Tin tức

Viêm thực quản: nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Ngày 22/04/2021
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Viêm thực quản có thể do nhiều nguyên nhân, thường gặp nhất do trào ngược acid dạ dày gây kích thích niêm mạc thực quản dẫn đến viêm. Viêm thực quản có thể gây ra một vài triệu chứng không quá nghiêm trọng, song cần điều trị và phòng ngừa để tránh biến chứng ung thư, loét, teo hẹp thực quản,…

1. Tìm hiểu chung về bệnh viêm thực quản

Thực quản là một cơ quan nằm ở đường tiêu hóa trên, nơi tiếp nhận thức ăn từ miệng và đẩy xuống dạ dày để tiêu hóa. Bệnh viêm thực quản là tình trạng lớp niêm mạc lót lòng bị tổn thương dẫn tới viêm sưng. Bệnh thường chỉ gây một số vấn đề về nuốt và thường không kéo dài như: khó nuốt, cảm giác vướng cổ họng, đau ngực, nuốt đau,…

Viêm thực quản là bệnh khá thường gặp gây đau họng khó nuốt

Viêm thực quản là bệnh khá thường gặp gây đau họng khó nuốt

Hiếm khi viêm thực quản tiến triển thành ung thư hoặc thực quản barrett nếu được điều trị tốt và không để bệnh tái phát nhiều lần. Cụ thể những triệu chứng do viêm thực quản gây ra bao gồm:

  • Khàn tiếng.

  • Nuốt đau.

  • Khó nuốt.

  • Cảm giác nóng rát ở ngực.

  • Đau họng, đau ngực nhất là khi ăn.

  • Buồn nôn, nôn ói.

  • Cảm giác chua trong họng do acid dạ dày bị trào ngược.

  • Chán ăn, biếng ăn.

Các triệu chứng này thường không quá nghiêm trọng, khi bệnh được điều trị tốt thì triệu chứng cũng dần biến mất. Tuy nhiên, triệu chứng viêm thực quản có thể nguy hiểm ở những bệnh nhân mắc cao huyết áp, bệnh tim mạch hoặc đái tháo đường.

Viêm thực quản có thể nguy hiểm nếu chủ quan

Viêm thực quản có thể nguy hiểm nếu chủ quan

Không nên chủ quan khi bạn hoặc người thân, đặc biệt là trẻ nhỏ có dấu hiệu viêm thực quản. Nếu triệu chứng nặng xuất hiện như: khó thở, đau ngực kể cả khi không ăn, đau cơ, nhức đầu, sốt cao, không thể nuốt,… xảy ra. Tùy theo tình trạng bệnh và cơ địa mà bệnh có thể tiến triển nặng, khó điều trị và dẫn đến ung thư.

2. Nguyên nhân điển hình dẫn đến viêm thực quản

Theo nguyên nhân gây bệnh, viêm thực quản cũng được chia thành 4 nhóm bệnh bao gồm:

2.1. Do trào ngược

Trào ngược acid dạ dày là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến viêm thực quản và có thể gây viêm mạn tính khi acid không được kiểm soát tốt. Bình thường, cơ thắt thực quản dưới có cấu trúc giống như van một chiều, làm nhiệm vụ giữ dịch dạ dày ổn định trong dạ dày dù hoạt động đi lại, chạy nhảy, nằm có thể khiến dịch dạ dày xáo động.

Tuy nhiên, khi cơ quan này bị giãn, thoái hóa, xuất hiện vết hở thì acid dạ dày có thể trào ngược lên thực quản. Dịch dạ dày có pH thấp sẽ gây tổn thương, kích thích cho niêm mạc thực quản, từ đó dẫn đến viêm. Nguy hiểm hơn nếu trào ngược dạ dày kéo dài, bệnh nhân có thể mắc viêm thực quản mãn tính, niêm mạc thực quản bị tổn thương nghiêm trọng, hình thành sẹo.

Phải điều trị nguyên nhân trào ngược acid dạ dày kết hợp với điều trị triệu chứng viêm thực quản mới có thể cải thiện bệnh nhanh chóng và hiệu quả lâu dài.

Viêm thực quản trào ngược là thể bệnh thường gặp nhất

Viêm thực quản trào ngược là thể bệnh thường gặp nhất

2.2. Do dị ứng

Đây là thể viêm thực quản xảy ra trong phản ứng dị ứng của con người, có vai trò quan trọng của tế bào bạch cầu. Phản ứng dị ứng khi tiếp xúc với tác nhân kích ứng là vi khuẩn, bụi bẩn, lông động vật, acid, thực phẩm,… khiến cho nồng độ bạch cầu ở thực quản tăng cao.

Từ đó, thực quản sẽ bị viêm sưng nhanh chóng. Tình trạng viêm thực quản dị ứng thường nhanh chóng biến mất khi người bệnh được tách xa ra khỏi tác nhân gây kích thích. Tuy nhiên, đây là tình trạng cấp tính, viêm sưng thực quản quá mức có thể ảnh hưởng đến hô hấp nên cần can thiệp y tế kịp thời bằng thuốc chống dị ứng hoặc mở đường thở khi có dấu hiệu khó hô hấp.

Những tác nhân dễ gây viêm thực quản dị ứng bao gồm:

  • Thực phẩm: đậu phộng, đậu nành, sữa, trứng, lúa mạch, lúa mì, thịt bò,…

  • Bụi bẩn, lông động vật, phấn hoa,…

2.3. Do thuốc

Một số loại thuốc điều trị có thể gây phá hủy mô nếu chúng tồn tại lâu trong niêm mạc thực quản. Điều này xảy ra khi bạn uống thuốc nhưng do dùng quá ít nước hoặc nuốt không trôi khiến một phần thuốc đọng lại ở niêm mạc thực quản, gây ra viêm.

Uống thuốc với ít nước có thể là nguyên nhân gây viêm thực quản

Uống thuốc với ít nước có thể là nguyên nhân gây viêm thực quản

Các thuốc dễ gây viêm thực quản bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh như doxycycline, tetracycline.

  • Thuốc giảm đau như Natri naproxen, Aspirin, ibuprofen,…

  • Thuốc điều trị tim mạch như quinidine.

  • Thuốc điều trị loãng xương dạng bisphosphonates.

  • Thuốc điều trị thiếu kali như Kali clorid.

2.4. Do nhiễm trùng

Đây là nguyên nhân phổ biến cuối cùng dẫn đến viêm thực quản, song khá hiếm thường chỉ xảy ra ở những người bị suy giảm miễn dịch trong bệnh lupus ban đỏ, ung thư, điều trị bằng hóa xạ trị, nhiễm HIV/AIDS,…

Tác nhân nhiễm trùng gây viêm thực quản phổ biến nhất là nấm Candida Albicans, chúng thường xuất hiện trong khoang miệng nhưng có thể theo nước bọt hoặc thức ăn xuống thực quản gây bệnh.

3. Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm thực quản

Bệnh viêm thực quản có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, thông qua triệu chứng và bệnh sử bác sĩ có thể xác định được bệnh. Để chẩn đoán chính xác, bệnh nhân cần làm các xét nghiệm kiểm tra khác như: nội soi thực quản, sinh thiết, chụp X-quang với thuốc cản quang,…

Cần xác định được nguyên nhân gây viêm thực quản mới có thể điều trị hiệu quả triệt để. Các thuốc điều trị dùng chuyên biệt cho bệnh nhân viêm thực quản bao gồm:

  • Thuốc kháng virus: Khi tác nhân gây bệnh là do virus.
  • Thuốc kháng nấm: Khi tác nhân gây bệnh là do nấm.
  • Thuốc kháng dịch vị: Giúp bảo vệ niêm mạc thực quản khỏi tác động xấu của dịch vị dạ dày bị trào ngược.
  • Thuốc giảm đau: Có tác dụng cải thiện triệu chứng đau do viêm thực quản.
  • Steroid: Steroid đường uống cũng thường được chỉ định để cải thiện tình trạng bệnh cho bệnh nhân viêm thực quản.
  • Thuốc ức chế bơm proton: Thuốc có tác dụng hạn chế sản xuất dịch vị dạ dày, ngăn ngừa trào ngược lên gây viêm thực quản.

Viêm thực quản sẽ được điều trị dựa theo nguyên nhân gây bệnh

Viêm thực quản sẽ được điều trị dựa theo nguyên nhân gây bệnh

Ngoài ra, viêm thực quản do nguyên nhân đặc biệt như dị ứng hoặc do thuốc sẽ cần điều trị đặc biệt, chủ yếu là kiểm soát từ chế độ ăn uống và sử dụng thuốc. Bệnh nhân cần tránh xa thức ăn chứa chất gây dị ứng viêm thực quản như: trái cây có vị chua, thức ăn cay, thuốc lá, rượu, cà phê,…

Nếu nguyên nhân gây viêm thực quản là do thuốc, bệnh nhân cần sử dụng thuốc uống dạng lỏng hoặc uống nhiều nước hơn khi uống thuốc.

Như vậy, viêm thực quản có thể được điều trị nhanh chóng và không tái phát khi tìm và khắc phục được đúng nguyên nhân gây bệnh. Hãy liên hệ với bác sĩ khi bạn đang có những triệu chứng gây viêm thực quản như trên.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.