Các tin tức tại MEDlatec

Các dạng bệnh viêm khớp tự miễn và phương pháp chẩn đoán

Ngày 11/05/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BSNT Lê Thị Dương
Viêm khớp tự miễn là nhóm bệnh lý nguy hiểm xảy ra khi hệ miễn dịch bị rối loạn, tự tấn công các khớp và mô khỏe mạnh. Không chỉ gây đau nhức, sưng, viêm và biến dạng khớp, sự tiến triển của bệnh còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều cơ quan khác như tim, phổi, mắt, thận,... Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ về các dạng viêm khớp tự miễn, mức độ nguy hiểm và phương pháp chẩn đoán chính xác bệnh lý này.

1. Các dạng bệnh viêm khớp tự miễn

1.1. Viêm khớp dạng thấp 

viêm khớp dạng thấp là loại viêm khớp tự miễn phổ biến nhất, ảnh hưởng chính đến lớp màng hoạt dịch của khớp. Bệnh gây nên các triệu chứng điển hình như đau, cứng khớp buổi sáng kéo dài trên 60 phút, sưng đỏ và biến dạng khớp nếu bệnh tiến triển. Khi không được điều trị kịp thời, viêm khớp dạng thấp sẽ phá hủy sụn khớp, xương dưới sụn, làm mất chức năng vận động vĩnh viễn.

Hình ảnh viêm khớp dạng thấp - một trong các dạng viêm khớp tự miễn

1.2. Viêm khớp vảy nến 

Viêm khớp vảy nến thường khởi phát ở những người có bệnh vảy nến da. Bệnh có biểu hiện từ nhẹ đến nặng, với đặc trưng là tình trạng sưng đỏ, đau khớp, móng tay móng chân bị biến dạng và đôi khi xuất hiện triệu chứng viêm gân cơ. Nếu không kiểm soát, bệnh lý này sẽ tiến triển nhanh, gây tàn phế, suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

1.3. Lupus ban đỏ hệ thống

Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn đa cơ quan, trong đó có khớp. Đây là dạng viêm khớp tự miễn thường không để lại biến dạng khớp nhưng gây nên các triệu chứng toàn thân như phát ban cánh bướm trên mặt, viêm thận, viêm màng ngoài tim,...

1.4. Viêm cột sống dính khớp

Đây là dạng viêm khớp tự miễn chủ yếu ảnh hưởng đến cột sống và khớp cùng chậu. Bệnh gây dính khớp, khiến cột sống bị gù vẹo, suy giảm khả năng vận động của người bệnh.

Triệu chứng điển hình của viêm cột sống dính khớp là tình trạng đau lưng đau lưng, đau mông mạn tính kéo dài, cứng cột sống khi thức dậy và có thể gây viêm khớp ngoại vi, viêm điểm bám gân và viêm màng bồ đào mắt dẫn đến giảm, mất thị lực.

1.5. Viêm khớp phản ứng

Viêm khớp phản ứng xảy ra sau khi cơ thể bị nhiễm trùng, thường là ở đường tiêu hóa, tiết niệu hoặc đường sinh dục. Trong quá trình phản ứng lại với tác nhân gây bệnh, hệ thống miễn dịch bị rối loạn nhận diện nên tấn công nhầm các mô khớp gây nên viêm.

Không phải ai bị nhiễm khuẩn cũng bị viêm khớp phản ứng, nhưng nguy cơ cao hơn ở những người có mang gen HLA-B27 - yếu tố di truyền liên quan đến nhiều bệnh khớp tự miễn.

Viêm khớp phản ứng dễ gây ảnh hưởng đến các khớp lớn như: khớp hông, khớp gối, khớp cổ chân. Người bệnh có thể bị viêm ngón tay, ngón chân, sốt nhẹ kèm theo viêm niệu đạo, viêm màng bồ đào,... 

Các triệu chứng thường khởi phát nhanh, đột ngột và gây ảnh hưởng nặng nề đến khả năng vận động. Tuy nhiên, bệnh có tiên lượng tốt, nhiều trường hợp có thể khỏi hoàn toàn sau vài tháng. 

Bệnh nhân sau nhiễm trùng tiết niệu có dấu hiệu viêm khớp phản ứng

2. Mức độ nguy hiểm của bệnh viêm khớp tự miễn

Khi không được điều trị tích cực, bệnh nhân mắc viêm khớp tự miễn có thể gặp phải các biến chứng như:

2.1. Biến dạng khớp, mất chức năng vận động

Khi hệ miễn dịch tấn công màng hoạt dịch, quá trình viêm sẽ kéo dài làm phá hủy sụn và xương dưới sụn. Đây chính là lý do khiến nhiều bệnh nhân bị biến dạng khớp, giảm khả năng vận động, thậm chí bị dính khớp. Biến chứng này khiến bệnh nhân bị đau đớn, giảm khả năng lao động và sinh hoạt hàng ngày.

2.2. Tổn thương cơ quan khác, gây ảnh hưởng toàn thân

Viêm khớp tự miễn không chỉ gây nên tổn thương ở khớp. Khi mắc phải các dạng bệnh như lupus, Viêm khớp dạng thấp, người bệnh có thể bị xơ hóa phổi, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, viêm cầu thận, viêm màng bồ đào,...

2.3. Tăng nguy cơ bội nhiễm

Quá trình điều trị viêm khớp tự miễn thường sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch như methotrexate, corticosteroid,... hay thuốc sinh học. Những thuốc này mặc dù làm giảm viêm nhưng cũng gây nên nhiều tác dụng phụ, làm suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

3. Chẩn đoán viêm khớp tự miễn bằng cách nào?

3.1. Khám lâm sàng

Khi bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ viêm khớp tự miễn, khi thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra để đánh giá các triệu chứng lâm sàng như đau khớp, sưng nóng, cứng khớp vào buổi sáng, số lượng khớp bị ảnh hưởng, tình trạng phát ban, tổn thương móng, các tổn thương ngoài khớp tại các cơ quan như phổi, tim, mắt,... Quá trình này giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán ban đầu về viêm khớp tự miễn và mức độ hoạt động của bệnh.

3.2. Kiểm tra cận lâm sàng

Các phương pháp kiểm tra cận lâm sàng sau sẽ được bác sĩ chỉ định để có cơ sở kết luận về bệnh viêm khớp tự miễn:

- Xét nghiệm máu

Thông qua xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ xác định yếu tố viêm, yếu tố dạng thấp, các tự kháng thể,...

- Chụp X-quang khớp

Hình ảnh chụp giúp bác sĩ phát hiện hẹp khe khớp, khiếm khuyết xương sụn, biến dạng khớp.

- Siêu âm khớp

Đây là phương pháp kiểm tra an toàn giúp phát hiện các tổn thương sớm ở khớp như dịch khớp, dày màng hoạt dịch.

- Chụp MRI khớp

Với khả năng cung cấp hình ảnh chi tiết, chụp MRI sẽ giúp bác sĩ nhận diện đúng tổn thương xương và mô mềm từ giai đoạn sớm của bệnh.

Bệnh nhân trong quá trình chụp MRI để chẩn đoán và đánh giá tổn thương do viêm khớp tự miễn

Từ kết quả của quá trình trên, bác sĩ sẽ xác định được dạng viêm khớp tự miễn mắc phải, phân loại bệnh và lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

Viêm khớp tự miễn là nhóm bệnh lý phức tạp, có thể gây tổn thương khớp và ảnh hưởng toàn thân nếu không được phát hiện để điều trị sớm. Nếu có dấu hiệu đau khớp kéo dài, cứng khớp buổi sáng trên 60 phút hoặc sưng khớp đối xứng, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán đúng.

Để tiết kiệm thời gian cho quá trình thăm khám, chẩn đoán bệnh viêm khớp tự miễn, quý khách hàng có thể liên hệ đặt trước lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.