Các tin tức tại MEDlatec
Cần chuẩn bị gì khi có dấu hiệu sắp sinh mẹ đã biết chưa?
- 08/06/2020 | Hướng dẫn rặn đẻ đúng cách, đỡ đau cho mẹ bầu
- 02/06/2020 | Sản phụ mổ đẻ nên kiêng ăn gì?
- 04/08/2021 | Chảy máu sau đẻ có nguy hiểm không và cách xử lý
1. Các dấu hiệu sắp sinh cần ghi nhớ
Mặc dù không thể biết chính xác thời điểm thai phụ chuyển dạ sắp sinh song các dấu hiệu sắp sinh xuất hiện sớm dưới đây sẽ giúp mẹ bầu có sự chuẩn bị tốt hơn cả về sức khỏe lẫn tâm lý.
Nhận biết dấu hiệu sắp sinh giúp mẹ bầu có sự chuẩn bị tốt hơn
1.1. Sa bụng
Giai đoạn cuối thai kỳ, đầu thai nhi sẽ dần dịch chuyển xuống khu vực khung xương chậu và ổn định tại vị trí này khi mẹ sắp sinh. Tùy từng trường hợp mà sa bụng có thể xảy ra sớm trước một vài tuần hay chỉ vài giờ trước khi mẹ chuyển dạ sinh thực sự.
Với mẹ sinh lần đầu và ít chú ý đến vị trí bụng bầu, kiểm tra sa bụng có thể không dễ dàng. Bạn có thể nhận biết bằng sự thay đổi như đau nhiều ở xương mu, đi tiểu nhiểu hơn, hoặc đi lại thấy nặng nề, khó khăn hơn.
1.2. Cơn gò tử cung
Cơn co thắt tử cung có thể đã xuất hiện rải rác từ giữa đến cuối thai kỳ, tuy nhiên khi sắp sinh, tần suất của cơn gò tử cung sẽ liên tục và đều đặn hơn. Dấu hiệu sắp sinh là khi cơn gò tử cung xuất hiện liên tục mỗi 5 - 15 phút, mỗi lần kéo dài khoảng 30 giây đến 1 phút, sau đó tăng dần lên 2 - 3 phút/1 cơn.
Cơn gò tử cung đều đặn là dấu hiệu sắp sinh rõ ràng nhất
1.3. Tiết dịch nhầy tử cung nhiều hơn
Từ khoảng tuần thai thứ 37 trở đi, mẹ bầu sẽ thấy âm đạo tiết nhiều dịch nhờn hơn do nút nhầy cổ tử cung bong ra. Dấu hiệu này cho thấy cổ tử cung đã bắt đầu mở để sẵn sàng cho bé yêu chào đời sau từ 1 - 2 tuần.
1.4. Mệt mỏi, ngủ nhiều hơn
Nhiều mẹ bầu cho rằng đây là dấu hiệu nguy hiểm khi ngày sinh đang chuẩn bị đến, song các chuyên gia cho rằng đây là hiện tượng sinh lý bình thường. Khi chuẩn bị sinh, bụng bầu lớn và chèn ép bàng quang khiến mẹ phải đi tiểu nhiều hơn, cộng với tâm lý căng thẳng lo lắng nên khó ngủ yên giấc hơn. Vì thế mà cơn buồn ngủ thường xuất hiện cùng với sự mệt mỏi vào ban ngày.
Thay vì lo lắng, mẹ bầu nên thư giãn và ngủ đủ giờ, đủ giấc để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho quá trình sinh. Song ở một số mẹ bầu, càng gần ngày sinh thì tinh thần càng trở nên phấn chấn, hoạt bát hơn bình thường do bản năng làm mẹ khiến bạn hạnh phúc và mong chờ.
2. Vậy mẹ cần chuẩn bị gì khi có dấu hiệu sắp sinh?
Khi mẹ bầu thấy xuất hiện các dấu hiệu sắp sinh như trên, thời điểm chuyển dạ không còn xa nữa, hãy thu xếp công việc, hành trang và vật dụng để sẵn sàng đi sinh bất cứ lúc nào. Thông thường chỉ sau khoảng 1 tuần khi các dấu hiệu sắp sinh xuất hiện để mẹ có thể chuẩn bị mọi thứ cả về hành trang lẫn tâm lý để đón bé yêu chào đời.
Nên chuẩn bị đầy đủ hành trang chuẩn bị đi sinh bất cứ lúc nào khi dấu hiệu sắp sinh xuất hiện
Nếu có điều kiện, mẹ có thể đến cơ sở y tế để được chăm sóc đặc biệt trong thời gian chờ sinh này hoặc tham gia các khóa học tiền chuyển dạ. Ngoài ra, nên hạn chế vận động mạnh, làm việc nặng trong thời gian dài tránh vỡ ối gây nguy hiểm đến cả mẹ và bé. Các trường hợp đã quá ngày dự sinh, cần đi khám để kiểm tra thai nhi có khỏe mạnh hay không.
Những dấu hiệu sắp sinh thường khiến mẹ bầu lo lắng, mệt mỏi, đặc biệt khi các cơn co tử cung tăng dần cả về cường độ lẫn tần suất. Những việc sau sẽ giúp giảm bớt tâm trạng lo lắng, đau đớn và giúp quá trình sinh nở dễ dàng hơn.
2.1. Ăn nhẹ
Dấu hiệu sắp sinh và chuyển dạ có thể kéo dài nhiều ngày, vì thế mẹ bầu cần lưu ý vẫn phải ăn uống đầy đủ để giữ sức khỏe, chuẩn bị năng lượng cho quá trình vượt cạn thành công. Mẹ bầu nên lựa chọn các loại thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa, uống đủ nước và đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
2.2. Thư giãn, vận động nhẹ nhàng
Việc thư giãn, vận động nhẹ nhàng, tập thở khi xuất hiện những cơn co tử cung là rất quan trọng để giảm bớt đau đớn, giúp cơn co đều đặn để sinh bé dễ dàng hơn. Ngoài ra, giữ nhịp thở còn đặc biệt quan trọng trong quá trình sinh, giúp em bé được cung cấp đủ oxy và khỏe mạnh hơn.
Massage giúp mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn khi sắp sinh
2.3. Nghe nhạc, massage nhẹ nhàng
Thực tế đã chứng minh, mẹ bầu được người thân nhất là chồng ở bên cạnh massage vùng thắt lưng sẽ giúp mẹ bầu giảm đau đớn và cảm thấy được hỗ trợ tinh thần hơn rất nhiều.
2.4. Hỗ trợ giảm đau
Nếu cơn đau trước sinh trở nên nghiêm trọng quá mức chịu đựng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của bạn, hãy nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ. Bác sĩ có thể thực hiện các biện pháp giảm đau để đảm bảo sức khỏe cho mẹ trong quá trình chuẩn bị chuyển dạ sắp sinh này.
3. Những vấn đề cần lưu ý khi chuyển dạ sắp sinh
Bắt đầu từ tuần thai thứ 37 trở đi, nhất là từ khi xuất hiện các dấu hiệu sắp sinh kể trên, mẹ bầu và người nhà nên theo dõi tình hình sức khỏe, các dấu hiệu và đặc biệt lưu ý các biểu hiện nguy hiểm sau:
3.1. Ra máu âm đạo
Mẹ sẽ thấy dịch âm đạo có màu đỏ tươi, không phải màu hồng hay nâu thì cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để chuẩn bị sinh.
3.2. Vỡ ối
Dịch ối có màu nâu hoặc xanh có thể là dấu hiệu của phân su trong nước ối, lúc này cần can thiệp sinh càng sớm càng tốt để tránh gây nguy hiểm cho trẻ.
Cẩn thận dịch tiết âm đạo có màu khi gần đến ngày sinh
3.3. Mờ mắt, đau đầu, phù nề bất thường
Các dấu hiệu trên có thể là triệu chứng tiền sản giật gây nguy hiểm cho mẹ và bé, cần được chăm sóc y tế đặc biệt.
Nắm được cần chuẩn bị gì khi có dấu hiệu sắp sinh sẽ giúp thai phụ chủ động hơn trong việc chào đón em bé ra đời. Nếu còn thắc mắc nào cần giải đáp, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!