Các tin tức tại MEDlatec

Các chế phẩm từ máu gồm những gì và có những tác dụng gì?

Ngày 15/09/2021
Hiện nay, ngân hàng máu thu được hoàn toàn là từ những tình nguyện viên hiến máu. Lượng máu thu được có thể bảo quản hoặc điều chế thành những chế phẩm khác nhau và sẽ được chỉ định sử dụng phù hợp với những trường hợp cần thiết khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về các chế phẩm từ máu cũng như tác dụng của nó.

1. Máu toàn phần

Trước khi hiến máu, người hiến máu cần được tuyển chọn theo quy định, người tham gia hiến máu cần được khám sức khỏe, sàng lọc những bệnh lý nguy hiểm, bệnh nhiễm trùng qua đường truyền máu, phân loại nhóm máu.

Những trường hợp được chỉ định truyền máu toàn phần cần phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt để bảo đảm chất lượng máu và an toàn cho người bệnh.

Máu toàn phần là loại máu thu được từ người hiến máu, sau đó máu sẽ được đóng gói, ghi mã số và lưu trữ mà không cần qua thêm bất cứ một bước xử lý nào khác. Tùy vào điều kiện lưu trữ mà thời gian sử dụng máu toàn phần cũng có sự khác biệt.

Nếu bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 6 độ C thì lượng máu toàn phần này có thể sử dụng trong vòng 35 ngày. Nhưng nếu máu toàn phần được bảo quản ở nhiệt độ cao hơn, trong khoảng từ 20 đến 24 độ C thì hạn sử dụng sẽ ngắn hơn rất nhiều, thông thường chỉ sử dụng trong vòng 24 giờ đồng hồ.

Máu toàn phần không qua điều chế, còn có thể chứa nhiều thành phần không cần thiết, vì thế, nó rất hạn chế được sử dụng. Phần lớn máu toàn phần được sử dụng trong những trường hợp bệnh nhân bị mất máu cấp tính với một lượng quá lớn và bệnh nhân cần được tiếp nhận đầy đủ các thành phần trong máu một cách nhanh nhất. Máu toàn phần thường không được sử dụng trong các trường hợp thiếu máu mạn tính, bệnh nhân suy tim.

Những trường hợp được chỉ định truyền máu toàn phần cần phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt để bảo đảm chất lượng máu và an toàn cho người bệnh. Khi đã được lấy ra khỏi tủ lưu trữ, máu cần được tiến hành nhanh trong vòng từ 30 phút đến 4 giờ. Nếu thời gian lâu hơn, túi máu có nguy cơ bị nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng máu và cần phải hủy bỏ.

2. Các chế phẩm từ máu gồm những gì và có những tác dụng gì?

2.1. Chế phẩm từ máu dòng hồng cầu

Hồng cầu lắng

Máu sau được thu thập được từ những tình nguyện viên tham gia hiến máu sẽ được thực hiện quay ly tâm hoặc để lắng xuống, chia thành 2 phần là chế phẩm huyết tương đông lạnh và phần lắng xuống đáy được gọi là hồng cầu lắng - phần hỗn dịch ở giữa bao gồm cả hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Khi được bảo quản trong nhiệt độ từ 2 đến 6 độ C, phần hồng cầu lắng này có thể sử dụng trong khoảng 35 ngày.

Chế phẩm hồng cầu lắng cần được bảo quản trong nhiệt độ từ 2 đến 6 độ C

Chế phẩm hồng cầu lắng sẽ được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị thiếu máu nặng, bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cấp cần hóa trị liệu, bị suy tủy do hóa trị,… Bệnh nhân mắc Thalassemia cần duy trì Hb trên 9,5 g/dL ở những năm đầu đời,…

Khối hồng cầu có dung dịch bảo quản

Là chế phẩm được bổ sung lượng hồng cầu theo quy định nhằm cải thiện chất lượng hồng cầu. Vì có chứa dung dịch bảo quản nên hạn sử dụng của chế phẩm này có thể lên đến 42 ngày nếu được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ chuẩn từ 2 độ C đến 6 độ C.

Khối hồng cầu rửa

Máu sau khi được thu thập sẽ được rửa nhiều lần với dung dịch muối đẳng trương để loại bỏ huyết tương. Nếu bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 6 độ C thì có thể sử dụng chế phẩm này trong vòng 24 giờ.

Khối hồng cầu rửa thường được chỉ định truyền cho bệnh nhân bị thiếu IgA, người bị tiểu huyết sắc tố kịch phát về đêm, những trường hợp có phản ứng với thành phần trong huyết tương.

Khối hồng cầu lọc bạch cầu

Đây là chế phẩm khối hồng cầu đậm đặc nhưng được lọc bạch cầu trong vòng 72 giờ, kể từ khi thu thập máu từ người hiến máu. Chế phẩm này thường được dùng cho những bệnh nhân ghép tủy, những bệnh nhân sốt do truyền máu từ 2 lần trở lên.

Khối hồng cầu đông lạnh

Được lưu trữ ở nhiệt độ từ âm 60 độ C nên thời gian sử dụng sẽ rất dài, có thể lên đến 10 năm. Nhưng trước khi sử dụng, chế phẩm này cần được thực hiện làm tan đông.

2.2. Những chế phẩm từ máu dòng tiểu cầu

Khối tiểu cầu chứa phần lớn tiểu cầu được điều chế từ đơn vị máu toàn phần. Chế phẩm này được dùng trong trường hợp điều trị chảy máu do giảm tiểu cầu, bệnh nhân bị bạch cầu cấp, bệnh nhân cần tăng tiểu cầu trên 50.000uL, phòng ngừa đối với những trường hợp sốt, nhiễm trùng huyết, bệnh nhân bắt đầu hóa trị có thể bị giảm tiểu cầu nhanh chóng,…

Chế phẩm từ máu dòng huyết tương

2.3. Chế phẩm từ máu dòng huyết tương

Bao gồm Huyết tương tươi đông lạnh và kết tủa. Trong đó:

Huyết tương tươi đông lạnh được chỉ định truyền đối với những trường hợp thiếu máu bẩm sinh, bệnh gan, sử dụng thuốc chống vitamin K quá liều, ngăn ngừa tình trạng đông máu với những người phải truyền lượng máu lớn.

Huyết tương kết tủa lạnh: Là chế phẩm có chứa các yếu tố đông máu và được dùng cho những trường hợp bị bệnh hemophilia A, thiếu fibrinogen, bệnh nhân mắc Von Willebrand.

Việc truyền máu để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất cần làm theo chỉ định của bác sĩ

2.4. Chế phẩm từ máu khối bạch cầu hạt trung tính

Loại chế phẩm này được gạn tách từ đơn vị máu toàn phần, là một chế phẩm đậm đặc tiểu cầu. Nếu được bảo quản ở nhiệt độ từ 20 độ C đến 24 độ C, thì có thể sử dụng trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm lấy máu.

Trên đây là những thông tin về các chế phẩm từ máu cũng như mục đích sử dụng của các chế phẩm này. Nếu muốn tìm hiểu thêm thông tin hoặc có nhu cầu thăm khám, bạn có thể gọi đến số 1900 56 56 56 để được các bác sĩ MEDLATEC tư vấn chi tiết và đặt lịch khám sớm cho bạn.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.