Các tin tức tại MEDlatec
Các bệnh về phổi và lưu ý phòng tránh
- 15/12/2022 | Cách nhận biết các triệu chứng bệnh phổi
- 15/12/2022 | Bệnh lao phổi có chữa được không? Bệnh nguy hiểm như thế nào?
- 02/12/2022 | Chức năng của phổi và cách bảo vệ phổi hiệu quả
1. Các bệnh về phổi gây ảnh hưởng xấu đến đường hô hấp
Khí quản được phân nhánh thành những ống phế quản rồi từ những ống này lại tiếp tục phân ra thành các tuyến nhỏ hơn đi vào phổi. Phế quản là một bộ phận quan trọng có nhiệm vụ lọc và dẫn khí đưa tới các phế nang để tiến hành quá trình trao đổi khí. Nếu phế quản gặp phải bệnh lý nào đó thì cũng tức là nguồn sống của toàn bộ tế bào trong cơ thể đều đang bị ảnh hưởng. Dưới đây là một số bệnh lý về phế quản có thể gặp:
-
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): luồng khí ra vào ở phổi bị tắc nghẽn khiến bệnh nhân cảm thấy khó thở, thở khò khè và tăng tiết dịch nhầy. Nguyên nhân chủ yếu là do người bệnh tiếp xúc lâu ngày với các loại khí độc hại từ hóa chất hay khói thuốc lá. Bệnh có thể tiến triển thành ung thư phổi, ảnh hưởng đến tim và gây ra nhiều biến chứng khác;
-
Hen suyễn: là hiện tượng viêm mạn tính đường hô hấp trong thời gian dài. Ở những cơn hen cấp tính có thể xảy ra tình trạng co thắt, sưng nề, tiết dịch đường thở khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc hô hấp nên phải dùng thuốc ngay để xoa dịu triệu chứng này bởi vì nguy cơ biến chứng và tử vong là rất cao;
-
Viêm phế quản cấp: xảy ra khi đường hô hấp đột nhiên bị nhiễm trùng và đa phần là do virus gây nên;
-
Viêm phế quản mạn tính: đây là một trong số các bệnh về phổi gây tắc nghẽn phế quản mạn tính với biểu hiện đặc trưng là những cơn ho có đờm trong thời gian dài;
-
Khí phế thũng: là một dạng bệnh mạn tính khiến phổi bị căng quá mức và hạn chế sự di chuyển của luồng không khí ra vào ở phổi. Bệnh nhân thở ra thường gặp nhiều khó khăn;
-
Xơ nang: một bệnh lý di truyền khiến phế quản bị suy giảm chức năng tự loại bỏ dịch nhầy. Khi những chất dịch này tích tụ quá nhiều sẽ đi vào phổi và dẫn đến nhiễm trùng phổi.
Túi phổi bình thường và túi phổi ở người bị khí phế thũng
Từ phế quản chính sẽ tách dần ra những tiểu phế quản, ở cuối các nhánh đường dẫn khí này là những túi khí được gọi là các phế nang. Chúng được coi là một trong những cấu tạo không thể thiếu của mô phổi bởi vì đây chính là nơi thực hiện trao đổi khí. Một số bệnh làm ảnh hưởng tới phế nang đó là:
-
Viêm phổi: khi các phế nang bị viêm nhiễm do vi khuẩn sẽ làm tổn thương các tổ chức phổi gây bệnh viêm phổi;
-
Phù phổi: là hiện tượng các mạch máu nhỏ ở phổi bị rò rỉ dịch vào trong các phế nang cũng như những tổ chức xung quanh. Nguyên nhân là do ảnh hưởng từ tổn thương trực tiếp ở phổi hoặc người bệnh bị suy tim;
-
Bệnh bụi phổi: là hệ quả sau thời gian dài bệnh nhân hít phải các chất độc hại, đó có thể là amiăng hoặc bụi than, bụi silic. Thời gian đầu bệnh sẽ không gây nên triệu chứng rõ ràng mà phải đến khi nhiều năm sau hoặc khi bệnh nhân đi khám sức khỏe mới có thể phát hiện ra. Bệnh tạo thành những mô sẹo không thể phục hồi trong phổi, từ đó gây ra các bệnh về phổi nghiêm trọng khác như viêm phổi nặng, COPD, viêm phế quản mạn tính, ung thư phổi,...;
-
Bệnh lao: xảy ra khi vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis xâm nhập vào cơ thể, có thể lây truyền từ người này sang người khác. Khi bị nhiễm lao bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như ho có đờm, ho ra máu, suy nhược, gầy gò, đau ngực. Đây là một trong 10 nhóm bệnh về phổi có tỷ lệ gây tử vong cao hàng đầu thế giới;
-
Ung thư phổi: bệnh có thể xảy ra tại bất kỳ vị trí nào của phổi, hay gặp nhất là ở các phế nang. Bệnh diễn tiến trong âm thầm và có tốc độ phát triển nhanh trong thời gian ngắn, mức độ nguy hiểm còn cao hơn so với lao phổi;
-
Khí phế thũng cũng là bệnh có thể gây tổn thương các phế nang;
-
Hội chứng suy hô hấp cấp: xuất phát từ các tổn thương xảy ra đột ngột và nghiêm trọng tại phổi do các bệnh lý khác. Bệnh nhân bị suy hô hấp cấp cần được hỗ trợ bởi máy thở và gắn bó với thiết bị này cho đến khi phục hồi.
2. Các bệnh lý gây tác động đến mạch máu ở phổi
Tĩnh mạch và động mạch của phổi có vai trò nhận máu được co bóp từ tim. Các bệnh về phổi dưới đây có thể làm ảnh hưởng đến 2 loại mạch máu này:
-
Tăng áp động mạch phổi: biểu hiện điển hình của tình trạng này đó là bệnh nhân dễ bị đau tức ngực, khó thở, nhịp tim bất thường, hay bị chóng mặt hoặc ngất xỉu,... Bệnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân và có thể gây nên biến chứng suy tim, thậm chí là khiến bệnh nhân bị tử vong;
-
Thuyên tắc phổi: là khi có cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch sâu đi đến tim, tim đẩy nó tới phổi và làm tắc nghẽn động mạch phổi khiến bệnh nhân bị thiếu oxy máu và khó thở.
Cục máu đông có thể gây thuyên tắc phổi rất nguy hiểm
3. Các bệnh xảy ra tại màng phổi
Màng phổi được cấu tạo giống như một lớp thanh mạc lót trong lồng ngực và bao phủ kín phổi. Màng phổi gồm 2 lớp là màng phổi tạng và màng phổi thành. Dưới đây là các bệnh thường gặp ở màng phổi:
-
Tràn khí màng phổi: là khi khí xuất hiện ở giữa 2 lớp màng phổi, có thể gây xẹp phổi;
-
Tràn dịch màng phổi: là tình trạng chất dịch tích tụ giữa 2 màng phổi, lượng dịch càng nhiều thì bệnh nhân càng bị khó thở. Đây thường là hệ quả sau khi bị suy tim, viêm phổi hoặc chấn thương trực tiếp tại phổi;
-
U trung biểu mô: là một loại ung thư hiếm gặp, thường xuất hiện khi bệnh nhân tiếp xúc nhiều năm với khí amiang.
Để phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh về phổi nêu trên, mỗi người cần xây dựng cho mình một thực đơn ăn uống lành mạnh, khoa học, đầy đủ dưỡng chất cần thiết. Bên cạnh đó nên duy trì thói quen uống đủ nước mỗi ngày (trung bình từ 1,5 - 2 lít nước), bổ sung thêm trái cây và rau xanh để tăng cường sức đề kháng.
Ngoài ra, vấn đề vệ sinh răng - miệng - họng là vô cùng quan trọng. Hàng ngày bạn nên đánh răng và súc miệng họng sạch sẽ sau khi ăn, trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy để hạn chế vi khuẩn phát triển gây ra các bệnh về đường hô hấp. Nên giữ ấm vào mùa lạnh để tránh nguy cơ mắc phải các bệnh về phổi. Vận động và tập thể dục thường xuyên cũng giúp củng cố hệ miễn dịch và hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về phổi.
Nắm rõ thông tin của các bệnh về phổi sẽ giúp ta phòng tránh các bệnh lý này tốt hơn
Đối với những bệnh truyền nhiễm hệ hô hấp thì nên tuân thủ lịch tiêm chủng, nhất là đối với trẻ nhỏ. Khi có các dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đi khám ngay để tránh rủi ro biến chứng về sau.
Trên đây là những thông tin về một số bệnh lý ở phổi. Nếu bạn đang có nhu cầu đặt lịch khám tại Chuyên khoa Hô hấp của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, hãy liên hệ ngay qua hotline 1900 56 56 56 để được tổng đài viên tư vấn chi tiết hơn.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!