Các tin tức tại MEDlatec

Bệnh lõm xương ức ở trẻ em: Khi nào cần can thiệp phẫu thuật

Ngày 15/11/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Bệnh lõm xương ức ở trẻ em là một dạng dị tật bẩm sinh tại vùng ngực của trẻ. Đây là hiện tượng xương ức bị lún sâu vào bên trong lồng ngực, làm thay đổi cấu trúc của vùng ngực và đôi khi ảnh hưởng đến các chức năng hô hấp, tim mạch của trẻ. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh lõm xương ức rất quan trọng để có thể đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả, can thiệp phẫu thuật kịp thời, giúp trẻ có cuộc sống khỏe mạnh và tự tin hơn.

1. Tìm hiểu về bệnh lõm xương ức ở trẻ em

1.1 Biểu hiện lõm xương ức ở trẻ

Biểu hiện của lõm xương ức có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của tình trạng này. Bao gồm:

- Ngực lõm rõ rệt: Vùng ngực có dấu hiệu lún vào, có thể dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường.

- Khó thởmệt mỏi: Trẻ thường cảm thấy khó thở, nhất là khi tham gia hoạt động thể chất.

- Đau ngực: Một số trẻ có thể cảm thấy đau hoặc tức ngực do áp lực lên phổi và tim.

- Sức khỏe yếu: Trẻ mắc bệnh lõm xương ức thường có sức khỏe tổng thể yếu hơn, dễ mệt mỏi và không thể tham gia các hoạt động thể chất lâu dài.

- Ngoài ra, trẻ còn có thẻ có các biểu hiện khác như thở khò khè, ho khan, chóng mặt, ngất xỉu, hay bị cảm lạnh, thường xuyên nhiễm trùng đường hô hấp trên, tim đập nhanh, tim đập loạn nhịp, cột sống cong vẹo, còi xương,...

Vùng ngực có dấu hiệu lún vào là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của bệnh lõm xương ức ở trẻ em

1.2 Nguyên nhân trẻ bị lõm xương ức

Hiện nay, nguyên nhân chính xác và cơ chế gây ra bệnh lõm xương ức ở trẻ em vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng yếu tố di truyền có thể đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bệnh này. Nhiều trường hợp cho thấy bệnh xuất hiện ở những trẻ có người thân trong gia đình cũng bị lõm xương ức. Ngoài ra, bệnh lõm xương ức thường xảy ra cùng với một số bệnh lý di truyền khác, chẳng hạn như:

- Hội chứng Marfan: Tình trạng rối loạn mô liên kết, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cơ thể.

- Hội chứng Ba Lan: Một dị tật bẩm sinh hiếm gặp khiến các cơ một bên ngực thiếu hoặc kém phát triển, nhất là cơ ngực lớn.

- Hội chứng Ehlers-Danlos: Rối loạn di truyền ảnh hưởng đến collagen, khiến da và các mô liên kết dễ bị tổn thương.

- Xương thủy tinh: Một rối loạn di truyền làm cho xương dễ gãy và yếu.

- Hội chứng Noonan: Bệnh lý di truyền hiếm gặp liên quan đến sự bất thường của mô liên kết, gây xương giòn và dễ bị tổn thương.

- Hội chứng Turner: Tình trạng thiếu hụt hoặc mất một phần nhiễm sắc thể X ở trẻ nữ.

- Hội chứng Down: Do bất thường về nhiễm sắc thể 21, gây ra nhiều rối loạn về phát triển thể chất và trí tuệ ở trẻ.

Ngoài các hội chứng di truyền kể trên, bệnh lõm xương ức ở trẻ còn có thể đi kèm với các tình trạng khác như còi xương hoặc cong vẹo cột sống, làm cho cơ thể trẻ phát triển không đều, ảnh hưởng đến cấu trúc lồng ngực.

2. Tác động của bệnh lõm xương ức đến sức khỏe trẻ

Bệnh lõm xương ức gây ảnh hưởng đến ngoại hình của trẻ và còn có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác cho trẻ như:

- Giảm khả năng hô hấp: Sự lún của xương ức gây áp lực lên phổi, làm giảm dung tích phổi, khiến trẻ bị giảm khả năng hô hấp, dễ bị hụt hơi.

Bệnh lõm xương ức có thể gây ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của trẻ

- Rối loạn chức năng tim: Ở một số trường hợp nặng, bệnh có thể gây áp lực lên tim, ảnh hưởng đến khả năng bơm và chức năng tim.

- Tăng nguy cơ bệnh lý tâm lý ở trẻ: Trẻ em bị lõm xương ức thường cảm thấy tự ti về ngoại hình, điều này có thể dẫn đến stress, lo âu hoặc trầm cảm.

3. Trẻ bị lõm xương ức điều trị như thế nào, khi nào cần can thiệp phẫu thuật?

Không phải tất cả các trường hợp lõm xương ức đều cần phẫu thuật. Với các trường hợp lõm xương ức nhẹ, bác sĩ thường khuyến khích trẻ tham gia các bài tập thể chất nhằm cải thiện tư thế và hình dáng ngực. Những bài tập này có thể bao gồm các động tác tập trung vào cơ ngực và cơ lưng, giúp tăng cường sức mạnh và hỗ trợ điều chỉnh cấu trúc ngực.

Phẫu thuật điều trị lõm xương ức ở trẻ thường được xem xét trong các trường hợp trẻ bị lõm xương ức từ trung bình đến nặng. Để đưa ra quyết định, các bác sĩ sẽ dựa trên mức độ lõm của xương ức và các triệu chứng liên quan đến sức khỏe của trẻ. 

Bác sĩ sẽ dựa trên mức độ lõm của xương ức và các triệu chứng liên quan để đưa ra chỉ định điều trị cho trẻ

Dưới đây là các tiêu chí phổ biến giúp bác sĩ xác định trẻ có cần phẫu thuật hay không:

- Mức độ lõm của xương ức ảnh hưởng đến hô hấp và tuần hoàn

Lõm xương ức nghiêm trọng có thể tạo áp lực lên phổi và tim, hạn chế khả năng mở rộng của phổi và làm giảm lượng máu được bơm đi khắp cơ thể. Nếu mức độ lõm xương ức khiến trẻ khó thở, tim đập nhanh, chóng mặt, ngất xỉu, đặc biệt khi hoạt động thể lực hoặc thậm chí khi nghỉ ngơi, phẫu thuật sẽ được cân nhắc. 

- Đánh giá mức độ lõm qua chỉ số Haller

Chỉ số Haller được sử dụng để đo mức độ lõm của lồng ngực. Chỉ số này được xác định bằng cách chụp CT ngực, sau đó tính toán tỷ lệ giữa chiều rộng và chiều sâu của lồng ngực. Nếu chỉ số Haller vượt quá 3,25, trẻ có khả năng phải can thiệp phẫu thuật vì đây là mức độ lõm nghiêm trọng.

- Đánh giá kết quả điều trị không phẫu thuật

Ở mức độ nhẹ, lõm xương ức có thể được cải thiện bằng các biện pháp điều trị không phẫu thuật như hoạt động thể chất, vật lý trị liệu hoặc sử dụng thiết bị hỗ trợ nâng ngực. Tuy nhiên, nếu các phương pháp này không cải thiện tình trạng của trẻ hoặc bệnh có dấu hiệu tiến triển nặng hơn, phẫu thuật sẽ được xem xét.

4. Các phương pháp phẫu thuật điều trị lõm xương ức ở trẻ em

Hiện nay có hai phương pháp phổ biến để điều trị lõm xương ức ở trẻ em là phẫu thuật Nuss và phương pháp Ravitch. 

4.1 Phương pháp Nuss

Phương pháp Nuss là một trong những kỹ thuật phổ biến nhất để điều trị lõm xương ức ở trẻ em. Kỹ thuật này sử dụng một thanh kim loại đặt ngang dưới xương ức để nâng xương ức lên, giúp chỉnh sửa lại hình dạng của lồng ngực. Thanh kim loại sẽ được giữ trong lồng ngực từ 2 đến 3 năm và sau đó được lấy ra khi lồng ngực đã định hình ổn định.

Phương pháp Nuss có ưu điểm ít xâm lấn, vết mổ nhỏ nên có tính thẩm mỹ cao, đồng thời thời gian hồi phục cũng nhanh hơn so với phương pháp truyền thống.

4.2 Phương pháp Ravitch

Phương pháp Ravitch là phương pháp phẫu thuật truyền thống, trong đó bác sĩ sẽ cắt bỏ sụn sườn lún, giữ lại màng sụn và điều chỉnh lại vị trí xương ức lại vị trí bình thường. Theo thời gian, các sụn sườn sẽ phát triển lại theo màng sụn còn lại và dần hình thành một cấu trúc mới, giữ cho xương ức ổn định tại vị trí vừa được chỉnh sửa.

Bài viết này đã cung cấp những thông tin tổng quan về nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị bệnh lõm xương ức ở trẻ em, hy vọng MEDLATEC đã giúp phụ huynh có cái nhìn rõ ràng và đưa ra quyết định đúng đắn trong chăm sóc sức khỏe cho con em mình.

Nếu bạn cần thêm thông tin chi tiết và tư vấn từ các bác sĩ, hãy liên hệ ngay với Hệ thống Y tế MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.