Tin tức

Viêm ngoại tâm mạc - những thông tin cơ bản nhất về bệnh

Ngày 26/07/2021
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Viêm ngoại tâm mạc hoặc còn gọi là viêm màng ngoài tim, đây là bệnh lý nhiễm trùng cấp tính, tiến triển nhanh và có thể gây ra biến chứng nguy hiểm. Vì thế chẩn đoán xác định nhanh và cấp cứu kịp thời rất quan trọng, giúp bệnh nhân không bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng. Chẩn đoán muộn có thể khiến bệnh nhân tổn thương do co thắt hoặc chèn ép tim cấp.

1. Nguyên nhân dẫn đến viêm ngoại tâm mạc

Bình thường, túi màng ngoài tim gồm 2 lớp bao quanh để bảo vệ tim, giữa hai lớp sẽ chứa lượng nhỏ dịch bôi trơn. Ở bệnh viêm ngoại tâm mạc, lớp màng bị tổn thương hoặc nhiễm trùng viêm do vi sinh vật, gây ma sát khi tim hoạt động và dẫn đến những cơn đau tức ngực.

Viêm ngoại tâm mạc là tình trạng viêm xảy ra ở lớp màng ngoài tim

Viêm ngoại tâm mạc là tình trạng viêm xảy ra ở lớp màng ngoài tim

Bệnh còn làm tăng lượng dịch lỏng trong các túi màng ngoài tim, dẫn tới tràn dịch màng ngoài tim. Nguyên nhân gây bệnh có thể là virus tấn công hoặc phát triển sau cơn đau tim, phẫu thuật tim. Những đối tượng sau có nguy cơ cao hơn mắc viêm ngoại tâm mạc gồm:

  • Người bị rối loạn hệ thống viêm, hệ thống miễn dịch hoạt động bất thường và có thể tấn công vào mô tim như trong bệnh lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp,…

  • Rối loạn sức khỏe miễn dịch như bệnh lao, suy thận, ung thư, AIDS,…

  • Chấn thương tim do tổn thương vùng ngực, nhất là sau tai nạn.

  • Viêm màng ngoài tim co thắt kéo dài mãn tính, khiến màng tim phát triển dày, xuất hiện sẹo và gây co cứng màng ngoài tim.

  • Chèn ép tim do dịch lỏng tích tụ ở màng ngoài tim, đây là biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới hoạt động co bóp của tim, nếu không can thiệp sớm bệnh có thể dẫn đến tử vong.

Tình trạng tích tụ dịch ở màng ngoài tim rất nguy hiểm

Tình trạng tích tụ dịch ở màng ngoài tim rất nguy hiểm

Bệnh viêm ngoại tâm mạc có thể đi kèm với các tổn thương hoặc bệnh lý tim mạch khác, gây biến chứng nguy hiểm hơn đe dọa đến tính mạng người bệnh.

2. Các hình thái của bệnh viêm ngoại tâm mạc

Các hình thái viêm ngoại tâm mạc điển hình gồm:

2.1. Viêm ngoại tâm mạc có dịch

Khi dịch tích tụ trong khoang màng tim, lượng dịch và tốc độ tích trữ dịch ảnh hưởng rất lớn đến tiến triển cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh.

2.2. Viêm ngoại tâm mạc có ép tim

Đây là tình trạng tăng áp lực đột ngột trong khoang màng ngoài tim, khiến tim bị ép lại và khó thực hiện việc đổ đầy máu về tâm thất, ngăn cản tim co bóp. Hình thái này rất nguy hiểm, bệnh nhân cần được cấp cứu ngay nếu không có thể tử vong nhanh chóng.

2.3. Viêm ngoại tâm mạc co thắt

Đây là dạng viêm màng ngoài tim dày, có khi nhiễm vôi nên bóp chặt, khiến trái tim khó co bóp. Từ đó làm giảm hoạt động co bóp máu của tim, dẫn đến giảm cung lượng tim. 

Tùy theo thể bệnh mà người bệnh có thể có các triệu chứng khác nhau, việc xác định thể bệnh rất quan trọng để điều trị, xử lý cũng như theo dõi phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.

3. Dấu hiệu chẩn đoán viêm ngoại tâm mạc

Dấu hiệu lâm sàng giúp định hướng chẩn đoán bệnh viêm ngoại tâm mạc, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác, tìm nguyên nhân và phân loại bệnh.

Đau ngực là dấu hiệu lâm sàng thường gặp ở bệnh nhân viêm ngoại tâm mạc

Đau ngực là dấu hiệu lâm sàng thường gặp ở bệnh nhân viêm ngoại tâm mạc

3.1. Dấu hiệu lâm sàng

Đau ngực là triệu chứng điển hình của viêm ngoại tâm mạc cũng như các bệnh lý nhiễm trùng tim khác, đặc trưng là những cơn đau xuất hiện sau xương ức, có thể dữ dội đau buốt hoặc âm ỉ kéo dài cả ngày. Cơn đau nghiêm trọng hơn khi lan tỏa đến vùng cổ và sau lưng. Đi kèm với triệu chứng này là tình trạng sốt, đau mỏi cơ giống với nhiễm virus thông thường.

Bệnh nhân còn thường gặp phải tình trạng khó thở, xuất hiện sau giai đoạn đau ngực thường do bệnh đã tiến triển thành tràn dịch ngoài màng tim.

Nghe tim được thực hiện khi xuất hiện cơn đau tức ngực, khó thở không rõ nguyên nhân. Ở bệnh nhân viêm ngoại tâm mạc, khi nghe tim thấy rõ tiếng cọ phát ra từ màng ngoại tim. Vị trí nghe tốt nhất là ở phía thấp bờ trái xương ức, nhất là khi bệnh nhân hơi cúi người ra trước và nín thở sâu.

3.2. Triệu chứng cận lâm sàng

Nếu có các dấu hiệu cận lâm sàng sau có thể chẩn đoán bệnh viêm ngoại tâm mạc:

Điện tâm đồ

Kết quả điện tâm đồ ở bệnh nhân viêm ngoại tâm mạc sẽ thay đổi theo tiến triển bệnh, bao gồm 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn đầu: Là khi cơn đau ngực đầu tiên xuất hiện, dấu hiệu đặc trưng là ST chênh lên đồng hướng với sóng T dương ở các chuyển đạo trước tim.

Điện tâm đồ ở bệnh nhân viêm ngoại tâm mạc mỗi giai đoạn là khác nhau

Điện tâm đồ ở bệnh nhân viêm ngoại tâm mạc mỗi giai đoạn là khác nhau

  • Giai đoạn 2: Xuất hiện sau cơn đau ngực vài ngày, lúc này đoạn ST đã trở về đường đẳng điện đồng thời sóng T dẹt xuống.

  • Giai đoạn 3: Bệnh nhân viêm ngoại tâm mạc lúc này khi kiểm tra điện tâm đồ sẽ thấy sóng T âm đảo ngược.

  • Giai đoạn sau: khi viêm ngoại tâm mạc đã xảy ra từ vài ngày đến vài tuần, sóng T dương trở lại.

Chụp tim phổi

Kết quả chụp tim phổi ở bệnh nhân viêm ngoại tâm mạc thấy tim to, nhất là khi xảy ra tràn dịch màng ngoài tim phối hợp. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân chụp tim phổi không thấy dấu hiệu bất thường.

Xét nghiệm máu

Tổn thương tim nói chung và viêm ngoại tâm mạc nói riêng sẽ xuất hiện các dấu hiệu đặc trưng khi xét nghiệm máu như: hiện tượng tăng bạch cầu, tăng men creatine phosphokinase, tăng máu lắng.

Siêu âm tim

Với bệnh nhân viêm màng ngoài tim cấp, siêu âm tim được chỉ định chẩn đoán ở giai đoạn sau vì lúc này mới thấy rõ khoảng trống do dịch màng ngoài tim tích tụ gây ra.

Cấy máu giúp xác định tác nhân gây viêm ngoại tâm mạc

Cấy máu giúp xác định tác nhân gây viêm ngoại tâm mạc

Cấy máu hoặc cấy đờm

Xét nghiệm này được thực hiện để chẩn đoán chính xác tác nhân gây ra viêm ngoại tâm mạc là vi khuẩn hay virus.

Xét nghiệm khác

Chẩn đoán viêm ngoại tâm mạc còn được thực hiện với các kỹ thuật như: chụp cộng hưởng từ hạt nhân, siêu âm tim qua thực quản, chụp cắt lớp vi tính,…

Chẩn đoán chính xác đem lại rất nhiều lợi ích trong điều trị cho bệnh nhân viêm ngoại tâm mạc, hầu hết bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị nội khoa. Nếu xảy ra biến chứng, xuất hiện tích dịch nhiều ở màng ngoài tim thì phẫu thuật có thể phải thực hiện để cắt màng ngoài tim hoặc dẫn lưu màng ngoài tim. 

Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.