Tin tức

Xét nghiệm HbA1c có ý nghĩa như thế nào đối với bệnh nhân tiểu đường?

Ngày 07/05/2025
Tham vấn y khoa: Ths.BSNT Trần Hiền
Xét nghiệm HbA1c là cơ sở để bác sĩ theo dõi, đưa ra đánh giá về hiệu quả điều trị tiểu đường. Chỉ số HbA1c được duy trì ở ngưỡng an toàn sẽ giúp người bệnh giảm được nguy cơ gặp phải các biến chứng như bệnh tim mạch, suy thận, tổn thương thần kinh,... Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu hơn về vai trò, cách thức thực hiện và cách cải thiện chỉ số này để bảo vệ sức khỏe.

1. Xét nghiệm HbA1c khi nào cần thực hiện? 

HbA1c (Hemoglobin A1c) là hemoglobin liên kết với glucose trong máu. Khi đường huyết tăng cao, lượng hemoglobin bị gắn glucose cũng tăng lên. Do đó, xét nghiệm này có thể đo lường chỉ số đường huyết trung bình trong 2 - 3 tháng gần nhất.

Xét nghiệm HbA1c cung cấp kết quả để bác sĩ có cái nhìn tổng thể về đường huyết của bệnh nhân trong khoảng thời gian dài thay vì chỉ đánh giá ở một thời điểm nhất định. 

Đối với quá trình theo dõi bệnh tiểu đường, xét nghiệm HbA1c có nhiều ưu điểm hơn so với các phương pháp đo đường huyết ngắn hạn:

- HbA1c cung cấp thông tin để bác sĩ đánh giá chỉ số đường huyết trong khoảng thời gian dài.

- Do không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi tức thời của đường huyết sau bữa ăn nên kết quả HbA1c được coi là chính xác và đáng tin cậy hơn.

- Bệnh nhân không cần phải đo đường huyết nhiều lần trong ngày nên giảm bớt được cảm giác phiền toái trong quá trình theo dõi bệnh.

Bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm HbA1c để chẩn đoán tiểu đường hoặc có nguy cơ cao đối với đái tháo đường. Sau khi xét nghiệm HbA1c lần đầu, bác sĩ sẽ chỉ định lịch xét nghiệm trong các lần kế tiếp tùy theo tình trạng tiểu đường type 1 hay type 2 mà người bệnh mắc phải, khả năng kiểm soát đường huyết và kế hoạch điều trị. Xét nghiệm này cũng có thể được thực thiện trong quá trình khám sức khỏe tổng quát định kỳ.

Tuy nhiên, kết quả của HbA1c có thể sai lệch nếu bệnh nhân có:

- Thiếu máu tan máu (đặc biệt thiếu máu hồng cầu hình liềm, Thalassemia)

- Bệnh lý thận nặng

- Bệnh hemoglobin (HbE, HbC)

Trong các trường hợp này, người bệnh nên theo dõi đường huyết trong ngắn hạn bằng đường huyết mao mạch hoặc đường huyết tĩnh mạch, theo dõi dài hạn bằng xét nghiệm Fructosamin.

Tần suất xét nghiệm HbA1c được khuyến nghị như sau:

- 3 tháng/lần nếu không kiểm soát tốt hoặc thay đổi phác đồ điều trị.

- 6 tháng/lần nếu đường huyết đã ổn định.

Xét nghiệm HbA1c được sử dụng để theo dõi điều trị bệnh tiểu đường

Xét nghiệm HbA1c được sử dụng để theo dõi điều trị bệnh tiểu đường

2. Vai trò của xét nghiệm HbA1c trong kiểm soát tiểu đường

2.1. Đánh giá kiểm soát đường huyết dài hạn

Kết quả xét nghiệm HbA1c là căn cứ để bác sĩ đánh giá khả năng kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân trong thời gian 2 - 3 tháng gần nhất. Điều này có nghĩa là, thay vì chỉ dựa vào các lần đo đường huyết hàng ngày, xét nghiệm HbA1c sẽ mang đến cái nhìn toàn diện hơn về quá trình điều trị và kiểm soát bệnh.

2.2. Có phương án điều chỉnh phác đồ điều trị

Thông qua kết quả xét nghiệm HbA1c, bác sĩ có thể xác định hiệu quả của phương pháp điều trị hiện tại. Nếu chỉ số HbA1c cao, bác sĩ sẽ cân nhắc thay đổi chế độ ăn uống, lối sống hoặc điều chỉnh liều dùng thuốc để kiểm soát bệnh hiệu quả hơn.

2.3. Dự báo nguy cơ biến chứng

Xét nghiệm HbA1c không chỉ giúp bác sĩ theo dõi quá trình điều trị mà còn là cơ sở để dự báo nguy cơ mắc các biến chứng liên quan đến tiểu đường như bệnh tim mạch, suy thận, các vấn đề về thị lực,... Khi chỉ số HbA1c được kiểm soát ở mức an toàn, bệnh nhân có thể giảm thiểu nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm này.

3. Quy trình tiến hành và cách đọc kết quả xét nghiệm HbA1c

3.1. Quy trình tiến hành xét nghiệm

Quy trình xét nghiệm HbA1c thường bao gồm các bước sau:

- Bước 1: Nhân viên y tế thực hiện sát trùng vùng da được lấy mẫu sau đó lấy mẫu máu từ tĩnh mạch của người bệnh.

- Bước 2: Mẫu máu sau đó được đưa đến phòng xét nghiệm để phân tích mức độ glycated hemoglobin.

- Bước 3: Kết quả xét nghiệm được trả về phòng khám ban đầu để bác sĩ đánh giá và đưa ra khuyến nghị điều trị phù hợp.

Khách hàng lấy mẫu xét nghiệm HbA1c tại MEDLATEC

Khách hàng lấy mẫu xét nghiệm HbA1c tại MEDLATEC

3.2. Cách đọc kết quả xét nghiệm

Kết quả của xét nghiệm HbA1c khi gửi đến người bệnh sẽ được biểu thị dưới dạng phần trăm với ý nghĩa như sau:

- Chỉ số HbA1c < 5.7%: Sức khỏe bình thường.

- Chỉ số HbA1c 5.7 - 6.4%: Người bệnh bị tiền tiểu đường.

- Chỉ số HbA1c ≥ 6.5%: Mắc bệnh tiểu đường.

4. Các lưu ý xung quanh quá trình thực hiện xét nghiệm HbA1c

Trước khi thực hiện xét nghiệm HbA1c, bệnh nhân cần lưu ý những vấn đề sau để tránh ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả nhận được:

- Thông báo về thuốc đang sử dụng để bác sĩ được biết, tránh tình trạng thuốc gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm mà không có sự chuẩn bị trước.

- Một số yếu tố ngoại lai như bệnh lý về thận, rối loạn chuyển hóa, thiếu máu,... hoặc thai kỳ có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm HbA1c. Vì vậy, người bệnh cần thông báo đầy đủ về tình trạng sức khỏe hiện tại và tiền sử bệnh cho bác sĩ.

- Để cải thiện chỉ số HbA1c, người bệnh nên:

+ Hạn chế thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như bánh kẹo, nước ngọt, cơm trắng,... đồng thời tăng cường đạm thực vật, chất béo lành mạnh và rau xanh. Nên chia nhỏ bữa ăn để tránh bị tăng đường huyết đột ngột.

+ Luyện tập tối thiểu 30 phút/ngày với các bài tập vừa sức. Vận động là cách giúp cơ thể sử dụng glucose tốt hơn và giảm tình trạng kháng insulin.

+ Béo phì là yếu tố nguy cơ lớn của tiểu đường, vì thế hãy cố gắng điều chỉnh ăn uống và tập luyện để giảm 5 - 10% trọng lượng cơ thể.

+ Người bị tiểu đường cần thực hiện đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý dừng hoặc thay đổi liều lượng thuốc.

Điều chỉnh chế độ ăn kết hợp tuân thủ hướng dẫn điều trị từ bác sĩ giúp ổn định chỉ số HbA1c ở bệnh nhân tiểu đường

Điều chỉnh chế độ ăn kết hợp tuân thủ hướng dẫn điều trị từ bác sĩ giúp ổn định chỉ số HbA1c ở bệnh nhân tiểu đường

Những thông tin được đề cập trên đây hy vọng sẽ giúp bạn hiểu hơn về vai trò của xét nghiệm HbA1c trong quá trình kiểm soát bệnh tiểu đường, ngăn ngừa biến chứng xấu cho sức khỏe. Nếu bạn có thắc mắc về kết quả xét nghiệm của mình, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị để được giải thích và nhận những hướng dẫn cụ thể để chủ động kiểm soát tốt bệnh lý này.

Quý khách hàng có nhu cầu thực hiện xét nghiệm HbA1c, hãy liên hệ đặt lịch xét nghiệm qua Hotline 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để nhận được kết quả chính xác và định hướng điều trị hiệu quả.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ