Các tin tức tại MEDlatec
Áp xe vú có nguy hiểm không? Chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp nào?
1. Áp xe vú là gì?
Áp xe vú là tình trạng xuất hiện khối áp xe tại vú gây tình trạng viêm, đau, sưng đỏ dưới vùng da vú do vi khuẩn gây ra. Đây là một căn bệnh thường gặp ở phụ nữ nhất là trong giai đoạn sau khi sinh và đang cho con bú.
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh áp xe vú, nhưng những nguyên nhân phổ biến nhất là do:
Nhiễm trùng do vi khuẩn: Vi khuẩn là nguyên nhân chính gây ra áp xe vú, thường là vi khuẩn Staphylococcus aureus hoặc Streptococcus gây ra;
Tắc nghẽn ống dẫn sữa: Khi ống dẫn sữa bị tắc nghẽn, sữa không thể lưu thông và có thể bị ứ đọng khiến vi khuẩn phát triển gây ra tình trạng nhiễm trùng. Tình trạng này thường xảy ra trong thời kỳ cho con bú;
Tắc nghẽn ống dẫn sữa trong thời kỳ cho con bú là một trong những lý do gây áp xe vú
Viêm mô vú: Viêm mô vú là tình trạng viêm nhiễm khuẩn hoặc vô khuẩn của mô vú, thường gặp ở phụ nữ đang cho con bú. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm mô vú có thể hình thành áp xe;
Vết nứt hoặc tổn thương núm vú: Vết nứt hoặc tổn thương núm vú, đặc biệt khi cho con bú, có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào mô vú.
2. Mức độ nguy hiểm của áp xe vú
Mức độ nguy hiểm của áp xe vú được xác định dựa trên giai đoạn bệnh, cụ thể bao gồm:
Giai đoạn viêm
Một số triệu chứng xuất hiện ở giai đoạn này như:
- Sốt cao, cơ thể mệt mỏi;
- Đau nhức ở sâu bên trong tuyến vú;
- Đau nhức lan sang bả vai, cánh tay;
- Bầu vú bị sưng, viêm, căng cứng, kèm theo cảm giác nặng nề hoặc khó chịu;
- Da bầu vú đỏ ửng, nóng và phù nề nếu ổ viêm u ở trên bề mặt tuyến hoặc ngay dưới da.
Giai đoạn tạo áp xe
Khi đã chuyển sang giai đoạn tạo áp xe, lúc này các triệu chứng sẽ đều tăng lên, cụ thể:
- Có các biểu hiện của hội chứng nhiễm độc hoặc nhiễm khuẩn như sốt cao, rét run, khô môi, đau đầu, khát nước, da xanh xao, mệt mỏi…;
Áp xe vú gây ra tình trạng sốt cao, rét run
- Vú bị nhiễm trùng sưng to;
- Vùng da bị áp xe nóng, căng tức, sưng tấy hoặc phù tím;
- Sữa lẫn dịch mủ có thể chảy ra qua đầu núm vú, có mùi hôi tanh.
Áp xe vú có thể gây ra một số những biến chứng nghiêm trọng sau:
- Mất chức năng tiết sữa
- Trường hợp ổ áp xe lớn, tự vỡ, gây hoại tử có thể gây mất chức năng tiết sữa.
Tình trạng nhiễm trùng lan rộng
Tình trạng lan rộng ổ nhiễm trùng từ áp xe vú đi khắp cơ thể thông qua mạch máu có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng huyết, suy thận, hoại tử các chi...
Viêm xơ tuyến vú mạn tính
Viêm xơ vú mạn tính là một trong những hậu quả của việc các ổ áp xe không được điều trị kịp thời và triệt để. Biến chứng này không chỉ ảnh hưởng tới các chức năng của tuyến vú mà còn tiềm ẩn nguy cơ ung thư vú trong tương lai.
Hoại tử tuyến vú
Biến chứng nghiêm trọng hàng đầu có thể xảy ra là hoại tử tuyến vú. Tình trạng lúc này vú thường sưng to, phù nề, vùng da phía trên ổ áp xe xuất hiện các mảng vàng nhạt hoặc tím đen do hoại tử.
3. Phương pháp chẩn đoán và điều trị áp xe vú
Chẩn đoán áp xe vú
Chẩn đoán chính xác tình trạng áp xe vú sẽ là cơ sở quan trọng giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh nhân đang mắc phải. Các phương pháp chẩn đoán bao gồm:
- Thăm khám lâm sàng: Đầu tiên bác sĩ sẽ thăm hỏi các triệu chứng mà người bệnh gặp phải. Tiếp đến, sẽ tiến hành thăm khám tình trạng bầu ngực, sờ hạch nách, đánh giá tình trạng sữa mẹ…;
- Thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh: Để tăng tính tin cậy của kết quả chẩn đoán đồng thời loại trừ nguy cơ ung thư vú, người bệnh có thể được chỉ định làm một số kiểm tra xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm CRP, chọc dò ổ viêm có mủ, cấy vi khuẩn, thực hiện kháng sinh đồ…
Điều trị áp xe vúú
Tùy vào từng trường hợp cụ thể bác sĩ đưa ra những phương pháp điều trị sao cho phù hợp
- Sử dụng kháng sinh: Các trường hợp phát hiện áp xe vú ở giai đoạn sớm bác sĩ sẽ kê các loại thuốc bao gồm kháng sinh, giảm đau, chống viêm và hạ sốt để cải thiện triệu chứng, hạn chế đau nhức và kiểm soát tình trạng viêm;
Kháng sinh được sử dụng trong điều trị áp xe vú ở giai đoạn sớm
- Chích rạch da và dẫn lưu mủ áp xe: Bác sĩ sẽ tiến hành chích nặn mủ khi áp xe xảy ra ở vùng da nông. Đối với trường hợp ổ áp xe nằm sâu bên trong, cần yêu cầu gây mê tại chỗ, sau đó tiến hành chích rạch tháo mủ và đặt ống dẫn lưu qua hướng dẫn của siêu âm. Với phương pháp này cần hết sức lưu ý công tác vệ sinh cũng như theo dõi sau khi thực hiện;
- Phẫu thuật: Phương pháp phẫu thuật thường được chỉ định trong những trường hợp ổ áp xe với kích thước lớn, chứa nhiều mủ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc tình trạng áp xe vú, chị em hãy liên hệ ngay MEDLATEC để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, MEDLATEC đáp ứng thực hiện việc chẩn đoán, điều trị các bệnh lý liên quan đến tuyến vú một cách hiệu quả bằng những phương pháp tân tiến hàng đầu, trong đó có kỹ thuật sinh thiết vú hỗ trợ chân không VABB.
Chi tiết quý khách vui lòng liên hệ đường dây nóng 1900 56 56 56 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!