Tin tức
Vì sao bị ngứa mắt vào ban đêm?
- 01/02/2023 | Ngứa mắt - nguyên nhân và cách điều trị
- 22/05/2023 | Bạn đã biết cách chữa lẹo mắt tại nhà chưa??
- 30/05/2023 | Ngủ sớm có hết thâm mắt không và cách cải thiện thâm mắt hiệu quả
1. Ngứa mắt vào ban đêm là do đâu?
Ngứa mắt vào ban đêm có thể do những nguyên nhân sau:
- Ngứa mắt dị ứng theo mùa:
Nếu hiện tượng ngứa mắt diễn ra theo chu kỳ, vào cùng một thời điểm mỗi năm thì rất có thể là do bạn đã bị dị ứng theo mùa. Đây là tình trạng khá phổ biến. Ngoài triệu chứng ngứa mắt, bệnh nhân còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như hắt hơi, nghẹt mũi,…
Ngứa mắt vào ban đêm do dị ứng thời tiết
Ngoài yếu tố thời tiết, một số yếu tố khác cũng có thể gây dị ứng và triệu chứng ngứa mắt là khói thuốc lá, bụi bẩn, phấn hoa, lông động vật hay một số loại thực phẩm.
Đối với các trường hợp ngứa mắt do dị ứng, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:
+ Luôn quan tâm đến những bản tin dự báo thời tiết để chủ động chuẩn bị và chăm sóc tốt cho bản thân. Trường hợp thời tiết thay đổi, quá khắc nghiệt dễ gây phản ứng dị ứng, chẳng hạn như quá lạnh, quá nóng, mưa nhiều,… thì nên ở trong nhà, không nên ra ngoài nếu không thực sự cần thiết.
+ Thường xuyên tắm rửa. Thay và giặt quần áo hàng ngày để hạn chế nguy cơ dị ứng.
+ Để giảm bớt triệu chứng ngứa mắt có thể sử dụng một số loại thuốc kháng histamin không kê đơn.
- Nhiễm trùng mắt do vi khuẩn, virus,…: Lúc này, mắt không chỉ bị ngứa mà còn có thể bị đỏ, khô khiến người bệnh vô cùng khó chịu.
Đối với những trường hợp này, bác sĩ thường chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm. Với một số trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc ức chế miễn dịch.
- Khô mắt: Nước mắt là một yếu tố rất quan trọng, có tác dụng bảo vệ mắt và giúp chúng ta duy trì thị lực. Khi bạn nháy mắt là lúc nước mắt được dàn đều và đồng thời bôi trơn bề mặt nhãn cầu. Từ đó, rửa trôi bụi bẩn và các dị vật trong mắt, giúp bề mặt giác mạc luôn sạch sẽ, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
Tuy nhiên, vì một số lý do khiến lượng nước mắt tiết ra không đủ hay chất lượng nước mắt không tốt (nước mắt dàn không đều trên giác mạc hoặc bốc hơi quá nhanh) khiến cho mắt bị khô và người bệnh có cảm giác ngứa mắt, khó chịu.
Ở người cao tuổi, việc sản xuất nước mắt sẽ ngày càng kém và đây chính là nhóm đối tượng dễ bị khô mắt và ngứa mắt vào ban đêm. Bên cạnh đó, khô mắt còn có thể xuất hiện ở một số nhóm đối tượng sau:
+ Người mắc phải một số bệnh lý như viêm khớp dạng thấp hay tiểu đường,…
+ Người thường xuyên làm việc với máy tính, điện thoại hoặc tiếp xúc nhiều với các loại thiết bị điện tử. Đối với những trường hợp này thì chỉ cần điều chỉnh lại thời gian làm việc, giảm thời gian để mắt tiếp xúc liên tục với màn hình máy tính, dùng nước mắt nhân tạo, thường xuyên cho mắt có thời gian nghỉ ngơi,… Kiên trì thực hiện một thời gian, bạn sẽ có thể khắc phục hoàn toàn tình trạng khô mắt vào ban đêm.
+ Các trường hợp sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc tránh thai, thuốc thông mũi, thuốc hạ huyết áp,… cũng dễ xảy ra tình trạng khô mắt.
+ Người phải làm việc thường xuyên trong điều kiện thời tiết nhiều gió, có độ ẩm thấp cũng hay bị khô mắt.
+ Bên cạnh đó, khô mắt cũng có thể gặp phải ở những trường hợp bị tắc tuyến lệ.
Để khắc phục tình trạng khô mắt, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc nhỏ mắt, nước mắt nhân tạo. Tuy nhiên, cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh lạm dụng để gặp phải những nguy cơ sức khỏe không đáng có.
- Viêm mí mắt hay viêm bờ mi cũng có thể dẫn đến tình trạng ngứa mắt vào ban đêm. Khi mắc phải căn bệnh này, tuyến dầu ở gốc lông mi có nguy cơ tắc nghẽn và gây ngứa, sưng mắt và chảy nước mắt,… Căn bệnh này tuy không gây ảnh hưởng đến thị lực nhưng cũng cần được khắc phục sớm, nếu không, bệnh sẽ chuyển thành mạn tính và gây viêm kết mạc cùng với một số biến chứng khác.
Những trường hợp viêm nhẹ, bạn chỉ cần giữ mí mắt luôn sạch sẽ. Nhưng đối với những trường hợp nặng hơn, người bệnh nên đến các cơ sở chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán bệnh. Thông thường, bác sĩ sẽ kê cho bệnh nhân một số loại thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm,…
Dùng kính áp tròng sai cách cũng có thể gây ngứa mắt
- Sử dụng kính áp tròng sai cách, đeo kính quá lâu, không thường xuyên vệ sinh kính và thay kính,… chính là nguyên nhân rất phổ biến gây ra tình trạng kích ứng, ngứa và đỏ mắt. Do đó, nếu thường xuyên dùng kính áp tròng, bạn nên lưu ý nhiều đến việc chăm sóc mắt, vệ sinh kính và thay kính thường xuyên để hạn chế gặp phải những vấn đề về mắt.
2. Lời khuyên từ chuyên gia
Để hạn chế tình trạng ngứa mắt vào ban đêm và bảo vệ sức khỏe đôi mắt, bạn nên lưu ý những vấn đề sau:
- Nên đeo kính để bảo vệ mắt khi phải tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, nhiều gió hay một số tác nhân gây dị ứng khác.
- Nếu bị dị ứng thời tiết, cần chủ động bảo vệ sức khỏe đôi mắt khi thời tiết thay đổi.
- Nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh lý, nhất là các bệnh về mắt thì cần đi khám và điều trị bệnh sớm.
Không làm việc liên tục với máy tính để hạn chế đau nhức, ngứa mắt
- Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
- Nếu bị ngứa mắt không nên dụi mắt. Vì khi bạn dụi mắt, tình trạng ngứa có thể nghiêm trọng hơn, gây hại cho giác mạc và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Bổ sung một số thực phẩm có chứa nhiều vitamin A và axit béo Omega 3 để tăng cường sức khỏe cho mắt.
Dùng thuốc nhỏ mắt theo hướng dẫn của bác sĩ
- Để mắt có thời gian nghỉ ngơi đầy đủ, không nên làm việc liên tục trước màn hình máy tính hay các thiết bị điện tử khác.
Nhìn chung, tình trạng ngứa mắt vào ban đêm không hiếm gặp và cũng không quá khó khăn để khắc phục hiệu quả. Tuy nhiên, bạn không nên chủ quan vì đây có thể là dấu hiệu bệnh lý và gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, nếu chứng ngứa mắt kéo dài, bạn nên đi khám sớm để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh sớm.
Mọi thắc mắc và có nhu cầu đặt lịch khám mắt, mời bạn liên hệ đến chuyên khoa Mắt của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo Hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!