Các tin tức tại MEDlatec
Các cấp độ của bệnh tay chân miệng ở trẻ cha mẹ cần cảnh giác
- 01/08/2023 | Biểu hiện tay chân miệng theo 4 giai đoạn của bệnh
- 01/11/2023 | Biểu hiện của bệnh tay chân miệng ở trẻ - Phụ huynh cần cảnh giác
- 01/08/2023 | Bệnh tay chân miệng cấp độ 1 có nguy hiểm không, biểu hiện thế nào?
- 01/03/2024 | Những biểu hiện của bệnh tay chân miệng và phương án điều trị
- 01/04/2024 | Phòng tránh bệnh tay chân miệng bằng cách nào?
1. Phân loại các cấp độ của bệnh tay chân miệng
1.1. Khái niệm bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng thường gặp ở những trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm phải Entero virus EV71 và Coxsackie virus A16. Bệnh lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc với chất dịch từ phỏng nước, nước bọt và phân của trẻ mắc bệnh. Chân tay miệng rất dễ lây truyền ở những môi trường đông người như nhà trẻ, thêm vào đó trẻ lại có hệ miễn dịch chưa phát triển toàn diện nên là đối tượng dễ nhiễm bệnh.
Bệnh có những biểu hiện điển hình bao gồm tổn thương niêm mạc, tổn thương da theo dạng phỏng nước, xuất hiện nhiều ở những khu vực như lòng bàn tay, bàn chân, miệng, đầu gối, mông,...
1.2. Các cấp độ của bệnh tay chân miệng
Cấp độ của bệnh tay chân miệng ở trẻ được chia thành 4 độ như sau:
Độ 1:
Là mức nhẹ của bệnh chân tay miệng, lúc này trẻ chỉ bị tổn thương ngoài da hoặc loét miệng.
Độ 2:
Bệnh đã phát sinh các biến chứng nhẹ về tim mạch và thần kinh với 2 phân độ như sau:
● Độ 2a: trẻ xuất hiện các triệu chứng như sốt cao trên 39 độ, sốt không hạ sau 2 ngày, giật mình với tần suất dưới 2 lần/30 phút, lừ đừ, nôn ói, quấy khóc, khó ngủ,...
● Độ 2b: gồm 2 nhóm trẻ dưới đây:
+ Nhóm 1: trẻ có tiền sử hay bị giật mình hoặc khi khám phát hiện trẻ bị giật mình từ 2 lần trở lên mỗi 30 phút, hoặc có các triệu chứng như ngủ gà, sốt ≥ 39 độ C (không hạ sau khi đã dùng thuốc hạ sốt), tim đập nhanh > 150 lần/phút (kiểm tra khi trẻ không sốt và nằm yên).
+ Nhóm 2: khi trẻ có một trong các dấu hiệu như lác mắt, rung giật nhãn cầu, yếu hoặc liệt chi, biểu hiện thất điều (run người, run chi, đi đứng loạng choạng, ngồi không vững), sốt rét, liệt thần kinh sọ (giọng nói thay đổi, nuốt sặc,...), sốt ≥ 39 độ C (không hạ sau khi đã dùng thuốc hạ sốt).
Độ 3:
Là giai đoạn bệnh xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng về tim mạch, thần kinh và hô hấp:
● Lạnh khu trú hoặc toàn thân, vã mồ hôi.
● Mạch nhanh > 170 lần/phút.
● Rối loạn tri giác.
● Thở nhanh hoặc thở bất thường (thở nông, ngưng thở, khò khè, rút lõm lồng ngực, thở rít thanh quản).
● Tăng trương lực cơ.
Độ 4:
Xảy ra một số biểu hiện sốc như trụy mạch, thở nấc, ngưng thở, tím tái, phù phổi cấp,...
Bệnh tay chân miệng thường gặp ở những trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 3 tuổi
2. Biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng
Thông thường bệnh tay chân miệng ít khi đe dọa đến tính mạng nhưng cũng có những trường hợp trẻ xuất hiện các dấu hiệu biến chứng nguy hiểm nên cha mẹ cần hết sức cảnh giác. Cụ thể:
● Mất nước: là biến chứng phổ biến, do sự tiến triển nặng của các vết loét của bệnh trong khoang miệng. Vì đau nhiều nên trẻ sẽ gặp khó khăn khi uống nước, dần dần khiến da của trẻ trở nên nhăn nheo, khô tróc, mắt trũng, cáu gắt nhiều, không đi tiểu được, bơ phờ, mệt mỏi,...
● Nhiễm trùng thứ phát: nhiễm trùng từ các vết loét với các biểu hiện như chảy dịch hoặc chảy mủ từ vết thương, sưng tấy, đau đỏ, nóng ở chỗ da bị nhiễm trùng.
● Viêm màng não: hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra. Triệu chứng của viêm màng não do bệnh tay chân miệng thường sẽ là buồn ngủ, nhạy cảm với ánh sáng, cứng cổ, đau đầu, sốt cao (trên 38 độ C).
● Viêm não: biến chứng này tiến triển rất nhanh, chỉ trong một vài giờ hoặc vài ngày khiến trẻ mệt mỏi, sợ ánh sáng, co giật, thậm chí là ngất xỉu,...
Rất tiếc là hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng nên cách tốt nhất để điều trị đó là đưa trẻ đi khám ngay khi trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh.
3. Bệnh tay chân miệng chẩn đoán bằng cách nào?
Dựa trên cấp độ của bệnh tay chân miệng, bác sĩ sẽ quyết định áp dụng các biện pháp chẩn đoán và điều trị phù hợp. Sau khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thêm một số loại xét nghiệm khi chẩn đoán bệnh tay chân miệng ở trẻ:
● Xét nghiệm công thức máu: nhằm kiểm tra số lượng bạch cầu trong cơ thể, nếu bạch cầu tăng vượt mức 16.000/mm3 hoặc chỉ số đường huyết của trẻ trên 8,9 mmol/L (160 mg%) thì nguy cơ xuất hiện biến chứng sẽ rất cao.
● Xét nghiệm chẩn đoán phân biệt: lấy mẫu bệnh phẩm từ các vết phỏng nước, hầu họng, dịch não tủy, trực tràng để làm xét nghiệm PCR-RT nhằm tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, phân biệt với các dạng bệnh lý khác ngoài tay chân miệng.
● Xét nghiệm kiểm tra các biến chứng: siêu âm tim (nếu tim đập nhanh ≥ 150 lần/phút), chọc dò tủy sống (nếu trẻ gặp biến chứng thần kinh),...
● Chụp CT não: chỉ áp dụng trong trường hợp cần phân biệt bệnh tay chân miệng với các bệnh lý ngoại thần kinh.
● Các phương pháp khác: Điện giải đồ, xét nghiệm đường huyết, chụp X-quang phổi, xét nghiệm CRP (xét nghiệm protein C phản ứng).
Xét nghiệm máu là một trong các phương pháp được áp dụng trong chẩn đoán bệnh tay chân miệng
4. Các phương thức chữa trị bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng nếu được phát hiện sớm thì có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Cụ thể:
● Vệ sinh sạch sẽ răng miệng cho trẻ.
● Bù đủ nước điện giải cho trẻ.
● Dùng paracetamol 10mg/kg/lần để hạ sốt, 6h/lần.
● Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho bé, những trẻ vẫn còn bú mẹ thì tiếp tục cho bú sữa mẹ.
● Sử dụng thuốc tăng cường đề kháng theo chỉ định từ bác sĩ.
● Trẻ cần được nghỉ ngơi đầy đủ, tránh kích thích.
● Nếu trẻ xuất hiện tình trạng ngứa ngáy thì có thể cho trẻ dùng thuốc kháng histamin.
● Nên cho trẻ ăn những món loãng, dễ nhai, dễ nuốt, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng tay chân miệng ở độ 2a trở lên thì cần đưa trẻ đi khám ngay, nhất là những biểu hiện như khó thở, thở nhanh, hôn mê, co giật, sốt cao (≥ 39 độ C), lừ đừ, quấy khóc, giật mình khi ngủ, khó ngủ, bứt rứt, nôn ọe, hôn mê, vã mồ hôi, nổi vân tím trên da, chân tay lạnh,...
Hãy đưa trẻ đi khám nếu trẻ có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng
Hy vọng rằng những thông tin về các cấp độ của bệnh tay chân miệng nêu trên sẽ giúp các bậc cha mẹ có thêm kiến thức hữu ích về căn bệnh này, để từ đó kịp thời phát hiện và điều trị đúng cách cho trẻ.
Nếu trẻ đang có các triệu chứng nghi ngờ bệnh tay chân miệng thì cha mẹ có thể đưa trẻ đi khám tại hệ thống Y tế MEDLATEC, hoặc liên hệ đặt lịch trước qua hotline 1900565656 của viện để được tư vấn các dịch vụ y tế tại viện.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!