Các tin tức tại MEDlatec

Căng cơ tay là do nguyên nhân gì? Khắc phục ra sao?

Ngày 01/08/2023
Căng cơ tay là tình trạng phổ biến thường gặp trong lao động, sinh hoạt và khi tập thể dục thể thao. Nếu căng cơ tay không được điều trị và chăm sóc đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như đứt gân, rách cơ ảnh hưởng đến chức năng vận động của tay. Do vậy mỗi người nên tìm hiểu về tình trạng căng cơ tay và học cách sơ cứu đúng cách, rút ngắn quá trình hồi phục cơ.

1. Nguyên nhân gây căng cơ tay là gì?

Căng cơ tay xảy ra khi cơ bắp ở tay bị kéo giãn quá mức chịu đựng của cơ thể. Ở những trường hợp căng cơ tay nghiêm trọng có thể bị rách cơ. Biểu hiện chung thường gặp sẽ là cử động khó khăn, đau buốt cơ. Ngoài cơ tay thì cơ ở vùng cơ quan khác cũng có thể gặp phải hiện tượng căng cứng này, bao gồm các cơ chân, cổ, thắt lưng, vai,...

Thường thì bệnh nhân sẽ bị căng cơ tay sau khi mang vác vật nặng, tập thể dục thể thao sai tư thế,... Ở vùng cơ tay bị chấn thương sẽ có triệu chứng sưng, đau nhức, bầm tím.

Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng cơ tay đó là:

●       Thể dục thể thao: trước khi tập luyện thể dục thể thao thì mỗi người cần phải khởi động trước để làm nóng cơ thể, hỗ trợ máu chảy đến các cơ để cơ thể thích ứng tốt hơn với các bài tập vận động. Tuy nhiên nhiều người lại bỏ qua bước quan trọng này nên rất dễ gặp chấn thương khi chơi thể thao. Bên cạnh đó những người tập luyện với cường độ cao cũng sẽ gây nhiều áp lực khiến cơ tay bị quá tải;

●       Căng cơ tay vì gặp phải chấn thương do bị ngã, trượt chân, đi bộ, chạy nhảy, nâng vật nặng, ném một vật,...;

●       Căng thẳng: nếu tâm trạng của người bệnh luôn bị căng thẳng, lo âu thì sẽ tác động tiêu cực đến hệ thần kinh, từ đó dẫn tới rối loạn chức năng truyền tín hiệu từ não bộ đến các cơ ở bắp tay hoặc những vị trí cơ khác trên cơ thể. Để phản ứng với căng thẳng, hệ thần kinh sẽ gia tăng áp lực lên các mạch máu và hiện tượng này sẽ khiến lượng máu bị giảm tuần hoàn tới các cơ gây ra tình trạng căng cơ;

●       Lặp lại chuyển động liên tục ở tay: khi cơ bắp ở tay bị vận động quá mức trong thời gian dài  (thường gặp ở vận động viên thể dục dụng cụ, đấm bốc, bơi lội,...). Nguyên nhân là do sự chuyển động lặp lại sẽ liên tục gây ra áp lực không nhỏ lên các dây thần kinh và các khớp. Về lâu về dài tình trạng này sẽ khiến vùng cơ ở bắp tay gặp chấn thương và gây nên triệu chứng đau nhức cơ nghiêm trọng, dai dẳng.

Nguyên nhân gây căng cơ tay

2. Triệu chứng của căng cơ tay

Những người bị căng cơ tay thường sẽ xuất hiện những dấu hiệu như sau:

●       Đau cơ ngay cả khi người bệnh đang nghỉ ngơi và không vận động gì;

●       Vùng cơ tay bị tổn thương có triệu chứng đỏ, bầm tím hoặc sưng tấy;

●       Yếu cơ và gân;

●       Đau khớp, đau nhức cơ khi vận động ở các cơ đang bị tổn thương;

●       Bắp tay đang bị căng cứng khó vận động linh hoạt.

Đối với những trường hợp chỉ bị căng cơ tay nhẹ, mặc dù cơ tay bị rách và mất đi sự linh hoạt nhưng người bệnh vẫn có thể vận động những cơ này. Tình trạng căng cơ từ nhẹ đến trung bình có thể tự khỏi sau một vài tuần nếu người bệnh nghỉ ngơi và chăm sóc tốt. Còn ở những bệnh nhân bị rách cơ nặng thì cơn đau sẽ dữ dội hơn rất nhiều và người bệnh gần như không thể cử động tay. Phải mất tới vài tháng điều trị người bệnh mới có thể phục hồi nếu bị căng cơ nặng. Nếu gặp phải các triệu chứng sau đây thì bệnh nhân nên đi khám bác sĩ ngay:

●       Dấu hiệu căng cơ không thuyên giảm sau một tuần, kèm theo đó là những biểu hiện như nóng đỏ ở vị trí cơ bắp bị tổn thương;

●       Khó thở, chóng mặt;

●       Khi vận động ở vùng cơ bị căng sẽ cảm thấy đau nhức dữ dội.

3. Những phương pháp giúp khắc phục chứng căng cơ tay

3.1. Điều trị tại nhà

Đa phần những trường hợp bị căng cơ tay đều có thể tự chữa được tại nhà. Nếu sau khi trị liệu hay luyện tập người bệnh gặp phải chấn thương thì có thể áp dụng phương pháp R.I.C.E như sau:

●       Rest - nghỉ ngơi: bệnh nhân nên ngừng luyện tập hay vận động để phần cơ tay được nghỉ ngơi trong vài ngày, tránh nguy cơ tổn thương lan rộng hơn;

●       Ice - chườm đá: biện pháp này có tính hiệu quả khá cao giúp giảm thiểu tình trạng sưng đỏ của cơ tay. Người bệnh nên bọc một viên đá lạnh bằng túi chườm hoặc khăn nhỏ để áp lên vùng cơ tay đang bị căng cơ. Nên chườm đá trong vòng 15 - 20 phút/lần, mỗi lần cách nhau 60 phút và duy trì trong 1 - 3 ngày;

●       Compression - băng ép: bệnh nhân có thể dùng băng vải y tế hoặc băng thun quấn xung quanh vùng cơ tay đang bị căng. Thực hiện điều này cho đến khi cơ tay giảm sưng. Cần lưu ý là không nên quấn tay quá chặt vì sẽ khiến cản trở quá trình lưu thông máu;

●       Elevation - nâng cao vùng tổn thương: bạn có thể đặt tay ở vị trí cao hơn tim để giảm sưng đau và khắc phục tình trạng viêm cơ một cách hiệu quả.

Khắc phục chứng căng cơ tay tại nhà

3.2. Điều trị y tế

Dựa trên nguyên nhân cũng như tính chất nghiêm trọng của tình trạng căng cơ tay, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện những cách điều trị sau:

Dùng thuốc:

●       Thuốc corticoid: là một loại thuốc có khả năng kháng viêm mạnh mẽ, công dụng ức chế miễn dịch, tiêu viêm, chống dị ứng, cải thiện chứng sưng đau ở vùng cơ bị tổn thương. Corticoid thích hợp cho những bệnh nhân bị căng cơ do rối loạn tự miễn hoặc không đáp ứng tốt với các thuốc nhóm NSAIDS;

●       Thuốc giãn cơ: những thuốc này có tác dụng giảm thiểu triệu chứng khó chịu do co thắt cơ và cải thiện chức năng vận động của cơ tay;

●       Thuốc kháng virus hoặc kháng sinh: áp dụng cho những trường hợp căng cơ tay xuất phát từ nguyên nhân nhiễm trùng.

Tập vật lý trị liệu:

Để chức năng cơ tay được hồi phục nhanh hơn, người bệnh có thể tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ. Những động tác này sẽ giúp giảm đau hiệu quả, đồng thời hỗ trợ tăng cường sức mạnh của cơ. Vật lý trị liệu có thể bao gồm massage, nhiệt trị liệu, siêu âm trị liệu và các bài tập vận động khác,...

Phẫu thuật:

Đây là phương pháp được chỉ định cho những bệnh nhân bị căn cơ tay có biến chứng như:

●       Căng cơ quá mức gây rách mạch máu, rách cơ, gân;

●       Các phương pháp điều trị bảo tồn không đem lại hiệu quả khả quan.

Khắc phục chứng căng cơ tay phẫu thuật

Trước khi phẫu thuật người bệnh sẽ được gây mê toàn thân. Sau đó bác sĩ sẽ rạch một đường trên da, thao tác kỹ thuật nối mạch máu và 2 đầu cơ với nhau. Sau khi hoàn tất phẫu thuật, bệnh nhân cần phải bó bột cố định từ 3 - 4 tuần hoặc cho đến khi vết thương đã lành hẳn. Người bệnh sau tháo bột sẽ cần phải tập vật lý trị liệu để khôi phục chức năng vận động.

Trên đây là những thông tin bạn cần biết về chứng căng cơ tay. Nếu bạn chỉ bị căng cơ tay nhẹ thì có thể tự điều trị tại nhà và nó sẽ tự hồi phục sau thời gian ngắn. Còn nếu bị căng cơ nặng thì tốt nhất là bạn nên đi khám để được chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị hợp lý nhất.

Để được tư vấn thêm về các vấn đề cơ xương khớp hoặc những bệnh lý khác, mời quý bạn đọc vui lòng liên hệ ngay qua hotline 1900565656, tổng đài viên của MEDLATEC sẽ hỗ trợ bạn trả lời mọi thắc mắc và hướng dẫn bạn đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa.

Từ khoá: căng cơ tay

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.