Các tin tức tại MEDlatec
Bài tập hít thở dành cho bệnh nhân hen suyễn nên thử và tập luyện
- 11/05/2021 | Các triệu chứng hen suyễn ở trẻ và cách điều trị
- 16/04/2021 | Bệnh hen suyễn có nguy hiểm không và phòng ngừa bệnh thế nào?
- 04/04/2021 | Làm thế nào để phân biệt hen suyễn và COPD?
- 04/01/2021 | Cẩm nang những thông tin cần biết về bệnh hen suyễn
1. Bài tập hít thở bằng cơ hoành
Cơ hoành thường được mô tả là phần cơ có dáng hình vòm nằm ở bên dưới lá phổi. Khi tập luyện hít thở bằng cơ hoành có nghĩa là chúng ta đang tập thở bằng bụng. Theo bác sĩ, đây là một trong số những bài tập hít thở dành cho bệnh nhân hen suyễn mang lại hiệu quả rất cao vì giúp điều hòa nhịp thở và cải thiện khả năng hô hấp. Bên cạnh đó, những kỹ thuật trong bài tập này cũng giúp thúc đẩy khả năng hoạt động của cơ hoành và giảm bớt nhu cầu thu nạp oxy của cơ thể.
Bài tập hít thở dành cho bệnh nhân hen suyễn
Mặc dù bài tập cơ hoành mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân bị hen suyễn nhưng việc tập luyện sai cách sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe. Do đó, mọi người nên tìm hiểu kỹ lưỡng về các tư thế, kỹ thuật của bài tập. Để giúp các bạn dễ dàng thực hiện đúng cách, dưới đây là một số bước cho bài tập thở bằng cơ hoành:
-
Bước 1: Vào tư thế chuẩn bị bằng cách nằm hoặc ngồi trên thảm được trải trên một mặt phẳng (sàn nhà).
-
Bước 2: Đưa một tay lên phần bụng, tay còn lại đặt lên ngực rồi từ từ hít thở bằng mũi. Ở bước này, nếu thực hiện đúng các tư thế thì bàn tay được đặt trên bụng sẽ dần di chuyển nhẹ do phần bụng có biểu hiện phình lên. Tuy nhiên, bàn tay đặt trên ngực vẫn phải đảm bảo nằm yên.
-
Bước 3: Mím chặt bờ môi rồi từ từ thở ra nhẹ nhàng. Trong lúc thở ra, bạn có thể cảm nhận được phần bụng đang dần xẹp xuống dần.
Với những bước trên, các bạn cứ lặp đi lặp lại bài tập trong khoảng 15 - 20 phút cho mỗi buổi tập để cải thiện khả năng hô hấp và làm giảm nhịp thở của cơ thể. Để nâng cao hiệu quả bài tập, mọi người nên ưu tiên tập luyện ở những nơi yên tĩnh, không khí trong lành và có đủ ánh sáng.
2. Bài tập thở Papworth - bài tập hít thở dành cho bệnh nhân hen suyễn
Khi nhắc đến những bài tập hít thở dành cho bệnh nhân hen suyễn thì không thể không kể đến phương pháp thở Papworth. Với sự kết hợp nhẹ nhàng giữa kỹ thuật thư giãn và điều hòa nhịp thở, bài tập này giúp bệnh nhân ổn định hơi thở của mình. Điều này có nghĩa là hơi thở sẽ được duy trì với trạng thái thở chậm, đều từ phần bụng (tức cơ hoành) rồi đi lên mũi. Ngoài khả năng hỗ trợ chức năng hô hấp cho người bệnh hen suyễn thì bài tập thở này còn giúp mọi người dễ dàng kiểm soát những lo âu, căng thẳng của mình.
Bài tập thở Papworth cải thiện bệnh hen suyễn
Theo chuyên gia, để thực hiện đúng cách bài tập thở Papworth, bạn cần đảm bảo tuân thủ đúng các bước sau đây:
-
Bước 1: Trải thảm trên một mặt phẳng (sàn nhà) rồi ngồi theo tư thế hoa sen nhưng vẫn giữ thẳng lưng.
-
Bước 2: Hít vào nhẹ nhàng bằng mũi hoặc miệng rồi từ từ thở ra bằng mũi nhưng phải đảm bảo theo nhịp đếm 1 - 2 - 3 - 4.
Bài tập này mặc dù khá đơn giản nhưng các kỹ thuật tập luyện cần phải thực hiện chính xác. Bên cạnh đó, trong khi tập luyện, bạn cần lắng nghe nhịp độ hơi thở của mình di chuyển từ mũi xuống bụng rồi từ bụng đi ra ngoài. Mặc dù bài tập này có lợi cho người bị hen suyễn nhưng bệnh nhân vẫn cần phải sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Bởi vì, bài tập chỉ có khả năng hỗ trợ, giảm bớt sự lệ thuộc thuốc chứ không thể chữa trị bệnh hoàn toàn.
3. Bài tập thở Buteyko
Vào khoảng năm 1950, bác sĩ Buteyko của đất nước Ukraine đã tìm ra được bài tập dành cho bệnh nhân hen suyễn. Từ đó, mọi người đã đặt tên cho bài tập này là bài thở Buteyko. Với bài tập này, bệnh nhân có thể cải thiện các triệu chứng do bệnh hen suyễn gây ra, đồng thời giảm bớt tần suất sử dụng thuốc mỗi ngày. Tuy nhiên, mọi người cần phải lưu ý rằng, bài tập này chỉ có chức năng hỗ trợ chứ hoàn toàn không thể thay thế thuốc hoặc cải thiện chức năng phổi hoàn toàn.
Phương pháp thở Buteyko cho người bệnh hen
Để thực hiện đúng bài tập hít thở dành cho bệnh nhân hen suyễn theo nghiên cứu của bác sĩ Buteyko, các bạn cần phải tuân thủ theo đúng các bước dưới đây:
-
Vào tư thế chuẩn bị bằng cách ngồi thẳng lưng, đặc biệt các bạn nên lựa chọn những không gian yên tĩnh hoặc có nhạc nhẹ, không khí trong lành, sạch sẽ để thư giãn đầu óc.
-
Hít thở nhẹ nhàng bằng mũi với tốc độ bình thường, tức khoảng 20 giây cho một lượt hít vào - thở ra. Tuy nhiên, các bạn nên chú ý tập trung vào nhịp thở sao cho hơi thở không quá gắng sức cũng không quá nông.
-
Tiếp theo dùng hai ngón tay nhẹ nhàng đặt lên hai lỗ mũi để bịt kín lại, đồng thời, khép miệng. Giữ nguyên tư thế này cho đến khi không thể giữ được nữa nhằm mục đích tập luyện cơ thể giữ được hơi thở lâu.
-
Tiếp tục khép miệng nhưng bỏ hai ngón tay ra khỏi mũi rồi hít thở một hơi thật dài bằng mũi.
Sau khi hoàn tất các bước trên có nghĩa bạn đã thực hiện hết một lượt tập. Cứ thế, các bạn tiếp tục lặp lại các động tác và duy trì bài tập khoảng 10 - 15 lần cho mỗi buổi tập. Ngoài chức năng điều hòa hơi thở thì bài tập này còn giúp cải thiện khả năng hô hấp cho bệnh nhân. Do đó, những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn hoặc đang mắc bệnh nên tập luyện bài tập của Buteyko.
4. Bài tập hít thở trong Yoga
Tập luyện hơi thở thông qua những bài tập thể dục cũng là một cách giúp bệnh nhân hen suyễn cải thiện tình trạng của mình, điển hình như là bài tập hít thở trong Yoga. Tuy nhiên, các bạn cần lưu ý tập luyện đúng tư thế, đúng cách thì mới đạt được hiệu quả như ý muốn. Theo chuyên gia chia sẻ, trong yoga việc giữ hơi thở được chia thành 3 cách phổ biến, đó là thở ngực, thở bụng và thở kết hợp giữa ngực và bụng. Với mỗi cách thở, bài tập hít thở dành cho bệnh nhân hen suyễn cũng được yêu cầu khác nhau. Cụ thể như:
-
Với cách thở bằng ngực: bệnh nhân nên tập luyện hít vào bằng ngực sao cho hơi thở thật sâu. Khi thực hiện đúng cách, bạn hoàn toàn có thể cảm nhận được các khớp xương đang mở rộng, đồng thời ngực cũng cảm giác nở ra. Tiếp theo, thư giãn và thả hơi thở ra nhẹ nhàng.
Tập hít thở bằng ngực theo bộ môn Yoga
-
Với cách thở bụng: cũng tương tự so với bài tập thở cơ hoành.
-
Với cách thở kết hợp ngực và bụng: bạn nên hít vào nhẹ nhàng và duy trì nhịp thở dài để lấp đầy không khí trong bụng và khoang ngực. Sau đó, giữ nguyên hơi thở khoảng 5 giây bằng cách nín thở rồi từ từ thở ra. Với bài tập này, các bạn nên chú ý khi thở ra cần phải cảm nhận được luồng không khí đẩy từ dưới lên trên và thở ra ngoài bằng mũi. Do đó, bệnh nhân bệnh hen suyễn nên cố gắng dùng nhiều sức để mở rộng khoang ngực và cơ bụng để không khí được lưu thông vào bên trong.
Với những bài tập hít thở dành cho bệnh nhân hen suyễn được gợi ý trên đây, chúng tôi hy vọng các bạn sẽ có thêm nhiều phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh đa dạng, hiệu quả. Tuy nhiên, mọi người cũng nên lưu ý rằng bài tập chỉ có tác dụng khi thực hiện đúng cách và kiên trì trong thời gian dài.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!