Tin tức
Xét nghiệm định lượng HBV-DNA
1. Tổng quan
Virus viêm gan B (HBV-Hepatitis B virus) là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh lý viêm gan virus trên thế giới. Ước tính có khoảng 2 tỉ người lây nhiễm HBV, trong đó hơn 350 triệu người trở thành mạn tính trên thế giới. Năm 2010, theo nghiên cứu Global Burden of Disease, viêm gan virus B trở thành một trong những vấn đề sức khoẻ được ưu tiên nhất toàn cầu. Bệnh lý này gây ra 786.000 ca tử vong hàng năm, là nguyên nhân tử vong đứng thứ 10 trên thế giới.
HBV lây truyền do tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể nhiễm HBV, 3 con đường chính gồm: quan hệ tình dục, từ mẹ sang con và tiêm chích không an toàn. Một số nguyên nhân ít gặp hơn gồm có truyền máu, lây nhiễm bệnh viện từ dụng cụ y tế bị nhiễm, ghép tạng từ người nhiễm HBV.
Tiến triển từ viêm gan virus B cấp tính sang mạn tính phụ thuộc vào độ tuổi: 95% trẻ sơ sinh, 20-30% trẻ nhỏ (1-5 tuổi) và dưới 5% ở người trưởng thành sẽ phát triển thành viêm gan virus B mạn. Biến chứng của viêm gan B mạn tính gồm có xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan. Tiêm vaccine là phương thức phòng bệnh hiệu quả.
2. Cấu tạo virus viêm gan B
HBV thuộc họ Hepadnaviridae, có cấu trúc DNA. Dựa vào trình tự các nucleotide, HBV được chia thành 10 kiểu gen khác nhau ký hiệu từ A đến J.
Hình ảnh: Virus viêm gan B
3. Xét nghiệm định lượng virus viêm gan B (HBV-DNA)
Xét nghiệm định lượng HBV-DNA hay còn gọi là định lượng virus viêm gan B trong máu là một xét nghiệm nhằm xác định số lượng hay nồng độ của virus trong một đơn vị thể tích huyết tương/huyết thanh, sử dụng đơn vị IU/ml hoặc copy/ml (1IU tương ứng 5-6 copy), từ đó đánh giá mức độ nhân lên của virus trong các tế bào gan.
Nồng độ virus được coi là cao khi trên 10.000 IU/ml, mức độ trung bình từ 2000-10.000 IU/ml và mức độ thấp khi dưới 2000 IU/ml.
Kiểm tra theo dõi mức độ HBV-DNA trong máu theo tháng, theo năm là một điều kiện quan trọng để quản lý bệnh, giúp xác định thời điểm điều trị, theo dõi đáp ứng điều trị cũng như đánh giá tiêu chuẩn dừng điều trị.
Hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, xét nghiệm định lượng HBV-DNA được thực hiện bằng kỹ thuật Realtime-PCR hoàn toàn tự động từ khâu tách chiết DNA đến giai đoạn thực hiện phản ứng PCR, cho kết quả nhanh chóng và chính xác với độ nhạy 99% và độ đặc hiệu 99%.
Xét nghiệm có thể phân biệt được các trường hợp sau:
1) Không phát hiện thấy HBV-DNA trong mẫu máu.
2) Nồng độ HBV-DNA dưới ngưỡng phát hiện (20 IU/ml).
3) Nồng độ cụ thể của HBV-DNA.
Hình ảnh: Hệ thống máy Cobas cho xét nghiệm HBV-DNA tại MEDLATEC
4. Chỉ định xét nghiệm định lượng virus viêm gan B
4.1. Bắt đầu điều trị
Bệnh nhân được chẩn đoán viêm gan B mạn tính, xét nghiệm định lượng HBV-DNA là một trong những tiêu chuẩn để bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng virus.
Chỉ định điều trị:
- ALT tăng trên 2 lần giá trị bình thường hoặc có bằng chứng xác nhận có xơ hóa gan tiến triển/xơ gan bất kể ALT ở mức nào.
- HBV-DNA ≥ 105 copies/ml (20.000 IU/ml) nếu HBeAg (+) hoặc HBV- DNA ≥ 104 copies/ml (2.000 IU/ml) nếu HBeAg (-).
Theo dõi trong và sau điều trị: xét nghiệm HBV DNA được theo dõi sau mỗi 3-6 tháng cùng với các xét nghiệm khác (AST, ALT, Creatinine máu, HBeAg, Anti-HBe) để đánh giá đáp ứng điều trị cũng như đánh giá tái phát sau ngưng điều trị.
- Đáp ứng về virus (Virologic response): HBV DNA giảm đến ngưỡng không phát hiện được bằng phương pháp PCR và mất HBeAg ở bệnh nhân có HBeAg (+).
- Không đáp ứng nguyên phát (primary non-respone): HBV DNA giảm < 1log10 IU/ml sau 12 tuần điều trị (EASLD) hoặc giảm < 2log10 IU/ml sau 24 tuần điều trị (AASLD). (Không áp dụng cho điều trị với Interferon).
• Tái phát virus (Virologic relapse): HBV DNA tăng lên 1 log10 IU/ml (tăng gấp 10 lần) sau khi ngưng điều trị tối thiểu 4 tuần.
4.2. Đánh giá dừng thuốc ức chế virus
• Trường hợp HBeAg (+): sau 6-12 tháng có chuyển đổi huyết thanh HBeAg và HBV-DNA dưới ngưỡng phát hiện.
• Trường hợp HBeAg (-): HBV-DNA dưới ngưỡng phát hiện trong 3 lần xét nghiệm liên tiếp cách nhau mỗi 6 tháng.
4.3. Đánh giá thất bại điều trị
• ALT có thể tăng cao trở lại.
• Không đáp ứng nguyên phát hoặc tái phát virus.
5. Cách lấy mẫu bệnh phẩm và bảo quản
5.1. Cách lấy mẫu
- Huyết thanh hoặc huyết tương chống đông bằng EDTA
- Thể tích: 4 ml
5.2. Bảo quản
- Ly tâm lấy lấy huyết thanh/huyết tương trong vòng 6h sau khi lấy máu. Chuyển huyết thanh/huyết tương vào ống có lặp đậy và lưu tủ đông.
6. Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm
- Không sử dụng ống chống đông Heparin do có thể bị ức chế phản ứng PCR.
- Mẫu cần phân tích sớm sau khi lấy máu để kết quả chính xác, trường hợp thời gian chờ phâ lâu cần tách huyết tương/huyết thanh, bảo quản tủ âm để tránh các phản ứng ức chế PCR.
Tài liệu tham khảo
1. Liaw YF, Chu CM. Hepatitis B virus infection. Lancet 2009; 373: 582–92.
2. Lozano R, Naghavi M, Foreman K, et al. Global and regional mortality from 235 causes of death for 20 age groups in 1990 and 2010: a systematic analysis for the Global Burden of Disease Study 2010. Lancet 2012; 380: 2095–128.
3. Beasley RP. Rocks along the road to the control of HBV and HCC. Ann Epidemiol 2009; 19: 231–34.
4. Hướng dẫn Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan virus B (2014). Bộ Y Tế.
Mọi chi tiết, Quý vị vui lòng liên hệ:
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Địa chỉ: 42 Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội | 99 Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội
Tổng đài: 1900 56 56 56
Website: www.medlatec.vn
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!