Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh động kinh là gì? Nguy hiểm như thế nào?
- 10/06/2020 | Bệnh động kinh: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị
- 23/12/2020 | Bệnh động kinh có điều trị dứt điểm được không?
1. Bệnh động kinh là gì và triệu chứng của động kinh
1.1. Như thế nào là bệnh động kinh?
Động kinh là một thuật ngữ chung để nói về các rối loạn khác nhau trong đó người bệnh trải qua cơn động kinh. Những người có tối thiểu từ 2 cơn động kinh trở lên thì mới được gọi là bệnh động kinh.
Vậy bệnh động kinh là gì? Đây là dạng rối loạn chức năng ở hệ thần kinh trung ương xảy ra do sự phóng điện đột ngột và không có kiểm soát của một nhóm tế bào thần kinh ở vỏ não khiến cho các cơn co giật xuất hiện với tần suất lặp đi lặp lại nhiều lần, gây nên những thay đổi về nhận thức, hành vi vận động đến cảm giác và chức năng của các cơ quan trong cơ thể.
Triệu chứng thường thấy ở người bị động kinh
Cụ thể, bệnh động kinh có các đặc điểm:
- Xuất hiện cơn động kinh, co giật có tính chất định hình và thường xuyên lặp lại.
- Cơn động kinh chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và đột ngột
- Đi kèm các rối loạn khác về chức năng thần kinh.
- Phát hiện các đợt sóng kịch phát bất thường qua điện não đồ.
1.2. Triệu chứng của bệnh động kinh là gì?
Có không ít người vì không biết triệu chứng bệnh động kinh là gì nên hoang mang, nhận diện sai về bệnh lý này. Theo Liên đoàn Quốc tế Chống động kinh ILAE, có thể chia bệnh động kinh thành hai dạng và những triệu chứng của bệnh ở hai dạng này cũng có sự khác nhau:
- Với dạng động kinh cục bộ: cơn động kinh chỉ xảy ra tại một số vùng nhất định của não bộ:
+ Động kinh cục bộ đơn giản: chỉ xuất hiện cơn co giật ở một số bộ phận của cơ thể kèm theo ảo giác về âm thanh, hình ảnh, mùi vị,… tồn tại khoảng 90 giây nhưng không làm mất ý thức ở người bệnh.
+ Động kinh cục bộ phức tạp: chỉ xuất hiện cơn co giật ở phạm vi lớn hơn so với động kinh cục bộ đơn giản như cả chân tay hoặc nửa người, tồn tại không quá 2 phút. Có khoảng 80% cơn động kinh kiểu này xuất phát từ vùng não gần tai là thùy thái dương làm cho người bệnh bị mất ý thức, nói lời vô nghĩa, khó kiểm soát hành vi, cảm xúc thất thường,…
- Với dạng động kinh toàn thể: cơn động kinh xảy ra ở mọi vùng của não bộ, gồm 5 thể:
+ Động kinh co giật - co cứng: gồm hai giai đoạn của cơn co cứng. Giai đoạn đầu các cơ co lại đột ngột khiến cho người bệnh bị ngã xuống và mất hoàn toàn ý thức trong khoảng 10 - 20 giây. Giai đoạn sau đó là các cơn co giật liên tục khoảng 2 - 3 phút rồi giãn dần các cơ ra, người bệnh sẽ không còn cảm giác và không biết trước đó đã xảy ra điều gì.
+ Co giật đơn thuần hoặc động kinh co cứng: ít khi xảy ra, chỉ là các cơn co giật hoặc co cứng toàn thân đơn thuần.
+ Động kinh vắng ý thức: người bệnh bị mất ý thức đột ngột với các triệu chứng: đột nhiên dừng việc đang làm, mắt nhìn chăm chú vào một vật bất kỳ khoảng 3 - 30 giây rồi tỉnh lại và làm tiếp công việc trước đó mà không biết mình vừa trải qua chuyện gì.
Người bệnh nên đến gặp bác sĩ thăm khám để biết phương án điều trị bệnh động kinh là gì, giúp ngăn chặn sớm hệ lụy xấu do bệnh gây ra
+ Động kinh rung giật cơ: cơ bắp bị co giật đột ngột và không có khả năng tự chủ ở một phần cơ thể hoặc cũng có khi bị toàn thân. Triệu chứng của người bệnh tương đối giống với sốc điện.
+ Mất trương lực cơ: do một nhóm cơ bị mất trương lực đột ngột nên người bệnh bất ngờ ngã xuống đất, đầu gật về trước, mí mắt sụp xuống, đánh rơi hoặc buông bỏ đồ vật đang cầm trên tay,… trong khi ý thức vẫn còn.
2. Bệnh động kinh có nguy hiểm không?
2.1. Mức độ nguy hiểm của bệnh động kinh
Ở trong những tình huống nhất định, cơn động kinh xuất hiện có thể khiến người bệnh rơi vào nguy hiểm:
- Bị té ngã đột ngột nên dễ bị gãy xương hoặc chấn thương ở đầu.
- Đuối nước nếu như cơn động kinh xuất hiện khi đang bơi hoặc tắm.
- Tai nạn giao thông khi động kinh đi kèm suy giảm ý thức hoặc khiến cho các cơ ở tay chân bị mất kiểm soát. Lúc này, nếu người bệnh đang điều khiển phương tiện giao thông sẽ nguy hiểm vô cùng.
- Với thai phụ, cơn động kinh sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé, ngoài ra, việc dùng một số loại thuốc chống động kinh còn dễ tăng nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh.
- Gặp vấn đề về tâm lý, cảm xúc nên dễ có hành vi muốn tự tử.
- Trạng thái động kinh xuất hiện liên tục trên 5 phút hoặc thường xuyên tái phát và bị mất ý thức giữa các cơn sẽ tăng nguy cơ bị tổn thương não hoàn toàn và tử vong.
- Đột tử (1%), thường có liên quan đến bệnh đường hô hấp hoặc tim mạch.
2.2. Cách sơ cứu cho người bị động kinh
Khi gặp người bị động kinh, hãy cố gắng bình tĩnh để giúp họ bằng cách:
Hướng dẫn sơ cứu cho người bị động kinh
- Tìm mọi cách để họ cảm thấy dễ thở hơn như nới lỏng cà vạt, cổ áo,...
- Đặt họ nằm nghiêng sang một bên và kê cao đầu cho họ bằng một vật gì đó. Lưu ý rằng cần phải cho họ nằm tránh xa những nơi dễ gây nguy hiểm như hồ nước, lòng đường, bếp núc,... Tuyệt đối không được trói bệnh nhân để giảm cơn co giật.
- Khi họ có cơn co giật không được cho họ ăn uống gì vì họ không thể kiểm soát được nên dễ bị sặc hoặc gặp chấn thương khác.
- Theo dõi và ghi nhận những hiện tượng mà họ đang gặp phải để về sau kể lại với bác sĩ hoặc kể lại cho họ biết.
- Theo dõi đồng hồ để tính thời gian cơn co giật, gọi cấp cứu hoặc tìm nhân viên y tế nhờ giúp đỡ nếu thời gian co giật diễn ra nhanh trong 5 phút.
Hy vọng những chia sẻ trên đây đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh động kinh là gì để phát hiện sớm và kịp thời đến gặp bác sĩ chuyên khoa để có hướng đối phó hiệu quả. Nếu còn thắc mắc nào khác hay cần tới sự trợ giúp y tế, chỉ cần bạn nhấc máy liên hệ Tổng đài 1900 56 56 56, chuyên gia y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC sẽ gửi tới bạn sự hỗ trợ chính xác.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!