Tin tức
Viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh: những điều mẹ cần biết
- 25/08/2021 | Thận trọng với bệnh viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh
- 07/10/2022 | Viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
- 18/04/2022 | Những lưu ý về bệnh viêm ruột hoại tử do Clostridial
- 01/02/2024 | Viêm ruột hoại tử: Nguyên nhân và cách xử trí
1. Viêm ruột hoại tử là bệnh gì?
Viêm ruột hoại tử là tình trạng nhiễm trùng ruột và có thể đang bị hoại tử. So với trẻ sinh đủ tháng thì trẻ sinh non dễ gặp bệnh lý này hơn. Nếu không được phát hiện để điều trị ngay thì ruột sẽ nhanh chóng bị hoại tử, dịch tiêu hóa tràn vào khoang bụng và gây nên nhiều biến chứng: viêm phúc mạc, tắc ruột, cần được cấp cứu ngay để bảo toàn tính mạng.
Mô tả về bệnh viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh
2. Nguyên nhân và triệu chứng viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh
2.1. Nguyên nhân gây nên viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh
Bệnh viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh hiện chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây nên nhưng có rất nhiều yếu tố liên quan đến nguy cơ hình thành tình trạng này: nhiễm khuẩn, sinh non tháng nên ruột chưa phát triển hoàn thiện, lưu lượng máu đến ruột giảm, mạch máu bị tổn thương, ngạt sau sinh, suy hô hấp sau sinh, bất thường về chuyển hóa, tim bẩm sinh, thai nhi có quá trình phát triển bào thai bất thường, dùng sữa công thức sai cách, thân nhiệt hạ,...
Tất cả yếu tố nêu trên là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào ruột qua thức ăn để làm tổn thương và hoại tử mô ruột non. Tổn thương có thể ở nhiều mức độ: xuất huyết, phù nề, hoại tử, bạch cầu đa nhân,... và biến chứng tắc ruột, thủng ruột, viêm phúc mạc.
2.2. Triệu chứng viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh
Viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh là bệnh lý cấp tính cần được điều trị ngay vì nguy cơ biến chứng lâu dài có thể gặp phải và mức độ nguy hiểm đến sự sống của trẻ. Khi mắc phải bệnh lý này, trẻ thường có các triệu chứng:
Viêm ruột hoại tử khiến trẻ quấy khóc liên tục, cơ thể suy kiệt
- Đau bụng: ban đầu bụng trẻ có dấu hiệu đầy hơi, mềm, đau nhẹ nhưng không cố định điểm đau. Dần dần, cơn đau bụng nặng và dài hơn, ngày càng thành cơn dữ dội, chủ yếu đau ở bụng trên hoặc quanh rốn, bụng chướng thấy rõ, cơ bụng co bóp khiến trẻ đau quặn người.
- Nôn: trẻ có thể nôn ra dịch vị, dịch mật, chất nôn ra có màu như màu như cafe.
- Đi ngoài nhiều, có thể có máu: trẻ đi ngoài nhiều với đặc điểm phân lỏng và có màu như canh trứng. Trường hợp nặng sẽ có máu trong phân, phân màu đỏ sánh hoặc màu như canh đậu đỏ, phân có mùi hôi, trong phân có thể có chất màu trắng xám là chất hoại tử, trong phân có thể có dịch nhờn.
- Bị mất máu, mất nước: đây là triệu chứng viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh đã tiến triển nặng. Số đông trẻ sẽ bị mất nước, hàm lượng các chất điện giải giảm, dung lượng máu giảm, nhiễm toan chuyển hóa, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
- Nhiễm độc máu: trẻ bị sa sút tinh thần, sốt, thường xuyên thèm ngủ và trong trạng thái bất an, da nhợt nhạt. Chỉ trong vòng 1 - 2 ngày sau khi có triệu chứng, bệnh nặng lên rất nhanh, trẻ sẽ bị nhiễm độc máu với tình trạng ngất. Lúc này nếu trẻ không được cấp cứu ngay sẽ dễ tử vong.
- Triệu chứng đường tiêu hóa: tiêu chảy, nôn, trớ, đi ngoài phân màu đen, da vàng, bụng trướng và da bụng có màu đỏ.
3. Điều trị viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh
Để điều trị viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh bác sĩ sẽ phải cân nhắc trên rất nhiều yếu tố: thể trạng, bệnh lý đi kèm, tuổi của trẻ,... Các thao tác xử trí thường gồm:
Ngay khi nghi ngờ triệu chứng cảnh báo viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh cha mẹ cần đưa con đến khám bác sĩ ngay
- Dừng cho trẻ ăn đường miệng để giảm bài tiết và giúp đường ruột được nghỉ ngơi, có thời gian hồi phục.
- Truyền dịch tĩnh mạch để đảm bảo cơ thể của trẻ được cung cấp đầy đủ năng lượng và chất điện giải.
- Điều trị nhiễm trùng bằng thuốc kháng sinh tích cực. Điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm trước, khi có kết quả kháng sinh đồ thì xem xét điều trị theo kháng sinh đồ.
- Chụp X-quang ổ bụng thường xuyên để theo dõi và đánh giá tình trạng tiêu hóa.
- Dùng máy thở hoặc bổ sung oxy trong trường hợp bụng chướng nhiều, hô hấp có nguy cơ bị đe dọa.
- Cách ly trẻ với các trẻ khác để không xảy ra tình trạng lây nhiễm bệnh.
Khi các triệu chứng viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh được kiểm soát thì trẻ có thể được tập bú trở lại bằng đường miệng. Trong trường hợp trẻ đã được điều trị tích cực nhưng không cải thiện hoặc xảy ra biến chứng thủng ruột, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Phương pháp điều trị này giúp cô lập và loại bỏ đoạn ruột đã hoại tử đồng thời giúp cho khoang bụng được làm sạch.
Nhìn chung, viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh là bệnh chưa rõ căn nguyên, chủ yếu gặp ở trẻ non tháng. Vì thế, với những trẻ có cơ cao, tốt nhất nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn ngay từ khi chào đời. Bên cạnh đó, trẻ cũng cần được quan sát, theo dõi để kịp thời phát hiện triệu chứng nghi ngờ, để kịp thời thăm khám và điều trị.
Nếu phát hiện triệu chứng viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh, cha mẹ có thể đưa con đến thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Tại đây, các bác sĩ chuyên khoa hàng đầu sẽ tiến hành những kiểm tra cần thiết giúp chẩn đoán đúng tình trạng của trẻ và có biện pháp điều trị tích cực để giúp trẻ được bảo vệ an toàn. Mọi thắc mắc khác có liên quan đến bệnh lý này, cha mẹ cũng có thể chia sẻ qua hotline 1900 56 56 56 để được giải đáp chi tiết.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!