Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh gan nhiễm mỡ có mấy cấp độ?
- 01/12/2023 | Gan nhiễm mỡ có triệu chứng gì? Phương pháp chẩn đoán bệnh
- 10/08/2024 | Gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không? Khám gan nhiễm mỡ ở đâu uy tín?
- 01/12/2023 | Thông tin về bệnh lý gan nhiễm mỡ và cách phòng ngừa
1. Gan nhiễm mỡ là bệnh gì?
Ở một lá gan khỏe mạnh, mỡ sẽ chiếm khoảng 3 đến 5% tổng trọng lượng của gan. Khi lượng mỡ tích tụ nhiều hơn 5% trọng lượng của gan được gọi là gan nhiễm mỡ. Ở giai đoạn đầu, bệnh gan nhiễm mỡ có thể được khắc phục kịp thời bằng việc kết hợp nhiều phương pháp điều trị như chế độ ăn khoa học, sinh hoạt lành mạnh và tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Việc chậm trễ điều trị kết hợp với thói quen sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh sẽ khiến cho bệnh gan nhiễm mỡ ngày càng tiến triển.
Gan nhiễm mỡ có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm
Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ:
- Chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn quá nhiều đồ ăn chứa chất béo, dầu mỡ, nhất là mỡ động vật.
- Sinh hoạt không khoa học, thường xuyên thức khuya, ít vận động chế chất, ngủ không đủ giấc,...
- Hút thuốc lá và sử dụng bia rượu thường xuyên.
- Thừa cân béo phì hoặc suy dinh dưỡng.
- Chế độ giảm cân không khoa học.
- Gặp phải một số biến chứng của bệnh tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu,...
- Rối loạn nội tiết, yếu tố di truyền.
2. Gan nhiễm mỡ có mấy cấp độ?
Với thắc mắc “gan nhiễm mỡ có mấy cấp độ”, các chuyên gia giải thích như sau: Gan nhiễm mỡ được chia thành 3 cấp độ. Khi lượng mỡ tích tụ trong gan tăng cao nghĩa là bệnh đang tiến triển đến những cấp độ nghiêm trọng hơn.
2.1. Gan nhiễm mỡ cấp độ 1
Lượng mỡ dư thừa tích tụ trong gan là khoảng 5 đến 10% trọng lượng gan. Đây là cấp độ nhẹ của bệnh gan nhiễm mỡ. Lúc này, bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng và chưa gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Đó cũng chính là lý do bệnh rất khó phát hiện qua những triệu chứng lâm sàng.
3 cấp độ của bệnh gan nhiễm mỡ
Thông thường, bệnh nhân sẽ được phát hiện bệnh thông qua việc thăm khám sức khỏe định kỳ. Việc phát hiện sớm và áp dụng các phương pháp điều trị kịp thời sẽ nâng cao hiệu quả điều trị bệnh, thậm chí chữa khỏi bệnh hoàn toàn.
Phương pháp điều trị bệnh gan nhiễm mỡ ở cấp độ 1 chủ yếu là điều chỉnh thói quen sinh hoạt, tìm các nguyên nhân gây bệnh để hạn chế nguy cơ tiến triển bệnh. Tốt nhất, người bệnh nên ăn uống khoa học, kiêng bia rượu, hạn chế ăn những món ăn có chứa nhiều dầu mỡ, chất béo và thường xuyên tập thể dục.
2.2 Gan nhiễm mỡ cấp độ 2
Là những trường hợp lượng mỡ tích tụ trong gan đã chiếm từ 10 - 25% trọng lượng gan. Lúc này, đã xuất hiện mô mỡ trên bề mặt nhu mô gan và có thể có ở cơ hoành. Bệnh đã có sự tiến triển so với cấp độ 1, tuy nhiên, những biểu hiện bệnh vẫn còn khá mơ hồ và dễ nhầm lẫn với những căn bệnh về gan khác.
Một số triệu chứng bệnh có thể kể đến như chán ăn, khó tiêu, mệt mỏi, đau tức sườn phải,... Ở giai đoạn này, bệnh gan nhiễm mỡ có thể phát triển nhanh chóng. Khi bệnh đã bước sang cấp độ 2 thì việc điều trị bệnh triệt để cũng gặp nhiều khó khăn. Phương pháp điều trị bệnh chủ yếu ở giai đoạn này là điều trị duy trì, phòng tránh tình trạng diễn tiến nhanh chóng của bệnh và nâng cao sức khỏe cho người bệnh.
Ăn những thực phẩm nhiều chất béo và dầu mỡ khiến bệnh gan nhiễm mỡ ngày càng nghiêm trọng
Bệnh nhân nên ăn nhiều thực phẩm có chứa nhiều chất xơ và vitamin, đặc biệt là các loại rau củ và trái cây, thay vì ăn mỡ động vật hãy lựa chọn những loại chất béo không bão hòa (có nhiều trong quả bơ và các loại hạt). Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên tập luyện thể thao và hạn chế uống bia rượu.
2.3. Gan nhiễm mỡ cấp độ 3
Là những trường hợp lượng mỡ tích tụ trong gan đã lên tới 30% trọng lượng gan. Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh gan nhiễm mỡ. Lúc này, người bệnh có thể phải đối mặt với biến chứng do suy gan, xơ gan, ung thư gan, có thể đe dọa tính mạng của người bệnh.
Triệu chứng gan nhiễm mỡ cấp độ 3 thường khá rõ ràng, cụ thể như sau:
- Đau tức vùng hạ sườn phải.
- Gan phình to hơn, người bệnh có thể sờ được và khi ấn vào cảm thấy đau.
- Xảy ra tình trạng tắc mật với những biểu hiện như vàng da, vàng mắt, rối loạn đường tiêu hóa, buồn nôn, chán ăn, ăn không tiêu,...
Ăn nhiều trái cây để hạn chế nguy cơ tiến triển bệnh
Khi bệnh gan nhiễm mỡ đã tiến triển nghiêm trọng thì việc điều trị khỏi bệnh là rất khó khăn. Mục tiêu chính của các phương pháp điều trị là nâng cao thể trạng sức khỏe của người bệnh, áp dụng các phương pháp hỗ trợ chức năng gan, phòng tránh nguy cơ xơ gan và ung thư gan.
Bác sĩ sẽ hướng dẫn cho người bệnh điều chỉnh chế độ dinh dưỡng một cách khoa học. Nên ăn nhóm thực phẩm rau củ quả để giúp thanh nhiệt, làm mát gan. Đặc biệt nên ăn rau cần vì loại rau này có chứa nhiều vitamin và khoáng chất, hỗ trợ bài tiết chất thải và làm sạch huyết dịch. Một số loại quả như nho, bưởi, đu đủ, táo… có chứa rất nhiều nước, vitamin chất xơ,... giúp giải nhiệt và giảm mỡ gan, đào thải chất độc và chất béo tích tụ trong gan, từ đó phòng ngừa nguy cơ xơ gan. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên kiêng bia rượu, hạn chế ăn mỡ động vật, hạn chế ăn thịt đỏ hay các loại thức ăn cay nóng, thức ăn có chứa nhiều cholesterol.
Nên thường xuyên tập thể dục để chuyển hóa lượng mỡ trong gan. Đồng thời người bệnh cũng cần điều chỉnh chế độ ăn uống và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để phòng tránh tình trạng bệnh tiến triển đến mức độ cao hơn, cải thiện chức năng gan và phòng ngừa biến chứng bệnh. Nếu có hiện tượng đau vùng gan, sụt cân nhanh chóng, vàng da và cơ thể mệt mỏi, cần đi khám càng sớm càng tốt.
Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc “gan nhiễm mỡ có mấy cấp độ” và một số phương pháp điều trị bệnh.
Hệ thống Y tế MEDLATEC không chỉ cung cấp dịch vụ kiểm tra, xét nghiệm chức năng gan tại các phòng khám, bệnh viện mà còn triển khai dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, rất thuận tiện và phù hợp với những khách hàng bận rộn.
Để được đặt lịch xét nghiệm và kiểm tra sức khỏe, mời quý khách gọi đến tổng đài 1900 56 56 56, các tổng đài viên của MEDLATEC sẽ hướng dẫn chi tiết cho bạn.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!