Các tin tức tại MEDlatec
Cây hồng môn và những lợi ích không phải ai cũng biết
- 11/07/2024 | Cây xương khô và một số bài thuốc chữa bệnh dân gian
- 15/07/2024 | Cảnh báo nguy hiểm từ việc dùng cây mắt mèo để chữa bệnh
- 16/07/2024 | Cây sầu đâu và những lưu ý khi sử dụng
1. Khái quát về đặc điểm của cây hồng môn
Hồng môn (vĩ hoa tròn, môn hồng, buồm đỏ) thuộc họ Ráy, là loài cây có lá và hoa đều giống hình trái tim. Nguồn gốc của loài cây này bắt nguồn từ Ecuador và Colombia.
Cây hồng môn mọc thành bụi, sức sống tốt, sinh trưởng nhanh, thân cứng, ưa khí hậu mát ẩm. Hoa hồng môn mọc lưỡng tính cùng gốc, có nhiều giống với các màu sắc khác nhau: xanh lá cây, cam, hồng, đỏ, tím.
Trung bình, mỗi lá hồng môn rộng khoảng 9 - 15 cm, dài 18 - 30 cm. Lá thường ôm sát với nhau và tỏa ra như chiếc ô. Cuống lá có hình trụ ống, dài khoảng 30 - 40 cm. Cây hồng môn có mo hoa nở rộng dạng phiến, hoa đính bên trên mo.
Cây hồng môn có rất nhiều màu để lựa chọn
2. Cây hồng môn có lợi ích gì?
Ở nước ta, cây hồng môn chủ yếu được trồng làm cảnh. Đây là loài cây mang lại rất nhiều lợi ích cho không gian sống:
2.1. Thanh lọc, làm sạch không khí
Cây hồng môn dù đặt ở vị trí nào trong nhà cũng giúp thanh lọc không khí để mang lại sự trong lành, sạch sẽ cho môi trường sống, cải thiện tâm trạng và sức khỏe.
Nếu trồng hồng môn trong nhà và quan sát, sau một thời gian bạn sẽ thấy trên cây có rất nhiều bụi bám. Điều này là do khả năng lọc bụi của hồng môn tương đối tốt. Có thể ví loài cây này giống như chiếc máy hút bụi mini giúp thu hết bụi bẩn trong nhà vào một vị trí. Chỉ cần bạn dùng bình xịt hoặc dùng khăn ướt để lau, lá cây sẽ sạch bóng trở lại.
2.2. Bớt bức xạ nhiệt
Thiết bị điện tử, nhà bếp,... là sản phẩm của cuộc sống hiện đại. Những sản phẩm này chính là nơi phát ra bức xạ nhiệt, sóng wifi,... tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho sức khỏe. Để giải quyết nỗi lo về bức xạ nhiệt trong không gian sống, không gian làm việc, có thể đặt chậu hồng môn ở gần các thiết bị này.
Sự có mặt của cây hồng môn ở gần những thiết bị này sẽ giúp bức xạ nhiệt được giảm bớt. Trồng hồng môn vừa làm đẹp vừa là giải pháp tự nhiên giúp giảm nhiệt cho không gian, giảm những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
2.3. Hút tài lộc
Xét trên phương diện phong thủy, cây hồng môn được cho là mang ý nghĩa tượng trưng cho tài lộc và may mắn. Nếu đặt một chậu hồng môn trước cửa nhà, nơi làm việc thì công việc của chủ nhân sẽ thuận lợi.
Có lẽ cũng nhờ ý nghĩa này mà nhiều người lựa chọn hoa hồng môn trưng trước bàn thờ thần Tài, mừng tân gia, mừng khai trương hoặc dâng hoa lễ Phật như gửi gắm nguyện cầu về tài lộc cho cuộc sống, sự nghiệp.
Hoa hồng môn đặt bàn làm việc mang ý nghĩa thu hút tài lộc
2.4. Phú quý và hạnh phúc
Lá và hoa hồng môn có hình trái tim. Chưa kể đến, cây hồng môn còn sở hữu sắc đỏ hoặc hồng. Những điều này kết hợp lại mang đến cho hồng môn vẻ đẹp của sự sung túc, hạnh phúc.
Không ít người đã chọn cây hồng môn làm quà tặng cho bạn bè, công ty thay lời nhắn gửi về sự thành công, may mắn, phú quý. Cặp vợ chồng mới cưới thường thích trồng một chậu hồng môn trong nhà như gửi gắm mong ước về một gia đình hạnh phúc, nhiều niềm vui.
3. Hướng dẫn cách thức trồng và chăm sóc cây hồng môn
3.1. Cách trồng cây
Cây hồng môn phát triển tốt trên đất phù sa giàu dinh dưỡng, tơi xốp, thoát nước tốt. Trước khi trồng, bạn nên trộn vào đất xơ dừa, phân chuồng hoai mục,... để tăng dinh dưỡng cho đất. Sau khi trồng hồng môn vào chậu bạn cũng nên tưới nước thật ẩm, rải một lớp sỏi trắng lên trên, vừa giúp thoát ẩm vừa tăng tính thẩm mỹ cho chậu cây rồi đưa chậu cây vào nơi râm mát để cây phát triển.
Khi cây hồng môn đã sinh trường tốt trong môi trường đất, bạn có thể chuyển ra trồng nước. Hãy chọn một chiếc bình thủy tinh trong, có kích thước rộng để rễ cây có điều kiện phát triển. Nước trồng hồng môn nên là hỗn hợp gồm 5ml dung dịch thuỷ sinh pha cùng 1l nước, đem khuấy đều sau đó cho cây vào. Trường hợp dùng nước máy, sau khi cho nước vào bình cần để khoảng 1 giờ cho clo bay hết rồi mới đặt cây vào. Hãy cố gắng đảm bảo sao cho rễ cây luôn ngập nước, mỗi tuần cần thay nước đều đặn để cây khỏe mạnh, ra hoa tốt.
Nhân giống cây hồng môn rất dễ. Khi cây đã phát triển khỏe mạnh sau khoảng 4 tháng, khả năng đâm nhánh tốt, bạn hãy nhẹ nhàng tách cây con ra rồi lấy lá lục bình bó lại, vun vào trong đất cho đến khi nhánh cây ra rễ thì đem trồng vào chậu mới.
Cây hồng môn trồng trong nước rất dễ chăm sóc
3.2. Cách chăm sóc cây
Nếu trồng cây hồng môn trong đất bạn cần chú ý tưới nước cho cây. Hồng môn là loài cây ưa ẩm, ưa nước nên cần chú ý để cây không bị thiếu nước. Vào mùa khô, ít nhất nên tưới cây 2 lần/tuần. Vào mùa lạnh, hãy tưới nước 1 tuần/lần cho cây. Tuy hồng môn ưa nước nhưng nếu tưới quá nhiều, ngập úng gốc, cây rất dễ bị chết.
Hồng môn sinh trưởng tốt trong điều kiện nhiệt độ 15 - 30 độ C nên hãy chọn vị trí râm mát để trồng và không nên để cây bị chiếu ánh nắng mặt trời trực tiếp vào buổi trưa. Nếu được hấp thụ ánh sáng vừa đủ, hoa hồng môn sẽ có sức sống khỏe, màu bền, lá cây luôn có màu xanh tươi tốt.
Tuy hồng môn ít bị sâu bệnh tấn công nhưng vẫn có thể gặp tình trạng thối rễ, thối thân, vàng lá,... Nếu gặp hiện tượng này, hãy cắt bỏ lá vàng, cắt bớt rễ hỏng, đưa cây ra nơi có ánh sáng tốt nhưng không gay gắt. Hàng tháng bạn nên bón thêm phân cho hoa hồng môn phát triển tốt hơn.
Mong rằng những chia sẻ trên đây đã giúp bạn hiểu thêm về ý nghĩa của cây hồng môn để có thêm lựa chọn làm đẹp cho không gian sống của mình. Nếu được chăm sóc đúng cách, góc hồng môn trong nhà không chỉ là điểm nhấn tươi mát mà còn là nơi mang lại cho bạn cảm giác dễ chịu sau những giờ làm việc căng thẳng.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!