Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh mạch vành - tất tần tật những thông tin cần ghi nhớ
- 06/02/2021 | 6 triệu chứng bệnh mạch vành điển hình ai cũng có thể nhận ra
- 02/03/2021 | Bệnh mạch vành: phương pháp điều trị và cách phòng ngừa
- 26/03/2020 | Chụp CT mạch vành giúp chẩn đoán chính xác bệnh mạch vành
1. Tổng quan về bệnh mạch vành
1.1. Bệnh mạch vành là bệnh như thế nào
Bệnh mạch vành là bệnh của động mạch đi nuôi tim, xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh động mạch vành bị hẹp lại và bị các mảng bám bên trong mạch máu cản trở. Lúc này, động mạch sẽ trở nên cứng và hẹp hơn chứ không có sự đàn hồi và mềm mại như ban đầu.
Theo thời gian, nếu bệnh mạch vành trở nặng sẽ khiến máu lưu thông kém và khó khăn hơn. Hệ lụy của nó chính là không cung cấp đủ oxy và máu cho tim nên người bệnh xuất hiện các cơn đau thắt ngực và bị nhồi máu cơ tim.
1.2. Nguyên nhân nào gây ra bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành xảy ra do sự lắng đọng cholesterol trong máu gây tổn thương lớp lót trên thành mạch khiến vùng này bị viêm mãn tính. Khi bị viêm, cơ thể sẽ tự sản sinh phản ứng viêm khiến cho một lượng lớn tiểu cầu và các tế bào miễn dịch được huy động về đây để làm liền cho vết thương.
Xơ vữa trên thành động mạch vành
Theo thời gian, các tế bào này sẽ kết dính với canxi và cholesterol tạo nên mảng xơ vữa ở trên thành mạch. Các mảng này có thể bong lên hoặc dày hơn rồi lại làm tổn thương động mạch. Không những thế, khi các mảng ấy nứt vỡ chúng còn tăng dần về kích thước và tạo thành các cục máu đông gây cản trở dòng máu. Đến lúc đạt kích thước đủ lớn, nó khiến cho toàn bộ mạch vành bị tắc nghẽn và kết quả chính là cơn nhồi máu cơ tim. Một trường hợp khác, khi các mảng này bị kích thích và hoạt động không đúng chúng sẽ làm mạch vành co bóp thất thường và kết quả là động mạch bị thu hẹp hơn.
1.3. Đối tượng nào có nguy cơ cao với bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành có nguy cơ cao với:
- Người cao tuổi bị cao huyết áp và tăng cholesterol máu.
- Người vận động ít.
- Người hút thuốc lá nhiều.
- Người sinh trong gia đình có tiền sử đối với bệnh mạch vành.
- Người béo phì hoặc bị tiểu đường tuýp 2.
2. Phân loại và triệu chứng thường gặp của bệnh mạch vành
2.1. Các loại bệnh mạch vành
Hầu hết các trường hợp bị bệnh mạch vành đều bị xơ vữa động mạch, số khác có thể bị thu hẹp mạch máu. Căn cứ vào thực tế này mà các chuyên gia chia bệnh mạch vành thành 3 loại:
- Bệnh mạch vành do mảng xơ vữa
Mảng xơ vữa có thể mềm hoặc cứng, hình thành từ triglyceride, cholesterol, canxi và tế bào viêm ở trên thành mạch vành. Những mảng cứng sẽ khó nứt vỡ, khó tạo thành cục máu đông vì nó ổn định hơn còn những mảng mềm dễ nứt vỡ tạo thành cục máu đông gây ra bệnh đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
- Bóc tách động mạch vành tự phát
Đây là tình trạng tạo nên khi các lớp của thành mạch vành bỗng nhiên rách ra và khiến cho máu bị chảy một phần vào khe rồi bị giữ lại. Chính điều đó làm cho lượng máu đến tim bị chặn hoặc chậm hơn và gây ra tình trạng bất thường nhịp tim, đau thắt ngực và thậm chí còn tử vong.
- Bệnh mạch vành co thắt
Bệnh này dễ khởi phát khi người bệnh sử dụng chất kích thích, bị căng thẳng kéo dài, tiếp xúc với không khí lạnh, hút thuốc,... và làm một hoặc nhiều động mạch vành bị thu hẹp tạm thời.
2.2. Triệu chứng bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành có triệu chứng điển hình là cơn đau thắt ngực, nhất là khi nhiễm lạnh, xúc động hoặc gắng sức. Cơn đau gây ra cảm giác như có ai đó vặn xoắn tim mình và có thể lan sang cánh tay, hàm,... Thời gian đau thường khoảng 5 - 10 phút sau đó nếu dùng thuốc giãn vành hoặc được nghỉ ngơi.
Người bị bệnh mạch vành thường có cơn đau thắt ngực dữ dội đột ngột
Một số trường hợp mắc bệnh mạch vành không có triệu chứng lâm sàng mà người bệnh chỉ cảm thấy hơi khó thở hoặc mệt khi gắng sức. Cũng vì thế mà họ ít lưu tâm đến và phát hiện bệnh muộn hoặc bị nhồi máu cơ tim.
3. Mức độ nguy hiểm của bệnh mạch vành
Khi phát hiện và điều trị không kịp thời bệnh mạch vành có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Nhồi máu cơ tim
Đây là kết quả của hiện tượng bong tách của các mảng xơ vữa khỏi thành mạch và tạo thành cục máu đông bịt kín mạch vành và ngăn chặn dòng máu. Lúc này nếu không được cấp cứu kịp thì bệnh nhân tử vong rất nhanh.
- Rối loạn nhịp tim
Bệnh mạch vành khiến cho tim không được nhận đủ oxy nên hoạt động của hệ thống điện tim bị rối loạn. Hệ quả tất yếu là nhịp tim nhanh quá hoặc chậm quá hoặc hỗn loạn. Có một số trường hợp tính mạng người bệnh bị đe dọa do rối loạn nhịp tim.
Chụp cắt lớp vi tính chẩn đoán bệnh mạch vành
- Suy tim
Trong một thời gian dài, do thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim nên tim giảm khả năng co bóp. Cứ như vậy tim sẽ suy yếu không thể phục hồi và suy tim.
4. Biện pháp phòng ngừa bệnh mạch vành
Để phòng ngừa bệnh mạch vành, các biện pháp được khuyến cáo bao gồm:
- Từ bỏ thuốc lá.
- Hoạt động thể chất đều và vừa sức.
- Nếu có các yếu tố nguy cơ như tiểu đường, huyết áp, cholesterol cao thì cần kiểm soát tốt các yếu tố này.
- Có chế độ ăn khoa học, lành mạnh gồm: giàu chất xơ, trái cây và ngũ cốc; ít muối, ít chất béo.
- Hạn chế hoặc quản lý tốt tình trạng căng thẳng.
Như đã nói ở trên, có những trường hợp bệnh mạch vành không hề có triệu chứng nên phát hiện khi đã muộn và thậm chí còn tử vong do nhồi máu cơ tim. Vì thế mỗi người trong chúng ta nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần để theo dõi sức khỏe tim mạch của mình, nhờ đó mà phát hiện và điều trị bệnh được từ sớm, ngăn ngừa được những nguy cơ đáng tiếc có thể xảy ra.
Nếu những chia sẻ trên đây còn khiến bạn băn khoăn gì, hãy liên hệ ngay tới tổng đài của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC 1900565656 để được chuyên viên y tế của chúng tôi giải đáp tỉ mỉ hơn, tránh hiểu sai dẫn đến những hệ quả không tốt cho sức khỏe.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!