Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh Basedow có chữa khỏi được không? Điều trị bằng cách nào tốt nhất?
- 11/04/2021 | Bệnh basedow và những hệ lụy kèm theo mà không phải ai cũng biết!
- 29/09/2021 | Hướng dẫn phương pháp điều trị Basedow khi cho con bú
- 20/05/2025 | Hậu quả nghiêm trọng khi mắc bệnh Basedow trong thai kỳ - khuyến cáo từ chuyên gia
1. Tổng quan về bệnh Basedow
Basedow là bệnh lý tuyến giáp tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm vào tuyến giáp, khiến tuyến này sản xuất quá nhiều hormone giáp (thyroxine) và triiodothyronin. Ngoài nguyên nhân chính là rối loạn hệ miễn dịch, Basedow có nguy cơ khởi phát bệnh khi có sự tác động trong thời gian dài của nhiều yếu tố: hút thuốc lá, phụ nữ sau sinh, căng thẳng trong thời gian dài, di truyền, môi trường sống ô nhiễm,...
Triệu chứng dễ gặp phải ở bệnh nhân Basedow gồm:
- Hồi hộp, tim đập nhanh, đánh trống ngực.
- Lo lắng, dễ cáu gắt.
- Run tay.
- Sụt cân nhanh dù chế độ ăn vẫn đảm bảo.
- Mất ngủ.
- Ra mồ hôi nhiều.
- Mắt lồi, cảm giác cộm mắt, nhìn đôi.
- Cổ trước to ra.
Hình ảnh mô tả tuyến giáp phình to trong bệnh Basedow
2. Mắc bệnh Basedow có chữa khỏi được không?
2.1. Khả năng chữa khỏi bệnh Basedow?
Trước khi trả lời câu hỏi: bệnh Basedow có chữa khỏi không, bạn cần hiểu đúng nghĩa như thế nào được gọi là chữa khỏi bệnh. Theo đó, bệnh lý này được xem là đã chữa khỏi khi không còn triệu chứng, hormone giáp ổn định trong thời gian dài và người bệnh không cần dùng đến thuốc.
Chữa khỏi bệnh Basedow không đồng nghĩa với khỏi vĩnh viễn vì sau đó bệnh có thể tái phát, nhất là khi người bệnh ngừng điều trị đột ngột hoặc thường xuyên tiếp xúc với yếu tố nguy cơ kích thích tái phát bệnh.
Bệnh Basedow là một dạng rối loạn tự miễn mạn tính, tuy không lây lan nhưng có ảnh hưởng lâu dài đến chức năng tuyến giáp và sức khỏe. Người bệnh không nên lo lắng quá về vấn đề bệnh Basedow có chữa khỏi được không vì hiện nay, y học đã có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả, nhiều bệnh nhân đã được chữa khỏi, nhất là khi phát hiện sớm và điều trị ngay theo chỉ dẫn của bác sĩ.
2.2. Các yếu tố quyết định khả năng khỏi bệnh
Bệnh Basedow có thể chữa khỏi được hay không phụ thuộc chủ yếu vào những yếu tố như:
- Thời điểm phát hiện bệnh: Phát hiện bệnh càng sớm và thực hiện điều trị ngay thì khả năng chữa khỏi càng cao.
- Đáp ứng với thuốc kháng giáp: Bệnh nhân đáp ứng tốt có thể đẩy lùi bệnh sau 12 - 18 tháng điều trị.
- Tuân thủ phác đồ điều trị:Ngưng thuốc đột ngột khiến việc điều trị gián đoạn, vừa khó đạt hiệu quả điều trị vừa làm tăng nguy cơ tái phát bệnh.
- Tinh thần và lối sống: Giữ tinh thần ổn định, tránh căng thẳng và duy trì lối sống khoa học cũng giúp giảm nguy cơ tái phát.
Như đã trả lời câu hỏi: bệnh Basedow có chữa khỏi được không, có những trường hợp đã chữa khỏi nhưng vẫn tái phát bệnh. Trường hợp này, để đạt hiệu quả điều trị lâu dài, người bệnh có thể chuyển sang điều trị bằng iốt phóng xạ hoặc phẫu thuật.
Bệnh Basedow có chữa khỏi được không phụ thuộc nhiều vào thời điểm chẩn đoán và điều trị
3. Các phương pháp chữa trị và chăm sóc, theo dõi sau điều trị bệnh Basedow
Bên cạnh câu hỏi bệnh Basedow có chữa khỏi không, người bệnh cũng cần lưu ý rằng bệnh lý này không thể tự khỏi nếu không can thiệp điều trị. Vì thế, khi có các dấu hiệu nghi ngờ như đã nhắc đến ở trên, người bệnh cần được thăm khám chuyên khoa, chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ để tránh biến chứng nguy hiểm.
Bệnh Basedow không được điều trị tích cực có thể gây biến chứng nghiêm trọng như: cơn bão giáp đe dọa đến tính mạng, rối loạn nhịp tim, suy tim, suy dinh dưỡng nặng, giảm thị lực, loãng xương,...
Các phương pháp điều trị thường được áp dụng cho bệnh nhân Basedow gồm:
3.1. Dùng thuốc kháng giáp
Đây là lựa chọn đầu tiên được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân Basedow. Các thuốc thường dùng gồm: Methimazole, Propylthiouracil,... có tác dụng ức chế sự sản xuất hormone giáp, giảm triệu chứng của bệnh. Thời gian điều trị bằng thuốc thường kéo dài 18 – 24 tháng tùy vào mức độ bệnh và khả năng đáp ứng thuốc của bệnh nhân.
Điều trị bằng thuốc có tỷ lệ tái phát và người bệnh cần dùng thuốc đều đặn mới đạt được mục tiêu kiểm soát bệnh. Thuốc có thể gây tác dụng phụ như: dị ứng, giảm bạch cầu, tổn thương gan,...
3.2. Điều trị bằng iốt phóng xạ
Iốt phóng xạ được dùng để phá hủy các tế bào tuyến giáp hoạt động quá mức, có hiệu quả ngay sau 1 lần điều trị. Iốt phóng xạ được tuyến giáp hấp thu và phá hủy tế bào tuyến giáp hoạt động quá mức, nhờ đó giảm sản xuất hormone giáp.
Tuy nhiên, điều trị bằng iốt phóng xạ có thể gây suy giáp vĩnh viễn nên bệnh có nguy cơ phải uống hormone thay thế suốt đời. Phương pháp này không thể thực hiện với đối tượng bệnh nhân là người đang cho con bú hoặc thai phụ.
3.3. Phẫu thuật cắt tuyến giáp
Bệnh nhân Basedow thường được chỉ định phẫu thuật cắt tuyến giáp trong trường hợp:
- Bướu giáp quá lớn khiến khí quản bị chèn ép.
- Đã điều trị bằng thuốc kháng giáp nhưng không dung nạp.
- Có biến chứng chèn ép hoặc nghi ngờ ung thư.
Sau phẫu thuật cắt tuyến giáp, người bệnh thường phải dùng hormone giáp thay thế suốt đời. Số ít bệnh nhân sau phẫu thuật gặp biến chứng tổn thương dây thần kinh thanh quản hoặc tuyến cận giáp.
Trường hợp bướu giáp quá lớn, người mắc bệnh Basedow cần phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp
3.4. Theo dõi và chăm sóc sau điều trị
Mặc dù đã điều trị khỏi bệnh Basedow nhưng người bệnh vẫn cần:
- Tái khám đúng hẹn để được bác sĩ kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp, tình trạng tim mạch, chức năng gan.
- Áp dụng chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, tránh thực phẩm chứa nhiều iốt và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, tập thể dục đều đặn mỗi ngày, không dùng rượu bia hay thuốc lá.
- Chú ý dấu hiệu tái phát để thăm khám ngay như: tim đập nhanh trở lại, run tay, bồn chồn, cáu gắt, mắt lồi, đau mắt, mờ mắt,...
Như vậy, câu trả lời cho câu hỏi bệnh Basedow có chữa khỏi được không là có thể chữa khỏi bệnh nếu phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ. Tuy nhiên, bệnh cũng có khả năng tái phát nên người bệnh cần duy trì lối sống khoa học và theo dõi sát sao để sớm phát hiện dấu hiệu bệnh quay trở lại.
Nếu xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ bệnh Basedow, quý khách hàng có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56 để được xét nghiệm chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!