Các tin tức tại MEDlatec
Thường xuyên bị viêm mũi dị ứng thời tiết khi trời nồm ẩm: nguyên nhân và cách khắc phục
- 17/05/2023 | Thuốc trị viêm mũi dị ứng và lưu ý khi sử dụng
- 31/05/2023 | Điều trị và phòng ngừa viêm mũi dị ứng ở trẻ em
- 01/11/2023 | Hướng dẫn cách trị viêm mũi dị ứng tại nhà nên tham khảo ngay!
- 01/07/2023 | Chữa viêm mũi dị ứng bằng nước muối bằng cách nào, hiệu quả ra sao?
- 04/09/2024 | Điều trị viêm mũi dị ứng hiệu quả bằng phương pháp nào? Thực hiện ở đâu?
1. Bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết là gì?
Viêm mũi dị ứng thời tiết là một dạng viêm mũi dị ứng khởi phát triệu chứng theo mùa xuất hiện của các dị nguyên như: mùa hoa nở, mùa nồm ẩm, mùa khô hanh, mùa sâu bướm,... Bệnh lý này thường kéo dài từ năm nọ sang năm kia, dễ tiến triển mạn tính. Nguy cơ mắc bệnh thường ở những người có tiền sử viêm mũi dị ứng, tiền sử gia đình hen suyễn, bị eczema hoặc hen suyễn.
Nồm ẩm làm tăng hơi nước trong không khí, phát triển tác nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết
Triệu chứng viêm mũi dị ứng thời tiết có sự khác nhau ở từng bệnh nhân, có thể ảnh hưởng đến tai, cổ họng và mắt, khiến giấc ngủ bị gián đoạn. Tính chất nghiêm trọng của triệu chứng bệnh có thể thay đổi theo độ tuổi, thời tiết, hệ miễn dịch, môi trường sống,...
Triệu chứng điển hình nhất ở bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết gồm:
- Tại mũi: ngạt mũi, chảy nước mũi, ngứa mũi, hắt hơi, đau nhức, có dịch chảy ở mũi sau, khứu giác giảm.
- Tại tai: ù tai, ngứa tai.
- Tại họng: khàn giọng, đau họng, ngứa họng.
- Tại mắt: có cảm giác cộm, ngứa, đỏ, sưng, thâm quầng.
- Khi ngủ: dễ bị tỉnh giấc, thở bằng miệng.
- Khi thức: mệt mỏi, ngạt mũi gây khó chịu nên khó tập trung vào công việc hoặc học tập.
2. Nguyên nhân viêm mũi dị ứng khi thời tiết nồm ẩm và cách khắc phục
2.1. Nguyên nhân bị viêm mũi dị ứng khi thời tiết nồm ẩm
Viêm mũi dị ứng thời tiết xảy ra khi niêm mạc mũi hít phải dị nguyên. Nồm ẩm là điều kiện gia tăng các yếu tố: phấn hoa, vi nấm, vi khuẩn, virus. Lúc này, hệ miễn dịch sẽ nhận diện chúng là vật thể lạ nên kích hoạt phản ứng viêm và tiết ra các chất trung gian hóa học tự nhiên để bảo vệ cơ thể. Đây chính là lý do hình thành viêm mũi dị ứng với các triệu chứng đã được nói đến ở trên.
Khi thời tiết nồm ẩm, độ ẩm không khí tăng lên làm hơi nước tích tụ, các loại nấm mốc, dị nguyên, virus, vi khuẩn,... có điều kiện phát triển. Người bị viêm mũi dị ứng thời tiết vốn đã nhạy cảm nên niêm mạc mũi rất dễ phản ứng lại với các tác nhân này.
Một điều đáng nói nữa là ánh nắng mặt trời trong những ngày nồm ẩm không nhiều. Điều này cộng với sự lưu thông không khí kém sẽ khiến cho các tác nhân gây bệnh dễ tồn tại lâu dài trong không khí và tấn công đường thở. Tính chất nấm mốc cùng mùi hôi sinh ra từ ngày nồm ẩm cũng dễ kích thích niêm mạc mũi, nhất là những người có cơ địa dị ứng nên dẫn đến viêm mũi dị ứng thời tiết.
Không khí ẩm ướt dễ phát sinh nấm mốc, mùi hôi khiến bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết thêm trầm trọng
2.2. Khắc phục và phòng ngừa viêm mũi dị ứng thời tiết khi trời nồm ẩm
2.2.1. Thăm khám bác sĩ chuyên khoa
Người có triệu chứng nghi ngờ viêm mũi dị ứng thời tiết nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán đúng và hướng dẫn điều trị hiệu quả. Để chẩn đoán bệnh lý này, bên cạnh các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể sẽ chỉ định một số xét nghiệm như:
- Test lẩy da: xem cơ thể có bị dị ứng với các dị nguyên như: lông động vật, phấn hoa,...
- Xét nghiệm máu: đánh giá IgE huyết thanh đặc hiệu dị ứng.
Sau khi đã đưa ra chẩn đoán xác định bệnh viêm mũi dị ứng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp như: thuốc đối kháng thụ thể leukotriene, corticoid dạng xịt mũi, thuốc kháng histamin H1.
2.2.2. Hỗ trợ kiểm soát triệu chứng tại nhà
Ngoài việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ thì bệnh nhân viêm mũi dị ứng thời tiết cũng cần thực hiện một số biện pháp sau để kiểm soát, cải thiện triệu chứng mắc phải:
Xịt rửa mũi giúp loại bỏ tác nhân gây viêm mũi dị ứng
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng
Người bị viêm mũi dị ứng thời tiết cần tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như: phấn hoa, bụi đường, lông thú nuôi,...
- Xịt, rửa mũi bằng nước muối sinh lý
Việc làm này khiến cho các chất gây dị ứng bị loại bỏ ra khỏi mũi, rất hiệu quả cho các trường hợp bị ngạt mũi, hắt hơi, sổ mũi do viêm mũi dị ứng thời tiết. Không những thế, dùng nước muối sinh lý rửa mũi còn giúp niêm mạc mũi được làm sạch, tránh tạo môi trường cho tác nhân gây bệnh phát triển.
- Xông hơi
Dùng nồi nước đun sôi đã được mở vung để xông hơi nước lên mặt hoặc xả nước nóng vòi hoa sen trong phòng tắm khi tắm cũng sẽ giúp làm thông đường thở, cải thiện triệu chứng bệnh.
- Hút ẩm
Dùng máy hút ẩm hoặc bật điều hòa ở chế độ khô là cách giúp không khí giảm độ ẩm trong những ngày nồm ẩm. Nên duy trì độ ẩm không khí trong nhà ở khoảng 40 - 60%.
- Một số biện pháp khác
+ Lau dọn nhà cửa sạch sẽ, khô thoáng tối đa, tránh đọng nước ở mọi bề mặt trong nhà và vật dụng.
+ Không dùng thảm trải sàn để tránh tình trạng ẩm phát sinh nấm mốc, vi khuẩn kích ứng đường thở.
+ Khi có ánh nắng mặt trời hãy mở toàn bộ cửa nhà để đón ánh nắng, giúp không khí trong nhà được lưu thông và khử bớt nấm mốc.
+ Sấy khô quần áo, khăn mặt, khăn tắm trước khi dùng.
+ Giữ cho cơ thể, nhất là vùng đầu mặt được ấm.
+ Tập luyện thể dục và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để cải thiện đề kháng.
Bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển trong những ngày nồm ẩm. Nếu chủ quan, không có biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh tích cực thì nguy cơ nhiễm bệnh tăng lên, dễ bị tái diễn nhiều lần và thậm chí có thể biến chứng không tốt cho sức khỏe.
Người bị viêm mũi dị ứng thời tiết nếu thực hiện tốt các chỉ định điều trị từ bác sĩ và các biện pháp hỗ trợ kiểm soát bệnh tại nhà thì bệnh có thể được khắc phục hiệu quả.
Nếu đang gặp các triệu chứng viêm mũi dị ứng thời tiết trong khi trời thường xuyên nồm ẩm mà chưa biết xử trí thế nào, quý khách hàng có thể đặt lịch khám cùng bác sĩ Chuyên khoa Hô hấp của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!