Các tin tức tại MEDlatec

Cách đọc chỉ số Cholesterol: hướng dẫn chi tiết và dễ hiểu

Ngày 01/05/2024

cách đọc chỉ số cholesterol

Cách đọc chỉ số Cholesterol: hướng dẫn chi tiết và dễ hiểu

Cholesterol là một chất béo cần thiết đối với các hoạt động chức năng của cơ thể. Tuy nhiên, mức độ cholesterol quá cao có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm, nhất là bệnh tim mạch. Việc hiểu rõ cách đọc chỉ số cholesterol sẽ giúp bạn theo dõi và quản lý tốt hơn hiện trạng sức khỏe của mình.

1. Cholesterol là gì?

Cholesterol là chất béo có trong máu. Cơ thể cần cholesterol để xây dựng tế bào khỏe mạnh, sản xuất hormone và nhiều chất cần thiết khác. Tuy nhiên, quá nhiều cholesterol có thể dẫn đến xơ vữa động mạch, gây hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu, từ đó làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Cholesterol được sản xuất bởi gan và cũng có trong một số thực phẩm như thịt, phô mai, sản phẩm từ sữa. Việc ăn quá nhiều thực phẩm chứa chất béo bão hòa và cholesterol có thể làm tăng mức cholesterol trong máu.

2. Các loại cholesterol chính

Có 3 loại cholesterol chính mà bạn cần quan tâm khi đọc kết quả xét nghiệm chỉ số cholesterol là:

- Cholesterol toàn phần

Cholesterol toàn phần là tổng lượng cholesterol trong máu, bao gồm cả LDL, HDL và một phần triglycerides. Đây là chỉ số cơ bản giúp đánh giá mức độ cholesterol trong cơ thể.

- LDL Cholesterol

LDL được gọi là cholesterol xấu vì nó có thể tích tụ trên thành động mạch, hình thành mảng bám và gây ra các vấn đề tim mạch. Mức LDL cao là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ bệnh tim.

- HDL Cholesterol

HDL được gọi là cholesterol tốt vì nó giúp vận chuyển cholesterol từ các phần khác của cơ thể về gan để loại bỏ khỏi cơ thể. Mức HDL cao có thể giảm nguy cơ bệnh tim.

- Triglycerides

Triglycerides là một loại chất béo khác trong máu. Mức triglycerides cao cùng với tăng LDL cao hoặc HDL thấp, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

3. Cách đọc chỉ số cholesterol trong xét nghiệm máu

3.1. Cholesterol toàn phần

Cholesterol toàn phần là tổng lượng cholesterol trong máu, bao gồm cả LDL, HDL và một phần nhỏ triglycerides. Đây là chỉ số cơ bản mà hầu hết các xét nghiệm máu đều đo lường. Cách đọc chỉ số cholesterol toàn phần như sau:

- Dưới 200 mg/dL (< 5.1 mmol/L): đây là mức bình thường và cho thấy nguy cơ thấp về bệnh tim mạch.

- 200 - 239 mg/dL (5.1 - 6.2 mmol/L): mức trung bình, cho thấy nguy cơ bệnh tim mạch tăng nhẹ, cần theo dõi kỹ hơn và có thể cần thay đổi lối sống.

- Trên 240 mg/dL (6.2 mmol/L): mức cao, cho thấy nguy cơ lớn đối với bệnh tim mạch, cần có biện pháp can thiệp ngay lập tức.

Hướng dẫn tham khảo cách đọc chỉ số Cholesterol

3.2. LDL cholesterol

LDL cholesterol là cholesterol xấu vì nó có khả năng tích tụ trên thành động mạch, tạo thành các mảng bám gây hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu. Đây là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến bệnh tim mạch. Cách đọc chỉ số cholesterol LDL như sau:

- Dưới 100 mg/dL (2.6 mmol/L): mức lý tưởng, cho thấy nguy cơ thấp về bệnh tim mạch.

- 100 - 129 mg/dL (2.6 - 3.3 mmol/L): mức có thể chấp nhận được đối với người không có yếu tố nguy cơ cao về bệnh tim mạch, nhưng vẫn cần theo dõi.

- 130 - 159 mg/dL (3.4 - 4.1 mmol/L): mức trung bình cao, phản ánh nguy cơ về bệnh tim mạch và cần có biện pháp thay đổi lối sống.

- 160 - 189 mg/dL (4.1 - 4.9 mmol/L): mức cao, là dấu hiệu của nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cần điều chỉnh chế độ ăn uống và có thể cần sử dụng thuốc.

- Trên 190 mg/dL (4.9 mmol/L): mức rất cao, cho thấy nguy cơ cao về bệnh tim mạch và cần can thiệp y tế ngay lập tức.

3.3. HDL Cholesterol

HDL là cholesterol tốt vì nó giúp vận chuyển cholesterol từ các mô và mạch máu về gan để được loại bỏ khỏi cơ thể. Mức HDL cao có thể giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Cách đọc chỉ số cholesterol HDL gồm:

- Dưới 40 mg/dL (nam) và 50 mg/dL (nữ): mức thấp, là dấu hiệu nguy về bệnh tim mạch.

- 40 - 59 mg/dL: mức chấp nhận được nhưng vẫn cần cải thiện để tăng HDL.

- Trên 60 mg/dL: mức tốt, nguy cơ thấp đối với bệnh tim mạch.

3.4. Triglycerides

Triglycerides cao thường liên quan đến chế độ ăn uống nhiều đường và chất béo không lành mạnh. Mức triglycerides cao cùng với LDL cao hoặc HDL thấp có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch.

- Dưới 150 mg/dL: mức bình thường, cho thấy nguy cơ thấp về bệnh tim mạch.

- 150 - 199 mg/dL: mức trung bình cao, cho thấy nguy cơ nhẹ đối với bệnh tim mạch và cần có biện pháp điều chỉnh lối sống.

- 200 - 499 mg/dL: mức cao, cảnh báo nguy cơ cao đối với bệnh tim mạch, cần có biện pháp can thiệp kịp thời.

- Trên 500 mg/dL: mức rất cao, cho thấy khả năng mắc bệnh tim mạch nguy hiểm và cần can thiệp y tế ngay lập tức.

Duy trì ăn uống lành mạnh giúp cân bằng chỉ số Cholesterol trong máu

4. Cách quản lý mức cholesterol

- Ăn uống lành mạnh

+ Giảm chất béo bão hòa làm tăng LDL cholesterol. Hạn chế ăn thịt đỏ, phô mai và các sản phẩm từ sữa béo.

+ Tăng cường chất béo không bão hòa trong dầu ô liu, dầu cá và các loại hạt vì đây là những nguồn chất béo không bão hòa tốt.

+ Ăn nhiều chất xơ hòa tan trong yến mạch, đậu và một số loại trái cây giúp giảm LDL cholesterol.

- Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày có thể giúp tăng HDL và giảm LDL, triglycerides.

- Tránh hút thuốc lá

Hút thuốc lá làm giảm mức HDL và tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Bỏ thuốc lá sẽ cải thiện mức cholesterol và sức khỏe tim mạch.

- Sử dụng thuốc khi cần thiết

Nếu thay đổi lối sống vẫn chưa kiểm soát được mức cholesterol, bác sĩ có thể kê đơn thuốc hạ cholesterol như: statin, niacin, fibrates,...

- Kiểm tra cholesterol định kỳ

Để quản lý mức cholesterol hiệu quả, bạn nên kiểm tra cholesterol định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Người trưởng thành có điều kiện sức khỏe bình thường nên kiểm tra cholesterol 6 tháng/1 lần và thường xuyên hơn nếu có nguy cơ cao về bệnh tim mạch.

Hiểu rõ cách đọc chỉ số cholesterol là bước quan trọng để quản lý sức khỏe tim mạch. Bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, kiểm tra cholesterol định kỳ và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, bạn có thể giữ mức cholesterol ở ngưỡng an toàn và giảm nguy cơ bệnh tim mạch.

Quý khách hàng băn khoăn về chỉ số cholesterol có thể đến trực tiếp Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC thăm khám cùng bác sĩ Chuyên khoa Tim mạch hoặc đặt lịch lấy mẫu xét nhiệm tận nơi cùng - Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56.

BS Tuấn đã duyệt

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.