Tin tức
Viêm giáp Hashimoto có nguy hiểm không? Điều trị bằng cách nào?
1. Viêm giáp Hashimoto là gì?
Viêm giáp Hashimoto (hay còn gọi là viêm giáp tự miễn Hashimoto) là một bệnh lý tự miễn ảnh hưởng đến tuyến giáp. Tình trạng này xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào của tuyến giáp, dẫn đến viêm và suy giảm chức năng của tuyến giáp. Điều này dẫn đến tình trạng tuyến giáp không thể sản xuất đủ hormone đáp ứng nhu cầu của cơ thể, gây ra tình trạng suy giáp.
Các triệu chứng phổ biến của viêm giáp Hashimoto bao gồm:
- Cơ thể mệt mỏi;
- Tăng cân không rõ nguyên nhân;
- Da khô và tóc dễ gãy rụng;
- Cảm giác lạnh;
- Táo bón;
- Rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ;
- Sưng vùng cổ (bướu giáp).
Viêm giáp Hashimoto có thể xảy ra mọi lứa tuổi và giới tính, tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh ở nữ cao hơn so với nam giới. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm giáp Hashimoto cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ, tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ được cho là có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh bao gồm:
- Yếu tố di truyền: Gia đình có người thân bị bệnh lý tự miễn hoặc viêm giáp Hashimoto sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn;
- Yếu tố môi trường: Thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, bụi bẩn, nhiễm tia phóng xạ…;
- Rối loạn hệ miễn dịch: Viêm giáp Hashimoto là một bệnh tự miễn, nghĩa là hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào các tế bào của tuyến giáp. Các yếu tố làm rối loạn chức năng của hệ miễn dịch cũng có thể khiến tăng nguy cơ mắc bệnh;
- Giới tính và hormone: Phụ nữ có nguy cơ cao hơn bị viêm giáp Hashimoto, có thể liên quan đến sự thay đổi hormone trong cơ thể, chẳng hạn như trong thai kỳ hoặc giai đoạn mãn kinh;
Viêm giáp Hashimoto có tỷ lệ mắc ở nữ giới cao hơn nam giới
Sức khỏe tâm thần và chế độ ăn uống: Một số nghiên cứu cho thấy căng thẳng trong cuộc sống và công việc, chế độ ăn uống không lành mạnh có thể có ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh tự miễn, bao gồm viêm giáp Hashimoto.
2. Viêm giáp Hashimoto có nguy hiểm không?
Giai đoạn đầu của viêm giáp Hashimoto thường không có triệu chứng rõ ràng và không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh lý này không được theo dõi, phát hiện và điều kịp thời có thể sẽ gây ra một số các biến chứng như:
Suy giáp: Đây là biến chứng phổ biến nhất của viêm giáp Hashimoto. Khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone giáp, bạn có thể gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi, tăng cân, da khô, rụng tóc và cảm giác lạnh. Nếu suy giáp nặng, có thể ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan khác trong cơ thể;
- Bướu cổ: Viêm giáp Hashimoto có thể dẫn đến bướu cổ, khi tuyến giáp phì đại có thể gây ra cảm giác khó chịu trong một số trường hợp;
Bướu cổ là một trong những biến chứng do viêm giáp Hashimoto gây ra
- Rối loạn chức năng tim mạch: Suy giáp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bao gồm tăng cholesterol máu, bệnh động mạch vành và huyết áp cao. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề tim mạch nghiêm trọng như đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim;
- Rối loạn tâm lý: Suy giáp có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và chức năng tâm lý, gây ra cảm giác trầm cảm, lo âu và khó khăn trong việc tập trung;
- Hiếm muộn và biến chứng trong thai kỳ: Phụ nữ bị viêm giáp Hashimoto không được điều trị có thể gặp khó khăn trong việc mang thai và có nguy cơ cao hơn về các biến chứng thai kỳ như sảy thai hoặc sinh non;
- Hôn mê phù niêm: Suy giáp nặng kéo dài ở bệnh nhân viêm giáp Hashimoto nếu không được điều trị sẽ dẫn tới hôn mê phù niêm có thể đe dọa tới tính mạng của người bệnh;
Do vậy, nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần chủ động đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
3. Phương pháp điều trị viêm giáp Hashimoto
Tùy thuộc vào từng trường hợp dựa trên thể trạng của bệnh nhân và các yếu tố liên quan, việc điều trị viêm giáp Hashimoto sẽ bao gồm các phương pháp khác nhau, bao gồm:
Điều trị nội khoa
Trước khi tiến hành quá trình điều trị, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện xét nghiệm TSH (xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp) và các xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp như T3, T4. Kết quả xét nghiệm là cơ sở giúp bác sĩ chỉ định việc sử dụng thuốc đúng liều lượng, phù hợp với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
- Trường hợp người bệnh chỉ có TSH tăng nhẹ người bệnh có thể cần hoặc không cần dùng thuốc ngay;
- Trường hợp người bệnh suy giáp lâm sàng, bác sĩ sẽ cân nhắc xem có cần dùng hormone tuyến giáp bổ sung tạm thời hay không;
- Trường hợp người bệnh suy giáp vĩnh viễn do viêm giáp Hashimoto sẽ cần điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp bằng levothyroxin - một loại thuốc giúp bổ sung hormone tuyến giáp bị thiếu hụt đến suốt đời.
Phẫu thuật
Trong trường hợp bướu giáp to, chèn ép gây khó chịu, khó thở hoặc các biến chứng khác, trong khi việc áp dụng các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp.
Biện pháp hiệu quả nhất là khám sức khỏe tổng quát định kỳ để sớm phát hiện ra các vấn đề về tuyến giáp để giúp nâng cao hiệu quả điều trị và hạn chế các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hệ thống Y tế MEDLATEC là cơ sở uy tín đáp ứng thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời viêm giáp Hashimoto nói riêng và tuyến giáp nói chung bằng các kỹ thuật tân tiến, hiện đại hàng đầu.
An tâm thăm khám, điều trị tuyến giáp tại Hệ thống Y tế MEDLATEC
Nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, hãy liên hệ qua đường dây nóng của MEDLATEC 1900 56 56 56 để được tư vấn và hỗ trợ đặt lịch thăm khám kịp thời.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!