Tin tức

Viêm họng do liên cầu khuẩn ở trẻ nhận biết thế nào? Điều trị ra sao?

Ngày 01/01/2024
Vũ Thị Thu Hương
Viêm họng do liên cầu khuẩn là một trong những bệnh về đường hô hấp dễ mắc phải, thường là do vi khuẩn gây nhiễm trùng ở khu vực cổ họng. Nếu được chăm sóc và điều trị y tế phù hợp thì bệnh sẽ được khắc phục chỉ trong một vài ngày. Ngược lại nếu lơ là và không nghỉ ngơi hợp lý, viêm họng do liên cầu khuẩn có thể phát sinh những biến chứng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của trẻ.

1. Những thông tin cơ bản về viêm họng do liên cầu khuẩn

Vi khuẩn Streptococcus Pyogenes chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn. So với những tình trạng viêm họng khác do virus gây ra, thì viêm họng do liên cầu khuẩn sẽ bộc lộ các biểu hiện nghiêm trọng hơn.

Ai cũng có nguy cơ mắc phải viêm họng do liên cầu khuẩn, đặc biệt là trẻ em từ 5 tuổi - 15 tuổi. Vi khuẩn sẽ trú ngụ trong những cơ quan đường hô hấp trên, điển hình là vị trí ở mũi và họng. Vì vậy, nếu người bệnh ho, hắt hơi hay sổ mũi thì có thể phát tán virus vào không gian và lây truyền trực tiếp sang cho người khác. Những nơi đông đúc, môi trường học hay công sở,... đều là những khu vực dễ khiến viêm họng do liên cầu khuẩn lây lan rộng rãi.

 Viêm họng do liên cầu khuẩn ở trẻ có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị

Viêm họng do liên cầu khuẩn ở trẻ có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị

Nếu được chăm sóc đúng cách và điều trị kịp thời, bệnh sẽ nhanh chóng thoái lui chỉ sau một vài ngày. Tuy nhiên đối với những bệnh nhân không chú trọng điều trị thì có thể khiến bệnh tiến triển thành những biến chứng như:

       Nhiễm trùng đường hô hấp: viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm đa xoang, viêm tai giữa,...

       Viêm thận.

       Phát ban đỏ.

       Sốt thấp khớp.

       Nhiễm trùng máu.

       Thấp tim.

       Bệnh Osler.

Trong số những biến chứng trên thì nhiễm trùng máu được coi là biến chứng nghiêm trọng nhất và hoàn toàn có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh.

2. Viêm họng do liên cầu khuẩn gây ra những triệu chứng gì ở trẻ?

Vi khuẩn Streptococcus Pyogenes sau khi xâm nhập vào cơ thể trẻ thì sẽ âm thầm nhân lên và làm xuất hiện các triệu chứng của bệnh sau 2 - 5 ngày, bao gồm:

       Cơ thể ớn lạnh, sốt cao (trên 38 độ C).

       Khó nuốt, cảm giác đau họng.

       Trên da bị phát ban tại nhiều bộ phận của cơ thể.

       Sưng và đau nhức hạch bạch huyết ở cổ.

       Đau nhức, co cứng cơ bắp.

       Cảm thấy khó chịu và bị đau nhức đầu.

       Nôn mửa, đau dạ dày, đau bụng.

       Hạch hầu bị sưng, trong cổ họng có các mảng trắng hay trên vòm họng xuất hiện các chấm nhỏ màu đỏ, sưng amidan.

Phụ thuộc vào thể trạng của từng đứa trẻ bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn sẽ biểu hiện theo những triệu chứng khác nhau. Đôi khi trẻ sẽ chỉ có các biểu hiện như đau họng nhẹ, nhưng cũng có những trẻ lại xuất hiện những triệu chứng nêu trên. Do đó để đảm bảo trẻ được điều trị đúng cách, tốt hết các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám sớm.

3. Viêm họng do liên cầu khuẩn ở trẻ điều trị như thế nào?

Phương pháp chủ yếu được áp dụng đối với những trường hợp trẻ bị viêm họng do liên cầu khuẩn đó là dùng kháng sinh. Ngoài ra còn kết hợp với những loại thuốc điều trị triệu chứng khác. Cụ thể như sau:

3.1. Các thuốc điều trị bệnh

Thông thường khi điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn, bác sĩ sẽ tuân thủ theo phác đồ dùng thuốc đó là điều trị nguyên nhân kết hợp cùng điều trị triệu chứng.

Các thuốc dùng để điều trị nguyên nhân gây bệnh:

Những loại thuốc thuộc nhóm này sẽ là các loại kháng sinh giúp loại bỏ và ngăn cản vi khuẩn streptococcus phát triển, bao gồm các loại thuốc sau:

       Kháng sinh Penicillin: gồm dạng tiêm hoặc uống, tùy thuộc vào từng trường hợp mà bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh sử dụng dạng này. Ví dụ như ở trẻ có tiền sử kích ứng đường tiêu hóa hoặc trẻ nhỏ tuổi, bác sĩ sẽ chỉ định để trẻ dùng dạng tiêm. Ở những trường hợp trẻ lớn hơn thì dùng theo đường uống.

       Kháng sinh Amoxicillin: là một loại kháng sinh cũng thuộc nhóm Penicillin nhưng có mùi vị dễ uống hơn nên thường được bác sĩ ưu tiên chỉ định sử dụng cho trẻ.

       Nếu bị dị ứng với Penicillin: các kháng sinh khác sẽ được chỉ định để thay thế, có thể là: Clindamycin, Azithromycin, Cephalexin hay Erythromycin,...

 Không được tự ý dùng thuốc điều trị cho trẻ khi chưa có chỉ định từ bác sĩ

Không được tự ý dùng thuốc điều trị cho trẻ khi chưa có chỉ định từ bác sĩ

Bên cạnh đó, việc chỉ định dùng kháng sinh còn dựa trên mức độ kháng thuốc của liên cầu khuẩn. Đa phần trẻ mắc viêm họng liên cầu khuẩn đều đáp ứng tốt với kháng sinh.

Dùng các thuốc khác hỗ trợ điều trị triệu chứng:

Phụ thuộc vào những dấu hiệu mà trẻ bị mắc, bác sĩ có thể kê đơn bổ sung một số loại thuốc cải thiện triệu chứng, cụ thể:

       Thuốc hạ sốt: những loại có chứa Paracetamol hoặc thuốc nhóm NSAIDs.

       Thuốc tiêu đờm, giảm ho: Acetylcysteine, Bromhexin, Dextromethorphan, Alimemazin.

       Thuốc giảm đau, chống viêm: Alpha Chymotrypsin, Diclofenac, Ibuprofen,...

       Thuốc co mạch, giảm dị ứng: Loratadine, Ephedrine,...

Cha mẹ cần lưu ý rằng các kháng sinh hay bất kỳ loại thuốc điều trị triệu chứng nào khác chỉ được dùng cho trẻ khi có đơn kê và hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa. Bởi vì những thuốc này, đặc biệt là kháng sinh có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm nếu dùng sai cách.

3.2. Chăm sóc cho trẻ bị viêm họng liên cầu khuẩn

Trung bình thời gian để trẻ hồi phục khi bị viêm họng do liên cầu khuẩn thường là khoảng 10 ngày. Vì vậy để trẻ nhanh chóng khỏe lại thì các bậc phụ huynh cần chú ý đến chế độ chăm sóc cho trẻ như:

       Cho trẻ ăn thực đơn dinh dưỡng đảm bảo, đủ chất. Các món ăn nên được chế biến dễ nuốt, lỏng, mềm như nước canh, súp, nước ép hoa quả, sữa chua,...

       Trẻ cần được bổ sung đủ nước để giúp việc nuốt thức ăn được dễ dàng hơn, giữ ấm cho cổ họng, giảm thiểu hiện tượng mất nước cho cơ thể trẻ.

       Trẻ cần phải được ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý, phòng tránh nguy cơ nhiễm trùng gia tăng.

       Trẻ cần duy trì thói quen súc họng bằng nước muối ấm hàng ngày. Muối có tác dụng sát khuẩn và giảm đau rất tốt.

       Môi trường chăm sóc trẻ cũng cần được quan tâm: nhà cửa phải luôn thoáng mát sạch sẽ, không có các chất như khói bụi, khói thuốc lá,...

 Cha mẹ nên cho trẻ đi khám khi có các dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm họng liên cầu khuẩn

Cha mẹ nên cho trẻ đi khám khi có các dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm họng liên cầu khuẩn

Hy vọng rằng những thông tin trong bài viết đã giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn ở trẻ, để từ đó có những biện pháp phòng ngừa cũng như điều trị hiệu quả căn bệnh này.

Nếu cha mẹ đang phân vân trong việc lựa chọn địa chỉ thăm khám uy tín cho các bệnh lý hô hấp của trẻ thì có thể liên hệ ngay tới hotline 1900565656 để được tổng đài viên của Hệ thống Y tế MEDLATEC hỗ trợ, giải đáp ngay hôm nay.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ