Các tin tức tại MEDlatec

7 dấu hiệu trầm cảm sau sinh không nên bỏ qua

Ngày 09/10/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Trầm cảm sau sinh là trạng thái tâm lý phổ biến mà nhiều bà mẹ phải đối mặt. Không chỉ gây nên thay đổi về cảm xúc, trầm cảm sau sinh còn dễ làm suy giảm sức khỏe tinh thần và thể chất của người mẹ. Nhận biết sớm dấu hiệu trầm cảm sau sinh sẽ giúp người mẹ được bảo vệ kịp thời trước các hệ lụy tiêu cực về tinh thần và thể chất.

1. Nhận biết 7 dấu hiệu trầm cảm sau sinh điển hình

1.1. Cảm giác buồn bã kéo dài

Mẹ bị trầm cảm sau sinh thường có cảm giác buồn bã kéo dài mà không vì bất cứ lý do cụ thể nào. Khi ấy, người mẹ có thể cảm thấy mình thất bại, không có niềm vui trong việc chăm sóc con, không có động lực, không muốn trò chuyện, dễ khóc, dễ tủi thân, cảm thấy bị bỏ rơi,...

Cảm thấy buồn bã, chán nản là trầm cảm sau sinh rất dễ gặp

1.2. Mất hứng thú với các hoạt động

Khi bị trầm cảm sau sinh, người mẹ thường mất hứng thú với những hoạt động mà trước đây mà họ rất yêu thích. Biểu hiện của trầm cảm sau sinh này là tình trạng bỏ bê, không có hứng thú chăm sóc bản thân và con cái, mệt mỏi và không muốn tham gia vào các hoạt động sinh hoạt thường ngày.

1.3. Mệt mỏi, thiếu năng lượng

Sau sinh, nếu bị trầm cảm, người mẹ sẽ thường xuyên có cảm giác kiệt sức, mệt mỏi ngay cả khi đã ngủ rất nhiều, ngủ đủ giấc. Không ít người nhầm lẫn tình trạng này với cảm giác mệt mỏi do chăm sóc trẻ sơ sinh. Nếu trầm cảm sau sinh này kéo dài, người mẹ sẽ bị thiếu năng lượng để thực hiện hoạt động thường ngày.

1.4. Rối loạn giấc ngủ

Trầm cảm khiến cho phụ nữ sau sinh dễ gặp vấn đề về giấc ngủ như khó ngủ, thức dậy giữa đêm mà không thể ngủ lại, ngủ quá nhiều nhưng vẫn không cảm thấy tỉnh táo. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này, sức khỏe suy giảm, người mẹ sẽ không thể chăm sóc con cái như bình thường.

1.5. Có cảm giác vô dụng, tội lỗi 

Người mẹ bị trầm cảm sau sinh thường cảm thấy mình không đủ tốt trong vai trò làm mẹ, thấy có lỗi với con cái và gia đình. Cảm giác này có thể dẫn đến sự căng thẳng, tự trách bản thân và thậm chí còn suy nghĩ về việc từ bỏ vai trò làm mẹ.

1.6. Lo âu và hoảng loạn

Trầm cảm sau sinh thường dễ đẩy người mẹ rơi vào trạng thái lo âu trước mọi vấn đề. Do đó, họ dễ lo lắng thái quá về sức khỏe của con, về cách chăm sóc con, lo sợ mình làm đau con,... Thậm chí có những người còn rơi vào trạng thái hoảng loạn đột ngột với các biểu hiện: sợ hãi không lý do, tim đập nhanh, khó thở,...

1.7. Suy nghĩ tiêu cực và tự sát

Khi trầm cảm ở mức độ nghiêm trọng, không được điều trị kịp thời, người mẹ có thể nảy sinh suy nghĩ muốn buông bỏ cuộc sống, từ bỏ bản thân và muốn tự sát. Dấu hiệu trầm cảm sau sinh này vô cùng nguy hiểm, cần được phát hiện để can thiệp kịp thời.

Người mẹ bị trầm cảm sau sinh nên được trị liệu bởi chuyên gia tâm lý

2. Cách xử trí với trầm cảm sau sinh và biện pháp phòng ngừa

2.1. Nên làm gì khi bị trầm cảm sau sinh?

2.1.1. Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý là một trong các phương pháp cần thiết để điều trị hiệu quả cho mẹ bị trầm cảm sau sinh. Thông qua các buổi trò chuyện với chuyên gia tâm lý, người mẹ sẽ có cơ hội chia sẻ những lo lắng, cảm xúc của mình và được hướng dẫn cách thức vượt qua khó khăn.

2.1.2. Dùng thuốc

Với những trường hợp có dấu hiệu trầm cảm sau sinh nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định đơn trầm cảm. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần phải được giám sát chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và em bé, nhất là trong giai đoạn cho con bú.

2.1.3. Hỗ trợ từ gia đình và bạn bè

Sự hỗ trợ từ người thân và bạn bè là cần thiết để giúp người mẹ vượt qua trầm cảm sau sinh. Khi được chia sẻ công việc nhà, chăm sóc con cái, lắng nghe và động viên, người mẹ sẽ cảm thấy được yêu thương, được quan tâm và quên đi cảm giác cô đơn do trầm cảm.

2.1.4. Chăm sóc bản thân

Tạo cho mình thói quen chăm sóc bản thân như: tập thể dục, tham gia hoạt động giải trí theo sở thích, dành thời gian nghỉ ngơi,... có thể cải thiện tâm lý cho phụ nữ sau sinh. Nếu những hoạt động này được diễn ra đều đặn, sức khỏe tinh thần của người mẹ sẽ chuyển biến tích cực.

Hỗ trợ từ phía người thân là điều cần thiết để kiểm soát nguy cơ trầm cảm ở phụ nữ sau sinh

2.2. Phòng ngừa trầm cảm sau sinh bằng cách nào?

Tuy không thể phòng tránh hoàn toàn sự xuất hiện của dấu hiệu trầm cảm sau sinh nhưng có một số biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ gặp phải tình trạng này:

- Chuẩn bị tâm lý cho giai đoạn sau sinh

Khi chuẩn bị làm mẹ, hãy tham gia các lớp học tiền sản, tìm hiểu về vai trò làm mẹ và tư vấn bác sĩ chuyên khoa về những thay đổi sau sinh. Những việc làm này có thể giúp người mẹ có được sự chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho giai đoạn sau sinh.

- Tìm kiếm sự hỗ trợ

Trước sinh, thai phụ cần có được sự hỗ trợ từ phía gia đình, bạn bè cho quá trình sinh nở sau đó. Sự hỗ trợ này sẽ giúp phụ nữ sau sinh giảm bớt áp lực trong việc chăm sóc con, chăm sóc gia đình, có thời gian chăm sóc bản thân. Càng được hỗ trợ tích cực thì phụ nữ sau sinh càng tránh được những căng thẳng, lo lắng không đáng có.

- Giảm kỳ vọng

Người mẹ cần hiểu rằng việc chăm sóc con cái không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Đôi khi, sự chấp nhận khó khăn, giảm bớt kỳ vọng về sự hoàn hảo sẽ giúp phụ nữ sau sinh không tự gây áp lực cho mình, nguy cơ trầm cảm cũng được giảm bớt.

Trầm cảm sau sinh là vấn đề tâm lý không nên chủ quan bởi nó có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, thậm chí đe dọa sự sống của người mẹ. Gia đình và những người xung quanh nên quan tâm, phát hiện kịp thời dấu hiệu trầm cảm sau sinh để kịp thời hỗ trợ, giúp người mẹ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa Thần kinh của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, hãy liên hệ trực tiếp tổng đài 1900 56 56 56 để được xác nhận lịch hẹn nhanh chóng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.