Tin tức
Viêm khớp gout: Các yếu tố gây bệnh bạn hoàn toàn có thể phòng tránh
- 25/12/2020 | Gout - bệnh không chỉ của người giàu, ai cần tránh xa bệnh này
- 01/09/2021 | Phân biệt bệnh gout và giả gout qua nguyên nhân và cách điều trị
- 01/10/2023 | Các loại thuốc Gout được chỉ định phổ biến trong điều trị bệnh
1. Bệnh viêm khớp gout là gì?
Viêm khớp gout (Gout) là một dạng viêm khớp do rối loạn chuyển hóa, xảy ra khi nồng độ axit uric trong máu tăng cao vượt ngưỡng cho phép. Axit uric không được đào thải hết qua thận sẽ kết tinh thành các tinh thể urat sắc nhọn, lắng đọng tại khớp và các mô xung quanh. Bệnh lý này gây ra tình trạng đau đớn và sưng tấy dữ dội, đặc biệt là ở các khớp như ngón chân cái, đầu gối hoặc mắt cá chân.
Bệnh viêm khớp gout đặc trưng bởi các hạt tophi bám quanh khớp, có thể gây tổn thương, ăn mòn khớp
Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, viêm khớp gout có thể dẫn đến:
- Các cơn đau mạn tính và biến dạng khớp: Tinh thể urat tích tụ lâu ngày gây tổn thương nghiêm trọng đến sụn và xương, ăn mòn sụn khớp, gây thoái hóa khớp.
- Hình thành các cục tophi: Đây là những khối u do tinh thể urat tích tụ tại các mô mềm, làm mất thẩm mỹ và gây đau đớn, cản trở người bệnh di chuyển và vận động. Nhiều người bệnh bị biến dạng khớp, dáng khớp, thậm chí biến người bệnh thành những “người khuyết tật”.
- Biến chứng thận: Axit uric dư thừa có thể gây sỏi thận hoặc suy thận nếu không được kiểm soát.
2. Triệu chứng bệnh viêm khớp gout
Viêm khớp gout thường biểu hiện qua các triệu chứng rõ rệt, đặc trưng bởi các cơn đau nhức dữ dội và sự sưng tấy tại khớp.
Người bệnh có thể cảm nhận sưng nóng đỏ đau tại vị trí khớp viêm
- Các tinh thể urat lắng đọng lâu ngày tạo thành cục tophi tại vùng khớp, bàn tay, bàn chân hoặc vành tai. Cục tophi không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn có thể dẫn đến biến dạng khớp và hạn chế vận động nghiêm trọng.
- Cơn đau khớp đột ngột, thường xảy ra vào ban đêm hoặc sáng sớm. Cơn đau dữ dội đến mức người bệnh khó chịu khi chạm vào vùng khớp bị ảnh hưởng.
- Khớp bị viêm thường sưng tấy, da xung quanh căng bóng, đỏ ửng và cảm giác nóng ấm khi chạm vào, người bệnh có cảm giác đau đớn ngay cả khi tiếp xúc nhẹ.
- Tình trạng viêm và đau nhức khiến người bệnh khó cử động khớp bị ảnh hưởng, gây trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày.
- Trong một số trường hợp nặng, người bệnh có thể gặp các triệu chứng toàn thân như: sốt nhẹ, cảm giác mệt mỏi, uể oải, ớn lạnh nếu viêm khớp gout đi kèm với nhiễm trùng.
- Axit uric dư thừa có thể dẫn đến sỏi thận, biểu hiện qua các triệu chứng như đau lưng dưới, tiểu ra máu hoặc tiểu khó.
3. Các nguy cơ dẫn đến mắc bệnh viêm khớp gout
Bệnh viêm khớp gout có mối liên hệ mật thiết với nhiều yếu tố nguy cơ như:
3.1. Chế độ ăn uống không lành mạnh
Những người có thường xuyên sử dụng các thực phẩm dưới đây thường có nguy cơ mắc bệnh gout cao hơn:
- Thực phẩm giàu purin: Hải sản (cua, tôm, sò, cá mòi), thịt đỏ (bò, cừu) và nội tạng động vật (gan, thận) là những thực phẩm giàu purin, dễ làm tăng nồng độ axit uric trong máu.
- Rượu bia và nước ngọt có gas: Sử dụng thường xuyên các loại đồ uống này làm giảm khả năng đào thải axit uric qua thận, dẫn đến nguy cơ cao mắc gout.
3.2. Thừa cân và béo phì
Những người thừa cân, béo phì có nguy cơ gout cao hơn những người gầy bởi:
- Những người thừa cân hoặc béo phì có xu hướng sản xuất axit uric nhiều hơn so với người có cân nặng bình thường.
- Béo phì cũng làm tăng áp lực lên thận, làm giảm khả năng loại bỏ axit uric ra khỏi cơ thể.
3.3. Ít vận động
Lối sống ít vận động làm chậm quá trình chuyển hóa và tích tụ axit uric trong cơ thể.
3.4. Yếu tố di truyền
Nếu bạn có người thân (như cha mẹ hoặc anh chị em ruột) có tiền sử mắc bệnh viêm khớp gout, nguy cơ bạn bị gout sẽ cao hơn. Đây là do gen di truyền ảnh hưởng đến cách cơ thể chuyển hóa axit uric.
3.5. Các bệnh lý nền
Những đối tượng có bệnh lý nền dễ mắc bệnh gout hơn người bình thường, bao gồm:
- Bệnh thận: Bệnh thận mạn tính hoặc suy thận làm giảm khả năng loại bỏ axit uric, gây tích tụ và dẫn đến gout.
- Bệnh lý chuyển hóa: Béo phì, tiểu đường và rối loạn chuyển hóa thường đi kèm với nồng độ axit uric cao.
- Tăng huyết áp và sử dụng thuốc lợi tiểu: Các loại thuốc điều trị tăng huyết áp có thể làm tăng nguy cơ lắng đọng axit uric trong máu.
3.6. Tuổi tác và giới tính
Tuổi tác và giới tính cũng ảnh hưởng tới tỷ lệ người mắc bệnh gout:
- Nam giới: Đàn ông có nguy cơ mắc gout cao hơn do cơ thể sản xuất axit uric nhiều hơn và đào thải kém hiệu quả.
- Người lớn tuổi: Khi tuổi tác tăng, chức năng thận suy giảm, nguy cơ tích tụ axit uric trong máu cũng tăng theo.
4. Phương pháp phòng tránh bệnh viêm khớp gout hiệu quả
Gout là bệnh lý hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu bạn thực hiện lối sống lành mạnh và duy trì các thói quen tốt. Dưới đây là những phương pháp hiệu quả giúp giảm nguy cơ mắc bệnh:
Ăn các loại thịt đỏ ở mức vừa phải để hạn chế nguy cơ viêm khớp gout
- Giảm thực phẩm giàu purin: Hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, nội tạng động vật, hải sản và các loại thực phẩm chế biến sẵn. Thay vào đó, tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây, và ngũ cốc nguyên hạt.
- Uống nhiều nước: Duy trì lượng nước từ 2-3 lít mỗi ngày giúp thận hoạt động tốt hơn, hỗ trợ đào thải axit uric ra ngoài.
- Hạn chế rượu bia: Tránh hoặc giảm tiêu thụ rượu, đặc biệt là bia, vì chúng làm tăng nồng độ axit uric trong máu.
- Kiểm soát cân nặng: Giữ cân nặng ở mức hợp lý, tránh thừa cân, béo phì để hạn chế áp lực lên hệ thống khớp.
- Chế độ vận động: Tăng cường tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, với các bài tập như đi bộ, bơi lội, hoặc yoga để cải thiện sức khỏe toàn diện.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Xét nghiệm nồng độ axit uric thường xuyên và nhận tư vấn của bác sĩ chuyên khoa với những đối tượng nguy cơ cao như tiền sử gia đình mắc bệnh gout.
Như vậy, bệnh viêm khớp Gout như hồi chuông cảnh báo về lối sống và thói quen sinh hoạt của mỗi người. Với những hiểu biết đúng đắn và sự chủ động trong phòng ngừa, bạn hoàn toàn có thể ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ xương khớp khỏe mạnh.
Nếu bạn đang lo lắng về các triệu chứng hoặc cần hỗ trợ tầm soát bệnh gout, bạn có thể lựa chọn thăm khám tại Hệ thống Y tế MEDLATEC. Với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống xét nghiệm hiện đại, MEDLATEC cung cấp các dịch vụ kiểm tra nồng độ axit uric, tư vấn điều trị và chăm sóc sức khỏe toàn diện. Đồng thời, MEDLATEC còn triển khai dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà trên toàn quốc, tiện lợi, thời gian trả kết quả nhanh chóng.
Quý khách có thể liên hệ qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ tư vấn và đặt lịch.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
