Các tin tức tại MEDlatec

Cách tiêm insulin giúp người bệnh kiểm soát đường máu hiệu quả

Ngày 11/02/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Nguyễn Thị Ly
Một trong những biện pháp kiểm soát đường huyết hiệu quả là tiêm insulin và bệnh nhân có thể thực hiện tiêm tại nhà. Tuy nhiên, cần tiêm đúng kỹ thuật mới có hiệu quả cao. Dưới đây là cách tiêm insulin đúng, hiệu quả và an toàn.

1. Những ai cần tiêm insulin?

Ngoài kiểm soát bệnh qua chế độ ăn uống và tập luyện hay dùng thuốc uống theo đơn của bác sĩ, người bệnh còn có thể được chỉ định tiêm insulin. Dưới đây là những trường hợp thường được bác sĩ yêu cầu tiêm insulin để kiểm soát đường huyết: 

- Người bị bệnh tiểu đường type 1 thường được chỉ định tiêm insulin suốt đời.

Người bệnh nên theo dõi chặt chẽ chỉ số đường máu

- Người bị bệnh tiểu đường type 2 được tiêm insulin khi có vết thương cấp, bị nhiễm trùng, tăng đường huyết với nhiễm toan ceton máu hoặc tăng áp lực thẩm thấu máu,...

- Thai phụ bị tiểu đường type 1 hay type 2 trước đó, cần tiêm insulin trong thai kỳ để kiểm soát đường huyết. 

Thông thường, sau khi tiêm khoảng 5 đến 30 phút, thuốc sẽ có tác dụng. Hiện nay có nhiều cách tiêm insulin, chẳng hạn như lọ tiêm (cần dùng xi lanh), bút tiêm, máy bơm insulin tự động. Tuy nhiên, ở nước ta dùng lọ tiêm và bút tiêm insulin là phương pháp phổ biến nhất. 

2. Nguyên tắc chung khi tiêm insulin và cách xác định vị trí tiêm

Trước khi tìm hiểu cách tiêm insulin, bạn cần hiểu cơ bản về nguyên tắc chung khi tiêm và đặc biệt là cách xác định vị trí tiêm: 

2.1. Nguyên tắc chung 

Khi tiêm insulin, bạn cần lưu ý những nguyên tắc chung như sau: 

- Trước hết cần phải làm sạch vị trí tiêm. 

- Thời gian tiêm của mỗi bệnh nhân là khác nhau, có thể trước ăn hoặc sau ăn. Người bệnh cần tiêm đúng thời gian mà bác sĩ đã hướng dẫn. 

Bệnh nhân nên thường xuyên thay đổi vị trí tiêm

- Nên thay đổi vị trí tiêm liên tục, đặc biệt là những trường hợp cần tiêm nhiều hơn một mũi tiêm trong ngày thì nên tiêm ở nhiều vị trí khác nhau và ở các vùng da khác nhau. 

2.2. Cách xác định vị trí tiêm 

Những vị trí tiêm insulin thường được áp dụng là bụng, má ngoài của đùi, mặt sau cánh tay, mông. Nguyên nhân là do những vùng này có lớp mô mỡ nằm ngay dưới da, tăng khả năng hấp thụ insulin. Hơn nữa, những vùng da này có ít dây thần kinh nên sẽ ít gây đau hơn so với những vị trí khác.

3. Hướng dẫn cách tiêm Insulin

Dưới đây là những hướng dẫn chi tiết về cách tiêm insulin dành cho bệnh nhân tiểu đường: 

3.1.Kiểm tra chất lượng thuốc

Điều quan trọng mà người bệnh cần đặc biệt lưu ý trước khi tiêm là kiểm tra chất lượng thuốc. Cụ thể như sau: 

- Kiểm tra hạn sử dụng thuốc, đảm bảo thuốc vẫn còn hạn sử dụng. 

- Kiểm tra màu sắc của insulin: Trong đó, insulin có tác dụng nhanh phải trong suốt, insulin tác dụng trung bình và trộn sẵn phải có màu đục.

- Thuốc phải là dung dịch đồng nhất. Nếu nhận thấy sự lợn cợn trong dung dịch thuốc thì rất có thể là thuốc đã hỏng và bạn không nên tiếp tục sử dụng. 

3.2. Cách tiêm insulin với bơm tiêm insulin

Nếu sử dụng bơm tiêm, bạn nên thực hiện tiêm insulin theo những bước sau: 

- Đầu tiên, cần lấy thuốc ra khỏi ngăn mát của tủ lạnh. Dùng 2 lòng bàn tay để lăn lọ thuốc, giúp lọ thuốc ấm lên và cũng là cách để đồng nhất dung dịch thuốc.

- Rút không khí vào bơm tiêm bằng với lượng thuốc được chỉ định. Sau đó, mở nắp và cắm kim qua lớp cao su, bơm không khí vào lọ. Dốc ngược lọ thuốc, kéo bơm tiêm để lấy lượng insulin phù hợp, sau đó rút kim tiêm ra khỏi lọ.

Người bệnh cần dùng bơm tiêm insulin đúng cách để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất

- Bạn chọn vị trí tiêm phù hợp. Sát trùng vùng da tiêm và dùng ngón tay cái và ngón trỏ véo da để cố định vị trí tiêm. Ngoài ra, véo da còn giúp tiêm đúng vị trí lớp mỡ dưới da, tránh tiêm vào cơ.

- Đâm kim một góc 45 hoặc 90 độ so với bề mặt da rồi bơm thuốc từ từ trong khoảng 5-10 giây. Sau khi đã bơm hết thuốc thì nên giữ nguyên tư thế này trong khoảng 6 giây là có thể rút kim ra.

- Bơm kim tiêm đã dùng thì nên hủy bỏ, không tiếp tục tái sử dụng. 

3.3. Cách tiêm insulin sử dụng bút tiêm insulin

Với những trường hợp sử dụng bút tiêm insulin thì không cần phải thực hiện bước lấy thuốc vì trong bút tiêm đã được nạp sẵn thuốc. Cụ thể các bước thực hiện như sau: 

- Người bệnh chỉ cần lấy bút ra khỏi tủ lạnh. Tháo nắp và cũng làm ấm thuốc bằng cách lăn tròn bút trong lòng bàn tay 10 lần. Để đồng nhất dung dịch thuốc, bạn có thể di chuyển bút lên xuống 10 lần. 

- Tiếp đó, bạn gắn kim tiêm vào thân bút (lưu ý tránh gắn quá chặt), tháo nắp lớn bên ngoài và nắp nhỏ bên trong.

- Xoay nút chọn liều tiêm theo chỉ định, hướng đầu kim tiêm lên trên. Có thể gõ nhẹ vào đầu bút tiêm vài lần. Sau đó, kiểm tra xem thuốc có trào ra ở đầu kim hay không.

- Sát trùng vị trí tiêm, giữ thẳng kim thẳng góc 90 độ và tiêm vào da. Tiêm cho đến khi vạch chỉ liều tiêm về mức số 0, tiếp tục giữ trong khoảng 10 giây và sau đó rút kim.

- Sau khi sử dụng, người bệnh cần tháo kim và hủy kim đúng cách. 

4. Hướng dẫn bảo quản insulin

Ngoài cách tiêm insulin, bệnh nhân cũng cần lưu ý bảo quản insulin đúng cách để đảm bảo chất lượng thuốc tốt nhất. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết: 

- Với những trường hợp chưa mở nắp lọ: Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ từ 2 - 8 độ C và nơi bảo quản phù hợp nhất là trong ngăn mát tủ lạnh. Lưu ý không để trong ngăn đá.

- Với những trường hợp đã mở nắp lọ: Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng hoặc trong ngăn mát tủ lạnh trong khoảng 4 - 6 tuần. Lưu ý, không để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào thuốc. 

Người bệnh nên thường xuyên kiểm tra đường huyết

Trên đây là những hướng dẫn về cách tiêm insulin và một số lưu ý cho người bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, thông tin trên chỉ mang tính tham khảo. Bệnh nhân nên đi khám và thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ. 

Mọi thắc mắc và nhu cầu đặt lịch khám, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56, đội ngũ tư vấn viên của Hệ thống Y tế MEDLATEC luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn 24/7.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.