Tin tức

Cảnh báo nguy hiểm từ việc dùng cây mắt mèo để chữa bệnh

Ngày 16/07/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Cây mắt mèo thường được dân gian sử dụng để chữa một số bệnh. Tuy nhiên, đã có nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy tính độc của loài cây này và đã có những khuyến nghị thận trọng khi sử dụng. Để việc sử dụng dược liệu mắt mèo không khiến bạn rơi vào tình huống nguy hiểm, bạn nên lưu ý những thông tin được chia sẻ sau đây.

1. Đặc điểm sinh học của cây mắt mèo 

Cây mắt mèo (móc mèo, đậu mèo rừng, ma niêu, đậu ngứa, đậu mèo lông bạc), thuộc họ Đậu. Loài cây này có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ, hiện là loài cây mọc hoang rất phổ biến ở nước ta. 

Mắt mèo là dạng cây bụi tán rộng, chiều cao trung bình 2 - 3m, lá hình bầu dục, mọc đối. Hoa cây mắt mèo mọc thành chùm phía đầu cành, màu vàng cam. Quả mắt mèo màu nâu, hình bầu dục. Hạt mắt mèo màu đen, bên ngoài bao phủ lớp lông tơ vàng.

Quả và hạt của cây mắt mèo

Quả và hạt của cây mắt mèo

2. Dược liệu cây mắt mèo trong các bài thuốc dân gian

2.1. Thành phần hóa học của cây mắt mèo

Nhiều tài liệu cho biết, thành phần hoá học có trong cây mắt mèo gồm: magie, sắt, canxi, 25.03% protein, lecithin, prurieninin, 4-dihydroxy-phenylalanin, nicotin, 6.75% sợi. 8.96% chất tan trong ether, 9.1% hạt chứa nước, acid gallic, glutathione,... Nhân của hạt mắt mèo chứa chất dầu màu nâu sẫm 5.9%.

2.2. Khai thác dược liệu cây mắt mèo

Ở các nước châu Á và châu Phi, cây mắt mèo rất phổ biến. Tại Việt Nam, loài cây này tập trung nhiều ở vùng miền núi miền Trung và rải rác vùng đồng bằng phía Bắc.

Dược tính của cây mắt mèo tập trung chủ yếu ở hạt. Phần lá và rễ cũng được dân gian dùng làm thuốc để chữa bệnh. Quả mắt mèo sau khi thu hoạch sẽ được tách đôi, bỏ vỏ lấy hạt phơi khô. Phần hạt này có lớp vỏ sáng bóng, rộng 2cm, dày 1cm.

Dân gian có lưu truyền nhiều bài thuốc chữa bệnh sử dụng hạt cây mắt mèo

Dân gian có lưu truyền nhiều bài thuốc chữa bệnh sử dụng hạt cây mắt mèo

2.3. Tác dụng của cây mắt mèo

Hàm lượng levodopa trong mắt mèo tương đối cao, hợp chất này có thể hỗ trợ điều trị bệnh Parkinson. Khi sử dụng, levodopa sẽ được chuyển thành dopamin trong não để cải thiện triệu chứng của bệnh lý này. Không những thế, các chứng lo âu, trầm cảm, tâm thần phân liệt cũng có thể dùng dược liệu mắt mèo để chữa trị.

Đối với cải thiện chức năng tình dục, cây mắt mèo có thể cải thiện ham muốn tình dục. Nam giới dùng dược liệu cây mắt mèo có thể làm tăng chất lượng và số lượng tinh trùng. Dân gian cũng lưu truyền bài thuốc chữa vô sinh từ cây mắt mèo.

Ngoài ra, loài cây này còn có khả năng chống viêm nên cúng được dùng để chữa trị viêm xoang, viêm khớp. Sử dụng cây mắt mèo có thể giảm cholesterol và đường huyết, rất hữu ích đối với bệnh tim mạch và đái tháo đường type 2.

3. Thận trọng với tính độc của cây mắt mèo

Cây mắt mèo mọc hoang, rất phổ biến và dễ tìm ở nhiều vùng của nước ta. Vì thế, không ít bài thuốc dân gian lưu truyền có sử dụng dược liệu này. Thậm chí, nhiều người còn dùng hạt mắt mèo để chữa ung thư. Điều đáng nói là, nhiều người không biết về độc tính ở thân, lá, hoa và quả mắt mèo, nhất là hoa và quả của dược liệu này.

Sử dụng bột từ quả mắt mèo đường uống trong khoảng 20 tuần đổ lại, với hàm lượng được chỉ định, về cơ bản là an toàn nhưng nếu lạm dụng hoặc xảy ra tương tác thuốc có thể tiềm ẩn nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Đặc biệt, lông mắt mèo dùng trực tiếp trên da hoặc dùng đường uống dễ gây ngứa, không an toàn.

Nghiên cứu của Trường đại học Dược Hà Nội chỉ ra rằng chất Sapronin trong hạt mắt mèo gây tan máu mạnh. Nếu dùng không thận trọng có thể gây xuất huyết, tán huyết, vàng da, suy thận, suy gan, tử vong. Hiện vẫn chưa có biện pháp kháng độc với chất này mà chỉ có biện pháp hạn chế tiến triển của độc dược và chờ cơ thể tự đào thải.

Độc tính từ cây mắt mèo có thể gây nguy hiểm đến tính mạng

Độc tính từ cây mắt mèo có thể gây nguy hiểm đến tính mạng

Các trường hợp sau cần hết sức thận trọng với việc sử dụng dược liệu cây mắt mèo:

- Thai phụ và người đang cho con bú: chưa có bằng chứng về độ an toàn khi sử dụng cho nhóm đối tượng này.

- Người mắc bệnh tim mạch: levodopa trong cây mắt mèo tương đối nguy hiểm nên tốt nhất không nên sử dụng.

- Bệnh nhân tiểu đường: tuy đã có bằng chứng về công dụng giảm đường huyết trong máu nhưng khi sử dụng cần có sự chỉ định hàm lượng từ thầy thuốc vì nếu không thận trọng rất dễ giảm đường huyết xuống rất thấp. Thông thường, nếu sử dụng dược liệu mắt mèo, bác sĩ sẽ phải điều chỉnh liều lượng tiểu đường.

- Người bị ung thư da: levodopa trong cây mắt mèo có thể tạo ra melanin. Bệnh ung thư da có thể tiến triển nặng hơn nếu tăng sản xuất melanin. Vì thế, nếu tổn thương bất thường trên da nếu chưa được chẩn đoán xác định ung thư da hoặc bệnh nhân đang bị ung thư da tuyệt đối không sử dụng cây mắt mèo để chữa bệnh.

- Người bị viêm loét dạ dày: cũng chính thành phần levodopa trong cây mắt mèo có thể gây xuất huyết tiêu hóa. Vì thế, bệnh nhân mắc các vấn đề đường tiêu hóa hoặc bệnh lý dạ dày không sử dụng cây mắt mèo.

- Bệnh nhân tâm thần: levodopa từ cây mắt mèo có thể khiến các triệu chứng của bệnh thêm nghiêm trọng.

- Trong phẫu thuật: dừng dùng cây mắt mèo trước ngày phẫu thuật tối thiểu 2 tuần vì dược liệu này dễ cản trở kiểm soát đường huyết trong và sau phẫu thuật.

Trong danh sách 100 loài sinh vật lạ xâm lấn thế giới của Tổ chức Bảo tồn thế giới có cây mắt mèo. Đây cũng là loài cỏ dại nguy hiểm đã từng gây ra dịch hại ở nhiều nước Đông Nam châu Á, châu Đại Dương và châu Phi.

Mặc dù có nhiều bài thuốc dân gian truyền miệng sử dụng cây mắt mèo nhưng chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh về độ an toàn từ những bài thuốc đó. Để đảm bảo việc sử dụng dược liệu tự nhiên này đúng mục đích, đạt được hiệu quả nhất định mà không gây ra rủi ro nào cho sức khỏe, người bệnh nên thăm khám và hỏi ý kiến của thầy thuốc có chuyên môn.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC có thể liên hệ đặt trước lịch khám qua tổng đài 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.