Các tin tức tại MEDlatec
8 dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm thực quản trào ngược
Trào ngược dạ dày - thực quản (viêm thực quản trào ngược) là hiện tượng các chất dịch trong dạ dày như acid HCl, pepsin, dịch mật... trào ngược lên thực quản, kích thích niêm mạc thực quản. Bệnh không chỉ gây ra các triệu chứng khó chịu, mà còn có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Bạn nên sớm thăm khám bác sĩ nếu gặp các dấu hiệu dưới đây.
Ợ hơi lúc đói
Ợ hơi khi đói có thể là biểu hiện rối loạn chức năng co giãn của cơ thắt thực quản dưới. Xem thêm tại đây. |
Ợ hơi thường xuất hiện sau bữa ăn, đặc biệt khi ăn no. Đây là hoạt động sinh lý bình thường của dạ dày trong quá trình chuyển hóa thức ăn, nhằm giúp dạ dày bớt đầy. Tuy nhiên, nếu ợ hơi xa bữa ăn, ợ hơi khi bụng rỗng, cần nghĩ ngay đến sự rối loạn chức năng co giãn của cơ thắt thực quản dưới. Đây là biểu hiện đầu tiên của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản.
Ợ nóng, ợ chua
Ợ nóng là triệu chứng điển hình nhất của bệnh trào ngược ở người lớn. Nguyên nhân là do acid hoặc dịch mật trong dạ dày tiếp xúc với niêm mạc, gây cảm giác nóng rát. Ợ nóng có thể lan từ thượng vị lên dọc sau xương ức, đôi khi lan đến vùng hạ họng hoặc lên tận mang tai, kèm theo vị chua trong miệng.
Buổi sáng thường là thời điểm trương lực co bóp của dạ dày mạnh nhất, do bụng trống rỗng sau cả một đêm. Trương lực mạnh có thể đẩy dịch dạ dày lên tận cuống họng, gây cảm giác chua miệng. Nhiều người còn nôn ra nước vàng khi đánh răng.
Hiện tượng ợ thường tăng lên ra sau khi ăn no, đầy bụng, khó tiêu, uống rượu, nước chua hoặc khi cúi gập người về phía trước. Khi nằm nghỉ, người mắc bệnh trào ngược dạ dày - thực quản dễ bị ợ hơn.
Buồn nôn, nôn
Khi bệnh tiến triển nặng hơn, các chất trào ngược lên thực quản không chỉ là hơi, dịch tiêu hóa mà gồm cả thức ăn, gây hiện tượng buồn nôn, nôn. Nếu tình trạng này diễn ra ngay sau khi ăn, khả năng bị trào ngược dạ dày - thực quản khá lớn.
Đau tức ngực
Bệnh nhân trào ngược dạ dày - thực quản thường có biểu hiện đau, tức ngực, đau thắt ở ngực, xuyên ra lưng, cánh tay. Đó là do acid trào lên đã kích thích đầu mút các sợi thần kinh trên bề mặt niêm mạc thực quản, gây cảm giác đau đoạn thực quản chạy qua ngực.
Nước bọt tiết nhiều
Lượng nước bọt tiết ra nhiều hơn cũng là triệu chứng cần lưu ý của bệnh trào ngược acid dạ dày. Cơ thể có phản xạ tăng tiết nước bọt có tính kiềm, để giúp trung hòa bớt acid tấn công lên thực quản.
Khàn giọng, đau họng, ho, hen
Acid dạ dày trào lên thực quản sẽ làm viêm tấy dây thanh quản, gây khàn giọng. Khác với ho cảm thông thường, đau họng hoặc ho do acid dạ dày trào ngược có thể trở nên mạn tính, lâu ngày có thể chuyển biến thành hen.
Hiện tượng khàn giọng hoặc đau họng, nhất là sau ăn và không đi kèm với các triệu chứng khác như hắt hơi, sổ mũi nhiều khả năng là biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản.
Khó nuốt
Hiện tượng trào ngược lặp lại nhiều lần sẽ gây ra tổn hại nhất định cho thực quản. Niêm mạc thực quản bị phù nề do tiếp xúc acid, gây khó nuốt, dễ nghẹn. Một số vị trí tổn thương khi lành để lại sẹo, gây chít hẹp thực quản, càng làm tăng cảm giác khó nuốt.
Đắng miệng
Cảm giác đắng miệng ở một số bệnh nhân gây ra bởi dịch mật trào ngược. Nếu có triệu chứng này, kèm theo ợ nóng, bệnh nhân có khả năng cao mắc đồng thời 2 bệnh gồm trào ngược dịch mật và trào ngược dạ dày - thực quản.
Trào ngược dạ dày - thực quản được chẩn đoán dựa vào khám lâm sàng, nội soi dạ dày thực quản và chụp xạ hình. Điều trị trào ngược dạ dày thực quản có thể bằng phương pháp dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Điều trị bằng phương pháp dùng thuốc cần lâu dài, do bệnh chịu tác động nhiều từ trạng thái tâm lý, chế độ ăn uống và sinh hoạt.
Phẫu thuật được thực hiện khi bệnh nhân không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với thuốc. Người bệnh nên lựa chọn các giải pháp an toàn, ít tác dụng phụ, đồng thời thực hiện tốt chế độ ăn uống và đời sống tinh thần lành mạnh.
Nguồn: vnexpress.net
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!