Các tin tức tại MEDlatec
Cảnh giác hậu quả nghiêm trọng do chủ quan tự ý bỏ thuốc điều trị sau phẫu thuật tuyến giáp
Co giật toàn thân - Hậu quả do hạ calci máu sau phẫu thuật tuyến giáp
Bệnh nhân L.T.T.H (52 tuổi, Hà Nội) đến khám tại Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Tây Hồ sau khi trải qua nhiều đợt co giật không rõ nguyên nhân trong suốt 4 tháng. Theo lời kể của bệnh nhân và gia đình, các cơn co giật xuất hiện đột ngột, với biểu hiện:
- Co quắp tay chân, mất ý thức, sùi bọt mép, cơn kéo dài khoảng 5 phút.
- Sau co giật, bệnh nhân mất kiểm soát tiểu tiện, tỉnh táo hoàn toàn sau khoảng 1 giờ.
- Bệnh nhân xuất hiện co giật hằng ngày, có ngày xuất hiện hai cơn.
Khai thác bệnh sử, bệnh nhân không có bệnh lý di truyền và trước đó đã từng phẫu thuật cắt hoàn toàn tuyến giáp, được chẩn đoán suy giáp nhưng đã tự ý ngừng điều trị trong 4-5 tháng. Cách đây 2 tháng, bệnh nhân đi khám có chẩn đoán động kinh tại một bệnh viện lớn bằng phương pháp MRI não và điện não đồ (không xét nghiệm máu). Sau 1 tháng uống thuốc theo chỉ định, bệnh nhân thấy mệt nhiều và cơn động kinh không thuyên giảm nên tự ý bỏ thuốc.
Qua thăm khám sơ bộ, bệnh nhân có dấu hiệu Trousseau, Chvostek, tăng kích thích thần kinh cơ. Phản xạ gân xương tứ chi cũng tăng bất thường, kèm theo các cơn co giật.
BSCKI. Hoàng Anh Tuấn - Chuyên khoa Thần kinh, Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Tây Hồ chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh. Kết quả cho thấy:
- Hạ calci máu nặng:
- Calci toàn phần: 1.41 mmol/L (bình thường > 2.2 mmol/L);
- Calci ion hóa: 0.65 mmol/L (bình thường > 1.17 mmol/L);
- PTH (hormone tuyến cận giáp kiểm soát nồng độ canxi trong máu) giảm: <1.2 ng/L (bình thường 10-60 ng/L) nguy cơ suy tuyến cận giáp.
- Siêu âm tuyến giáp phát hiện 2 cấu trúc giảm âm có kích thước lần lượt 20x7mm và 29x7mm trước khí quản, tăng sinh mạch trên siêu âm Doppler, hướng nhiều đến tuyến giáp chưa cắt hết hoặc tuyến giáp lạc chỗ, chưa loại trừ tăng sinh bất thường cơ quan lân cận.
Hình ảnh CT sọ não của bệnh nhân L.T.T.H có dấu hiệu phù nề phần mềm và hội chứng Fahr
- Hình ảnh CT sọ não cho thấy vôi hóa đối xứng tại hạch nền, phù hợp với hội chứng Fahr - một bệnh lý thần kinh hiếm gặp liên quan đến rối loạn chuyển hóa calci.
Dựa vào các kết quả trên, bệnh nhân được chẩn đoán: Co giật do hạ calci máu cấp nặng do suy cận giáp - suy giáp sau phẫu thuật tuyến giáp / chưa loại trừ động kinh.
Hạ calci máu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi với nhiều nguyên nhân khác nhau (Ảnh minh họa)
Tuyến cận giáp kiểm soát mức độ calci trong máu bằng cách sản xuất hormone parathyroid (PTH). Nếu tuyến cận giáp không hoạt động đúng cách hoặc bị tổn thương (do phẫu thuật, bệnh tự miễn hoặc do bẩm sinh), nồng độ PTH sẽ giảm dẫn đến hạ calci máu.
Từ các chẩn đoán trên, bệnh nhân được tiến hành điều trị theo các nguyên tắc:
- Điều chỉnh calci máu cấp tốc bằng truyền calci đường tĩnh mạch.
- Điều trị duy trì bằng bổ sung calci, vitamin D và hormone tuyến giáp thay thế.
- Kiểm soát nguy cơ co giật bằng thuốc chống động kinh.
- Theo dõi định kỳ để kiểm tra mức độ ổn định của calci và đánh giá lại nguy cơ động kinh.
Bệnh nhân ngay sau đó được tiếp tục theo dõi và điều trị chuyên sâu. Sau quá trình bù calci, tình trạng bệnh nhân được cải thiện nhưng cơn co giật chưa hoàn toàn chấm dứt. Hiện tại, bệnh nhân vẫn đang được theo dõi để xác định có cần tiếp tục điều trị động kinh lâu dài hay không.
Theo PGS.TS.BSCC Nguyễn Quốc Dũng - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Công nghệ và đào tạo; Giám đốc chuyên môn Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh & Thăm dò chức năng MEDLATEC GROUP; Phó Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam: Việc bổ sung calci cho bệnh nhân H. không chỉ là giải pháp tức thời mà cần duy trì lâu dài, kết hợp theo dõi sát sao các chỉ số xét nghiệm. Trường hợp này cũng gợi ý khả năng có cấu trúc tuyến cận giáp lạc chỗ, hoặc tuyến giáp chưa cắt hết, cần đánh giá chuyên sâu hơn.
Phân biệt chẩn đoán co giật do động kinh và co giật do hạ canxi máu giúp người bệnh điều trị đúng hướng
Một trong những thách thức lớn trong chẩn đoán co giật là phân biệt nguyên nhân thần kinh thực thể (động kinh) với rối loạn chuyển hóa (như hạ calci máu).
Theo đánh giá của BSCKI. Hoàng Anh Tuấn, bệnh nhân H có nhiều đặc điểm không điển hình của động kinh, bao gồm: - Cơn co giật xảy ra nhiều lần, không có yếu tố khởi phát rõ ràng. - Tần suất xuất hiện 1-2 cơn/ngày, không giống với động kinh điển hình. - Cơn giật toàn thể, vắng ý thức nhưng kéo dài dưới 5 phút.
- Sau cơn, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng thần kinh, điều này phù hợp với bệnh lý động kinh.
Để chẩn đoán hạ calci máu bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu để xác định nồng độ calci huyết thanh
Dựa vào những đặc điểm trên, cùng với kết quả xét nghiệm, BS Tuấn nhận định nguyên nhân hạ calci máu nặng và suy tuyến cận giáp, chẩn đoán co giật do rối loạn chuyển hóa (hạ calci máu) được ưu tiên hơn so với động kinh. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần tiếp tục theo dõi để loại trừ nguy cơ tổn thương tế bào não do hạ calci máu kéo dài dẫn đến bệnh lý động kinh, đặc biệt khi có hình ảnh vôi hóa tại hạch nền (hội chứng Fahr).
Tầm quan trọng của việc kiểm soát và tuân thủ điều trị hạ calci máu
Hạ calci máu không đơn thuần là một rối loạn điện giải, mà có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.
Trường hợp của bệnh nhân L.T.T.H là minh chứng rõ ràng: Cơn co giật đột ngột xảy ra ngay tại phòng khám được xử trí cấp cứu khẩn cấp. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của calci trong việc duy trì hoạt động thần kinh và cơ, cũng như tính cấp thiết của việc phát hiện và điều trị kịp thời. Ngoài ra, dấu hiệu tiểu không tự chủ kéo dài 2 tuần trước đó - một triệu chứng mà bệnh nhân đã bỏ qua vì tâm lý e ngại - có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm về cơn co giật trong giấc ngủ mà bệnh nhân không tự ý thức được.
Để tránh hậu quả sau phẫu thuật tuyến gia, bác sĩ Tuấn lưu ý hướng xử trí cho các trường hợp hạ calci máu và suy tuyến cận giáp như sau:
- Hạ calci máu cần được phát hiện sớm: Xét nghiệm calci máu và PTH là công cụ quan trọng giúp chẩn đoán nguyên nhân co giật.
- Suy tuyến cận giáp sau phẫu thuật tuyến giáp không hiếm gặp: Bệnh nhân cần được hướng dẫn sử dụng thuốc thay thế suốt đời để tránh biến chứng.
- Hội chứng Fahr có thể là một hậu quả lâu dài của suy tuyến cận giáp, gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh và làm tăng nguy cơ co giật.
Suy tuyến cận giáp sau phẫu thuật tuyến giáp có thể được kiểm soát tốt nếu bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị. Tuy nhiên, việc tự ý ngừng thuốc có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm như co giật, rối loạn thần kinh, thậm chí đe dọa tính mạng. Vì vậy, bệnh nhân cần tuân theo lộ trình điều trị triệt để, duy trì thuốc điều trị mạn tính như chỉ định, gồm:
- Duy trì điều trị hormone thay thế suốt đời.
- Theo dõi định kỳ nồng độ calci máu, PTH và các dấu hiệu thần kinh.
- Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để tránh biến chứng nguy hiểm.
Là một trong các đơn vị đi đầu ở lĩnh vực thăm khám và chẩn đoán bệnh, Hệ thống Y tế MEDLATEC quy tụ đội ngũ chuyên gia, y bác sĩ đầu ngành, giàu kinh nghiệm; được trang bị hệ thống thiết bị y khoa hiện đại hàng đầu đáp ứng đầy đủ các kỹ thuật về xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng phục vụ đầy đủ các chẩn đoán chuyên sâu.
Bên cạnh đó, MEDLATEC là đơn vị uy tín đáp ứng việc tầm soát, chẩn đoán, các vấn đề về thần kinh nói chung ở mọi lứa tuổi. Đừng chủ quan với sức khỏe của mình! Nếu bạn đang gặp những vấn đề liên quan đến hạ canxi máu mà chưa biết thăm khám, điều trị ở đâu thì hãy đến ngay các đơn vị thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC để nhận được sự hỗ trợ, khám chữa bệnh và tư vấn sức khỏe từ bác sĩ chuyên khoa.
Mọi thông tin về dịch vụ khám chữa bệnh tại Hệ thống Y tế MEDLATEC trên toàn quốc, người dân vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!