề cơ bản liên quan đến bệnh lý này.

1. Nguyên nhân gây bệnh ung thư vòm họng

Nguyên nhân chính xác gây nên bệnh ung thư vòm họng vẫn chưa được xác định rõ, nhưng có một số yếu tố có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh:

- Di truyền

Yếu tố di truyền khiến cho tỷ lệ mắc ung thư vòm họng tăng cao. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người có tiền sử gia đình mắc ung thư vòm họng sẽ có nguy cơ cao hơn đối với bệnh lý này. Gen di truyền có thể ảnh hưởng đến cách mà tế bào phản ứng với các yếu tố gây ung thư và tăng khả năng phát triển ung thư vòm họng.

Gen di truyền là yếu tố có nguy cơ cao dẫn đến bệnh ung thư vòm họng

Gen di truyền là yếu tố có nguy cơ cao dẫn đến bệnh ung thư vòm họng

- Hút thuốc lá

Đây là một trong các yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với ung thư vòm họng. Chất độc hại trong khói thuốc lá có thể làm tổn thương tế bào niêm mạc vòm họng và kích thích sự phát triển của tế bào ung thư.

- Uống bia rượu

Sử dụng rượu bia nhiều cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng. Đồ uống có cồn khi sử dụng thường xuyên dễ làm kích thích niêm mạc và tăng khả năng tổn thương vòm họng.

- Tiếp xúc hóa chất độc hại

Những người làm việc trong môi trường có nhiều hóa chất độc hại như amiăng, formaldehyde thường có nguy cơ bị ung thư vòm họng cao hơn bình thường. hơn. Các hóa chất này có thể gây đột biến trong DNA của tế bào vòm họng, dẫn đến ung thư.

- Chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống nhiều thực phẩm chế biến chứa Nitrosamine có thể làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng.

- Nhiễm trùng mạn tính

Các bệnh lý nhiễm trùng mạn tính kéo dài như viêm xoang, viêm mũi họng,... có thể gây kích thích và làm tổn thương niêm mạc vòm họng, tạo điều kiện cho tế bào ung thư phát triển.

- Yếu tố khác

Ngoài những yếu tố trên đây thì có một số yếu tố khác cũng có thể làm gia tăng khả năng mắc bệnh lý này như:

+ Tuổi tác: nguy cơ mắc ung thư vòm họng tăng theo tuổi tác, đặc biệt là sau tuổi 40.

+ Giới tính: nam giới có nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao hơn so với nữ giới.

+ Tiền sử bệnh lý: những người đã từng mắc các bệnh lý khác liên quan đến vòm họng hoặc đã từng điều ung thư ở vùng đầu cổ có nguy cơ cao hơn đối với ung thư vòm họng.

2. Triệu chứng bệnh ung thư vòm họng

- Triệu chứng ban đầu

Ung thư vòm họng thường bắt đầu bằng những triệu chứng không đặc hiệu, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như:
+ Ngạt mũi và chảy máu cam: đây là một trong những dấu hiệu sớm nhất của bệnh. Người bệnh thường bị ngạt mũi trong thời gian dài và có thể kèm theo chảy máu mũi không rõ nguyên nhân.

+ Ù tai, mất thính lực: người bệnh thường cảm thấy ù tai, nghe kém, có cảm giác như có nước trong tai.

+ Đau đầu, đau mặt: các cơn đau đầu, đau mặt, đặc biệt là ở vùng thái dương và sau hốc mắt cũng có thể xuất hiện.

Các dấu hiệu gợi ý ung thư vòm họng

Các dấu hiệu gợi ý ung thư vòm họng

- Triệu chứng giai đoạn tiến triển

Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng ung thư vòm họng trở nên rõ ràng hơn:
+ Khó nuốt và khàn tiếng.

+ Hạch bạch huyết ở cổ bị sưng và đau.

+ Sụt cân không giải thích nguyên nhân.

3. Phương pháp điều trị và phòng ngừa ung thư vòm họng

3.1. Chẩn đoán và điều trị ung thư vòm họng

3.1.1. Chẩn đoán

Khám lâm sàng là bước đầu tiên để chẩn đoán ung thư vòm họng. Bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ vùng cổ, hạch bạch huyết và các triệu chứng mà bệnh nhân đang gặp phải.

Sau quá trình thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định chẩn đoán cận lâm sàng phù hợp như:
- Nội soi: quan sát, tìm kiếm tổn thương trong vòm họng và lấy mẫu sinh thiết (nếu cần).

- Chụp CT-Scanner: phát hiện khối u và xác định kích thước, vị trí của khối u.

- Chụp MRI: cung cấp hình ảnh chi tiết về mô mềm và các cấu trúc xung quanh khối u.

- Sinh thiết: lấy mẫu mô từ khối u để kiểm tra dưới kính hiển vi, xác định chính xác loại tế bào ung thư.

- Xét nghiệm máu: tìm kiếm dấu ấn sinh học liên quan đến ung thư vòm họng.

3.1.2. Điều trị

Các phương pháp điều ung thư vòm họng sẽ được bác sĩ cân nhắc dựa trên giai đoạn bệnh, thể trạng và mong muốn điều trị của bệnh nhân:

- Phẫu thuật: thường áp dụng khi khối u còn nhỏ và chưa di căn. Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ toàn bộ khối u và các mô bị ảnh hưởng ở xung quanh.

- Xạ trị: sử dụng tia X hoặc tia phóng xạ để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này đặc biệt phù hợp với bệnh nhân có khối u lan rộng nhưng vẫn còn trong giai đoạn có thể kiểm soát.

- Hóa trị: sử dụng thuốc hóa chất đặc trị để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này thường được tiến hành kết hợp với xạ trị hoặc phẫu thuật để tăng hiệu quả điều trị

- Liệu pháp nhắm đích: sử dụng các loại thuốc đặc biệt để tấn công tế bào ung thư dựa trên các đặc điểm di truyền và phân tử của chúng. Phương pháp này giúp tăng cường hiệu quả điều trị và giảm thiểu tác dụng phụ so với hóa trị liệu.

Phác đồ điều trị ung thư vòm họng sẽ được bác sĩ cân nhắc dựa trên thực trạng bệnh lý và sức khỏe của bệnh nhân

Phác đồ điều trị ung thư vòm họng sẽ được bác sĩ cân nhắc dựa trên thực trạng bệnh lý và sức khỏe của bệnh nhân

3.2. Phòng ngừa bệnh ung thư vòm họng

Để kiểm soát yếu tố nguy cơ, việc thực hiện các biện pháp sau đây có thể giúp phòng ngừa, giảm nguy cơ ung thư vòm họng:

- Thay đổi lối sống

+ Bỏ hút thuốc lá và giảm thiểu bia rượu.

+ Chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều loại rau củ giàu vitamin và khoáng chất để tăng cường hệ miễn dịch.

+ Tập thể dục đều đặn giúp duy trì cân nặng hợp lý và cải thiện thể trạng.

- Khám sức khỏe định kỳ

Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu nghi ngờ, tầm soát để phát hiện sớm và điều trị kịp thời ung thư vòm họng ngay từ giai đoạn đầu. Đặc biệt, những người thuộc nhóm có nguy cơ cao nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe để dự phòng nguy cơ ung thư vòm họng.

Ung thư vòm họng nếu được chẩn đoán sớm sẽ có phương pháp điều trị hiệu quả, tăng tiên lượng sống cho người bệnh. Vì thế, thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc khi nghi ngờ dấu hiệu bất thường là điều không nên bỏ qua trong bất cứ trường hợp nào.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe Tai mũi họng cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC có thể liên hệ đặt trước lịch khám qua tổng đài 1900 56 56 56.

Từ khoá: ung thư vòm họng

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ