Tin tức
Ý nghĩa các chỉ số trong xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu
- 20/02/2020 | Muốn xét nghiệm nước tiểu tại nhà trước tiên bạn cần biết
- 21/06/2014 | Xét nghiệm nước tiểu phát hiện nhanh cục máu đông
- 20/02/2020 | Xét nghiệm nước tiểu tại nhà - khi nào nên và chọn địa chỉ nào để thực hiện?
1. Nước tiểu được hình thành từ đâu?
Hệ tiết niệu gồm các bộ phận thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Hệ tiết niệu có vai trò loại bỏ các chất độc, cân bằng nước và điện giải, điều hòa huyết áp, tạo máu và điều hòa chuyển hóa Canxi-photpho.
Nước tiểu là một sản phẩm của hệ tiết niệu, thường vô trùng và được đào thải ra khỏi cơ thể qua đường niệu đạo. Trong quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể sẽ tạo ra một số sản phẩm không tốt cho sức khỏe, cần được loại bỏ khỏi máu và những chất này sẽ được đào thải qua nước tiểu.
Cơ thể người có hai quả thận có hình dạng giống hạt đậu, thường to khoảng nắm tay. Hằng ngày thận sẽ lọc khoảng hơn 1400 lít máu và tạo ra khoảng 170 lít nước tiểu đầu. Tuy nhiên nhờ có quá trình tái hấp thu mà lượng nước tiểu được tạo thành chỉ khoảng 1 - 1,5 lít.
Nước tiểu theo niệu quản được tập trung tại bàng quang. Khi lượng nước tiểu trong bàng quang đạt đến ngưỡng nhất định sẽ tạo cảm giác muốn đi tiểu, sau đó nước tiểu sẽ qua đường niệu đạo và được bài tiết ra ngoài.
Hình 1: Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu
2. Các chỉ số trong xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu
Trong kết quả xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu bình thường, trừ tỷ trọng, độ pH nước tiểu có giá trị xác định, các chỉ số phản ánh các chất bất thường trong nước tiểu thường có kết quả là âm tính. Điều này là do các chất này có nồng độ rất thấp trong nước tiểu, các xét nghiệm thông thường sẽ khó phát hiện, xác định được. Nếu như các chỉ số này dương tính, xác định được nồng độ thì những chất đó là những chất bất thường trong nước tiểu, có ý nghĩa phản ánh một tình trạng bệnh nào đó của cơ thể.
- Tỷ trọng nước tiểu thông thường ở trong khoảng 1.005 - 1.025. Trong trường hợp uống nhiều nước hoặc sử dụng thuốc lợi tiểu sẽ làm giảm tỷ trọng nước tiểu. Tình trạng này có thể gặp trong một số bệnh như viêm thận cấp, viêm cầu thận, suy thận mạn,… Tỷ trọng nước tiểu sẽ tăng trong trường hợp uống không đủ nước, cơ thể bị mất nước, trong một số bệnh như nhiễm khuẩn, cơ gan, bệnh về gan, tiểu đường, tiêu chảy, suy tim xung huyết,…
- Giá trị pH nước tiểu dùng để kiểm tra xem nước tiểu có tính chất a-xít hay ba-zơ, thông thường nằm trong khoảng 5.5 - 7.5. pH sẽ tăng trong trường hợp nhiễm khuẩn thận (tăng hoặc có lúc giảm), suy thận mạn, hẹp môn vị, nôn mửa. Trong trường hợp nhiễm ceton do đái tháo đường hoặc tiêu chảy mất nước, độ pH của nước tiểu sẽ giảm.
- Bình thường chỉ số bạch cầu (LEU) trong nước tiểu âm tính, xuất hiện trong nhiễm khuẩn thận, nhiễm khuẩn nước tiểu, nhiễm khuẩn không có triệu chứng, viêm nội tâm mạc do vi khuẩn.
- Hồng cầu (ERY) trong nước tiểu dương tính trong các trường hợp bệnh lý viêm thận cấp, ung thư thận, bàng quang, sỏi thận, sỏi tiền liệt tuyến, viêm cầu thận, xung huyết thận, bệnh Wilson, hội chứng thận hư, thận đa nang, viêm đài bể thận, nhiễm khuẩn nước tiểu, xơ gan, viêm nội tâm mạc bán cấp, tan huyết nội, ngoại mạch thận.
- Nitrit trong nước tiểu (NIT) sẽ xuất hiện trong các trường hợp nhiễm khuẩn thận, nhiễm khuẩn nước tiểu, viêm nội tâm mạc, nhiễm khuẩn nước tiểu không triệu chứng.
- Chỉ số Protein dương tính trong các trường hợp bệnh lý viêm thận cấp, viêm cầu thận, suy tim xung huyết, bệnh Wilson, cao huyết áp ác tính, thận hư, thận đa nang, viêm đài bể thận, bệnh ống thận, viêm nội tâm mạc bán cấp.
- Glucose (GLU) xuất hiện trong các trường hợp bệnh giảm ngưỡng thận, bệnh lý ống thận, đái tháo đường, viêm tuỵ, glucose niệu do chế độ ăn uống.
- Thể ceton (KET-ketonic bodies) sẽ xuất hiện trong các tình trạng bệnh nhiễm ceton do đái tháo đường, tiêu chảy mất nước, nôn mửa.
- Bilirubin (BIL) xuất hiện trong xơ gan, bệnh lý gan, vàng da tắc mật (nghẽn tắc một phần hoặc toàn phần, viêm gan do virus hoặc do ngộ độc thuốc, K đầu tụy, sỏi mật).
- Urobilinogen (UBG) là xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh lý gan hay túi mật, chỉ số bình thường trong nước tiểu là 0,2 - 1,0 mg/dL. Urobilinogen có trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của bệnh về xơ gan, bệnh lý gan, viêm gan do nhiễm khuẩn, virus, huỷ tế bào gan, tắc ống mật chủ, K đầu tụy, suy tim xung huyết có vàng da.
Hình 2: Xét nghiệm nước tiểu tầm soát bệnh tiểu đường
3. Chỉ định xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu trong trường hợp nào?
Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu thường được các bác sĩ chỉ định trong các trường hợp:
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, khám tổng quát hàng năm, đánh giá trước khi phẫu thuật, nhập viện, sàng lọc bệnh thận, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh gan,…
Hình 3: Khám sức khỏe định kỳ tại MEDLATEC
- Kiểm tra khi có các triệu chứng ở thận: đau bụng, đi tiểu đau, đau sườn, sốt, đi tiểu ra máu hoặc các triệu chứng tiết niệu khác.
- Chẩn đoán các bệnh: nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận, theo dõi điều trị bệnh tiểu đường, suy thận, suy nhược cơ (tiêu cơ vân), protein trong nước tiểu, và viêm thận (viêm cầu thận).
- Theo dõi tiến triển của các bệnh về thận như bệnh thận liên quan đến tiểu đường, huyết áp, suy thận, nhiễm trùng thận,... Đồng thời theo dõi, đánh giá mức độ đáp ứng với điều trị của người bệnh.
- Thử thai, khám thai định kỳ.
4. Có thể nhận biết được điều gì thông qua màu sắc nước tiểu?
Nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt, màu vàng trong suốt hoặc màu vàng hơi sẫm.
Nước tiểu không màu, trong suốt có thể do uống quá nhiều nước. Điều này có thể khiến thận phải hoạt động liên tục.
Trường hợp nước tiểu vàng sẫm, thậm chí màu mật ong có thể do uống thiếu nước, cần uống thêm nước bù thêm cho cơ thể.
Nước tiểu màu nâu như siro có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bị mất nước hoặc đang có bệnh lý về gan
Nước tiểu màu đỏ có thể do ăn các loại rau quả màu đỏ, hoặc có thể là dấu hiệu của một số bệnh như nhiễm trùng đường tiểu, các bệnh về thận, tuyến tiền liệt.
Nước tiểu có máu là một tình trạng cần đi khám bệnh để xác định nguyên nhân. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo về tình trạng bệnh tuyến tiền liệt, nhiễm trùng, nhiễm độc chì hoặc thủy ngân,…
Nước tiểu màu xanh hoặc xanh dương có thể do thực phẩm, tác dụng phụ của thuốc hay nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Hình 4: Một số màu sắc nước tiểu
Khi bạn thấy các biểu hiện bất thường từ màu sắc nước tiểu hãy thực hiện xét nghiệm để kiểm tra để có thể nắm bắt được tình trạng sức khỏe của mình. Đối với người bình thường cũng nên thực hiện xét nghiệm ít nhất 1 lần/năm để có thể theo dõi các chỉ số trong nước tiểu.
Với hệ thống máy móc hiện đại hàng đầu Việt Nam, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là một trong những đơn vị uy tín thực hiện các xét nghiệm đảm bảo nhanh và chính xác, mang lại sự hài lòng cho khách hàng. Bạn có thể đến khám trực tiếp tại bệnh viện hoặc liên hệ tới tổng đài 1900 56 56 56 để đặt lịch xét nghiệm tại nhà.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!