Tin tức

Ý nghĩa xét nghiệm tìm nấm trong phân

Ngày 04/05/2020
CN Nguyễn Thị Huế - Trung tâm xét nghiệm
Nấm là loại vi sinh vật có thể ký sinh vô hại trong hệ tiêu hóa của người khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên khi gặp điều kiện thuận lợi (suy giảm miễn dịch, mất cân bằng pH môi trường,…) nó có thể tăng sinh và gây nhiễm khuẩn. Tìm nấm trong phân nhằm phát hiện sự có mặt của nấm với mật độ nhiều hay ít, từ đó giúp bác sĩ nhận định nấm trong phân có phải là tác nhân gây bệnh hay không.

1. Tại sao lại có nấm trong phân?

Nấm men (Candida) sống trên khắp cơ thể của chúng ta với số lượng nhỏ, nó góp phần vào sự cân bằng hệ vi sinh vật có lợi cho cơ thể: trong khoang miệng, đường tiêu hóa, hệ vi sinh vật đường ruột và đường âm đạo. Nhiệm vụ của nó là hỗ trợ tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng, điều này thực hiện khi nó cân bằng với các vi khuẩn tốt trong hệ vi sinh vật đường ruột.

Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nấm (Candida) khoảng 65% trong phân từ người trưởng thành khỏe mạnh.Vấn đề xảy ra khi tăng sinh quá nhiều nấm dẫn đến mất cân bằng sinh thái vi khuẩn có lợi, gây lên các vấn đề về ruột và một loạt các bệnh lý tiêu hóa khác.

Nguyên nhân dẫn đến có sự vượt trội về quần thể nấm trong hệ tiêu hóa:

- Các bệnh viêm nhiễm: bệnh Crohn, viêm loét đại tràng,… làm thay đổi môi trường ruột dẫn đến sự phát triển quá mức của nấm.

- Sử dụng thuốc ức chế bơm proton: thuốc này phổ biến cho điều trị trào ngược acid dạ dày. Chúng làm giảm acid trong dạ dày và là môi trường thuận lợi cho nấm (Candida) phát triển.

- Sử dụng thuốc kháng sinh (nhất là kháng sinh phổ rộng): kháng sinh có thể tiêu diệt một số vi khuẩn có lợi, tạo điều kiện cho nấm không bị kiểm soát, khi đó bạn có thể tìm thấy nấm trong phân.

Sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài gây mất cân bằng vi sinh đường ruột

- Chế độ ăn nhiều đường, carbohydrate tinh chế và thực phẩm chế biến giúp nấm men dễ dàng sinh sôi và phát triển mạnh, đây là những thực phẩm mà men sống.

- Bệnh nhân suy giảm miễn dịch (HIV/ AIDS).

Nấm trong phân ít gặp ở trẻ em hơn người lớn. Tuy nhiên, nó có mặt ở nhiều khía cạnh khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, nơi xảy ra, tác nhân gây bệnh. Trẻ sinh non, cũng như trẻ mới biết đi có cân nặng khi sinh nhỏ, dễ bị nhiễm nấm hơn.

2. Triệu chứng khiến bạn nghĩ đến nhiễm khuẩn tiêu hóa do nấm

Đặc điểm của phân:

Tiêu chảy là triệu chứng của sự viêm nhiễm

+ Phân nhầy trắng hoặc vàng nâu.

+ Phân lỏng.

+ Phân có bọt.

- Triệu chứng của sự viêm nhiễm:

+ Tiêu chảy/ táo bón.

+ Mệt mỏi.

+ Sốt.

+ Giảm cân không rõ nguyên nhân.

+ Đau bụng, đầy hơi.

+ Đi ngoài ra máu.

+ Hậu môn, ngứa ran và nóng rát ở vùng hậu môn. Khu vực này thường ẩm ướt, nhầy nhụa và để lại vết bẩn trên đồ lót.

3. Tìm nấm trong phân bằng những phương pháp nào

Tìm nấm trong phân và xác định mức độ bất thường của các loài nấm là một bước chẩn đoán quan trọng trong kế hoạch điều trị cho bệnh nhân có các triệu chứng tiêu hóa mãn tính và ngoài đường tiêu hóa.

Các phương pháp xét nghiệm tìm nấm trong phân:

- Soi tươi: Nhận định hình thể và đánh giá mức độ vi nấm trực tiếp từ mẫu phân qua kính hiển vi.

Hình ảnh nấm trong phân khi soi tươi

- Nhuộm soi: Nhận định hình ảnh và tính chất bắt màu của vi nấm trong mẫu bệnh phẩm qua kính hiển vi bằng lam phết nhuộm Gram.

- Nuôi cấy: định danh được chính xác tác nhân vi nấm gây bệnh (chủ yếu là Candida). Qua đó thực hiện thử nghiệm kháng sinh đồ cho kết quả nhạy cảm/ kháng thuốc với loại kháng sinh có thể sử dụng để điều trị.

- Sinh học phân tử (PCR): là xét nghiệm có độ nhạy và độ chính xác cao. Xác định được vật chất di truyền của vi nấm trong mẫu bệnh phẩm.

Sự có mặt của nấm trong phân chưa khẳng định được là nấm là căn nguyên gây bệnh đường ruột mà còn phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng. Tuy nhiên, xét nghiệm nhuộm soi/ soi tươi đánh giá được mức độ nhiễm (của nấm trong phân) có thể giúp bác sĩ nhận định đó là tác nhân gây bệnh hay không.

Cách phòng và điều trị nấm trong phân

- Cách phòng bệnh:

+ Chỉ sử dụng kháng sinh khi cần thiết: kháng sinh có thể làm giảm vi khuẩn có lợi trong đường ruột của bạn và làm cho nấm phát triển. Khi đó có thể xuất hiện nấm trong phân.

Xây dựng chế độ ăn lành mạnh cho trẻ

+ Có chế độ ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm có nhiều chất xơ, chẳng hạn như đậu và táo, sẽ giúp giữ cho đường ruột của bạn khỏe mạnh. Tăng sự đa dạng của vi khuẩn trong ruột là một cách khác để đảm bảo môi trường đường ruột của bạn luôn khỏe mạnh.

+ Uống men vi sinh: men vi sinh là chất bổ sung được tạo thành từ các vi sinh vật sống, có thể giúp vi khuẩn trong ruột của bạn cân bằng.

+ Ăn thực phẩm lên men: chẳng hạn như dưa cải bắp, kim chi và sữa chua, là những thực phẩm đã bị thay đổi bởi vi khuẩn hoặc nấm men. Do đó, chúng chứa rất nhiều vi khuẩn có thể giúp giữ cho đường ruột của bạn khỏe mạnh.

+ Ăn thức ăn giàu prebiotic: Thực phẩm giàu prebiotic thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn tốt trong ruột của bạn. Thực phẩm có nhiều chất xơ là nguồn prebiotic tốt nhất của bạn. Chúng bao gồm trái cây, rau và ngũ cốc.

- Điều trị: Nhiễm nấm trong phân là phổ biến, lâu dài, nhưng có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị. Một số ít trường hợp nguy hiểm phát sinh khi nấm từ hệ tiêu hóa xâm nhập vào máu và đến các cơ quan quan trọng.

+ Điều trị bằng thuốc chống nấm. Thuốc được sử dụng nhiều nhất là fluconazole (thuốc dạng viên).

+ Nếu do bệnh viêm ruột: tùy vào tình trạng bệnh mà có phương pháp điều trị khác nhau. Có thể sử dụng phối hợp thuốc chống viêm và thuốc ức chế miễn dịch.

+ Nếu do sử dụng thuốc: có thể trao đổi với bác sĩ để cân nhắc xem có nên ngưng sử dụng thuốc hay không.

+ Các chất bổ sung chống nấm cũng có thể có hiệu quả: Các chất bổ sung hai chiều là axit caprylic (có trong dầu dừa) và Candifense (chứa các enzyme phá vỡ thành tế bào ký sinh và nấm).

Khi có triệu chứng hay dấu hiệu bất thường hãy liên hệ với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC chúng tôi qua tổng đài 1900565656. Bạn sẽ được tổng đài viên hướng dẫn và tư vấn các dịch vụ y tế từ giúp bạn giải quyết những lo lắng về vấn đề sức khỏe.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ