Các tin tức tại MEDlatec

Cẩm nang về cúm dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng và cách xử lý

Ngày 21/07/2025
Tham vấn y khoa: BSCKI.BSNT Phạm Văn Quang
Cúm dạ dày, hay còn gọi là viêm dạ dày ruột do virus, là một bệnh lý phổ biến có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Dù tên gọi nghe giống cảm cúm, nhưng bệnh lại liên quan trực tiếp đến hệ tiêu hóa. Vậy nguyên nhân nào gây cúm dạ dày? Làm sao để nhận biết sớm và xử lý đúng cách? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn toàn diện và đầy đủ nhất.

1. Bệnh cúm dạ dày là gì? 

Cúm dạ dày, còn được biết đến là viêm dạ dày ruột do virus (viral gastroenteritis), là tình trạng nhiễm trùng đường tiêu hóa do các loại virus gây nên. Trong đó, norovirus thường gặp ở mọi độ tuổi, còn rotavirus chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em. Ngoài ra, adenovirus và astrovirus cũng có thể gây bệnh.

Dù có tên gọi là “cúm”, nhưng Bệnh cúm dạ dày không liên quan đến virus cúm gây nhiễm trùng đường hô hấp. Thực chất, tình trạng này tác động đến hệ tiêu hóa, cụ thể là dạ dày và ruột và thường gây ra các triệu chứng như: 

  • Buồn nôn, nôn;
  • Tiêu chảy;
  • Đau bụng, đầy hơi;
  • Sốt nhẹ, đau nhức cơ;
  • Mệt mỏi, chán ăn.

Khi mắc cúm dạ dày người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng đường tiêu hóa 

2. Đối tượng dễ mắc bệnh cúm dạ dày

Cúm dạ dày là một trong những bệnh lây nhiễm thường gặp và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, một số nhóm người dễ bị tổn thương hơn, đặc biệt là những ai có hệ miễn dịch suy yếu hoặc sống trong môi trường thiếu vệ sinh - nơi nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh cao hơn và khả năng biến chứng cũng nghiêm trọng hơn.

Dưới đây là những đối tượng dễ mắc cúm dạ dày:

Trẻ nhỏ (đặc biệt dưới 5 tuổi)

  • Khả năng miễn dịch chưa phát triển đầy đủ;
  • Tiếp xúc với vật dụng nhiễm bẩn và đưa tay vào miệng một cách vô thức;
  • Dễ bị mất nước nghiêm trọng nếu mắc bệnh.

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc phải cúm dạ dày 

Người cao tuổi

  • Hệ miễn dịch suy yếu theo tuổi tác;
  • Có thể kèm theo bệnh nền (tim mạch, tiểu đường...) làm bệnh nặng hơn.

Người có hệ miễn dịch suy giảm

  • Bệnh nhân ung thư, HIV/AIDS, người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch;
  • Nguy cơ diễn biến nặng và kéo dài hơn bình thường.

Người sống trong môi trường tập thể

  • Học sinh, sinh viên nội trú, quân nhân, người ở trại giam, viện dưỡng lão, bệnh viện…;
  • Virus dễ lây lan qua tiếp xúc gần, thực phẩm chung, nhà vệ sinh công cộng.

Người không đảm bảo vệ sinh ăn uống

  • Ăn thực phẩm sống, chưa nấu chín kỹ, nước uống không đảm bảo;
  • Không rửa tay trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh.

Người chăm sóc người bệnh

Người trực tiếp chăm sóc trẻ nhỏ, người già hoặc bệnh nhân nhiễm cúm dạ dày có nguy cơ lây nhiễm cao nếu không thực hiện đúng biện pháp phòng ngừa.

3. Chẩn đoán và điều trị cúm dạ dày

Chẩn đoán cúm dạ dày

Trong trường hợp điển hình hợp nhẹ và điển hình, chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng và tiền sử tiếp xúc:

  • Dựa vào triệu chứng: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, sốt nhẹ, mệt mỏi;
  • Tiền sử: Tiếp xúc với người bị cúm dạ dày hoặc ăn uống thực phẩm nghi ngờ nhiễm virus;
  • Loại trừ các nguyên nhân khác: Ngộ độc thực phẩm, viêm ruột, viêm dạ dày do vi khuẩn, viêm ruột do ký sinh trùng.

Trong một số trường hợp nghiêm trọng hoặc khó phân biệt, bác sĩ có thể làm xét nghiệm phân để tìm virus hoặc xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng mất nước và điện giải.

Điều trị cúm dạ dày

Hiện nay, cúm dạ dày chủ yếu được điều trị hỗ trợ và chăm sóc tại nhà, vì đây là bệnh do virus nên không có thuốc kháng sinh đặc hiệu:

Bù nước và điện giải

  • Uống nhiều nước, ưu tiên dung dịch oresol hoặc nước uống chứa điện giải để tránh mất nước do nôn và tiêu chảy;
  • Trẻ em, người lớn tuổi hoặc người mất nước nặng cần đến cơ sở y tế để đánh giá và bù dịch qua đường tĩnh mạch.

Chế độ ăn uống

  • Ăn nhẹ, dễ tiêu, chia nhỏ bữa ăn;
  • Tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, sữa đặc, đồ nhiều đường trong giai đoạn cấp.

Thuốc điều trị triệu chứng

  • Thuốc chống nôn, giảm đau (theo chỉ định của bác sĩ);
  • Thuốc giảm sốt khi cần thiết.

Tuy nhiên, người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc chống nôn hoặc giảm đau bụng. Việc dùng thuốc có thể che lấp triệu chứng bệnh lý khác.

Sử dụng thuốc điều trị triệu chứng cúm dạ dày theo chỉ định của bác sĩ 

4. Biện pháp phòng ngừa cúm dạ dày 

Cúm dạ dày là bệnh truyền nhiễm phổ biến có thể lây lan nhanh chóng nếu không được phòng ngừa đúng cách. Dưới đây là những biện pháp hiệu quả giúp bạn và gia đình tránh mắc bệnh:

Giữ gìn vệ sinh cá nhân

  • Thực hiện vệ sinh tay đúng cách với xà phòng và nước, đặc biệt vào các thời điểm như trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, hay khi tiếp xúc với nguồn lây bệnh;
  • Hạn chế sờ tay lên mặt khi chưa rửa sạch bằng xà phòng.

Vệ sinh thực phẩm và nước uống

  • Tránh ăn đồ sống, tái hoặc thực phẩm để lâu, không rõ nguồn gốc;
  • Rửa sạch rau củ, hoa quả trước khi ăn;
  • Sử dụng nước uống đã được xử lý đảm bảo vệ sinh.

Đảm bảo vệ sinh ăn uống để phòng ngừa bệnh lý cúm dạ dày 

Vệ sinh môi trường sống

  • Thường xuyên lau chùi, khử khuẩn bề mặt trong nhà, đặc biệt là nhà bếp, nhà vệ sinh;
  • Xử lý phân, chất thải đúng cách để tránh nguồn lây.

Hạn chế tiếp xúc với người bệnh

  • Tránh tiếp xúc gần hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân với người đang bị cúm dạ dày;
  • Người bệnh nên ở nhà, nghỉ ngơi và tránh nơi đông người cho đến khi khỏi hẳn.

Duy trì sức khỏe tốt

  • Ăn uống đủ chất để nâng cao sức đề kháng;
  • Ngủ đủ giấc, tập luyện thể dục đều đặn.

Như vậy, cúm dạ dày là bệnh lý tiêu hóa thường gặp, dễ lây lan nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách. Khi có các triệu chứng như nôn, tiêu chảy, đau bụng kéo dài, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và xử lý kịp thời. 

Hệ thống Y tế MEDLATEC với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa giàu kinh nghiệm và hệ thống xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế sẵn sàng đồng hành cùng bạn trong việc thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe toàn diện. Liên hệ MEDLATEC ngay hôm nay qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất!

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.