Các tin tức tại MEDlatec
Điểm tin Y tế ngày 08-9/09/2013
I. Tin liên quan đến thành tựu y tế
1. Bệnh viện Đà Nẵng: Cứu bệnh nhân bị phình động mạch não bất thường
Sáng 7/9, các bác sĩ của Bệnh viện Đà Nẵng phối hợp cùng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã cứu chữa thành công một bệnh nhân phình động mạch não bất thường, nguy cơ tử vong cao. Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng - Bác sĩ Nguyễn Ngọc Bá cho biết, bệnh nhân N.V.B (41 tuổi, trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) nhập viện ngày 28/8 với triệu chứng đau đầu dai dẳng không rõ nguyên nhân. Theo người nhà, bệnh nhân đã đi khám ở nhiều bệnh viện nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân. Bệnh nhân B. đã được các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đã tiến hành chụp CT cắt lớp 64 dãy, chụp mạch kỹ thuật số xóa nền DSA và phát hiện một túi phình động mạch não có kích thước 5,2 x 5mm, cổ rộng 4,2mm. Các bác sĩ đã tiến hành can thiệp động mạch não, đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân B. Ca can thiệp cho bệnh nhân B kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ. Hiện bệnh nhân đang được các y, bác sỹ tận tình chăm sóc và điều trị.
Với trường hợp của bệnh nhân B, bác sĩ Bá cho biết nếu không can thiệp kịp thời, đoạn động mạch này sẽ như quả bong bóng bị bơm hơi vào dẫn đến vỡ động mạch gây tử vong. Bệnh này đặc biệt nguy hiểm với những người lớn tuổi.
2. Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC được trao Cúp cho dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi
Trong Chương trình “Đêm hội Doanh nhân - Người lính thời bình” tại Nhà hát Lớn TP. Hà Nội nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/1946 - 13/10/2013, dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả tận nơi của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã nhận biểu tượng “Thương hiệu - Sản phẩm và Dịch vụ được tin dùng năm 2013”.
Ưu điểm của loại dịch vụ này là người bệnh không còn chịu sự phiền toái vì phải chờ đợi, đi lại mất thời gian, thủ tục rườm rà, đặc biệt là rất phù hợp với người đi lại khó khăn, người già, trẻ nhỏ, người bận rộn ít thời gian. Để đăng ký cán bộ đến lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm tận nơi theo lịch hẹn, khách hàng chỉ cần gọi tới tổng đài hoặc đăng ký trực tuyến qua website melatec.vn. Ngoài trả tận nơi, khách hàng có thể nhận kết quả xét nghiệm qua website, fax, email hay điện thoại. Trường hợp kết quả xét nghiệm có bất thường được các giáo sư, bác sĩ của Bệnh viện gọi điện tư vấn trực tiếp.
Chất lượng xét nghiệm luôn đảm bảo nhanh chóng nhất, chính xác nhất; tiện ích không ngừng được mở rộng, đặt lợi ích của khách hàng làm mục tiêu phát triển nên dịch vụ này đã được khách hàng sử dụng gần 20 năm qua. Giá các xét nghiệm được thu đúng giá niêm yết tại bệnh viện. Phí đi lại lấy mẫu và trả kết quả vẫn giữ nguyên 10.000 đồng/lần. Và dịch vụ này còn làm hài lòng khách hàng bởi sự phục vụ của đội ngũ cán bộ trẻ năng động, chuyên nghiệp, tận tâm.
Cúp “Thương hiệu - Sản phẩm và Dịch vụ được tin dùng năm 2013” là minh chứng cho sự hài lòng về chất lượng dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm và trả kết tận nơi của MEDLATEC. Để xứng đáng với sự hài lòng, tin tưởng của khách hàng, MEDLATEC sẽ lấy biểu tượng này làm động lực thúc đẩy, khích lệ và đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe của khách hàng.
II.Tin y tế khác 1. Đại học Nha Trang với chương trình hiến máu nhân đạo “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”
Ngày 7/9, Đoàn Trường Đại học Nha Trang đã phối hợp với Trung tâm Huyết học – truyền máu tỉnh Khánh Hòa, tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện với sự tham gia của gần 300 sinh viên, giảng viên và công nhân viên chức (CNVC) nhà trường. Kết quả, đã thu được 132 đơn vị máu bảo đảm chất lượng.
Đầu tháng sáu vừa qua, hơn 1200 sinh viên và giảng viên của trường đã tình nguyện hiến được 801 đơn vị máu, đưa tổng số đơn vị máu đã hiến tình nguyện từ đầu năm 2013 đến nay là 933 đơn vị. Hoạt động hiến máu tình nguyện do Đoàn trường Đại học Nha Trang phát động, hiện đã trở thành phong trào thường xuyên và sâu rộng. Với thông điệp “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, chương trình đã được đông đảo sinh viên, giảng viên và CNVC nhà trường tham gia. Được biết, để cổ vũ và khích lệ chương trình, Tiến sĩ Vũ Văn Xứng, Hiệu trưởng nhà trường cũng đã trực tiếp tham gia hiến máu tình nguyện lần này.
2.Thừa Thiên Huế: Thêm 150 đơn vị máu cứu người
Sáng 8/9, tại Trung tâm huyết học truyền máu Bệnh viện Trung ương Huế, gần 200 cán bộ, công nhân viên chức và đoàn viên thanh niên Khối Doanh nghiệp Thừa Thiên Huế tham gia hiến máu tình nguyện. Đây là những người tiên phong trong các phong trào thiện nguyện mà Đảng ủy Khối phát động, nhất là những đợt hiến máu tình nguyện. Trong đó, anh Trần Phú Nhu - Viễn thông Thừa Thiên Huế đã 12 lần tham gia.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Thừa Thiên Huế đã được đẩy mạnh, số đơn vị máu được hiến tặng ngày càng nhiều. Trước đó, ngày 14/3/2013, chương trình hiến máu nhân đạo với chủ đề "Nghĩa cử cao đẹp - Hạnh phúc mọi người" đã tiếp nhận được 113 đơn vị máu. Theo dự kiến, đợt hiến máu lần này sẽ tiếp nhận gần 150 đơn vị máu để cứu người.
3. Bộ trưởng Bộ Y tế tặng quà trung thu cho bệnh nhi
Chiều 7/9, tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (Q.Bình Thạnh) 160 bệnh nhi đang khám chữa bệnh đã nhận quà trung thu của Quỹ ngày mai tươi sáng do Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng, mỗi phần quà trên 1 triệu đồng.
Tại đây, Bộ trưởng đã thăm hỏi các bệnh nhi và nhắc nhở các y, bác sỹ và nhân viên bệnh viện phải chăm sóc, điều trị các cháu tốt hơn.
4. Bộ Y tế: Dự kiến chi 52 tỷ đồng hỗ trợ phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số khám chữa bệnh
Khoảng 1,2 triệu phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số vùng miền núi sẽ được hỗ trợ toàn bộ chi phí đồng chi trả trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập từ tuyến huyện trở lên. Bộ Y tế vừa công bố Dự thảo quy định một số chế độ đặc thù hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa là người dân tộc thiểu số thực hiện sinh con đúng chính sách dân số, trừ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tại Dự thảo, Bộ Y tế đề cập tới việc sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí đồng chi trả trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập từ tuyến huyện trở lên.
Theo thống kê, hiện tổng số phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ toàn bộ 100% chi phí trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế công lập từ tuyến huyện trở lên sẽ là khoảng 1,2 triệu người. Số tiền đề xuất hỗ trợ khám nội trú cho phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số mỗi năm ước tính khoảng 6,9 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề xuất hỗ trợ tiền ăn trong trường hợp phải điều trị nội trú hoặc sinh con tại các cơ sở y tế công lập từ trạm y tế xã trở lên. Mức hỗ trợ tối thiểu bằng 3% mức lương tháng cơ bản/người bệnh/ngày. Số tiền ăn hỗ trợ ước tính sẽ gần 11,8 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề xuất hỗ trợ chi phí đi lại từ nhà đến trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực và ngược lại cho phụ nữ đi khám chữa bệnh, kinh phí ước tính khoảng 33,4 tỷ đồng. Như vậy, tổng kinh phí để thực hiện 3 mục tiêu trên sẽ ở mức hơn 52 tỷ đồng.
III. Tin y tế nước ngoài 1. Bộ Y tế Saudi Arabia: 47 người tử vong vì virút giống SARS
Ngày 8/9, Bộ Y tế Arabia Saudi thông báo thêm 3 bệnh nhân nhiễm vi rút MERS-corona đã thiệt mạng, nâng tổng số ca tử vong vì vi rút MERS-corona tại nước này lên 47 người. Trong ba trường hợp tử vong mới đây, nạn nhân đầu tiên là một người đàn ông 74 tuổi sống tại thành phố Medina ở miền tây, bị nhiễm vi rút MERS-corona sau khi tiếp xúc với một người đã mắc vi rút này; bệnh nhân thứ 2 là một người ngoại quốc, 56 tuổi và làm việc trong ngành y tế, cũng qua đời tại Medina; một người dân Saudi 53 tuổi khác qua đời ở Riyadh.
Theo Bộ Y tế Arabia Saudi, đến nay đã phát hiện thêm 5 ca lây nhiễm vi rút MERS-corona mới ở vùng đông bắc, trong đó có một bé gái 3 tuổi và một thanh niên 18 tuổi. Cả hai trường hợp này đều đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh trước đây. Arabia Saudi là quốc gia có chịu hậu quả của vi rút MERS-corona nặng nề nhất. Ngày 6/9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo vi rút này đã khiến hơn 52 người thiệt mạng trên toàn thế giới, trong số đó có 47 trường hợp tử vong tại Arabia Saudi.
Các chuyên gia đang nỗ lực giải mã vi rút MERS-corona, được xác định giống với vi rút gây ra dịch SARS từng hoành hoành ở châu Á hồi năm 2003. Ngoài khả năng lây lan từ động vật sang người và từ người sang người cùng triệu chứng cúm và sốt cao, vi rút MERS-corona còn khiến bệnh nhân bị suy thận. Hiện tại vẫn chưa có vắc xin cho vi rút MERS-corona và nguy cơ tử vong đối với người bệnh rất cao, lên tới 51%.
Chính quyền Arabia Saudi đã khuyến cáo những người Hồi giáo cao tuổi và thể trạng không tốt thì không nên tham dự cuộc hành hương đến thánh địa Mecca vào tháng 10 năm nay. Được biết, hàng năm có khoảng 2 triệu người Hồi giáo tham gia cuộc hành hương này.
2. Philippines: Cảnh báo mỹ phẩm Trung Quốc có thể bị nhiễm chì
Ngày 8/9, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Philippines (FDA) đã cảnh báo người tiêu dùng nước này rằng những sản phẩm son môi xuất xứ từ Trung Quốc nhái theo các hãng nổi tiếng có khả năng chứa hàm lượng chì cao.
FDA cho biết dù không được FDA cấp giấy phép kinh doanh song nhiều sản phẩm son môi Trung Quốc đang được bày bán rộng rãi trên các đường phố tại nhiều khu vực thành phố. Thông cáo của FDA nhấn mạnh các sản phẩm đó "có khả năng chứa hàm lượng kim loại nặng, đặc biệt là chì". Các thỏi son môi này mang nhãn hiệu Baolishi, Miss Beauty, Shijing, Ling Mei và Heng Fang. FDA khuyến cáo "ở người trưởng thành, chất độc chì có liên quan tới bệnh cao huyết áp, đau khớp, giảm trí nhớ và các vấn đề về tập trung. Đặc biệt ở trẻ em, nguy cơ độc hại của chì ảnh hưởng đến thần kinh, theo đó ảnh hưởng tới sự phát triển trí não và nhận thức của trẻ." FDA đã đề nghị cảnh sát và các cơ quan hữu quan tịch thu các sản phẩm trái phép này. Cơ quan trên không cho biết các sản phẩm đó đã xâm nhập vào thị trường Philippines theo con đường nào.
Trước đó, năm 2010, FDA đã cấm ít nhất 9 sản phẩm kem dưỡng da và tẩy trắng của Trung Quốc sau khi phát hiện những sản phẩm này có chứa hàm lượng thủy ngân cao.
B. Bài viết về y tế:
1. Lương y Dương Văn Được - Thầy thuốc của dân nghèo
Cả một đời làm thuốc chữa bỏng, ông Dương Văn Được (86 tuổi, ngụ Phổ Ninh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) vẫn giữ đức độ của một người Bộ đội Cụ Hồ, và hơn thế là của một lương y. Đã có biết bao người bệnh bị bỏng với nhiều cấp độ khác nhau đến tay ông... Hàng trăm bệnh nhân được ông cứu chữa đều cảm kích trước tấm lòng của ông, và người dân quanh vùng vẫn quen gọi ông là “cha Được” - người thầy thuốc của dân nghèo.
Ông Dương Văn Được sinh ra trong một vùng quê nghèo, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Năm 1950, ông tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, bị thương ở tay và đầu. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc ở tỉnh Thái Bình và được chuyển ngành về công tác tại Sở Y tế tỉnh Thái Bình. Ông được cử đi học lớp Y12B ở Thái Bình. Sau khi học xong, ông được phân công về Khoa Chấn thương - bỏng Bệnh viện Thái Bình đến năm 1975. Năm 1978, ông Được được điều chuyển về tỉnh Nghĩa Bình (nay đã tách thành tỉnh Bình Định và tỉnh Quảng Ngãi), công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Phổ, làm Trưởng phòng y vụ - kiêm Khoa ngoại sản. Năm 1985, ông nghỉ hưu. Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng hàng ngày ông vẫn miệt mài đi đến những vùng quê xa xôi trong tỉnh, ngoài tỉnh để chữa bệnh cho dân nghèo. Mấy chục năm trời lăn lộn với việc chữa bệnh cứu người nhưng ông không hề màng đến danh lợi. Ông không nhớ nổi mình đã đi đến những vùng quê nào, điều trị cho bao nhiêu mảnh đời bất hạnh và tìm lại niềm vui hạnh phúc trong cuộc sống cho bao nhiêu người. Gần 30 năm từ khi nghỉ hưu đến nay, ông chưa bao giờ nhận một đồng của người dân đến chữa bệnh. “Họ thường trả nghĩa cho tôi với những món quà như con gà, con vịt, trồng một cái cây trong vườn để làm kỷ niệm”- ông Được chia sẻ. Rồi ông kể một lần, ông vào Nha Trang để chữa bỏng cho một trường hợp rất nặng, chữa xong ông về lại Quảng Ngãi. Sau đó người nhà của bệnh nhân đã đem 20 triệu đồng đến để cảm ơn nhưng ông đã từ chối. Nhưng người nhà nạn nhân bảo nếu ông không lấy họ quyết ở đây cho đến lúc nào ông nhận thì họ mới về. Ông gọi họ lại và nói: “Tôi làm là vì cái tâm. Chữa được cho một người đó là niềm hạnh phúc của những người làm thầy thuốc chứ không phải vì tiền”. Nghe ông giải thích, cuối cùng gia đình kia cũng chấp nhận đi về và hôm khác họ lại tiếp tục đến, lần này vì tấm lòng của gia đình nên ông đã nhận 200.000 đồng gọi là cái lễ.
Với bản chất của Bộ đội Cụ Hồ, với tấm lòng hết mình vì bệnh nhân và phong thái vô cùng giản dị, dễ gần như một người nông dân, ông Được được mọi người quý mến. Ông tâm sự: “Điều hạnh phúc nhất của tôi là hơn 50 năm qua, chưa xảy ra một tai biến nào. Điều đó quả thật là một liều thuốc kích thích tôi tiếp tục con đường làm thầy thuốc dù đầy chông gai, nhưng cũng rất vinh quang này”. Với tấm lòng “lương y như từ mẫu” và những hy sinh thầm lặng vì bệnh nhân, ông được mọi người trong vùng yêu quý và gọi với cái tên thật giản dị “người thầy thuốc của người nghèo”.
2. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trình diễn kỹ thuật can thiệp tim mạch trước các chuyên gia quốc tế Sáng 7/9, đội ngũ y, bác sĩ của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo can thiệp tim mạch - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã trình diễn kỹ thuật can thiệp tim mạch 5 ca mổ tim bẩm sinh (cháu nhỏ nhất mới 2 tuổi) qua cầu truyền hình trực tuyến với các BS tại Hội nghị Tim mạch can thiệp bẩm sinh và cấu trúc tim lần thứ IV Châu Á - Thái Bình Dương tại Hồng Kông (Trung Quốc) diễn ra từ ngày 6 - 8/9/2013. TS. BS. Nguyễn Lân Hiếu - Phó Giám đốc Trung tâm là người đứng đầu các ca can thiệp tim mạch lần này. TS. Hiếu cho biết: “Đây cũng là dịp để đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam trao đổi với đồng nghiệp thế giới về kinh nghiệm và kĩ thuật xử lý các ca khó can thiệp. Năm ca can thiệp tim lần này đều được phẫu thuật miễn phí, cả năm người bệnh sức khỏe đang dần dần hồi phục và sẽ xuất viện sau ba ngày”. Các đồng nghiệp nước ngoài tham dự Hội nghị qua cầu truyền hình có thể trực tiếp đặt câu hỏi, trao đổi kinh nghiệm với đội ngũ các bác sĩ đang thực hiện ca phẫu thuật.
GS. TS Nguyễn Lân Việt - Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Can thiệp tim mạch là lĩnh vực mới ở Việt Nam, tuy tiếp cận sau các nước trên thế giới về phương pháp này, nhưng chúng ta lại có nhiều kinh nghiệm vì Việt Nam có rất nhiều ca tim bẩm sinh. Can thiệp tim mạch là phương pháp tối ưu hiện nay trong điều trị tim bẩm sinh. Đây là phương pháp an toàn, giảm thiểu thời gian hậu phẫu và tiết kiệm chi phí điều trị cho bệnh nhân”.
Hiện cả nước còn rất nhiều trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh. Theo thống kê, hàng năm có 1% số trẻ sinh ra, tương đương 16.440 em mắc các dị tật về tim và luôn có hàng nghìn ca chờ phẫu thuật tại các bệnh viện. Được biết trung bình chi phí mỗi ca phẫu thuật khoảng 40 triệu đồng, một con số quá lớn với hầu hết các gia đình nghèo. Chi phí đó cùng với khả năng có hạn của các bệnh viện đã khiến nhiều trẻ nhỏ khó có cơ hội được cứu chữa.
Nguồn: http://www.moh.gov.vn
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!