Các tin tức tại MEDlatec

Bệnh tim mạch ở trẻ: Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Ngày 28/11/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Bệnh tim mạch ở trẻ có thể xuất hiện từ khi bào thai và tổn tại sau sinh sinh (bệnh tim bẩm sinh) hoặc xuất hiện và phát triển trong quá trình lớn lên. Bạn có thể cùng MEDLATEC tìm hiểu chi tiết về các bệnh tim thường gặp và cách phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe tim mạch cho trẻ trong bài viết sau đây.

1. Nguyên nhân gây nên bệnh tim mạch ở trẻ

1.1. Yếu tố di truyền

Di truyền ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển hệ tim mạch của trẻ. Nếu trong gia đình có cha mẹ hoặc người thân từng mắc các bệnh tim mạch, trẻ có nguy cơ gặp phải tình trạng tương tự cao hơn so với các trẻ khác. 

1.2. Dị tật bẩm sinh

Phần lớn ca bệnh tim mạch ở trẻ xuất phát từ dị tật tim bẩm sinh. Đây là các bất thường về cấu trúc tim xảy ra từ trong bụng mẹ, khi tim và mạch máu lớn phát triển không bình thường. 

Nguyên nhân của dị tật tim bẩm sinh chưa được xác định chính xác, nhưng có thể bao gồm các yếu tố:

- Đột biến gen hoặc rối loạn nhiễm sắc thể gây ra những bất thường trong quá trình phát triển của tim.

- Phơi nhiễm với chất độc hại ở giai đoạn đầu của thai kỳ.

- Thiếu axit folic trong thai kỳ.

Mẹ bị nhiễm trùng trong thai kỳ có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến thai nhi, trong đó có sự phát triển của hệ tim mạch. Đặc biệt, thai phụ bị rubella trong ba tháng đầu của thai kỳ có thể ảnh hưởng đến thai nhi, trẻ sau khi chào đời dễ phải đối mặt với bệnh tim bẩm sinh như: tứ chứng Fallot, thông liên thất,...

Dị tật tim trong thai kỳ khiến trẻ bị bệnh tim bẩm sinh

2. Những bệnh tim mạch thường gặp ở trẻ em 

2.1. Dị tật tim bẩm sinh

Dị tật tim bẩm sinh chiếm phần lớn các ca bệnh tim mạch ở trẻ. Dị tật tim bẩm sinh xảy ra do sự phát triển không bình thường của tim trong giai đoạn bào thai, gây nên các bất thường về cấu trúc hoặc chức năng của tim.

- Thông liên thất: Xuất hiện lỗ thông giữa các vách ngăn ở tâm thất, khiến cho máu giàu oxy và máu nghèo oxy trộn lẫn vào nhau.

- Thông liên nhĩ: Giữa hai buồng tâm nhĩ có lỗ thông nên có sự trộn lẫn máu có oxy với máu thiếu oxy. Nếu không điều trị sớm, bệnh có thể gây suy tim.

- Tứ chứng Fallot: Đây là 4 bất thường trong cấu trúc tim: thông liên thất, hẹp động mạch phổi, lệch động mạch chủ và dày tâm thất phải.

- Hẹp van động mạch phổi: Máu từ tâm thất phải đến phổi bị cản trở, khiến tuần hoàn oxy trong máu gặp khó khăn.

2.2. Rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim không đều hoặc bất thường. Rối loạn nhịp tim có thể làm suy giảm khả năng bơm máu của tim, gây ra các biến chứng về tuần hoàn và đe dọa tính mạng của trẻ nếu không được kiểm soát tốt.

- Nhịp tim nhanh: Tim đập quá nhanh so với bình thường, gây mệt mỏi, chóng mặt và trong một số trường hợp có thể gây ngất xỉu.

- Nhịp tim chậm: Tim đập quá chậm, gây nên tình trạng thiếu oxy đến các cơ quan trong cơ thể, có thể làm trẻ mệt mỏi, xanh xao, thậm chí ngất xỉu.

- Rung nhĩ: Là tình trạng tâm nhĩ đập không đều, làm giảm khả năng bơm máu đến tâm thất và các cơ quan. Trẻ bị rung nhĩ thường mệt mỏi, khó thở và chóng mặt.

Rối loạn nhịp tim ở trẻ không được kiểm soát tốt có thể nguy hiểm đến sự sống

2.3. Suy tim

Suy tim là tình trạng tim không còn đủ khả năng bơm máu hiệu quả để cung cấp oxy và dưỡng chất đến các cơ quan. Trẻ bị suy tim thường khó thở, da xanh xao, mệt mỏi, tăng cân không bình thường do tích nước, chậm lớn. Trẻ sơ sinh có thể bị khó thở khi bú.

2.4. Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn 

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là nhiễm trùng xảy ra tại lớp niêm mạc trong tim. Bệnh lý này dễ gặp ở trẻ có dị tật tim bẩm sinh hoặc đã từng phẫu thuật tim. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do vi khuẩn xâm nhập vào máu và bám vào thành tim hoặc van tim, gây viêm và tổn thương.

Trẻ bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn thường bị sốt cao, mệt mỏi, đau ngực, khó thở, nổi các nốt đỏ trên da, trường hợp nặng có thể gây suy tim.

3. Phòng ngừa bệnh tim mạch ở trẻ như thế nào?

Một số biện pháp sau nếu được chủ động thực hiện, cha mẹ có thể phòng ngừa bệnh tim mạch ở trẻ:

3.1. Khám thai định kỳ

Khám thai định kỳ giúp phát hiện sớm nguy cơ dị tật tim bẩm sinh ở thai nhi. Những lần siêu âm định kỳ ở các tuần thai quan trọng, đặc biệt vào tuần 18 - 22, có thể giúp phát hiện các bất thường trong cấu trúc tim như lỗ thông liên nhĩ, liên thất hoặc các vấn đề về van tim.

Phát hiện sớm dị tật tim bẩm sinh giúp cha mẹ có thời gian chuẩn bị và bác sĩ có thể đưa ra kế hoạch điều trị hoặc can thiệp ngay từ khi bé chào đời. Điều này giúp tăng cơ hội sống sót, hạn chế nguy cơ biến chứng nghiêm trọng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ. 

Khám thai định kỳ giúp phát hiện sớm nguy cơ bệnh tim mạch ở trẻ

3.2. Khuyến khích trẻ vận động thường xuyên 

Hoạt động thể chất là yếu tố quan trọng giúp tăng cường sức mạnh của cơ tim, cải thiện tuần hoàn máu, giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim ở trẻ em. Vì vậy, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ tham gia bơi lội, cầu lông, chạy bộ, nhảy dây,... tối thiểu 30 phút/ ngày.

3.3. Kiểm soát cân nặng

Tăng cân quá mức đồng nghĩa với tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và tiểu đường - hai yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở trẻ.

Cha mẹ hãy chú ý để cân đối lượng calo nạp vào cơ thể trẻ mỗi ngày, tránh tình trạng trẻ ăn quá nhiều. Nên tránh cho trẻ dùng đồ uống có ga, đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn.

3.4. Kiểm soát căng thẳng cho trẻ

Dù trẻ nhỏ ít gặp căng thẳng như người lớn, nhưng áp lực từ việc học tập hoặc gia đình cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch. Để phòng ngừa bệnh tim mạch ở trẻ, cha mẹ nên tạo cơ hội cho trẻ vui chơi, giải trí,... giúp trẻ xả stress hiệu quả. Hãy lắng nghe để kịp thời hỗ trợ trẻ khi trẻ gặp khó khăn hoặc lo lắng.

Ngoài ra, bệnh tim mạch ở trẻ cũng có thể được phòng ngừa thông qua Khám sức khỏe định kỳ, điều trị các bệnh lý nhiễm trùng triệt để và tiêm chủng đầy đủ.

Bệnh tim mạch ở trẻ tiềm ẩn nhiều nguy hại với sức khỏe. Cha mẹ nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chú ý theo dõi sức khỏe của con để nhận biết sớm, giúp con được điều trị kịp thời để trẻ được bảo vệ tim mạch ngay từ giai đoạn đầu đời.

Để đặt lịch khám cho con cùng bác sĩ Chuyên khoa Tim mạch - Hệ thống Y tế MEDLATEC, cha mẹ hãy liên hệ trực tiếp Hotline 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.