Các tin tức tại MEDlatec

Bệnh quáng gà: biểu hiện, nguyên nhân và biện pháp điều trị

Ngày 26/04/2023
Quáng gà không phải là căn bệnh có tính chất nguy hiểm nhưng sự suy giảm thị lực trong điều kiện thiếu ánh sáng do bệnh gây ra trở thành rào cản rất lớn cho cuộc sống của người bệnh. Việc điều trị bệnh lý này không giống nhau ở mỗi bệnh nhân vì nó được tiến hành dựa trên căn nguyên gây ra bệnh. Chỉ khi xác định và dựa trên căn nguyên ấy thì việc điều trị mới đạt được hiệu quả tích cực.

1. Biểu hiện và nguyên nhân gây ra bệnh quáng gà

1.1. Quáng gà là bệnh gì?

Quáng gà còn được gọi là bệnh mù đêm, bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc. Đây là bệnh được đặc trưng bởi tình trạng giảm tầm nhìn, giảm thị lực vào thời điểm thiếu ánh sáng, chủ yếu là buổi chập tối và đêm.

Quáng gà là tình trạng giảm khả năng nhìn trong điều kiện ánh sáng tối

Mắt có 2 nhóm tế bào tiếp nhận tín hiệu ánh sáng: tế bào hình nón và hình que. Các tế bào hình que chứa sắc tố rhodopsin để mắt cảm nhận được tín hiệu từ luồng ánh sáng yếu. Nếu xảy ra suy giảm sắc tố rhodopsin thì tế bào hình que sẽ hoạt động kém hoặc tổn thương tế bào hình que cũng làm cho khả năng thu nhận ánh sáng bị giảm đi. Kết quả của những tình trạng đó là bệnh quáng gà.

1.2. Biểu hiện của bệnh quáng gà

Người bị quáng gà rất dễ nhận biết vì họ nhìn rất kém trong điều kiện ánh sáng yếu. Khi bị bệnh quáng gà thường có các biểu hiện như:

- Mắt không nhìn rõ khi ánh sáng yếu.

- Thời gian để mắt nhìn rõ từ khi đi từ môi trường sáng vào trong môi trường tối lâu hơn bình thường, sẽ cần chờ một lúc mới quan sát rõ vật ở xung quanh.

- Khi di chuyển trong môi trường ánh sáng kém rất hay bị vấp ngã hoặc điều khiển phương tiện giao thông khó khăn.

Ngoài những biểu hiện hay gặp ở trên thì tùy vào nguyên nhân gây nên quáng gà mà sẽ có các triệu chứng khác đi kèm như: buồn nôn, đau đầu, đau mắt, thấy có chấm đen trước mắt,...

1.3. Nguyên nhân gây ra bệnh quáng gà

Thực tế cho thấy một số bệnh lý sau đây có thể là nguyên nhân hình thành bệnh quáng gà:

Thiếu vitamin A lâu ngày có thể bị quáng gà

- Thiếu vitamin A: dẫn chất carotenoid của vitamin A là thành phần không thể thiếu để hình thành sắc tố rhodopsin ở tế bào hình que giúp mắt nhận biết điều kiện ánh sáng yếu. Do đó, khi bị thiếu vitamin A kéo dài thì mắt có thể bị quáng gà.

- Tăng nhãn áp: làm tổn thương thành phần trong ổ mắt, thoái hóa thần kinh thị giác, thoái hóa điểm vàng,... theo thời gian khiến thị lực suy giảm nên xuất hiện quáng gà.

- Đục thủy tinh thể: do thủy tinh thể bị đục nên luồng sáng đi vào mắt cũng bị cản trở, kết quả là lượng ánh sáng nhận được của các cơ quan cảm thụ mắt ít hơn so với ánh sáng thực tế trong môi trường và khả năng nhìn kém.

- Viêm võng mạc sắc tố: đây là bệnh xảy ra do đột biến gen, khiến cho khả năng hoạt động và trưởng thành của các tế bào nhận cảm ánh sáng ở võng mạc bị ảnh hưởng và sinh ra bệnh quáng gà.

- Một số bệnh lý khác: tiểu đường, keratoconus hay tác dụng phụ của một số loại thuốc cũng có thể dẫn đến sự hình thành bệnh quáng gà.

Cần lưu ý rằng, có những trường hợp, bệnh quáng gà hình thành không chỉ từ một nguyên nhân mà còn là kết quả của hàng loạt nguyên nhân khác nhau. Vì thế, muốn tìm ra nguyên nhân gây bệnh thì cần có sự kiểm tra kỹ lưỡng, tránh bỏ sót, điều này sẽ giúp việc kiểm soát bệnh đạt được hiệu quả tối ưu.

2. Phương pháp điều trị bệnh quáng gà

Quáng gà không phải là bệnh nguy hiểm cho tính mạng nhưng tình trạng suy giảm thị lực do bệnh sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người bệnh. Muốn điều trị bệnh lý này tốt nhất cần xác định được nguyên nhân gây nên nó và tùy vào từng nguyên nhân để áp dụng biện pháp điều trị phù hợp:

Người bị quáng gà cần khám bác sĩ chuyên khoa mắt để tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp

- Với trường hợp quáng gà vì thiếu vitamin A

Việc cần làm là bổ sung vitamin A cho người bị quáng gà theo chỉ định của bác sĩ, thường bổ sung đường uống với liều lượng 15.000 đơn vị/ngày. Tuyệt đối không được tự ý điều chỉnh liều lượng vitamin A trong thời gian điều trị bệnh vì có thể gây ngộ độc vitamin A.

- Với trường hợp bị quáng gà vì Glocom

Áp dụng các biện pháp để giảm nhãn áp như: thuốc hạ nhãn áp, phẫu thuật,... để tránh gây thêm tổn thương cho võng mạc. Bằng cách này có thể kiểm soát quáng gà không tiến triển nặng hơn.

- Với trường hợp quáng gà vì đục thủy tinh thể

Biện pháp duy nhất để khắc phục quáng gà trong trường hợp này là lấy thủy tinh thể bị đục ra khỏi mắt để thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo trong suốt. Sau điều trị, ánh sáng sẽ đi vào mắt tốt hơn nên thị lực được cải thiện.

- Với trường hợp quáng gà vì di truyền

Không có bất cứ phương pháp điều trị nào cho trường hợp này. Vì thế, mọi biện pháp được áp dụng chỉ nhằm cải thiện triệu chứng quáng gà và kiểm soát thời gian tiến triển của bệnh.

Người bị quáng gà do di truyền nên:

+ Tập di chuyển trong điều kiện ánh sáng tối và làm quen dần với bệnh.

+ Tuyệt đối không tham gia giao thông khi trời tối.

+ Khám mắt thường xuyên để theo dõi diễn tiến bệnh và thực hiện đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Nhìn chung, người bị quáng gà sẽ hạn chế tầm nhìn khi trong điều kiện ánh sáng tối và muốn điều trị thì cần tìm ra nguyên nhân gây nên bệnh lý này. Thăm khám mắt định kỳ là giải pháp duy nhất để phát hiện sớm quáng gà để thực hiện kịp thời các biện pháp chẩn đoán, điều trị bệnh trước khi tiến triển biến chứng nguy hại cho mắt.

Chuyên khoa Mắt - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giỏi và hệ thống thiết bị y tế hiện đại nhập khẩu hoàn toàn từ Châu Âu là địa chỉ uy tín trong điều trị bệnh lý về mắt. Nếu nghi ngờ có dấu hiệu quáng gà, quý khách hàng có thể liên hệ số điện thoại 1900 56 56 56 để đặt lịch khám cùng bác sĩ để được chẩn đoán đúng và hướng dẫn điều trị hiệu quả.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.