Tin tức
Viêm da tiếp xúc ánh sáng: Nhận diện sớm và phòng ngừa tổn thương da do tia UV
- 24/03/2021 | Viêm da tiếp xúc: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị
- 06/05/2021 | Viêm da tiếp xúc là bệnh gì? Có chữa trị tại nhà được không?
- 14/01/2022 | Viêm da tiếp xúc: nguyên nhân và phương pháp điều trị
- 11/10/2022 | Thông tin cơ bản về bệnh viêm da tiếp xúc và mức độ nguy hiểm của bệnh
- 03/11/2022 | Viêm da tiếp xúc là gì? Phương pháp điều trị cho người bệnh
- 14/03/2025 | Viêm da tiếp xúc dị ứng: Kiêng ăn gì để tránh sẹo xấu?
1. Viêm da tiếp xúc ánh sáng là gì?
Viêm da tiếp xúc ánh sáng (Photocontact dermatitis) là một dạng đặc biệt của viêm da tiếp xúc, xảy ra khi da phản ứng bất thường sau khi tiếp xúc với một số chất hóa học nhất định, rồi tiếp xúc với ánh sáng – đặc biệt là tia cực tím (tia UV) có trong ánh nắng mặt trời. Nói cách khác, tình trạng viêm da tiếp xúc ánh sáng xảy ra do sự kết hợp của hai yếu tố là chất nhạy cảm quang học và ánh sáng.
Có hai thể chính của viêm da tiếp xúc ánh sáng là viêm da tiếp xúc ánh sáng kích ứng và viêm da tiếp xúc ánh sáng dị ứng:
- Viêm da tiếp xúc ánh sáng kích ứng: Đây là thể thường gặp hơn, xảy ra ngay sau vài giờ tiếp xúc, không cần có đáp ứng miễn dịch. Tổn thương trên da người bệnh giống như bị bỏng nắng, đỏ rát, phồng rộp,… Mức độ tổn thương phụ thuộc vào nồng độ chất hóa học và cường độ ánh sáng.
- Viêm da tiếp xúc ánh sáng dị ứng: Đây là thể ít gặp hơn, mang tính chất miễn dịch (dị ứng), xảy ra sau vài ngày tiếp xúc và thường chỉ gặp ở những người đã mẫn cảm với chất đó. Tổn thương trên da thường lan rộng, dai dẳng, có thể ngứa nhiều, dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý như chàm, lupus ban đỏ.
Tình trạng viêm da tiếp xúc ánh sáng xảy ra do sự kết hợp của hai yếu tố là chất nhạy cảm quang học và ánh sáng
2. Nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc ánh sáng là gì?
Không chỉ tia UV mà cả những hóa chất tiếp xúc với da có thể là yếu tố kích hoạt bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng. Một số chất phổ biến có thể gây bệnh khi kết hợp với ánh nắng như:
- Thuốc: Một số loại thuốc chứa tetracycline, doxycycline, NSAIDs, amiodarone, hydrochlorothiazide...
- Sản phẩm trong sóc cá nhân và mỹ phẩm: Mỹ phẩm, nước hoa, kem chống nắng chứa PABA, chất tạo mùi hương từ cam bergamot có thể gây viêm da tiếp xúc ánh sáng.
- Thực vật và hóa chất môi trường: Thực vật như cần tây, chanh, quả vả, cỏ dại (do chứa furanocoumarin). Hóa chất trong ngành công nghiệp cao su, nhựa, chất tẩy,… cũng là nguyên nhân có thể gây bệnh viêm da tiếp xúc ánh sáng.
Việc xác định chính xác nguyên nhân là bước quan trọng trong quá trình điều trị. Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm patch test kết hợp ánh sáng (photopatch test) để xác định chất gây dị ứng.
3. Triệu chứng của viêm da tiếp xúc ánh sáng
Biểu hiện của viêm da tiếp xúc ánh sáng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý da khác như bỏng nắng, chàm, lupus ban đỏ, viêm da dị ứng... Vì vậy, việc nhận diện đúng triệu chứng là bước quan trọng để chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả. Dưới đây là những triệu chứng thường gặp của bệnh:
- Vị trí khởi phát thường ở vùng da tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng, đặc biệt là mặt, cổ, tay, cẳng chân.
- Da xuất hiện ban đỏ, ngứa rát, phồng rộp như bị cháy nắng.
- Da khô, bong tróc, nổi mẩn hoặc sẩn đỏ.
- Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể bị sưng nề, loét hoặc tăng sắc tố sau viêm.
- Khác với bỏng nắng thông thường, triệu chứng của viêm da tiếp xúc ánh sáng thường kéo dài hơn và có thể tái phát nếu tiếp tục tiếp xúc với chất kích ứng và ánh nắng.
Viêm da tiếp xúc ánh sáng dễ bị bỏ qua hoặc chẩn đoán nhầm nếu chỉ dựa trên hình ảnh tổn thương. Bác sĩ cần hỏi kỹ về tiền sử dùng thuốc, sản phẩm chăm sóc da, môi trường tiếp xúc và mức độ tiếp xúc với ánh nắng để xác định đúng nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc ánh sáng.
Biểu hiện viêm da tiếp xúc ánh sáng có thể dễ nhầm lẫn với các bệnh lý da khác
4. Điều trị viêm da tiếp xúc ánh sáng
Điều trị viêm da tiếp xúc ánh sáng phụ thuộc vào thể bệnh, mức độ tổn thương và nguyên nhân gây bệnh. Việc điều trị viêm da tiếp xúc ánh sáng cần phối hợp giữa loại bỏ chất cảm quang, bảo vệ da khỏi ánh nắng, dùng thuốc và phòng tránh về sau. Bao gồm:
4.1. Ngừng tiếp xúc với chất cảm quang và ánh sáng mặt trời
Đây là bước quan trọng đầu tiên, đặc biệt trong giai đoạn cấp tính, bạn cần ngưng sử dụng thuốc hoặc sản phẩm mỹ phẩm, thực vật nghi ngờ chứa chất cảm quang (ví dụ: tetracycline, sulfonamide, NSAIDs bôi ngoài, nước hoa, chanh…). Đồng thời, tránh ánh nắng mặt trời, đặc biệt từ 10h-16h khi tia UV mạnh nhất. Nếu phải ra ngoài và tiếp xúc ánh sáng, bạn cần phải che chắn kỹ lưỡng bằng áo dài tay, mũ rộng vành, kính râm.
Bên cạnh đó, nên sử dụng kem chống nắng phổ rộng có chỉ số SPF ≥ 30, chứa các thành phần vật lý như zinc oxide, titanium dioxide, giúp phản xạ tia UV thay vì hấp thu như loại hóa học.
4.2. Điều trị bằng thuốc
Tùy thuộc vào mức độ viêm da, bác sĩ sẽ chỉ định các nhóm thuốc phù hợp như:
- Corticosteroid: Dạng bôi ngoài (hydrocortisone, mometasone, betamethasone…) giúp làm giảm đỏ, ngứa, phù nề. Hoặc dạng uống (prednisolone) trong trường hợp nặng, tổn thương lan rộng, có sưng đau hoặc bóng nước nhiều. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không tự ý dùng corticoid vì có nhiều tác dụng phụ, cần có chỉ định bác sĩ trước khi dùng.
- Kháng histamin: Các thuốc kháng histamin giúp giảm ngứa và cải thiện giấc ngủ nếu ngứa về đêm có thể được chỉ định cho bệnh nhân viêm da tiếp xúc ánh sáng.
- Thuốc kháng sinh: Nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn như mủ, sưng nóng đỏ, sốt,… bác sĩ có thể chỉ định dùng kháng sinh.
4.3. Hỗ trợ da phục hồi
Khi triệu chứng cấp tính đã qua, bạn nên có phương pháp phục hồi da để tránh sẹo và tăng sắc tố sau viêm.
Bạn nên dùng các loại kem dưỡng ẩm phục hồi hàng rào da. Chọn loại không mùi, không chất bảo quản. Tuyệt đối không dùng rượu thuốc, xà phòng sát khuẩn mạnh, vì có thể làm tình trạng viêm nặng hơn.
4.3. Xét nghiệm tìm nguyên nhân trong viêm da tiếp xúc thể dị ứng
Nếu viêm da tiếp xúc ánh sáng có biểu hiện tái đi tái lại, không rõ nguyên nhân, bác sĩ da liễu có thể chỉ định test ánh sáng (photopatch test) để xác định chính xác chất gây phản ứng. Đồng thời, các xét nghiệm da cũng giúp loại trừ các bệnh lý khác như lupus ban đỏ hệ thống, lichen phẳng,…
Nếu viêm da tiếp xúc ánh sáng có biểu hiện tái đi tái lại, không rõ nguyên nhân, bác sĩ da liễu có thể chỉ định test ánh sáng
4.4. Điều trị hỗ trợ bằng quang trị liệu (Phototherapy)
Phương pháp điều trị này chỉ được dùng trong một số trường hợp viêm da ánh sáng mạn tính hoặc không đáp ứng với điều trị thông thường. Quang trị liệu được áp dụng cho những bệnh nhân có tình trạng quá nhạy cảm với ánh sáng nhưng không xác định được nguyên nhân cụ thể.
5. Phòng ngừa viêm da tiếp xúc ánh sáng
Viêm da tiếp xúc ánh sáng có thể tái phát nếu người bệnh không kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, đặc biệt là ánh sáng mặt trời và các chất cảm quang. Chính vì vậy, việc phòng ngừa không chỉ giúp hạn chế tổn thương da mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống, tránh để bệnh chuyển thành mạn tính. Bạn nên:
- Tránh ánh nắng mặt trời quá mức (nhất là từ 10h sáng đến 4h chiều) vì chứa nhiều tia cực tím gây hại cho da. Nên che chắn kĩ khi đi ngoài trời.
- Tránh dùng mỹ phẩm, thuốc có khả năng khiến da trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng, dễ gây ra viêm da tiếp xúc ánh sáng. Nếu bắt buộc phải sử dụng các thuốc/hoạt chất trên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ, đồng thời tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
- Với những người đã từng mắc viêm da tiếp xúc ánh sáng hoặc có cơ địa dị ứng, nên tái khám định kỳ với bác sĩ da liễu để theo dõi tiến triển và hướng dẫn tránh tái phát.
- Bổ sung dinh dưỡng hợp lý, nhất là các chất có khả năng chống oxy hóa mạnh, giúp làm giảm tổn thương tế bào da do tia cực tím như vitamin C, E, beta-caroten, lycopene. Uống đủ nước mỗi ngày (ít nhất 1,5-2 lít) để duy trì độ ẩm cho da.
- Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da lành tính, không chứa cồn, hương liệu hoặc chất gây kích ứng. Bạn cũng nên tăng cường dưỡng ẩm hàng ngày, đặc biệt sau khi tiếp xúc với nắng hoặc sau tắm.
Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da lành tính thúc đẩy quá trình phục hồi da
Viêm da tiếp xúc ánh sáng là bệnh lý tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng có thể gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và thẩm mỹ nếu không được nhận diện và xử trí kịp thời. Việc hiểu đúng bản chất, nguyên nhân và cách điều trị sẽ giúp người bệnh kiểm soát tình trạng này hiệu quả hơn. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích về bệnh lý viêm da tiếp xúc ánh sáng.
Mọi thông tin cần tư vấn và đặt lịch khám cùng bác sĩ Da liễu của Hệ thống Y tế MEDLATEC, bạn vui lòng liên hệ với hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ tốt nhất.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
