Tin tức

Viêm da tiếp xúc: nguyên nhân và phương pháp điều trị

Ngày 14/01/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Viêm da tiếp xúc là một dạng bệnh ngoài da do tiếp xúc với chất gây kích ứng với đặc trưng là cảm giác ngứa ngáy, khó chịu trên da. Mức độ nghiêm trọng của bệnh còn phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với chất kích ứng dài hay ngắn và đặc điểm cơ địa từng người.

1. Nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc

Có rất nhiều tác nhân từ môi trường có thể gây viêm da tiếp xúc, ngoài ra bệnh còn phụ thuộc vào cơ địa của từng người.

Viêm da tiếp xúc là tình trạng viêm da do chất gây kích ứng

Viêm da tiếp xúc là tình trạng viêm da do chất gây kích ứng

Để xác định nguyên nhân gây bệnh, có một số cách sau:

1.1. Kiểm tra nguyên nhân nghề nghiệp

Nguyên nhân nghề nghiệp nghĩa là người bệnh phải tiếp xúc thường xuyên hoặc vô tình trong môi trường làm việc. Chất gây kích ứng rất đa dạng, song thường là các chất gây khô da, mòn da, có tính chất độc hại cao.

1.2. Kiểm tra nguyên nhân do sản phẩm chăm sóc da

Chất gây kích ứng da có thể đến từ các sản phẩm dưỡng da, làm sạch da hàng ngày như: chất có tính acid, bazo cao, sơn, các loại dung môi như nhựa thông, acetone, dung môi tẩy rửa, xi măng, vôi tôi, xà phòng, thuốc tẩy, tia cực tím,... 

1.3. Nguyên nhân viêm da tiếp xúc có liên quan đến phản ứng của hệ miễn dịch

Ở người bị viêm da tiếp xúc dị ứng, bệnh xảy ra ở người có cơ địa dị ứng khi tiếp xúc với dị nguyên dẫn đến phản ứng quá miễn của cơ thể.

Viêm da tiếp xúc thường gặp ở người có cơ địa dị ứng

Viêm da tiếp xúc thường gặp ở người có cơ địa dị ứng

2. Viêm da tiếp xúc điều trị bằng thuốc nào?

Khi bị viêm da tiếp xúc, đầu tiên cần tránh tiếp xúc ngay lập tức với chất gây kích ứng da, khiến da có cảm giác bỏng rát khó chịu ngay sau khi tiếp xúc. Tùy từng tình trạng tổn thương mà có thể sử dụng các thuốc điều trị sau:

2.1. Thuốc điều trị viêm da tiếp xúc nặng, cấp tính và lan rộng

Triệu chứng viêm da tiếp xúc khởi phát đột ngột, lan rộng sẽ cần dùng đến những nhóm thuốc sau:

Thuốc chống viêm, giảm phù nề

Viêm da và phù nề là những triệu chứng điển hình của viêm da tiếp xúc, để điều trị có thể dùng Corticosteroid đường uống hoặc đường tiêm tĩnh mạch. Sử dụng liều trung bình và giảm dần trong 2 - 3 tuần để điều trị bệnh triệt để. Bác sĩ có thể kê dùng corticosteroid dạng gel bôi tại chỗ kết hợp với thuốc uống để tăng tốc độ hồi phục tổn thương da.

Thuốc chống ngứa

Để giảm cảm giác ngứa nghiêm trọng do viêm da tiếp xúc, thuốc kháng histamin được uống tường được chỉ định, có thể dùng 1 loại hoặc 2 loại kết hợp cả hai thế hệ. Thuốc kháng histamin thế hệ 1 được chỉ định tránh sử dụng cho người lái xe, vận hành máy móc do có thể gây buồn ngủ, nên sử dụng vào ban đêm như: hydroxyzine, chlorpheniramine,...

Dùng thuốc kháng histamin chống ngứa do viêm da tiếp xúc

 Dùng thuốc kháng histamin chống ngứa do viêm da tiếp xúc

Thuốc kháng histamin thế hệ 2 ít gây buồn ngủ hơn, có thể sử dụng với mọi đối tượng, 1 số loại thường dùng như: levocetirizin, cetirizine,...

Kháng sinh tại chỗ

Thuốc kháng sinh được sử dụng nếu viêm da tại chỗ có nhiễm khuẩn hoặc có nguy cơ nhiễm khuẩn. Có thể dùng đường uống thông thường hoặc đường tiêm nếu nhiễm trùng nặng.

Vệ sinh, sát khuẩn da

Bên cạnh dùng thuốc điều trị, vùng da bị viêm da tiếp xúc cũng cần được vệ sinh bằng dung dịch thuốc tím tỉ lệ 1/10.000. Dùng dung dịch này tắm lên vùng da bị tổn thương có tác dụng sát khuẩn da, làm săn da, giảm tiết dịch trên da.

Vitamin khác

Nếu không có chống chỉ định, bệnh nhân viêm da tiếp xúc có thể kết hợp uống các loại Vitamin A, C, E cùng với kẽm để đẩy nhanh tốc độ phục hồi da và khỏi bệnh.

2.2. Thuốc điều trị viêm da tiếp xúc nhẹ, không cấp tính

Ở thể viêm da tiếp xúc nhẹ, không cấp tính, bác sĩ thường chỉ định dùng corticosteroid đường uống kết hợp với thuốc bôi dạng kem hoặc dạng mỡ. Hầu hết tình trạng viêm da sẽ được kiểm soát tốt với loại thuốc này và không kéo dài.

Để chống ngứa, thuốc kháng histamin đường uống cũng được sử dụng kết hợp với các loại Vitamin và kẽm để đẩy nhanh tốc độ hồi phục da.

2.3. Thuốc điều trị viêm da tiếp xúc mạn tính

Viêm da tiếp xúc mạn tính kéo dài, dễ tái phát nhiều lần nên cần kết hợp điều trị bằng thuốc với phòng ngừa bệnh, hạn chế tối đa tiếp xúc với chất gây kích ứng. Một số thuốc được dùng điều trị khi bệnh khởi phát bao gồm:

  • Thuốc chống ngứa kháng histamin.

  • Thuốc mỡ corticosteroid kết hợp với salicylic bôi tại chỗ giảm viêm, đẩy nhanh hồi phục da.

  • Dùng thuốc mỡ corticosteroid kết hợp với kem dưỡng làm mềm da tránh bệnh tái phát như: AHA, Ure E.

  • Uống Vitamin A, C, E kết hợp với kẽm nếu không có chống chỉ định.

3. Biện pháp hiệu quả giúp phòng ngừa viêm da tiếp xúc

Biện pháp phòng ngừa viêm da tiếp xúc hiệu quả nhất vẫn là tránh tiếp xúc với chất gây kích ứng và viêm da cho bạn, trường hợp không thể tìm ra cần loại trừ bằng các sản phẩm dưỡng da, quần áo, đồ dùng hàng ngày,... Nếu gặp khó khăn, có thể đi khám bác sĩ để được hỗ trợ, xét nghiệm tìm ra chất gây viêm da tiếp xúc để phòng ngừa.

Trường hợp không thể tránh tiếp xúc với chất gây kích ứng da do tính chất công việc, nghề nghiệp thì nên áp dụng các biện pháp bảo vệ da như: Sử dụng khẩu trang lọc không khí, đeo mặt nạ khi làm việc, dùng găng tay dài, bảo hộ lao động khi làm việc,... Như vậy, chất gây kích ứng da không tiếp xúc trực tiếp với da nên bệnh cũng được phòng ngừa.

Dùng kem bôi làm mềm và bảo vệ da tránh viêm da tiếp xúc

Dùng kem bôi làm mềm và bảo vệ da tránh viêm da tiếp xúc

Ngoài dùng bảo hộ lao động, người bệnh có thể bảo vệ da đơn giản và hiệu quả hơn bằng việc sử dụng kem bôi da mỗi 4 giờ như: dermafin, dermashield, wonder glove,... Chất bảo vệ này sẽ ngăn da tiếp xúc trực tiếp với chất gây kích ứng và từ đó phòng viêm da tiếp xúc, ngoài da còn có tác dụng làm ẩm, làm mềm da tránh khô da, kích ứng da. Tuy nhiên để sử dụng an toàn, người bệnh nên đi khám bác sĩ và sử dụng với sự theo dõi của bác sĩ da liễu.

Ngoài ra, người bệnh cũng cần chú ý trong vệ sinh da hàng ngày, hạn chế cọ rửa quá mạnh với bàn chải, vải nylon hay vật dụng có bề mặt thô ráp sẽ khiến da nhạy cảm, dễ bị viêm hơn.

Hầu hết bệnh viêm da tiếp xúc có thể kiểm soát được khi dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ, song bệnh dễ tái phát nếu không cách ly được với chất kích ứng. Bệnh nhân không nên chủ quan, cần đi khám và điều trị sớm khi bệnh xuất hiện, không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh hay các thuốc uống không có chỉ định của bác sĩ.

Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.