Các tin tức tại MEDlatec
Cẩm nang chăm sóc trẻ: Bé bao tuổi có thể hút mũi
- 15/09/2021 | Nguyên nhân và cách xử trí dị vật trong mũi an toàn cho trẻ
- 05/05/2020 | Hướng dẫn mẹ cách hút mũi tốt nhất cho bé yêu
1. Tầm quan trọng của việc hút mũi cho bé
Do còn nhỏ nên hệ miễn dịch của các bé chưa phát triển hoàn thiện. Điều này khiến cho khả năng đề kháng chống lại tác nhân gây hại kém hơn so với người lớn và trẻ dễ bị mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Hầu hết các bệnh này đều có sự xuất hiện của đờm ở nhiều vị trí khác nhau như: khoang miệng, xoang mũi, phế quản, cuống phổi,... làm cho đường thở của bé bị cản trở. Đặc biệt, trường hợp quá nhiều đờm còn làm cho sự lưu thông không khí vào trong phế nang giảm đi và trẻ bị rơi vào tình trạng suy hô hấp.
Dịch nhiều trong mũi khiến bé khó chịu, càng để lâu càng dễ bị viêm nhiễm nên bé cần được hút mũi
Trong những trường hợp này thì hút mũi cho bé là việc cần thiết bởi nó sẽ giúp cho dịch đờm bị tống ra khỏi hệ thống mũi miệng. Kết quả là đường thở của bé được thông thống, khả năng tự hô hấp của bé được phục hồi.
2. Bé bao tuổi có thể hút mũi được
2.1. Thời điểm có thể hút mũi cho bé
Các vấn đề về hô hấp rất dễ xảy ra với bé khiến cho đờm có đầy ở xoang mũi, khoang miệng từ đó gây ra sổ mũi, ngạt mũi, khó thở. Trong những tình huống này cha mẹ sẽ vô cùng băn khoăn bé bao tuổi có thể hút mũi để giúp con mình thoát khỏi sự khó chịu ấy. Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng trẻ nhỏ dưới 2 tuổi không thể biết được cách xì mũi, khạc đờm nên độ tuổi ấy cần được cha mẹ hút mũi để đảm bảo sự thở.
Cha mẹ nên tham vấn bác sĩ chuyên khoa để biết bé bao tuổi có thể hút mũi
Ngoài ra, những trường hợp sau cần được tiến hành hút mũi đều đặn:
- Bé cần nhiều oxy cho sự thở được đảm bảo.
- Có các vấn đề về hô hấp làm cản trở khả năng hô hấp và việc ăn uống của bé như: viêm mũi dị ứng, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, ngạt mũi, có đờm đặc ở mũi,...
- Bé bị sốt cao, khó thở.
2.2. Cách hút mũi đúng cho bé
Biết được bé bao tuổi có thể hút mũi cha mẹ sẽ tự tin hơn trong việc đưa ra quyết định thực hiện việc này cho con mình. Tuy nhiên, việc hút mũi cho bé cần phải diễn ra đúng cách thì mới đạt được như mong muốn và không đẩy trẻ vào tình huống chữa bệnh này lại mắc bệnh kia.
Các bước hút mũi đúng cho bé gồm:
- Bước thứ nhất: Làm ẩm mũi
Đầu tiên cha mẹ cần đặt bé xuống, để đầu bé hơi nghiêng một chút, sau đó dùng nước muối sinh lý NaCl 0.9% đã được làm ấm để nhỏ vào mũi của bé. Cha mẹ cần chờ khoảng 30 - 60s để cho mũi được làm ẩm và chất nhầy được làm loãng ra. Khoảng thời gian này không nên kéo dài hơn vì dịch nhầy dễ khô lại khiến cho việc hút khó khăn hơn và bé dễ bị đau trong khi hút.
- Bước thứ hai: Hút mũi
Cha mẹ hãy đặt bé nằm trên gối, đầu hơi nghiêng, phía dưới đầu bé có lót một chiếc khăn to rồi dùng dụng cụ đã được tiệt trùng để hút mũi cho bé. Thao tác này cần thực hiện nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương niêm mạc mũi của bé.
Nếu sau khoảng 5 - 10 phút mà nhận thấy bé vẫn còn nghẹt mũi thì cha mẹ nên hút thêm lần nữa nhưng hãy lưu ý, mỗi ngày không nên hút mũi cho bé quá 3 lần. Khi vượt quá số lần này rất dễ khiến cho khả năng cản trở bụi bẩn của mũi bé bị giảm đi, niêm mạc mũi bị kích ứng, thậm chí có khi còn làm cho tình trạng nghẹt mũi của bé trở nên nặng hơn trước rất nhiều.
- Bước thứ ba: Vệ sinh dụng cụ hút mũi
Mỗi lần hút mũi cho bé xong cha mẹ cần vệ sinh sạch sẽ dụng cụ và sát khuẩn rồi cất ở nơi khô ráo, sạch sẽ để những lần sau sử dụng không bị nhiễm khuẩn.
2.3. Những nguyên tắc hút mũi cho bé cha mẹ cần nhớ
Việc hút mũi cho bé là cần thiết trong những trường hợp như đã nói ở trên. Tuy nhiên, dù biết bé bao nhiêu tuổi có thể hút mũi thì cha mẹ cũng cần:
Cha mẹ chỉ nên dùng nước muối sinh lý NaCl 0.9% để rửa mũi cho bé
- Tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Không dùng miệng để hút mũi cho bé vì vi khuẩn ở trong khoang miệng của cha mẹ có thể trực tiếp lây truyền sang bé. Lúc này hệ miễn dịch và cơ thể trẻ còn rất yếu nên kháng thể tự nhiên không đủ sức để chống chọi lại với tác nhân gây bệnh.
- Tuyệt đối không lạm dụng việc hút mũi mà chỉ nên hút mỗi ngày 2 - 3 lần. Việc rửa mũi lại càng không nên thực hiện thường xuyên vì nó dễ khiến cho niêm mạc mũi bị mỏng đi từ đó ảnh hưởng đến khứu giác và chức năng thở của bé.
2.4. Một số lưu ý khác
Các bé còn nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh sẽ có niêm mạc mũi rất nhạy cảm và rất mỏng. Do đó khi hút mũi cho bé, cha mẹ cũng nên lưu ý:
- Vệ sinh sát khuẩn tay sạch sẽ trước khi hút mũi cho con mình.
- Sau khi hút mũi có thể vệ sinh tai và miệng cho bé để hạn chế một số biến chứng đường hô hấp như: viêm amidan, viêm họng, viêm tai giữa,... nhưng cần tham vấn bác sĩ để biết cách làm sao cho đúng.
- Nên hút mũi cho bé trước khi ăn để tránh xảy ra nôn trớ.
- Tuyệt đối không hút mũi khi bé đang ngủ vì nó rất dễ làm ngưng thở, suy hô hấp.
- Khi đã hút mũi đúng cách, đều đặn 3 ngày liên tiếp mà không thấy thuyên giảm, cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa hô hấp ngay để tìm nguyên nhân và có biện pháp điều trị hiệu quả.
Cha mẹ nếu hút mũi cho bé đúng cách sẽ làm giảm dịch tiết hô hấp nhờ đó mà bé cảm thấy dễ thở hơn; các triệu chứng thở khò khè, chảy nước mũi được giảm bớt. Tuy nhiên, điều này chỉ thực hiện được với dụng cụ chuyên dụng và làm đúng cách, đúng tần suất. Nếu ngược lại, nó sẽ dễ gây ra những hệ lụy không tốt cho sức khỏe của bé.
Mong rằng với những chia sẻ này cha mẹ sẽ không còn băn khoăn bé bao tuổi có thể hút mũi nữa và biết cách hút mũi cho bé sao cho đúng. Nếu cần giải đáp kĩ hơn cha mẹ có thể gọi tới tổng đài 1900 56 56 56, các chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC luôn sẵn lòng hướng dẫn cặn kẽ, tận tình.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!