Tin tức

Viêm bàng quang kẽ là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 27/05/2022
Bệnh lý viêm bàng quang kẽ là một khái niệm còn khá xa lạ đối với nhiều người. Bệnh gây nên nhiều triệu chứng vô cùng khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến hoạt động bài tiết cũng như cuộc sống sinh hoạt của bệnh nhân. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? Phương pháp điều trị ra sao hãy cùng MEDLATEC tham khảo thông tin quan bài viết dưới đây nhé!

1. Bị viêm bàng quang kẽ sẽ có biểu hiện như thế nào?

Bàng quang là một cơ quan giống như một chiếc túi rỗng, được cấu tạo từ nhiều lớp cơ và có khả năng chứa được nhiều nước tiểu. Khi nước tiểu đầy, bàng quang sẽ nở căng và thông qua dây thần kinh vùng chậu tín hiệu sẽ được báo lên não để thôi thúc chúng ta đi “giải quyết nhu cầu".

Nếu một người bị viêm bàng quang kẽ thì sẽ bị rối loạn tín hiệu trên. Tức là bạn sẽ cảm thấy thường xuyên buồn tiểu nhưng thể tích nước tiểu thải ra mỗi lần lại rất ít.

Phụ nữ là đối tượng chiếm tỷ lệ cao hơn khi mắc căn bệnh này và bệnh khiến cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng lớn. Đồng thời bệnh nhân phải “sống chung với lũ" do chưa có cách điều trị triệt căn mà chỉ có thể áp dụng phương pháp giúp giảm nhẹ triệu chứng.

Mỗi người khi mắc bệnh có thể biểu hiện dấu hiệu khác nhau và bệnh thay đổi triệu chứng theo từng giai đoạn:

  • Đau khi giao hợp;

  • Tiểu gấp, tiểu thường xuyên cả đêm lẫn ngày, lượng nước tiểu ít;

  • Khó chịu và đau nhiều khi bàng quang đầy, đi tiểu thì đỡ đau;

  • Đau vùng chậu và vùng hậu môn;

  • Ở phụ nữ bị đau vùng giữa âm đạo;

  • Ở nam giới bị đau vùng giữa bìu.

Viêm bàng quang kẽ khiến người bệnh bị tiểu gấp, tiểu nhiều lần

Viêm bàng quang kẽ khiến người bệnh bị tiểu gấp, tiểu nhiều lần

Bệnh nhân bị viêm bàng quang kẽ có biểu hiện tương tự như bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Triệu chứng bệnh sẽ càng tệ hơn nếu người bệnh vừa bị viêm bàng quang kẽ lẫn viêm đường tiết niệu cùng lúc.

2. Viêm bàng quang kẽ là do nguyên nhân nào?

Hiện vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân dẫn tới viêm bàng quang kẽ, giả thiết cho răng đó có thể là do lớp biểu mô bàng quang bị rò rỉ tạo điều kiện cho các chất độc có trong nước tiểu kích thích lên thành bàng quang.  

Ngoài ra phải kể đến các tác nhân như dị ứng, nhiễm trùng, di truyền hoặc phản ứng miễn dịch và những yếu tố khác bao gồm: giới tính (nữ giới bị nhiều hơn nam giới), độ tuổi (chủ yếu từ tuổi 30 trở lên), mắc các bệnh lý đau mạn tính (đau cơ xơ hóa, ruột kích thích).  

3. Phương pháp điều trị viêm bàng quang kẽ 

Dưới đây là một số phương pháp giúp cải thiện triệu chứng của bệnh viêm bàng quang kẽ:

Dùng thuốc:

Những thuốc được bác sĩ chỉ định có thể là:

  • Thuốc kháng Histamin: có tác dụng giảm triệu chứng tiểu liên tục và tiểu gấp;

  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng: gồm imipramine Tofranil hoặc amitriptyline, ngăn cản các cơn đau giúp bàng quang thư giãn;

  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) giúp giảm đau: naproxen sodium (Aleve), ibuprofen (Motrin IB, Advil,...);

  • Pentosan polysulfate sodium (Elmiron): thuốc được ứng dụng trong việc phục hồi niêm mạc ở mặt trong và bảo vệ thành bàng quang khỏi sự tác động của các chất độc có trong nước tiểu. Thuốc bắt đầu có tác dụng giảm đau và hạn chế tần suất đi tiểu sau khoảng 4 - 6 tháng sử dụng.

Tập vật lý trị liệu:

Những bài tập giúp làm giảm các triệu chứng đau cơ, đau vùng chậu và các mô liên kết sẽ có tác dụng hạn chế sự bất thường hoặc các cơn co thắt của hệ thống cơ sàn chậu.

 

Lớp biểu mô bàng quang bị rò rỉ tạo điều kiện cho các chất độc có trong nước tiểu kích thích lên thành bàng quang

Lớp biểu mô bàng quang bị rò rỉ tạo điều kiện cho các chất độc có trong nước tiểu kích thích lên thành bàng quang

Phương pháp dã nở bàng quang:

Một số trường hợp sau khi nội soi và làm căng bàng quang đã nhận thấy các triệu chứng giảm đáng kể. Tuy nhiên biện pháp này cần được thực hiện lặp lại, lâu dài.

Kích thích thần kinh:

  • Kích thích dây thần kinh cùng cụt: dây thần kinh bàng quang được liên kết với tủy sống bằng dây thần kinh cùng. Phương pháp kích thích dây thần kinh cùng cụt sẽ hỗ trợ giảm thiểu các cơn tiểu gấp,  tiểu nhiều lần do viêm bàng quang kẽ gây nên;

  • Kích thích dây thần kinh qua da bằng điện (TENS): đây là kỹ thuật giúp gia tăng lượng máu lưu thông đến bàng quang, kiểm soát các cơ hoạt động hiệu quả hơn, giải phóng các chất có tác dụng giảm thiểu các cơn đau vùng chậu và giảm số lần đi tiểu. Vị trí đặt dây điện là ở phía trên xương mu hoặc vùng thấp của lưng;

Phương pháp phẫu thuật:

Rất hiếm khi biện pháp này được chỉ định trong điều trị viêm bàng quang kẽ do nguy cơ  biến chứng  hậu phẫu cao và không giúp làm giảm các cơn đau.

Thường biện pháp này chỉ áp dụng trong các trường hợp người bị viêm nặng, bàng quang mất dần chức năng giữ nước tiểu, bệnh nhân không đáp ứng với các biện pháp điều trị khác và viêm bàng quang làm giảm chất lượng cuộc sống bệnh nhân. Các biện pháp phẫu thuật bao gồm:

  • Loại bỏ vết viêm loét: thông qua niệu đạo công cụ sẽ được chèn vào để loại bỏ các vết loét;

  • Đốt nóng mô: ít xâm lấn, tương tự như phương pháp trên các công cụ cũng được đưa vào theo đường niệu đạo để đốt các mô bị loét;

  • Thay đổi kích thước bàng quang: một phần ruột sẽ được đưa vào bàng quang để giúp bàng quang tăng sức chứa. Tuy nhiên điều này không giúp làm giảm cơn đau và ít được áp dụng do nhiều trường hợp bệnh nhân cần giữ cho bàng quang rỗng để đặt ống thông hàng ngày.

4. Cách chăm sóc giúp giảm các triệu chứng của viêm bàng quang kẽ

  • Thiết lập lịch đi tiểu hợp lý: người bệnh nên đi tiểu đúng giờ, ví dụ như 30 phút đi tiểu 1 lần. Sau đó dần dần giãn cách thời gian chờ  tiểu lâu hơn;

  • Thay đổi thói quen ăn uống: lượng thức ăn được nạp với mức vừa phải sẽ giúp làm giảm gánh nặng đè lên bàng quang;

  • Tránh căng thẳng;

  • Mặc những bộ quần áo rộng rãi: không nên dùng thắt lưng, chít eo hay mặc quần áo bó sát để giảm áp lực lên bàng quang;

  • Thường xuyên tập thể dục;

  • Bỏ thuốc lá: vì thuốc lá khiến các vết loét và tình trạng đau trở nên nghiêm trọng hơn.

 

Thuốc là một trong các phương pháp được sử dụng để điều trị viêm bàng quang kẽ

Thuốc là một trong các phương pháp được sử dụng để điều trị viêm bàng quang kẽ

Như vậy, viêm bàng quang kẽ là một bệnh lý gây khó chịu cho nhiều người. Nếu nhận thấy bản thân đang có những triệu chứng của bệnh, bạn hãy nhanh chóng đi  khám để được chẩn đoán và điều trị từ sớm.

Trong trường hợp quý bạn đọc muốn được đăng  ký lịch khám với bác sĩ và  tư  vấn chi tiết hơn, hãy liên hệ với Tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.