Tin tức
Zona thần kinh ở mặt: Những vấn đề không thể bỏ qua
- 11/12/2024 | Gợi ý các cách giảm đau sau zona thần kinh hiệu quả
- 04/02/2025 | Giời leo (Zona thần kinh) có lây không và giải pháp khắc phục bệnh
- 05/03/2025 | Tiêm vắc xin zona thần kinh: Đối tượng, phác đồ và những lưu ý quan trọng
1. Tại sao bị zona thần kinh ở mặt?
Zona thần kinh ở mặt là một trong các vị trí thường gặp của bệnh zona thần kinh. Virus varicella zoster là tác nhân gây ra bệnh lý này. Ban đầu, virus này gây ra bệnh thủy đậu. Sau thời gian khỏi bệnh, virus vẫn tồn tại trong hệ thống thần kinh của cơ thể, khi hệ miễn dịch suy yếu, virus sẽ tái hoạt động gây ra các triệu chứng của zona thần kinh.
Các yếu tố kích hoạt sự tái hoạt động của virus varicella zoster bao gồm:
- Áp lực công việc, cuộc sống và thường xuyên bị stress kéo dài.
- Các bệnh lý như ung thư, HIV/AIDS, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
- Thay đổi nội tiết, nhất là phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh.
- Các yếu tố ngoại lai khác: Chấn thương, phẫu thuật, mắc phải các bệnh lý nghiêm trọng gây suy giảm miễn dịch.
Virus varicella zoster gây bệnh zona thần kinh ở mặt
2. Triệu chứng gặp phải khi bị zona thần kinh ở mặt
Các triệu chứng sau đây thường xuất hiện ở người bị bệnh zona thần kinh mặt:
- Bị đau rát, tê vùng da mặt. Cảm giác này thường lan tỏa dọc theo dây thần kinh, từ vùng môi lên tới vùng mắt hoặc trán.
- Da mặt nổi mụn nước nhỏ, đỏ, sưng và có thể có dịch. Các mụn nước này thường xuất hiện theo đường đi của dây thần kinh và có xu hướng nổi thành từng cụm. Sau một thời gian ngắn, mụn nước vỡ ra tạo thành vết loét, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nếu không được chăm sóc đúng cách.
- Sốt nhẹ và mệt mỏi.
- Một số bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh.
- Sưng hạch bạch huyết vùng cổ.
3. Biến chứng có thể gặp do zona thần kinh ở mặt
Tuy hầu hết các trường hợp zona thần kinh ở mặt có thể được điều trị hiệu quả mà không để lại di chứng, nhưng nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh có thể gây nên biến chứng như:
- Đau thần kinh kéo dài: Đây là tình trạng đau mạn tính sau khi các nốt mụn biến mất, gọi là đau thần kinh sau zona. Trường hợp này, người bệnh sẽ phải thực hiện các liệu pháp phục hồi chức năng để giảm đau và cải thiện chất lượng cuộc sống.
- Sẹo xấu: Tổn thương da quá nặng có thể để lại sẹo, ảnh hưởng đến vẻ đẹp ngoại hình của người bệnh.
- Nhiễm trùng thứ phát: Nếu vùng da bị tổn thương không được chăm sóc đúng cách, có thể dẫn đến nhiễm trùng thứ phát, khiến cho bệnh trở nên phức tạp hơn.
Zona thần kinh ở mặt không điều trị hiệu quả có thể biến chứng đau dây thần kinh
4. Điều trị zona thần kinh ở mặt như thế nào?
4.1. Chẩn đoán
Quá trình chẩn đoán zona thần kinh ở mặt thường được thực hiện qua kết quả thu được khi bác sĩ khám lâm sàng và thực hiện những xét nghiệm cần thiết. Khi thăm khám cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ quan sát vùng mặt để xác định tổn thương thường gặp ở zona như mụn nước mọc thành cụm gây đỏ và rát, ngứa, sưng môi, sốt nhẹ,...
Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được bác sĩ lấy mẫu dịch từ thương tổn hoặc mẫu da để xét nghiệm PCR tìm kiếm sự hiện diện của virus varicella-zoster. Nếu triệu chứng lâm sàng của người bệnh không điển hình, bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết da để thu được kết quả chính xác.
4.2. Điều trị
Sau khi đã có kết luận về tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân bị zona thần kinh ở mặt như:
4.2.1. Dùng thuốc kháng virus
Thuốc kháng virus như Acyclovir, Famciclovir hay Valacyclovir là thành phần chủ đạo được dùng để điều trị bệnh zona thần kinh ở mặt. Thuốc có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus, giảm thời gian kéo dài và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng.
Liều lượng và thời gian dùng thuốc sẽ được bác sĩ cân nhắc dựa trên tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân. Điều trị sớm với thuốc kháng virus không chỉ giúp giảm đau mà còn hạn chế nguy cơ biến chứng đau thần kinh sau zona.
4.2.2. Thuốc giảm đau và chống viêm
Các loại thuốc giảm đau không kê đơn như Paracetamol hay Ibuprofen có thể được dùng để kiểm soát cơn đau do zona thần kinh ở mặt. Đối với trường hợp nặng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau mạnh hơn.
Người bệnh cũng có thể sẽ được chỉ định dùng thuốc chống viêm để cải thiện viêm loét và tăng khả năng làm lành da.
Bác sĩ thăm khám, chẩn đoán zona thần kinh mặt
4.2.3. Chăm sóc tại nhà
Bên cạnh việc thực hiện điều trị theo chỉ dẫn từ bác sĩ, bệnh nhân bị zona thần kinh ở mặt cũng cần chăm sóc tốt tại nhà bằng các cách sau để sớm cải thiện triệu chứng:
- Chườm khăn lạnh lên vùng da bị tổn thương để giảm sưng, đau.
- Rửa sạch và giữ khô ráo vùng da bị tổn thương để ngăn ngừa nhiễm trùng thứ phát.
- Tránh dùng thực phẩm cay nóng vì chúng dễ gây kích thích vùng da bị viêm. Thay vào đó, hãy lựa chọn chế độ ăn nhẹ nhàng, dễ tiêu.
- Nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ đủ giấc để cơ thể tăng đề kháng, giúp tổn thương sớm hồi phục.
- Trong quá trình điều trị, người bệnh cũng cần theo dõi tình trạng sức khỏe, nếu thấy tổn thương không cải thiện sau 3 - 5 ngày hoặc có dấu hiệu nặng hơn, cần tái khám ngay.
Nhận biết các triệu chứng zona thần kinh ở mặt sớm và áp dụng theo phác đồ điều trị của bác sĩ là cách duy nhất để ngăn chặn tổn thương do zona. Vì thế, khi có triệu chứng nghi ngờ, quý khách hàng có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56 để được chẩn đoán và định hướng điều trị an toàn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
