Tin tức
Đau cơ tay là do đâu, điều trị như thế nào?
- 01/08/2023 | Căng cơ tay là do nguyên nhân gì? Khắc phục ra sao?
- 01/08/2023 | Căng cơ bắp tay: triệu chứng, nguyên nhân và cách khắc phục
- 01/09/2023 | Bị đau khớp khuỷu tay - nguyên nhân và cách điều trị
- 01/03/2024 | Đau mắt cá tay nguyên nhân và cách khắc phục
- 01/03/2024 | Hội chứng đường hầm cổ tay: bệnh lý gây triệu chứng đau và tê tay
1.
Thế nào là đau cơ?
Đau cơ (thường được gọi là đau nhức cơ bắp) là tình trạng co rút hoặc căng buốt gây đau ở một nhóm cơ, thường xảy ra sau khi vận động quá mức. Do cơ bắp có ở hầu hết các vùng trên cơ thể nên bất cứ vùng nào cũng có thể bị đau cơ và có khi sẽ bị đau cơ ở rất nhiều bộ phận cùng một lúc.
Đau cơ bả vai là một trong những vị trí hay gặp
2. Nguyên nhân gây đau cơ tay
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau cơ tay nhưng phổ biến nhất là:
- Tập luyện quá sức, bê vác đồ quá nặng
Khi mới bắt đầu tập thể thao, do nôn nóng, nhiều người tập với cường độ cao và mạnh nên cơ phải tăng vận động một cách đột ngột và cơ thể không cung cấp đủ oxy cho những hoạt động này nên xảy ra tình trạng chuyển hóa yếm khí. Quá trình đó là tác nhân tạo ra chất gây đau cơ. Mặt khác, những người cố gắng làm việc quá sức, mang vác đồ quá nặng thì cũng rất dễ bị đau, nhức mỏi cơ tay.
- Ngủ sai tư thế
Nằm ngủ sai tư thế có thể chèn ép lên cánh tay và làm giảm lưu thông máu ở vùng tay bị chèn, cơ xương không được nuôi dưỡng đủ oxy nên bị đau cơ tay. Thậm chí có những người sau khi ngủ sai tư thế còn bị đau nhức dữ dội, không thể nhấc nổi cánh tay lên, tay bị tê bì.
- Mắc một số bệnh lý gây đau cơ tay như:
+ Bệnh cột sống cổ: người bệnh bị đau nhức vùng vai, đau lan xuống bàn tay và cánh tay, có thể bị tê bì ngón tay.
+ Viêm quanh khớp vai: các phần mềm quanh khớp vai bị viêm nên vùng cơ ở khớp vai cũng bị đau và hạn chế vận động. Lúc này, người bệnh thường có cảm giác đau, vận động khó. Bước sang giai đoạn sau, người bệnh có thể ít bị đau hơn nhưng vận động khớp lại bị hạn chế, khớp vai dễ bị cứng.
+ Viêm khớp cổ tay: bệnh lý này khiến cho vùng cổ tay và cơ bàn tay bị đau. Giai đoạn đầu người bệnh thường bị sưng đau ở khớp, cơn đau có xu hướng tăng lên khi vận động khớp nhưng đến giai đoạn sau thì cơn đau sẽ có tần suất đều hơn, vận động khớp bị hạn chế, cổ tay cũng hoạt động khó khăn.
Viêm khớp cổ tay là một trong các nguyên nhân gây đau cơ tay
+ Do căng thẳng: mệt mỏi và căng thẳng là tác nhân khiến cho lưu thông máu và trao đổi oxy giữa các tế bào của cơ thể giảm xuống. Kết quả là người bệnh bị đau cơ tay và nhiều vùng cơ khác trên cơ thể.
+ Rối loạn điện giải: có một số trường hợp bị thiếu canxi, kali, rối loạn điện giải khác nên bị đau cơ tay do chuột rút.
3. Điều trị và phòng ngừa đau cơ tay
3.1. Điều trị đau cơ tay
Đau cơ tay chủ yếu được điều trị bằng thuốc. Để giảm đau căng cơ, viêm nhiễm, người bệnh thường được kê đơn thuốc:
- Paracetamol
Thuốc có tác dụng giảm đau nhẹ và vừa, dùng với liều cân nặng được chỉ định (10 - 15mg/kg và nếu vẫn còn đau thì các liều sau cần đảm bảo khoảng cách ít nhất 4 - 6 giờ/liều.
- Thuốc chống viêm không steroid
Đây là nhóm thuốc có tác dụng hạ sốt, chống viêm và giảm đau nhờ khả năng cắt đứt quá trình sản xuất chất gây viêm. Tuy nhiên, thuốc có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, viêm loét dạ dày,... nên cần có chỉ định từ bác sĩ. Các loại thuốc phổ biến ở nhóm này là diclofenac, ibuprofen, celecoxib, mobic,...
Thuốc chống viêm NSAID có tác dụng chống viêm, giảm đau cho người bị đau cơ tay
- Thuốc corticosteroid
Nhóm thuốc kháng viêm steroid này có tác dụng giảm đau mạnh nên chỉ dùng với trường hợp bị đau nhiều và không đáp ứng với các loại thuốc giảm đau khác. Thuốc cần được chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa về liều lượng và thời gian điều trị, không được lạm dụng thuốc để tránh các tác dụng có thể gặp phải như lông mọc rậm, đau bụng, suy tuyến thượng thận, loãng xương,... Chỉ dùng loại thuốc này khi có đơn từ bác sĩ.
Ngoài việc dùng thuốc để điều trị thì một số biện pháp sau cũng góp phần hỗ trợ cải thiện đau cơ tay:
- Nghỉ ngơi và không vận động cơ tay quá mức.
- Nếu bị đau cơ tay cấp tính có thể chườm mát để giảm đau bằng cách bọc đá trong khăn mỏng rồi chườm lên vị trí đau. Nếu bị đau mạn tính thì có thể dùng các dược liệu tự nhiên để chườm ấm như: ngải cứu rang muối.
- Có thể giảm đau bằng thuốc bôi ngoài dạng kem thoa hoặc cao dán chứa thành phần methyl salicylate lên vùng bị đau 2 - 3 lần/ngày, không nên thoa trên 5 ngày.
3.2. Phòng ngừa đau cơ tay tái phát
Đau cơ tay có thể tái phát thường xuyên gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và sinh hoạt hàng ngày. Vì thế, để phòng ngừa nguy cơ tái phát, người bệnh nên:
- Tập thể dục đều và vừa sức để cải thiện độ săn chắc cho cơ bắp, tăng cường miễn dịch.
- Luôn chú ý khởi động kỹ càng trước khi tập luyện để tránh bị căng, đau cơ trong quá trình tập. Việc làm này còn giúp cho các cơ được làm quen với việc tập luyện sau đó nên tránh được tình trạng vận động đột ngột làm cho oxy không cung cấp kịp cho cơ tay sinh ra đau.
- Kiểm soát cảm xúc vì lo lắng, căng thẳng dễ làm tăng mức độ đau.
- Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu magie, kali, canxi, vitamin nhóm B,... vào thực đơn hàng ngày để cải thiện sức khỏe cho hệ cơ.
Nếu đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ giảm đau cơ tay tại nhà mà không thuyên giảm hoặc tình trạng này tái diễn nhiều lần, kéo dài thì nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để bác sĩ thăm khám và chẩn đoán đúng nguyên nhân gây đau cơ tay. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc chữa trị tại nhà vì điều này tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hại cho sức khỏe.
Nếu còn bất cứ thắc mắc nào khác về bệnh đau cơ tay, quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để nhận được giải đáp xác đáng từ Hệ thống Y tế MEDLATEC.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!